Trung tướng Tiêu Văn Mẫn, nguyên Phó tư lệnh Chính trị Quân khu 5, sinh năm 1933, quê ở làng Long Ban, xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Cha bị bệnh rồi mù lòa, mẹ tần tảo nuôi cả gia đình. Tuổi thơ cơ cực đã rèn luyện cho cậu bé Mẫn lòng hiếu thảo, siêng năng, ý chí quyết tâm vượt khó, không bao giờ đầu hàng trước hoàn cảnh.

Trung tướng Tiêu Văn Mẫn.

Khởi nghĩa tháng 8-1945 với khí thế như bão tố đã lôi cuốn Bảy Mẫn đi theo cách mạng, phất cờ theo đoàn biểu tình trong khí thế hừng hực của mùa Thu lịch sử. Khi thực dân Pháp quay trở lại đánh chiếm thị xã Quảng Ngãi, Bảy Mẫn vừa đi làm công cho người chú giúp gia đình khỏi đứt bữa vừa đi dân công tải gạo, đạn ra mặt trận. Tình yêu quê hương thiết tha được nuôi dưỡng từ những lần đưa cha về thăm quê nội, ý thức giác ngộ của người tá điền trước thắng lợi liên tiếp của cuộc kháng chiến đã đưa anh đến quyết định đi bộ đội. Vậy là cuộc đời binh nghiệp của Tiêu Văn Mẫn bắt đầu từ năm 1953 khi anh tròn 20 tuổi. Hành trang chữ nghĩa mới chỉ là biết đọc, biết viết, làm toán đơn giản qua các lớp bình dân học vụ ban đêm.

Công việc đầu tiên của tân binh Tiêu Văn Mẫn là… anh nuôi. Có lần trong cuộc hành quân, anh cùng người bạn được phân công mang mỗi người một cái nồi quân dụng to bằng cái bàn đế súng cối 120mm. Để đỡ xấu hổ, Mẫn nghĩ ra “tiểu xảo” lấy tấm ga bọc vào cái nồi để mọi người tưởng là đeo bàn đế. Vậy mà đúng thật, ai cũng khen hai anh bộ đội trẻ, nhỏ con mà mang hai cái bàn đế quá to. Bảy Mẫn và bạn nghe khen vô cùng phấn khởi. Cuối năm 1953, anh trực tiếp tham gia chiến đấu, bắn cháy xe địch và ngày càng dũng cảm, dạn dày kinh nghiệm, được chi bộ kết nạp Đảng khi mới được một năm tuổi quân.

Theo Tiểu đoàn 375 (sau đổi tên thành Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 90, Sư đoàn 320), tập kết ra Bắc, Tiêu Văn Mẫn được đi học trường huấn luyện của sư đoàn tại Nghệ An. Với kết quả xuất sắc, anh được nhà trường giữ lại làm cán bộ khung. Thấy anh ham học, nhà trường tiếp tục cử anh đi học lớp đào tạo cán bộ chính trị tại Trường Sĩ quan Lục quân. Kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9-1960, Tiêu Văn Mẫn được vinh dự chọn vào đội hình tham gia duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình. Khi đi qua lễ đài anh đã nhìn thấy Bác Hồ vẫy tay chào đoàn quân đang tiến ra phía trước: Hình ảnh Bác thúc giục anh phải phấn đấu hơn nữa. Đầu năm 1965, đại đội anh đóng vai trò chủ công trong đội hình Trung đoàn 42 sau đổi phiên hiệu là 24A hành tiến về Nam.

Vào Tây Nguyên, trận đánh đầu tiên ở đường 14, đơn vị anh giành thắng lợi giòn giã. Tiêu Văn Mẫn được đề bạt làm Chính trị viên phó Tiểu đoàn. Trận Ngọc Bờ Biêng, Tiểu đoàn 6 của anh đánh thiệt hại nặng Lữ dù 173 của Mỹ, được tặng huân chương Quân công hạng hai, anh được lên chức Phó chính ủy Trung đoàn 24A. Vậy là chỉ trong vòng mấy tháng anh đã lên 3 chức. Tài bắn súng của anh, mọi người đều biết. Anh luôn có khẩu AK túc trực sẵn bên mình, gặp địch chiến đấu luôn. Anh đã được phong tặng danh hiệu ‘‘Dũng sĩ diệt Mỹ”. Tinh thần chiến đấu và khả năng chỉ huy chiến đấu của Tiêu Văn Mẫn đã được Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh lúc đó là Chính ủy Sư đoàn 304 đánh giá cao: “Anh Mẫn có công lớn trong những chiến thắng của đơn vị bởi biết làm tốt công tác tư tưởng, chọn quân đưa đi rất chính xác và phát huy hiệu quả cao. Anh luôn đi trước làm gương cho chiến sĩ”.

