QĐND - Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thanh Dũng (nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9) từng đối mặt với quân thù hơn trăm trận lớn nhỏ, trực tiếp bắn cháy 3 tàu sắt “hạm đội nhỏ trên sông” của Mỹ, cùng với một đồng đội bắn cháy một xe M113 và trở về từ cõi chết với bốn lần bị thương… Ông là tấm gương dũng cảm, gan dạ, xông pha nơi đạn lửa, gắn bó trong đội hình của những đơn vị lừng danh như Tiểu đoàn 307, Trung đoàn U Minh, trên khắp bưng biền Cửu Long...
 |
Đồng chí Nguyễn Thanh Dũng (bên trái) dự Đại hội Thi đua Quyết thắng ở Trung đoàn U Minh năm 1973. Ảnh do nhân vật cung cấp.
|
Là người con của Bạc Liêu, sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, từ nhỏ Nguyễn Thanh Dũng đã sớm tiếp xúc với các cô chú “Việt cộng”, rồi rất tự nhiên tham gia cách mạng lúc nào không hay. Mười sáu tuổi, Dũng chính thức thoát ly gia đình bước vào con đường cách mạng. Chiến tranh đã lưu lại thành những kỷ niệm của một thời hoa lửa hào hùng với những hào quang của chiến công và những vết thương nhức nhối khi trái gió trở trời. Thiếu tướng Nguyễn Thanh Dũng bồi hồi nhớ lại: “Một ngày vào cuối năm 1972, từ vị trí đóng quân ở kinh Sơn Trắng (xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ), Tiểu đoàn 307 của chúng tôi được lệnh cấp tốc hành quân, về kinh Trầu Hôi (xã Nhơn Ái, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ) chiến đấu. Lúc này là mùa nước nổi, khi tiểu đoàn vừa tới nơi, vừa tổ chức làm công sự, cất giấu xuồng xong thì mờ sáng hôm sau, đúng như ta dự đoán, Tiểu đoàn Bảo an 406 Cần Thơ của địch hùng hổ kéo đến. Chúng chia thành ba mũi đánh chiếm khu vườn đơn vị ém sẵn. Tiểu đoàn 307 kiên nhẫn chờ, khi địch chỉ còn cách đội hình ta khoảng 8m, toàn tiểu đoàn đồng loạt nổ súng. Bị bất ngờ, bọn địch hỗn loạn tháo chạy, tiểu đoàn xung phong, chia cắt đội hình địch để tiêu diệt. Sau hai giờ nổ súng, ta làm chủ hoàn toàn trận địa”.
 |
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Dũng và vợ Nguyễn Thị Mai.
|
Bị bất ngờ thua đau, suốt ngày hôm đó, địch điên cuồng dùng hỏa lực phi pháo bắn phá vào trận địa của ta. Rồi chúng đổ thêm một tiểu đoàn của Sư đoàn 21 xuống khoảng đồng trống gần đó. Khoảng 8 giờ sáng ngày hôm sau, được máy bay L19 chỉ điểm, pháo 155mm của địch ở trận địa Cả Bảo bắn trúng ngay nắp công sự của Ban chỉ huy Tiểu đoàn 307, vùi lấp toàn bộ căn hầm. Phát hiện Ban chỉ huy Tiểu đoàn bị pháo địch chôn vùi dưới lòng đất, các đồng chí liên lạc của tiểu đoàn nhiều lần đến cứu nhưng bị pháo địch bắn rát lại phải xuống hầm ẩn nấp. Cho đến khi ta móc được hầm thì đồng chí Nguyễn Văn Bảo (Năm Bảo) Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn và một đồng chí tên Khanh đã hy sinh, đồng chí Bảy Sang Tiểu đoàn trưởng bị thương rất nặng, máu tràn ra hai lỗ tai, ra miệng. Cùng nằm trong hầm có Nguyễn Thanh Dũng (lúc này là Chính trị viên phó Tiểu đoàn) cũng bị thương nặng, nằm bất động. Trong bom đạn mù mịt, các chiến sĩ liên lạc tưởng đồng chí Chính trị viên phó hy sinh, đã đưa ông và các đồng chí hy sinh xuống giấu dưới mương nước gần trận địa. Khi đem giấu thi thể Nguyễn Thanh Dũng dưới mương nước, đồng chí liên lạc tên là Đỗ Văn Cù (Chiến Thắng), với lòng quý trọng, thương xót đã gác đầu đồng chí Dũng lên bờ đất, lấy lục bình đậy lại. Đến cuối chiều, khi ngớt bom pháo, quân địch đã lùi ra xa trận địa, tiểu đoàn làm công tác thương binh, tử sĩ. Anh em tắm rửa cẩn thận rồi đưa thi thể từng đồng chí vào bọc ni-lông để mai táng. Trong khi khiêng Chính trị viên phó, đồng chí liên lạc Chiến Thắng phát hiện người ông vẫn còn nóng, sờ vào tim còn nghe thấy đập nhẹ, liền la lớn báo cho đồng chí Nguyễn Văn Bình-y sĩ và đồng chí Hùng-y tá tiểu đoàn đến cấp cứu... Đến ngày hôm sau, Nguyễn Thanh Dũng tỉnh dậy, “trở về từ cõi chết” nhưng ông bị thương gần như toàn thân.
Câu chuyện “trở về từ cõi chết” của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Dũng còn gắn liền với chuyện tình cảm động giữa một anh lính trận với nữ y tá Nguyễn Thị Mai. Trận ấy, sau khi “sống lại”, Nguyễn Thanh Dũng bị hàng loạt vết thương: Xuyên đùi trái, gãy xương sườn, gãy xương đòn, gãy xương mu bàn tay phải, đạn xuyên ngang hai vai, trúng đầu. Sau khi đại phẫu tại Đội Phẫu thuật Trung đoàn, ông được chuyển đi cùng đoàn thương binh, vượt qua Quốc lộ 4 về Bệnh xá tỉnh Cần Thơ (tại ngã tư Cây Dương, huyện Phụng Hiệp), điều trị. Sau đó, đơn vị chuyển ông và một số anh em thương binh nặng về ở Bệnh xá Trung đoàn U Minh tại kinh Cũ, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ. Đây cũng là nơi anh lính 25 tuổi bị thương bầm giập, nằm bất động, được cô y tá Nguyễn Thị Mai tận tình chăm sóc.
Ngoài việc điều trị, chăm sóc ăn uống, tắm giặt, vệ sinh, ngày nào y tá Mai cũng khiêng, cõng Nguyễn Thanh Dũng cùng anh em thương binh lên bờ chuối trên đồng để tránh B-52, hết bom đạn lại khiêng về. Ròng rã hơn 3 tháng trời như thế, điều thần kỳ tiếp theo đã đến: Chàng thương binh đã hồi phục rất nhanh. Ân tình sâu đậm và trách nhiệm của nữ y tá trẻ đã làm cho trái tim anh rung động. Một năm sau đó-cuối năm 1973, đám cưới đơn sơ thời chiến của hai người được tổ chức. Từ đó, Nguyễn Thanh Dũng và người vợ nặng ân tình đã viết tiếp chuyện tình tuyệt đẹp, xây dựng một gia đình đầm ấm, hạnh phúc như hôm nay.
Bài và ảnh: TRỌNG DƯƠNG