Hải là công dân của Sa Thầy rồi. Hải là con của núi rừng Tây Nguyên. Hải là “đồng bào” rồi. Hải thuộc từng lối đi lên nương, thuộc từng con suối, mỗi mặt trời lên trên dãy núi Ngọc Rinh Rua, thuộc cả mỗi con trăng bay qua đỉnh cao có cái tên Charlie và Delta huyền thoại.

Năm 2008, chúng tôi đi cùng Trung tướng Khuất Duy Tiến (nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3) vào Nghệ An. Chuyến đi ấy mục đích là thăm anh em cựu chiến binh (CCB) và phát động họ viết bài cho cuốn sách “60 năm tình nghĩa thủy chung” của Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 320. Lê Mạnh Hải thay mặt anh em CCB Nghệ An, Hà Tĩnh nhận lời và ủng hộ 70 triệu đồng.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Lê Mạnh Hải (bên trái, đeo kính) cùng Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 thăm Sa Thầy (Kon Tum), năm 2018.  Ảnh: Nguyễn Trọng

Hôm sau trên đường về, nhà văn Khuất Quang Thụy bảo tôi, giờ không lo gì nữa, cứ chuyên tâm mà viết thôi. Nhưng anh em tôi vui là thế, mà có biết đâu đúng lúc ấy gia đình Lê Mạnh Hải đang gặp hoạn nạn. Vợ anh vừa bị tai nạn giao thông nằm bệnh viện mấy tháng trời. Doanh nghiệp làm ăn không suôn sẻ, vậy mà Hải vẫn tỏ ra như không có gì xảy ra. Anh đi vay tiền để gửi ủng hộ Ban liên lạc truyền thống sư đoàn trước đã rồi tính tiếp. Sau này, Hải nói với tôi: “Lúc ấy, tài khoản của tôi không còn một đồng. Tôi chạy vạy nuôi công nhân và cầm cự để phục hồi sản xuất bạc cả đầu. Nhưng với sư đoàn, tình cảm của tôi khó nói lắm. Với đồng đội đã từng sống chết cùng nhau thì không suy tính thiệt hơn. Con người tôi dành cho phần đời nghĩa tình chiến đấu của mình lớn hơn cả”.

Lê Mạnh Hải là con trai của ông Phú Nguyên, một doanh nhân và nghệ nhân vàng bạc nổi tiếng thành Vinh (Nghệ An) thời Pháp thuộc. Trước khi vào bộ đội năm 1971, Lê Mạnh Hải đã tham gia chiến đấu. Khi còn là học sinh mới 17 tuổi, anh tham gia dân quân bắn máy bay Mỹ ở thành phố Vinh và đã được khen thưởng. Anh vào chiến trường Tây Nguyên đúng lúc Chiến dịch xuân-hè 1972 ác liệt ở Kon Tum. Tuy ở tiểu đoàn vận tải nhưng anh rất say chiến đấu. Anh từng có mặt trong những ngày ác liệt trên điểm cao 1049 và một mình nổ súng đánh bọn thám báo lùng sục vào kho vũ khí của ta.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Khâm, nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 320, từng nhận xét rằng: “Lê Mạnh Hải như con dao pha. Khi là chiến sĩ vận tải dũng cảm khiêng cáng thương binh; khi làm thủ kho cấp vật tư vũ khí cho bộ đội ở chân điểm cao 1049 chiến đấu với thám báo, biệt kích địch bảo đảm an toàn kho tàng, cấp phát kịp thời, đầy đủ đạn dược cho bộ đội. Khi làm thợ sửa chữa vũ khí thì thông minh sáng tạo, sửa chữa được cả ô tô, gò hàn chế tạo những vật dụng sinh hoạt và cả dụng cụ phục vụ chiến đấu. Ở Nhà truyền thống Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) có một hiện vật từ thời chống Mỹ, cứu nước đề “Máy phát tia lửa điện do chiến sĩ Lê Mạnh Hải sáng tạo”. Đó là một chiếc máy được Lê Mạnh Hải chế tạo từ những chi tiết máy thu được của địch sau những trận đánh... Trở về đời thường, anh cùng với vợ đã đóng góp ủng hộ vào những hoạt động của CCB sư đoàn, đóng góp đúc quả chuông cho nhà tưởng niệm liệt sĩ sư đoàn tại Pleiku”.

