Câu chuyện trên cây mưng
Ở Quảng Bình và một số tỉnh miền Trung gọi lộc vừng là cây mưng. Cành mưng dẻo, bền nên lũ trẻ thường trèo chơi, đu đưa thoải mái.
Ông ngoại của Võ Nguyên Giáp là một chiến sĩ trong Phong trào Cần vương. Bên bếp lửa, chuyện Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết đánh tây ngày 22 tháng Năm năm Ất Dậu 1885 được kể mãi trong nhà, khắc sâu trong lòng cậu học trò khi ấy nỗi đau xót về sự thất bại nhưng ý chí, hào khí đánh tây thì cứ lớn mãi. Chính vì thế mà khi học ở Trường Quốc học Huế, tuy học rất giỏi, được các giáo sư người Pháp trọng nể, có cơ hội du học hoặc bổ quan, nhưng Võ Giáp (hồi ở Trường Quốc học, Võ Nguyên Giáp chỉ khai tên Võ Giáp) lại chọn con đường chống Pháp. Do lãnh đạo bãi khóa, năm 1927, Võ Giáp trở về quê. Khi tạm lánh tại nhà thầy Võ Liêm Sơn, anh đã đọc được cuốn sách đầu tiên về chủ nghĩa Mác. Về quê làng An Xá, anh đã giác ngộ cho em mình là Võ Thuần Nho và các trai làng tiến bộ, như: Doãn, Huy, Đẩu, Tào, Nhĩ... Họ thường tìm chỗ vắng, trèo lên cây để đọc sách về cách mạng mà anh Giáp xin về từ cụ Phan Bội Châu và thầy Võ Liêm Sơn.
Trong thời gian này, Nguyễn Chí Diểu, một bạn học rất thân ở Huế về đưa cho Võ Giáp bài nói của Nguyễn Ái Quốc. Hai anh em ngồi trên cây mưng nói chuyện thời sự. Anh Diểu nói:
- Giáp này, muốn làm cách mạng thì phải có tổ chức. Có tổ chức cách mạng mới gây dựng được phong trào cách mạng...
Với tư cách Ủy viên Kỳ bộ Trung Kỳ của Đảng Tân Việt cách mạng, sau này là Đông Dương Cộng sản liên đoàn, một trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng, Nguyễn Chí Diểu đã thay mặt tổ chức kết nạp Võ Giáp vào Đảng ngay tại quê nhà.
Lúc ấy, cha muốn Võ Giáp xây dựng gia đình với con gái của một nhà khá giả trong làng. Anh thì muốn thoát ly. Để thoát ly được, anh kiếm cớ vào Huế xin việc. Nhưng để tình nghĩa vẹn bề, trước khi đi, anh vẫn đến chào từ biệt cô gái. Và trước khi lên tàu, Võ Giáp nói với anh trai của cô gái: "Tôi rất tôn trọng gia đình anh. Nhưng tôi không thể lấy em gái anh. Nhờ anh về thưa lại với gia đình...".
Một nửa trời sinh
Phó giáo sư Đặng Bích Hà, con gái đầu của Giáo sư (GS) Đặng Thai Mai học rất giỏi. Sinh năm 1928, năm 1946, bà tốt nghiệp tú tài triết học trường Albert Sarraut. Sau này, bà trở thành nhà nghiên cứu lịch sử-văn hóa. Các em gái của bà là Đặng Thị Hạnh, Đặng Thanh Lê, Đặng Anh Đào đều kính nể chị như một người mẹ. Phó giáo sư Đặng Thị Hạnh nói: "Chị là người học giỏi, thông minh, hiểu biết nhất, nói tiếng Pháp chuẩn nhất trong mấy chị em chúng tôi. Đến bây giờ, tuy không theo văn học nhưng chị vẫn đọc thuộc lòng từng trang tiểu thuyết, từng vở kịch cổ điển Pháp". Bà Đặng Bích Hà không hề bon chen trong trường danh lợi, kể cả chức tước, hàm vị gì trong khoa học; chỉ làm một người em, người bạn, người yêu, người trợ thủ như hình với bóng của Đại tướng.
Ngày còn dạy học ở trường Thăng Long với GS Đặng Thai Mai, thầy Giáp thường hay đưa cô bé Hà đi chơi, hướng dẫn học bài, đọc sách. Có lẽ ngày đó Hà thích ăn xôi gà nên có lần đưa cô đi chơi ở Septo (nay là sân vận động Hàng Đẫy), thầy Giáp nói: "Sau này, anh sẽ cưới Hà bằng một con gà và một đĩa xôi". Ấy vậy mà thật, hai người thành hôn năm 1946, trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp và đã chung thủy, chia sẻ ngọt bùi cùng nhau suốt mấy cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Chính vì những hy sinh, chịu đựng, sự khước từ mọi danh vọng của bà mà có lần các em gái hỏi: “Hạnh phúc của chị là gì?”, bà đáp: “Là chị đã có anh Văn”. Trừ khi đi công tác, nếu ở nhà, hai người luôn ăn cơm chung với nhau. Có những bữa bận việc, Đại tướng gọi về: “Hôm nay anh về hơi muộn, em ăn trước đi”. Bà Hà nhất định đợi: “Em phải đợi anh về em mới ăn”. Về ăn uống, Đại tướng rất giản dị, thường vẫn ăn cháo trắng như cha con ở quê hay ăn. Đại tá Trần Hồng, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân kể: "Bữa cơm thường của ông bà Đại tướng rất đạm bạc. Hôm nhìn thấy quả trứng luộc cứ “lăn đi, lăn lại”, ông nói: “Em ăn đi”, còn bà thì nói lại: “Thôi anh ăn đi thì mới có sức”. Tay bấm máy mà nước mắt cứ chảy giàn giụa, vừa thương, vừa kính những con người thật sự vĩ đại trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống".
