QĐND - LTS: “Đơn tuyến” là cuốn truyện ký mới của Đại tá, nhà văn Phạm Quang Đẩu viết về cuộc đời và chiến công của nhà tình báo, nhà khoa học còn ít người biết đến: Thiếu tướng, GS, TSKH Nguyễn Đình Ngọc (1932-2006). Ông là con một liệt sĩ thời chống Pháp, từ năm 1956 được Công an Liên khu 4 “đánh” sang Tây Âu trở thành một nhà toán học, rồi năm 1966 trở về hoạt động trong lòng địch với vỏ bọc giáo sư Đại học Khoa học Sài Gòn. Những tin tức tình báo chính xác, kịp thời của ông những năm đó đã góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Cuốn sách có 10 chương, với nhiều đề mục, dưới đây SK&NC trích đăng chương 9, ở giai đoạn quyết định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đêm khuya. Tôi dán tai vào cái ra-đi-ô nhỏ, bản tin cuối cùng của Đài Tiếng nói Việt Nam: Rạng sáng ngày 10-3-1975, quân ta đồng loạt tấn công Buôn Ma Thuột và ngày 11-3 thị xã này thất thủ. Ngày 12-3, lực lượng của Quân đoàn 2 Quân đội Sài Gòn, gồm các trung đoàn của Sư đoàn 23, Liên đoàn 21 biệt động cùng bộ phận còn lại của Trung đoàn 53, với sự yểm trợ của Sư đoàn 6 không quân phản kích nhằm tái chiếm Buôn Ma Thuột, nhưng đã bị quân Giải phóng đánh áp đảo, cầm chân trên đường 14. Sáng 14-3, tại Cam Ranh, Tổng thống Thiệu đã ra lệnh cho Trung tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2, Quân khu 2 tùy nghi di tản, rút các lực lượng khỏi Tây Nguyên. Quân đội Sài Gòn bị quân ta truy kích dọc đường số 7 và đang tan rã.

Ngày 26-3 Huế thất thủ; tiếp đến 29-3 là Đà Nẵng; đầu tháng Tư, lần lượt các thành phố biển miền Trung được giải phóng…

Tôi nhận được chỉ thị từ ông Hai Tân (tức Nguyễn Phước Tân, sau này là Trung tướng, Tổng cục phó Tổng cục An ninh, Anh hùng LLVT nhân dân): Trung ương muốn biết trong tình hình chính quyền Sài Gòn sắp bị sụp đổ, Mỹ có quay trở lại hay không? Cần trả lời ngay!

Ngày 25-4, qua ông Hai Chuối, người liên lạc, tôi nhận được một tài liệu gồm 2 tờ in rô-nê-ô “Thông tri số 10/TT ngày 22-4-1975” của Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam. Đây cũng là văn bản đầu tiên của cấp cao nhất đến được tay tôi kể từ ngày về nước:

“1. Do những thắng lợi dồn dập của ta và trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của ngụy quyền Sài Gòn, đế quốc Mỹ đã ép Thiệu từ chức hòng tìm biện pháp ngăn chặn tổng công kích, tổng khởi nghĩa của ta, làm lạc hướng đấu tranh của quần chúng, mong tránh khỏi thất bại hoàn toàn của chúng. Việc Thiệu từ chức, Hương lên thay trong tình hình hiện nay càng làm tinh thần ngụy quân ngụy quyền sụp đổ nhanh, nội bộ chúng càng mâu thuẫn phân hóa sâu sắc, càng có lợi cho ta tổng tấn công nổi dậy và giành thắng lợi nhanh chóng ở thành thị và nông thôn. Vì vậy, các cấp bộ đảng và toàn thể quân dân ta cần phải:

Thiếu tướng, GS, TSKH Nguyễn Đình Ngọc. Ảnh: T.L.

- Nắm vững mục tiêu đánh đổ toàn bộ chính quyền địch, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân.

