Vinh dự khi nhận nhiệm vụ
Sa Minh Ngọc sinh năm 1991 tại Hà Nội trong một gia đình quân nhân nên ngay từ nhỏ chị đã có tình cảm đặc biệt với màu xanh áo lính. Lên đại học, chị có 5 năm đi du học tại Malaysia. Chị Ngọc chia sẻ: “Trong thời gian học tập tại nước bạn, tôi đã được học và tìm hiểu về hoạt động GGHB của LHQ. Cùng với mơ ước được trở thành bộ đội, ngay sau khi tốt nghiệp cử nhân tại Malaysia về nước, tôi viết đơn tình nguyện xin vào phục vụ quân đội và nộp hồ sơ dự tuyển vào Trung tâm GGHB Việt Nam (nay là Cục GGHB Việt Nam). Năm 2015, tôi chính thức được lựa chọn và tham gia lực lượng GGHB”.
Cuối tháng 10-2016, Trung úy Sa Minh Ngọc nhận nhiệm vụ tham gia đội hình BVDC 2.1 tập kết tại Bệnh viện Quân y 175 ở TP Hồ Chí Minh và đảm nhận vị trí Trợ lý hành chính, tài chính, Ban Điều hành BVDC 2.1. Thời điểm chuyển công tác từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh cũng là lúc ngày cưới của chị chỉ còn cách vài tháng. Tuy nhiên, với nỗ lực của bản thân cùng sự ủng hộ của hai bên gia đình và sự quan tâm, động viên sâu sát, tạo điều kiện của thủ trưởng các cấp đã giúp chị chu toàn mọi việc. Đến tháng 10-2018, Trung úy Sa Minh Ngọc cùng các đồng đội lên đường thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ tại BVDC 2.1 ở căn cứ Bentiu.
Chị Ngọc nhớ lại: “Tới nơi, tôi khá ngạc nhiên khi sân bay ở Nam Sudan khác hoàn toàn so với những sân bay mà tôi đã từng đến. Đó là một bãi đất trống, chỉ có đất, cát, cây khô, không có sảnh, thời tiết rất nóng. Tuy nhiên, chúng tôi rất xúc động khi nhận được sự đón tiếp nồng hậu từ các nhân viên Phái bộ GGHB LHQ, những đồng đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại đây và cả các nhà báo quốc tế”.
Những thử thách khó quên
Tới Nam Sudan, chị Ngọc và các đồng đội lập tức triển khai thực hiện nhiệm vụ của mình. Bentiu là một trong 3 căn cứ khó khăn nhất của Phái bộ GGHB LHQ ở Nam Sudan, đặc biệt là vấn đề giao thông. Suốt thời gian mùa mưa 5-6 tháng, đường bộ từ thủ đô Juba về Bentiu gần như đóng cửa vì hư hỏng và trơn trượt. Bentiu không có dịch vụ, hàng quán, địa điểm giải trí, thư viện, công viên. Do đặc thù công việc cũng như vị trí địa lý đặc biệt, rất nhiều người làm việc tại đây chưa từng ra khỏi đơn vị mình, trừ một số trường hợp ra ngoài làm nhiệm vụ.
Tại BVDC 2.1, chị Ngọc đảm nhận chức vụ là Trợ lý hành chính, tài chính. Bên cạnh công việc hằng ngày, một trong những nhiệm vụ chính của chị phụ trách là bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt 24/24 giờ giữa BVDC 2.1 với Cục GGHB Việt Nam và LHQ. Chị Ngọc chia sẻ: “Công việc của tôi gần như không có thời gian cố định, phải tham gia trực không có ngày nghỉ để xử lý các thông tin, chỉ đạo từ Việt Nam. Hay những công việc đột xuất của LHQ như có lần vào nửa đêm, bác sĩ của BVDC cấp 1 của LHQ điện tới BVDC 2.1 hỏi xin máu để cấp cứu cho bệnh nhân. Ngay lập tức, tôi phải báo cáo với chỉ huy đơn vị để xin ý kiến chỉ đạo, nhằm bảo đảm máu được chuyển tới cho bệnh nhân một cách nhanh nhất có thể. Do đó, điện thoại bàn cũng như điện thoại di động của chúng tôi bắt buộc mở 24/24 giờ”.