Tôi bình đẳng với những người lính của mình
Ngày 23-6-1997, tại Hà Nội, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara và Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại gặp nhau tại một hoạt động trong khuôn khổ Hội thảo Việt-Mỹ lần đầu tiên giữa các cựu quan chức và học giả hai nước về quan hệ Việt-Mỹ. Phía Mỹ đã gửi đến Đại tướng 8 câu hỏi. Đáng chú ý nhất là câu: “Những hành động quân sự nào của Mỹ làm tướng Giáp lo sợ nhất và vào những thời điểm nào?”. Đại tướng cười và vui vẻ nói: “Chúng tôi trả lời là từ “lo sợ” không có trong tư duy quân sự của chúng tôi, bởi vì với chúng tôi, không có gì quý hơn độc lập tự do, chúng tôi quyết đánh Mỹ và chúng tôi luôn tin tưởng là sẽ thắng”. Và Đại tướng trả lời khi phía Mỹ hỏi về cá nhân mình: “Vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình. Tôi hoàn thành nhiệm vụ cũng như những người lính hoàn thành nhiệm vụ. Trên bình diện nhiệm vụ thì tôi cũng như người lính là bình đẳng, cho nên tôi rất tôn trọng người lính”.
Sự yêu thương, tôn trọng người lính của Đại tướng được thể hiện mọi lúc, mọi nơi. Vì thế, các cán bộ, chiến sĩ trong quân đội đều gọi Đại tướng là Anh Cả, như người thân thiết nhất, quan trọng, đáng kính trong gia đình.
Ngày 20-4-2004, Đại tướng có cuộc gặp các cựu chiến binh Điện Biên Phủ tại Trung tâm Hội nghị văn hóa tỉnh Điện Biên. Đại tướng nói: “Gặp các đồng chí ở đây tôi muốn kể một câu chuyện. Trước đây tôi về Nam Bộ thăm một trong những nơi chiến đấu ác liệt nhất là tỉnh Long An và Đồng Tháp Mười, tôi đã đến thăm gia đình một đồng chí đặc công. Khi tôi vào đến nhà, đồng chí ấy đã ôm chầm lấy tôi nước mắt ròng ròng nói: “Thưa Đại tướng, gặp lại nhau đây là quý lắm rồi”. Tôi thấy rằng hôm nay, 50 năm sau Chiến dịch vĩ đại Điện Biên Phủ, chúng ta, tôi và các đồng chí, cả các đồng chí từ Cao Bằng về có mặt tại đây hôm nay thì gặp lại nhau đây là quý lắm rồi...”.
Mỗi lần nghe lại, đọc lại bài nói chuyện này, là một người lính từng trải qua chiến tranh, tôi không thể cầm được nước mắt. Đại tướng bao giờ cũng mong muốn có chiến thắng nhưng tốn ít xương máu nhất. Trong khi tìm tư liệu viết vở kịch “Khoảng trời con gái” về 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc, tôi đã nghe một câu chuyện cảm động. Một tối năm 1968, Đại tướng trên đường ra chiến trường, qua Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) thì bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân bảo đảm giao thông vây lấy. Đang náo nhiệt thì Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần cất tiếng: "Chúng cháu ai cũng muốn gặp Đại tướng. Bây giờ được gặp Đại tướng thật rồi, không phải mơ nữa... Còn nhiều người đang chạy đến đây ạ. Nhưng ở đây nguy hiểm lắm, mời Đại tướng và đoàn đi nhanh cho. Chúng cháu hứa với Đại tướng thề hy sinh để con đường tiếp viện cho miền Nam luôn thông suốt, không phút nào bị tắc nghẽn...". Đại tướng xúc động: "Chúng ta chiến đấu để chiến thắng chứ không phải để hy sinh. Tôi không muốn ai hy sinh cả. Tôi mong sớm có hòa bình để các cháu, các đồng chí còn trẻ ở đây được học hành, được sống cuộc đời tuổi trẻ trong tình yêu, trong gia đình...". Mấy hôm sau, Đại tướng nghe tin 10 cô gái Đồng Lộc hy sinh. Đại tướng và phu nhân đã khóc.
Ngày 29-5-2008, Đại tướng và phu nhân đã tặng Hà Tĩnh một cây đa, một cây ngọc lan để trồng ở Ngã ba Đồng Lộc. Đại tướng nói: “Tôi và chị Hà cùng gia đình tặng Ngã ba Đồng Lộc cây đa và cây ngọc lan này để bày tỏ tấm lòng của bản thân tôi và gia đình đối với các liệt sĩ Đồng Lộc. Mong các đồng chí đem về trồng và chăm sóc cho cây đâm chồi nảy lộc và mãi mãi xanh tươi ở ngã ba lịch sử này”. Các cô nằm yên nghỉ tuổi thanh xuân của mình đã hơn 50 năm. Đại tướng bây giờ cũng đã đi xa. Nhưng cây đa và cây ngọc lan vẫn xanh tốt, trường tồn những điều cao cả...
NGUYỄN SĨ ĐẠI