- Quyết đẩy mạnh cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa và quyết giành toàn thắng.

- Đả phá mọi tư tưởng chờ đợi, chập chờn, do dự.

2. Các cấp, các ngành đều phải tập trung đẩy mạnh tấn công nổi dậy, đồng thời tiếp quản xây dựng tốt vùng giải phóng và phát triển các lực lượng cách mạng. Phải hết sức tranh thủ thời cơ và thời gian thuận lợi hiện nay để giành toàn thắng, không được một chút nào do dự, chần chừ, dù là kẻ địch có đưa ra bất cứ đề nghị thương lượng nhân nhượng nào…”.

Tôi đọc xong, ghi nhớ và đốt tài liệu này đi.

Tôi đến nhà Phó đề đốc hải quân Nghiêm Văn Phú (em rể của vợ GS Nguyễn Đình Ngọc - tác giả), đúng lúc vợ chồng anh ta đang bàn tính thu xếp mang đi những thứ gọn nhẹ, đáng giá nhất.

- Có lẽ em sẽ sang Pháp với chị em - Nguyệt Mỹ vợ Phú nói với tôi - Nhưng nhà em thì thích sang Mỹ hơn.

Bộ mặt Phú bợt bạc, nói là độ nửa giờ nữa phải xuống giang đoàn xung phong mạn Cần Thơ, còn vợ con anh sẵn sàng khi có xe đón là lên đường ngay. Tôi hỏi Phú:

- Tình hình nguy cấp thế này, sao không cầu cứu không lực Hoa Kỳ yểm trợ?

- Đã gọi ra Đệ Thất hạm đội cho Đô đốc Nô-en Gây-lơ (Noel Gayler) rồi, nhưng máy không bắt được, bận liên tục.

- Gọi lại xem, biết đâu gặp.

Phú bật máy bộ đàm. Bỗng có tín hiệu. Tiếng của người ở đầu dây bên kia nghe được khá rõ. Phú gào vào bộ đàm:

- Đô đốc có biện pháp gì yểm trợ khẩn cấp chứ. Chúng tôi không thể tử thủ mãi được. Sắp bại trận cả rồi!

- Hết cách rồi! - Tiếng Nô-en Gây-lơ trầm đục, không giấu nỗi thất vọng - Ông Thiệu, ông Kỳ cũng yêu cầu như Phó đề đốc nhưng Tổng thống Giê-rôn Pho (Gerald Ford) đã từ chối. Giờ chỉ còn chiến dịch di tản bằng phi cơ C130 tại phi trường Tân Sơn Nhất đưa người Mỹ rời Việt Nam thôi.

Phú buông máy, nhìn tôi nhún vai lắc đầu. Tôi nói với anh ta:

- Đằng nào cũng thua rồi. Tử thủ không giải quyết được gì, chỉ thêm đổ máu cho cả hai phía.

Phú nhìn tôi không biểu thị sự phản đối. Tôi nói tiếp:

- Anh vẫn còn binh quyền, nên ra lệnh cho thuộc cấp "án binh bất động". Không nên đụng độ khi Việt Cộng tiến công vào Sài Gòn bằng đường thủy.

Đôi mày rậm của Phú hơi nhướn lên khi nghe tôi nói vậy. Tôi đọc được thoáng hoài nghi nào đó trong ánh mắt anh ta. Trong giờ phút sinh tử này, tôi quyết định nói thẳng ra điều ấy, cho dù anh ta có phản đối và hiểu ra thì cũng đã muộn. Nhưng Phú chớp chớp mắt nhìn tôi thay cho một lời đồng tình, còn bảo:

- Hiện ở phi trường Tân Sơn Nhất rất nhốn nháo. Cộng quân có thể pháo kích bất cứ lúc nào. Chỉ còn cách di tản theo đường thủy ra Đệ Thất hạm đội. Anh có theo gia đình tôi thì hôm nay ở luôn lại đây.