Tại BVDC 2.1, việc sử dụng internet cũng là một khó khăn, mỗi người chỉ được cấp dung lượng 2 Gb/tháng để truy cập internet. Vì thế, quân nhân trong đơn vị phải sử dụng rất tiết kiệm, phần lớn dùng để kiểm tra thư điện tử, gửi văn bản và nhắn tin, rất hiếm khi xem hình ảnh, video. Một thử thách khác mà những quân nhân làm việc tại căn cứ Bentiu phải đối mặt là sự khắc nghiệt của thời tiết. Nơi đây, có thời điểm vào ban ngày nhiệt độ lên đến 50 độ C, buổi tối có lúc giảm xuống chỉ còn 8 độ C. Chị Ngọc kể: “Ở đây có hai mùa là mùa khô và mùa mưa. Vào mùa khô, nước sạch rất khan hiếm, mỗi người trong đơn vị tôi chỉ được cấp 5 lít nước/ngày phục vụ sinh hoạt. Do đó, chúng tôi phải tiết kiệm, tái sử dụng nước nhiều lần. Vào mùa mưa, chúng tôi phải đối mặt với các loại bệnh dịch, đặc biệt là bệnh sốt rét. Với tinh thần đoàn kết cùng sự quyết tâm, chúng tôi đã cùng nhau vượt qua những khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Cờ Tổ quốc ở Nam Sudan
14 tháng sống và làm việc tại Nam Sudan là khoảng thời gian khó quên đối với Sa Minh Ngọc. Trong đó, kỷ niệm mà chị nhớ nhất là buổi lễ thượng cờ của các quốc gia nhân kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập LHQ (24-10-2018). Trung úy Sa Minh Ngọc vinh dự được lựa chọn là người thượng cờ Việt Nam. Trước ngày diễn ra lễ kỷ niệm, chị gặp phải chấn thương ở tay do trong lúc tập luyện kéo cờ, dây kéo hoen gỉ cứa vào tay. Lúc bấy giờ, tay bị thương mà thời gian diễn ra buổi lễ đã cận kề khiến chị lo lắng, nhưng với quyết tâm và bản lĩnh của người quân nhân, lá cờ Việt Nam đã được Trung úy Sa Minh Ngọc kéo lên thành công. “Thật tự hào khi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc do chính đôi tay mình kéo lên tung bay trên bầu trời Bentiu. Khoảnh khắc ấy mỗi khi nhớ lại như lời nhắc nhở bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa để có thể cống hiến cho đất nước, để tiếp bước cha anh, vượt mọi khó khăn hoàn thành sứ mệnh GGHB LHQ”, Trung úy Sa Minh Ngọc xúc động chia sẻ.
Trong hành trang Trung úy Sa Minh Ngọc mang từ Việt Nam sang Nam Sudan có một hộp đồ vẽ mà ban đầu dự định của chị sẽ sử dụng nó để thư giãn sau giờ làm việc, ấy vậy mà hộp đồ vẽ đó đã giúp chị làm được một việc hết sức ý nghĩa. Khi đội hình BVDC 2.1 của Việt Nam tới căn cứ Bentiu, các chiến sĩ phải làm việc và nhận bàn giao công việc tại khu vực lều bạt của BVDC cấp 2 của Anh. Đến tháng 12-2018, BVDC 2.1 chính thức chuyển sang khu làm việc nhà tiền chế do công binh Anh xây dựng và hoàn thiện. Trong hạng mục bàn giao, các công binh Anh có nhiệm vụ vẽ các lá cờ hai bên lối đi vào bệnh viện. Một bên vẽ cờ Nam Sudan, Anh và LHQ, bên còn lại vẽ lá cờ Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình vẽ, có một sự cố ngoài ý muốn là hết màu vàng mà phải là loại màu vẽ ngoài trời chống nước và chịu được thời tiết, trong khi ở Bentiu để kiếm được loại màu đặc biệt như vậy là nhiệm vụ bất khả thi. Rất may mắn, trong hộp đồ vẽ của chị Ngọc có màu vàng mà các bạn công binh Anh đang thiếu. Chị Ngọc nói: “Ngay sau khi hỗ trợ các bạn Anh vẽ lá cờ Nam Sudan, thấy các bạn chưa tiến hành vẽ lá cờ Việt Nam, tôi đã ngỏ ý muốn được đích thân vẽ lá cờ Tổ quốc, và các bạn người Anh đã đồng ý hỗ trợ tôi. Đó là lần đầu tiên tôi vẽ cờ Tổ quốc, lại là ở một nơi đặc biệt như vậy. Và giờ thật tự hào khi hình ảnh “cờ đỏ, sao vàng” ấy đã trở thành biểu tượng của BVDC 2.1 để những người đã và sẽ đến đây được nhìn thấy nó”.
Ngoài nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe các nhân viên Phái bộ GGHB LHQ, chị Ngọc và đồng đội cũng thường xuyên tham gia các hoạt động điều phối quân-dân sự được tổ chức vào những giờ nghỉ, ngày nghỉ. Ở các hoạt động này, chị cùng đồng đội của mình có cơ hội được tiếp xúc, gặp gỡ và trò chuyện với các em nhỏ, những người dân địa phương. “Khoảnh khắc khi các em nhỏ tại khu vực bảo vệ thường dân của LHQ chạy đến thi nhau chạm vào lá cờ Việt Nam mà chúng tôi mang theo trên đường hành quân; hay khi các em cố gắng đánh vần hai chữ Việt Nam và rồi đồng thanh hô to “Việt Nam, Việt Nam” là tình cảm ấm áp mà người dân nơi đây dành cho chúng tôi, những người lính Bộ đội Cụ Hồ, dành cho dân tộc, đất nước và con người Việt Nam. Điều này giúp chúng tôi có thêm động lực để thực hiện nhiệm vụ”, chị Ngọc nhớ lại.
LA DUY