Kể ra thì nhiều lắm những đóng góp của gia đình anh với đồng đội 320 ở quê hương nói riêng và cả Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 320 nói chung. Anh là trung tâm đoàn kết, là ngọn cờ quy tụ tình cảm yêu thương, gắn bó của những người lính năm xưa nơi xứ Nghệ. Anh kéo những người lính trở về đời thường xích lại với nhau. Lê Mạnh Hải đến hầu khắp các huyện có CCB Sư đoàn 320 để chia sẻ, động viên với những người lính còn khó khăn. Người ta cần anh ở lúc anh động viên, anh chỉ ra cách làm ăn cho đồng đội mình.

Để có được những nhà bia trang nghiêm xứng với tầm vóc ở Tây Nguyên hay Củ Chi, Ban liên lạc sư đoàn phải vượt qua nhiều công đoạn. Thủ tục pháp lý, thủ tục tiến hành xây dựng, tài chính ra sao? An toàn lao động thế nào? Hàng chục cuộc họp, hàng chục chuyến đi vào Nam, ra Bắc của những CCB già, tuổi đã ngoài 70. Trong tất cả sự vượt lên khó khăn ấy có công lao của Lê Mạnh Hải.

Tôi không muốn kể số tiền mà anh đã đóng góp để xây dựng các nhà tưởng niệm liệt sĩ. Tất cả những nhà bia liệt sĩ mà Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 320 làm nên không phải là hình thức xã hội hóa. Không xin tiền bất kỳ nơi nào, không có quyên góp kiểu từ thiện, mà là tiền đóng góp của các CCB và Hải là người tiêu biểu. Tôi chỉ nói những chuyến đi xa nhà của anh trong 3 năm lăn lộn ở chiến trường xưa. Nếu lấy điểm tính từ những cuộc họp giữa tháng 8-2016 bàn về việc làm bia tưởng niệm, cho tới ngày 24-4-2019 hoàn thành nhà bia cửa mở Đồng Dù (Củ Chi) thì Hải đã gần trọn 3 năm trời xa nhà để làm việc nghĩa. 

Phải có lòng tin tưởng và sự cuốn hút tuyệt đối của cá nhân Lê Mạnh Hải mới có thể lập nên một đội gồm 28 người lính già trở lại chiến trường xưa vác gạch, cõng xi măng, thồ nước lên đỉnh cao trên 1.000m xây nhà bia liệt sĩ. Anh Hải kể, những đêm trên 1015, 1049 gió ào ạt, gió như những tiếng thì thầm của linh hồn đồng đội thủ thỉ bên các anh. Họ dõi theo từng việc làm và phù hộ cho những người lính xây dựng công trình trong điều kiện chênh vênh trên núi. Vậy mà không một tai nạn nhỏ nào xảy ra. Có lẽ chỉ nhìn hình ảnh Lê Mạnh Hải, Nguyễn Thế Tân đi lấy nước từ chân núi lên đỉnh cao nghìn mét, hình ảnh các anh ăn cơm trong gió bụi 1015 (đồi Charlie), trong túi lúc nào cũng chỉ thấy dầu gió và thuốc huyết áp mà lên xuống hàng dăm bảy chục lần dãy núi Ngọc Rinh Rua. Chỉ nhìn những người lính già Nghệ An, Hà Tĩnh đêm ngủ trong nhà bạt lổn nhổn những vỏ đạn, vỏ súng han gỉ vụn vỡ, mỗi tuần tắm một lần thì mọi sự thành công, an toàn cũng là xứng đáng. Người xứng đáng được yêu thương nhất phải là Lê Mạnh Hải. Những chuyến xe lên núi thật như một cuộc du lịch mạo hiểm. Đường lên đồi Charlie không dành cho những lái xe yếu thần kinh và xe phân khối khiêm tốn. Ấy vậy mà nhiều lần ngồi trên xe với Hải, thấy anh cựa quậy tấm đai lưng thường trực bảo vệ đĩa đệm mà thương.