- Tôi có một mình - Tôi nói - Lại chỉ làm khoa học. Thôi thì phó mặc cho số phận.

Anh ta chủ động bắt chặt tay tôi. Cả hai đều hiểu: Đây là cái bắt cuối cùng. Cuộc chia tay vội vã.

Lên chiếc xe Jeep của Phú, tôi bảo với người lái:

- Đến chùa Đại Tùng Lâm trên đường 51 đi Vũng Tàu.

Viên thượng sĩ tỏ vẻ không hiểu, hỏi lại:

- Giáo sư không về cư xá ngay?

- Không! Đến chùa Đại Tùng Lâm.

Tôi đã vi phạm nguyên tắc, không chờ lệnh người chỉ huy trực tiếp của mình cho phép mà đến thẳng “đại bản doanh”. Tình hình quá cấp bách. Tôi gặp ông Hai Tân, kể lại nội dung cuộc điện đàm của Nghiêm Văn Phú với Đô đốc Nô-en Gây-lơ …

Sau này khi nước nhà đã thống nhất, theo thời gian, dần dần hoạt động của một số điệp viên đơn tuyến được phép tiết lộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi mới vỡ lẽ: Ít ra là trong thời điểm những ngày diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, cấp chỉ huy chiến lược đã nhận được 3 tin tình báo, đều khẳng định Mỹ không quay lại cuộc chiến. Đó là của ông Phạm Xuân Ẩn, lúc ấy đang trong vỏ bọc Trưởng Văn phòng Tạp chí Time tại Sài Gòn; của ông nghị Đinh Văn Đệ tôi đã từng gặp tại Đại học Khoa học và tôi. Ông Hai Tân cho biết: Tin của tôi đến bộ chỉ huy ở cấp cao nhất 24 giờ trước cuộc tổng công kích cuối cùng vào đầu não của chính quyền Sài Gòn.

Tôi còn biết thêm về câu chuyện xin cầu viện Mỹ mà ông Chủ tịch Ủy ban quốc phòng của Hạ viện Đinh Văn Đệ đã kể công khai, thực ra đó chính là một “mẹo” khá cao cường của người điệp viên này, khi thẳng thừng nói về thực trạng của quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng là để làm nản lòng chính Tổng thống Giê-rôn Pho, làm ông ta không còn quyết tâm vực dậy chế độ Sài Gòn nữa.

Đầu giờ chiều hôm đó, sau khi đã gặp và báo cáo, khẳng định với ông Hai Tân là Mỹ sẽ không quay trở lại, chính quyền Sài Gòn hoàn toàn bị bỏ rơi, tôi trở về phân hiệu của Đại học Khoa học Sài Gòn đóng tại Thủ Đức. Ở đây, tôi đã chứng kiến một sự việc bi hùng. Một mũi tấn công của quân ta khi tràn qua khu vực nhà thờ Thủ Đức, bỗng xuất hiện ổ đại liên của địch bố trí trên tháp chuông nhả đạn xối xả. Sau ít phút, ổ đại liên đó bị dập tắt. Trước mặt tôi, một chiến sĩ giải phóng còn rất trẻ bị trúng đạn ngã xuống hè đường, anh được đồng đội đưa về phía sau cấp cứu. Cái mũ cối của anh bị văng ra. Tôi đến nhặt chiếc mũ đó lên. Một lỗ đạn xuyên phía trước và máu của người lính ấy còn thấm đỏ trên mũ…

Vợ chồng Nghiêm Văn Phú đã chạy thoát ra Hạm đội 7 và di tản sang Mỹ. Qua ông Hai Tân tôi còn được biết, người Phó đề đốc này đã thực hiện lời yêu cầu của tôi lúc trước, ra lệnh cho cấp dưới thuộc quyền “án binh bất động” khi quân ta từ Đồng bằng sông Cửu Long tiến theo đường thủy vào giải phóng Sài Gòn.

PHẠM QUANG ĐẨU