Mặc dù đã mang quân hàm tướng, được phong Anh hùng LLVT nhân dân và hiện nay đang là Chính ủy Binh đoàn Tây Nguyên, nhưng anh vẫn một mực khiêm nhường: “Tôi thì có gì để viết!”. Phải tiếp cận nhiều nhân chứng, tôi mới phác họa được một phần con người anh-Thiếu tướng Hà Minh Thám...

17 tuổi và lá đơn viết bằng máu

Quê anh ở xã Vĩnh Hòa, huyện Ninh Thanh (Hải Dương). Lớn lên bên bờ khoai, ruộng lúa, nơi có những hố bom và căn hầm trú ẩn, lại tận mắt chứng kiến hình ảnh oai hùng của lớp lớp trai làng ra tiền tuyến, trong lòng chàng trai Hà Minh Thám, đã sớm hun đúc ý thức công dân, trách nhiệm với Tổ quốc. Tối tối trong căn nhà nhỏ, anh và các em thơ lại háo hức đón chờ các câu chuyện từ “Những vì sao đất nước” đến lịch sử tổ tiên ta đánh giặc… qua lời kể của cha. Các câu chuyện lịch sử ấy, nhất là ánh mắt đăm đắm, trìu mến yêu thương của cha như nhắn gửi: “Hãy gắng là người công dân có ích”.

Thiếu tướng Hà Minh Thám

Cuối năm 1972, trong tiếng gầm thét của máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc, Hà Minh Thám mang lá đơn tình nguyện được viết bằng máu của mình gửi lên xã xin được nhập ngũ. Nhiệt huyết của người thanh niên mới 17 tuổi tròn được chấp nhận. Sau 3 tháng huấn luyện và 4 tháng hành quân, Hà Minh Thám đã có mặt tại Liên khu 5 và tham gia chiến đấu nhiều trận trong đội hình tiểu đội trinh sát của tỉnh đội Bình Định đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

12 vết thương và những ngày xông pha lửa đạn 

Chiến tích để trở thành anh hùng của Hà Minh Thám được nối dài từ trận đánh này đến trận đánh khác trong những ngày chỉ huy chiến đấu ở biên giới Tây Nam và chiến trường Cam-pu-chia. Trong trận chiến đấu bảo vệ biên giới tại Đức Cơ vào giữa năm 1978, anh đã chỉ huy Đại đội chốt giữ điểm cao suốt 3 tháng liền, giữ vững trận địa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngày 14-9-1978, trên cương vị là đại đội phó Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 95, Quân khu 5, Hà Minh Thám vừa chỉ huy đơn vị chiến đấu vừa trực tiếp sử dụng nhiều loại vũ khí đánh lui các đợt tiến công của địch. Trong lúc đang cơ động chiến đấu, anh bị một quả đạn cối nổ gần hất ra xa. Mặc cho máu và thương tích đầy mình, anh vẫn gắng gượng lao về phía tiền duyên trận địa để xử lý tình huống khi trung đội trưởng ở đó cũng vừa bị thương. Chỉ sau 2 tháng điều trị với 12 vết thương trên cơ thể, Hà Minh Thám lại yêu cầu được trở về đơn vị chiến đấu, tham gia giải phóng Cam-pu-chia, lật đổ chế độ Pôn Pốt.

Ngày 8 và 9-12-1984, đơn vị Hà Minh Thám được giao nhiệm vụ tiến công hướng chủ yếu Điểm cao 677 (núi Cụt). Là Bí thư chi bộ, Phó tiểu đoàn trưởng về chính trị, trong lúc bộ đội bị thương vong, đạn gần hết, anh đã động viên đơn vị giữ vững quyết tâm chiến đấu, bám trụ trận địa suốt 8 giờ liền. Chưa đầy một tháng sau, anh lại trực tiếp chỉ huy 2 đại đội cài chốt sau lưng địch, truy kích địch từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều, diệt 96 tên, bắt 42 tên.

Trong trận phục kích căn cứ Núi Hồng (Xiêm Riệp - Cam-pu-chia), Hà Minh Thám tiếp tục khẳng định phẩm chất của một người anh hùng. Lúc này lực lượng địch có khoảng 300 tên từ biên giới Thái Lan theo đường mòn biên giới đang tiến vào nội địa. Ban chỉ huy Trung đoàn 95 khi ấy chỉ có Phó trung đoàn trưởng về chính trị Hà Minh Thám trực ở đơn vị. Trước lúc giao nhiệm vụ, sư đoàn trưởng Trần Minh Thiệp hỏi: “Ai chỉ huy trận này?”. Hà Minh Thám đứng dậy trả lời: “Tôi”. Nhìn vẻ tự tin, quyết đoán của người cán bộ chính trị trẻ tuổi nhưng đã dày dạn kinh nghiệm trận mạc, sư đoàn trưởng đồng ý trao quyền cho anh.

Không phụ lòng tin của trên, trận này Hà Minh Thám đã chỉ huy trung đoàn giành thắng lợi “kép”. Chỉ bằng một đòn đón lõng và sau 2 giờ chiến đấu, Trung đoàn 95 của anh đã diệt 93 tên địch, thu 96 súng. Không dừng ở đó, anh còn táo bạo tổ chức cho bộ đội cắt rừng tiếp tục truy kích địch. Hà Minh Thám nhớ lại: “Đêm hôm đó, khi đã lệnh cho đơn vị lùi về phía sau củng cố lực lượng, tôi trằn trọc không ngủ được. Đêm đã khuya, trèo lên chòi quan sát, bất chợt tôi phát hiện trên trời thỉnh thoảng lại có một pháo hiệu xanh của địch bắn về hướng tây nam. Từ kinh nghiệm chiến đấu, vả lại địa bàn này tôi nắm khá chắc nên đã phán đoán: Địch sẽ về đồi Không Tên (trên hướng tây nam) để lấy nước uống. Tôi lập tức triệu tập chỉ huy các tiểu đoàn để phổ biến kế hoạch tác chiến mới và ngay sáng hôm sau tổ chức cho bộ đội cắt rừng hành quân về hướng đồi Không Tên. Đúng như nhận định, địch mới đến khu vực này và đang tranh nhau lấy nước. Bị ta tiến công bất ngờ, địch chạy tán loạn, bỏ lại nhiều xác chết và vũ khí, trang thiết bị chiến đấu”. Trận đánh này, Hà Minh Thám được tặng thưởng huân chương Chiến công hạng nhất và đây là tấm huân chương chiến công thứ tư trong 11 năm chiến đấu tại chiến trường Cam-pu-chia. Ngày 13-12-1989, anh được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Bài và ảnh: Trần Tiến