Cuộc kháng chiến đang bước vào giai đoạn quyết liệt, con đường binh nghiệp của Trung tướng Tiêu Văn Mẫn chắc sẽ tiếp tục gắn bó với chiến trường và hứa hẹn giành những chiến công mới nếu ông không bị đau khớp nặng. Bộ Tư lệnh Mặt trận B3 quyết định đưa ông đi điều trị. Ông được cử làm Phó chính ủy Trường Quân chính Mặt trận B3, rồi Chính ủy Bệnh viện 211, vừa công tác vừa chữa bệnh. Không thuyên giảm, ông được ra Bắc rồi chuyển qua Trung Quốc chạy chữa. Sau 2 tháng, hoàn toàn hồi phục, ông về làm cán bộ nghiên cứu ở Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị. Khi mới về, ở tuổi 35, ông là cán bộ trẻ nhất ở đây. Sau 8 năm công tác, theo nguyện vọng của ông muốn được trực tiếp xuống đơn vị, Bộ Quốc phòng quyết định bổ nhiệm Tiêu Văn Mẫn về làm Chính ủy Sư đoàn 320. Vừa có lý luận của những năm ở Cục Tổ chức vừa có kinh nghiệm chiến trường, ông đem đến làn gió mới trong công tác Đảng, công tác chính trị ở sư đoàn.

Khi ông được giao cương vị Phó tư lệnh về Chính trị Quân đoàn 3 cũng là thời kỳ quân đoàn có cuộc chuyển quân lịch sử trở lại Tây Nguyên. Đa số cán bộ gia đình ở ngoài Bắc, nay đi xa hàng ngàn cây số không ít người phân vân. Nhờ làm tốt công tác chính trị, tư tưởng mà quân đoàn đã hành quân vào Tây Nguyên với khí thế háo hức. Từ cán bộ đến chiến sĩ ai nấy đồng tâm hiệp lực xây dựng đơn vị. Ông bàn với Đảng ủy lo ổn định đời sống gia đình cán bộ, xin địa phương đất làm nhà, lập “làng quân nhân Quân đoàn 3” ngay cạnh đơn vị, tạo điều kiện cho vợ con, cha mẹ cán bộ từ Bắc vào Tây Nguyên sinh sống. 10 năm xa cách nay về lại Tây Nguyên, Quân đoàn 3 được cấp ủy chính quyền và nhân dân đón nhận yêu thương, điều đó càng làm cho Tiêu Văn Mẫn coi trọng công tác dân vận. Quân đoàn đã lần lượt phát triển được 385 tổ đội công tác đến 110 xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, góp phần phát hiện, làm vô hiệu hóa nhiều tổ chức phản động. Tình đoàn kết quân dân ngày càng bền chặt. Khi ông rời Quân đoàn về làm Phó tư lệnh Chính trị Quân khu 5, cán bộ, chiến sĩ ai nấy đều lưu luyến, xúc động. Họ nhớ về một vị tướng năng động, bình dị, gần gũi, ít khi to tiếng, quát nạt ai. Nhớ những ngày nghỉ, ông hòa vào cuộc sống người lính, chơi tú lơ khơ với họ, rồi cũng bị thua, bị vẽ râu, bị chụp mũ lên đầu, rồi cười nói hể hả trong tình anh em, tình cha con ruột thịt.

Trung tướng Tiêu Văn Mẫn (người đeo kính) thăm một gia đình nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội).

Cả cuộc đời binh nghiệp gắn bó với các đơn vị chủ lực, nay về quân khu lúc đầu ông không khỏi bỡ ngỡ. Bằng trách nhiệm, ông đi sâu vào xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân, củng cố vững mạnh các Bộ CHQS địa phương, khối chủ lực, nâng cao chất lượng các chi bộ Đảng. Qua kiểm tra, ông thấy đời sống cán bộ rất khó khăn. Mỗi lần đi phép từ Khu 5 ra miền Bắc, lương chỉ đủ đi đường, không giúp gì cho vợ con. Ông đưa ra ý kiến đề xuất trong Bộ Tư lệnh quy hoạch lại các khu vực gia đình cán bộ, CNVQP. Như vậy sau khi tổ chức cấp đất, đã có hơn 1.000 gia đình ổn định nơi ăn ở, an cư lập nghiệp. Có lần Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đoàn Khuê vào thăm Quân khu 5, thấy những làng bộ đội mọc lên, ông hỏi: “Chưa có quyết định của Bộ mà các cậu đã xây rồi”. Tiêu Văn Mẫn cười vui: “Báo cáo Bộ trưởng, anh em cứ làm dần là vừa”...

Năm 1998, Trung tướng Tiêu Văn Mẫn về nghỉ hưu. Bao năm xa vợ, xa con theo đuổi đường binh nghiệp nay ông trở về với cuộc sống đời thường, với người vợ tần tảo, thủy chung và 4 người con hiếu thảo. Ông gia nhập “làng lính” Nam Đồng ở quận Đống Đa, Hà Nội. Biết tiếng ông, một cán bộ chính trị có uy tín của quân đội, nên chưa kịp nhận sổ hưu, ông đã được bầu vào Thường vụ Đảng ủy phường, rồi từ đó đến nay ông làm việc không ngơi nghỉ với các cương vị: Ủy viên BCH Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin thành phố Hà Nội; Trưởng ban liên lạc Mặt trận Tây Nguyên và Quân đoàn 3, Ủy viên BCH Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội. Có điều bận rộn với bao công việc nhưng lúc nào cũng thấy ông giản dị, khoan thai, nụ cười luôn trìu mến trên gương mặt phúc hậu.

Trung tướng Tiêu Văn Mẫn, người con của đất Quảng Ngãi địa linh nhân kiệt đã làm rạng rỡ quê hương. Từ một tá điền làm thuê trở thành chiến sĩ rồi Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, cuộc đời binh nghiệp sôi động của ông thực sự là tấm gương sáng của các thế hệ trẻ hôm nay.         

Bài và ảnh: Hồng Vân