Theo những nghiên cứu của PGS, TS Biện Minh Điền (Trường Đại học Vinh), Biện Hoành là vị quan tài năng, nhân cách lớn, được mọi người trọng vọng, đã có đóng góp quan trọng cho lịch sử dân tộc ở thế kỷ 16. Công lao của ông đã được khẳng định, khắc ghi trong nhiều chứng tích, tài liệu như: Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám; “Đại Việt sử ký toàn thư”; “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục”; “Đại Nam nhất thống chí”; “Việt Nam sử lược”...

Biện Hoành sinh ra và lớn lên trong buổi đầu của nhà Lê Trung Hưng. Năm 1554, vua Lê Trung Tông mở chế khoa (khoa thi đặc biệt, đặc cách) để chọn nhân tài. Từ miền đất Hoa Duệ- ỳ Hoa (nay thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) nghèo khó, Biện Hoành khăn gói, lều chõng lên đường ra Yên Trường (Thọ Xuân, Thanh Hóa) ứng thí khoa thi đầu tiên. Khoa này chọn được 13 người, gồm 5 đệ nhất giáp và 8 đệ nhị giáp đồng chế khoa xuất thân, trong đó có Biện Hoành. Biện Hoành được vua phong cho chức quan Thanh hình Hiến sát sứ, ban cho áo mũ, cân đai triều phục, vinh quy bái tổ, lập phủ tại vùng Hoa Duệ.

leftcenterrightdel
Đền thờ Biện Hoành được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. 

Được vua ban cho 500 mẫu ruộng, Thanh hình Hiến sát sứ Biện Hoành không giữ cho riêng mình mà “cúng bản xã” chia hết cho dân nghèo cày cấy, làm ăn. Đồng thời, ông đã đứng ra tổ chức, hô hào, cổ vũ bà con khai khẩn đất hoang lập nên nhiều làng xóm (đầu tiên là 11 làng, gồm: Bến Lội-Đá Bạc, Vực Trường-Kẻ Gỗ, Kẻ Chòi-Hồng Thái, Vang Vang, Đồng Đền, A Bì- Quốc Tuấn, Truông Kho-Cồn Dù-Mỹ Sơn, Thượng Đoạn, Mỹ Châu, Cử Trạ, Truông Gai). Từ một vùng đất hoang với đồi núi, đất cằn, sỏi đá, Biện Hoành đã xây dựng được một vùng quê trù phú, muôn dân no ấm.

Cũng thời điểm của Chế khoa Giáp Dần 1554, ở Quảng Nam, vùng đất yết hầu của Thuận Quảng lúc bấy giờ, bọn Ngụy Mạc dám nghịch cương thường, quân phản loạn nổi dậy khắp nơi chống lại nhà Lê vừa khôi phục. Biện Hoành được nhà vua giao nhiệm vụ “Lĩnh Quảng Nam Đạo, Đốc thị” ra trận dẹp yên phản loạn, bảo vệ bình yên cho đất nước. Trong một lần đi thị sát, kiểm tra tình hình, quan Thanh hình Hiến sát sứ Biện Hoành gặp phải sự chống trả quyết liệt của kẻ thù. Trước tình thế cấp bách, một mất một còn, ông kiên cường, bất khuất đương đầu với kẻ thù, kiên quyết chiến đấu đến cùng vì sơn hà, xã tắc. Ông đã anh dũng hy sinh...

Cảm phục tấm lòng trung quân, ái quốc, nhà nước phong kiến thời bấy giờ đã truy phong ông là Thượng đẳng thần. Nhân dân nhiều nơi mà trung tâm là làng Hoa Duệ lập miếu thờ Quan Nghè Biện Hoành, coi ông là Thành hoàng của làng. Trên hai cột chính miếu thờ của ông khắc đôi câu đối: “Tiên triều minh quan sinh tiền trọng/ Tạo miếu lưu dân tử hậu truyền” (Sinh thời làm quan thanh liêm được tiên triều trọng vọng/ Khi mất dân lập miếu thờ đời sau truyền mãi). Giờ đây, miếu thờ của ông được con cháu họ Biện khắp mọi miền đất nước trùng tu xây dựng khang trang, được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Bài và ảnh: VĂN CƯỜNG