Rời Tây Nguyên, Lê Mạnh Hải lại về Củ Chi. Chúng tôi cũng đi cùng với Hải. Quên sao được một đêm ở Đồng Dù, khi nghe điện thoại vợ đi cấp cứu, Hải vội ra sân bay mua bằng được vé bay về Vinh đưa vợ vào bệnh viện rồi vài ngày sau, khi vợ đã qua cơn hiểm nghèo, anh lại bay vào với công trình nhà bia liệt sĩ Đồng Dù. Sự gắn bó, trách nhiệm, nền nếp của Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 320 khiến lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 9 và cả Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 trân trọng cũng như hết lòng ủng hộ. Lê Mạnh Hải là cầu nối cho sự thân ái yêu thương giữa bộ đội Sư đoàn 9 và CCB Sư đoàn 320. Nhà bia trên cửa mở Đồng Dù không chỉ của “bộ đội 320” mà là của đồng bào Củ Chi với những người đã hy sinh giữ gìn mảnh đất này. Bộ đội Sư đoàn 9 hầu như ai cũng biết Hải. Anh là niềm tự hào của chúng tôi.

Những ngày gần cuối công trình ở Đồng Dù, Lê Mạnh Hải phát hiện ra mình bị bệnh hiểm nghèo. Ai cũng lo lắng cho Hải nhưng anh vẫn bình thản và lao vào công việc. Anh bảo, có ốm lăn quay thì cũng phải để xong trọn vẹn nhà bia này đã. Ngày làm lễ khánh thành ở cửa mở Đồng Dù nắng chan hòa. Nhìn Hải mặt đỏ gay và mồ hôi ướt đầm, đôi mắt sáng ngời, nụ cười tươi làm cho anh trẻ lại và đẹp rạng rỡ. Tôi nhìn anh và nghĩ, đằng sau anh còn bao nhiêu việc. Anh còn lo cho cả một doanh nghiệp đủ công ăn việc làm, lo cho bao nhiêu cuộc mưu sinh của đồng đội mình. Bệnh tật sao nỡ làm khó cho anh?

Hải nằm viện K, những lúc hiểm nghèo, đồng đội liên tục đến thăm anh. Sau mỗi cơn đau, thấy đồng đội đến là anh cười, là vui như không. Con người đến là kỳ lạ, hầu như với anh không có gì bận tâm ngoài tình nghĩa người lính thủy chung.

Lê Mạnh Hải được Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 320 tin yêu, đồng đội nể phục. Đồng bào Sa Thầy luôn mong đón bộ đội Hải về thăm. Người Kon Tum viết bài hát về Hải, nhiều buổi phát thanh của đài phát thanh-truyền hình địa phương nói về Hải với niềm tự hào như thể Hải đã là con em của Kon Tum. Ngày 26-12-2018, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã trao bằng khen tặng Lê Mạnh Hải vì sự đóng góp xây dựng truyền thống lịch sử địa phương. Năm 2020, Lê Mạnh Hải còn nhận được thư khen của chỉ huy Sư đoàn 320. 

Những ngày dịch Covid-19 làm cả nước lo lắng, ngưng trệ mọi công việc khiến người nghèo lại thêm khốn khó. Cảm động làm sao khi Lê Mạnh Hải đang dưỡng bệnh hiểm nghèo cũng gửi cả xe gạo 4 tấn vào tặng đồng bào Sa Thầy, Đức Cơ. Tôi cứ hình dung ở trong ấy, cả nghìn đồng đội của chúng tôi nằm lại ở cao điểm 1015, 1049, ở Đức Cơ... cũng thầm tự hào về Lê Mạnh Hải. Tôi lại nhớ dáng Hải từ cao điểm 1015 trở về vục nước rửa mặt ở con sông Sa Thầy dưới chân cầu treo Rờ Kơi, ngước nhìn lên 1015, 1049... rồi lại quay sang dãy Chư Mom Ray, Chư Tan Kra-một vùng rừng núi thiêng liêng. Nơi ấy có hàng nghìn, hàng nghìn đồng đội thân yêu của chúng tôi mấy chục năm không về!

NGUYỄN TRỌNG LUÂN