Thượng tướng Phùng Thế Tài (SN 1920), quê ở làng Văn Minh, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc thành phố Hà Nội. Ông có nhiều năm làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ và chính Bác đã tạo điều kiện cho tài năng quân sự của ông thăng hoa trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Hồi bé, ông tên là Phùng Văn Thụ, gia đình hết sức nghèo khổ, mới 13 tuổi đã phải theo người bà con sang kiếm việc làm tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Tính Thụ ít nói, nhưng khảng khái. Bị đứa con trai của chủ nhà trọ thường xuyên quát mắng, Thụ đã nhiều lần nhịn nhục, nhưng càng nhịn, nó lại càng hà hiếp khinh miệt. Không thể chịu được, một đêm Thụ lừa nó ra đường đánh cho một trận, rồi trốn lên Côn Minh - thủ phủ tỉnh Vân Nam. Thụ trở thành đứa trẻ bơ vơ trong một đô thị lớn. Ban ngày, Thụ nhọc nhằn kiếm sống bằng các việc kéo xe thuê gánh mướn, ban đêm ngủ vạ vật ở góc đường hè phố.

Một đêm, vào năm 1934, khi Thụ đang co ro trong chiếc chiếu rách, bỗng có một người thanh niên đến gần, nhỏ nhẹ trò chuyện bằng tiếng Việt với vẻ đồng cảm (về sau, ông mới biết đó là đồng chí Vũ Anh - đảng viên Cộng sản, hoạt động trong một chi bộ bí mật ở Vân Nam). Sau một lúc tâm tình, anh thanh niên đưa Thụ về nơi ở và cho phụ việc với anh tại Hãng dầu cù là Vĩnh Thắng ở Côn Minh. Người thanh niên ấy ân cần chăm sóc, bảo ban Thụ. Anh nói nhiều về nỗi nhục của người dân mất nước, gieo vào lòng Thụ ý thức đấu tranh giành lại cơ đồ và dẫn dắt Thụ đến với lý tưởng cộng sản. Thụ càng lớn càng thông minh, tháo vát và càng hăng hái tham gia hoạt động cách mạng, đến năm 1939 thì được kết nạp vào Đảng.

Đầu năm 1940, một hôm đồng chí Vũ Anh gặp riêng Thụ, dặn dò tỉ mỉ rồi giao cho một nhiệm vụ quan trọng. Đó là đúng ngày giờ quy định, Thụ phải có mặt ở nhà hàng nọ để nhận diện một người mà từ nay Thụ có trách nhiệm bảo vệ với bất cứ giá nào, nhưng không được để ai biết mình làm nhiệm vụ bảo vệ, kể cả người được bảo vệ. Lúc đầu, ông không biết người đó là ai, mãi lâu sau mới được tổ chức cho biết đó là đồng chí Trần (bí danh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc) mới từ Mạc Tư Khoa (Liên Xô) đến Côn Minh. Từ đó, ông dốc tâm dốc trí thực thi nhiệm vụ, tự thề rằng dẫu có chết cũng phải bảo vệ được lãnh tụ. Ông thủ sẵn trong người một con dao và một chiếc búa để làm vũ khí, lúc nào cũng hết sức cảnh giác, không để đồng chí Trần đi đâu một mình, nhưng cũng không kè kè bên cạnh, vì kè kè bên cạnh dễ làm địch phát hiện ra lãnh tụ (nhà đồng chí Trần ở lại gần nhà tên tỉnh trưởng Vân Nam khét tiếng chống Cộng và có mật vụ lảng vảng thường xuyên).

Mùa xuân năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, đặt bản doanh tại Pác Bó - Cao Bằng và Phùng Thế Tài vẫn được tổ chức giao trọng trách bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của Người. Hằng ngày, ông vừa lo bảo vệ Bác, vừa lặn lội mò cua bắt ốc, hái rau, đào củ, để kiếm cái ăn, chăm sóc giữ gìn sức khỏe cho Bác. Có lần, mới rạng sáng đã thấy Bác loay hoay vần một cái chum của đồng bào đựng nước bị đổ nghiêng, ông thắc mắc sao Bác đang yếu lại còn cố sức cho mệt? Bác ôn tồn giải thích: “Ta đừng để dân hiểu nhầm rằng việc nhỏ như cái chum nước bị đổ trước cửa nhà mà không dựng lên được, thì Đảng nói làm việc lớn như đánh Pháp, đuổi Nhật, giải phóng đất nước, liệu có ai tin?”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đoàn không quân Sao Vàng nhân dịp Tết Đinh Mùi (9-2-1967). Đại tá Phùng Thế Tài-Tư lệnh quân chủng Phòng không-Không quân (người đi bên phải Bác) Ảnh: Internet

Một buổi chiều, Bác trồng khoai môn trước cửa hang và ra một vế đối: “Trồng môn trước cửa”, bảo ông hãy đối lại xem. Ông suy nghĩ giây lát rồi đối lại là: “Bắt ốc sau nhà”. Bác khen vế đối chỉnh và tươi cười bảo: Cách mạng rồi sẽ phát triển và quân đội cách mạng cũng phải phát triển, đến lúc ấy biết đâu chú được cử làm tướng để chỉ huy quân đội. Phàm làm tướng thì phải biết ứng phó mau lẹ với mọi tình huống, biết ứng đối nhanh cũng là cách rèn luyện trí tuệ của người chỉ huy.

Đến tháng 4-1945, Bác Hồ đã cho ông gia nhập Giải phóng quân và làm tiểu đội trưởng. Tháng 8-1945, ông được cử làm cán bộ quân sự và tham gia tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Thất Khê (Lạng Sơn). Ông đã trải qua nhiều chức vụ như Phó chi đội trưởng Bộ đội Lạng Sơn, Phó Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320, Đại đoàn trưởng pháo binh 349, rồi Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Pháo binh. Tháng 12-1962, ông làm Tư lệnh Bộ đội Phòng không, sau đó là Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không - Không quân, rồi được giao đảm nhiệm cương vị Phó Tổng tham mưu trưởng. Ông là người có công lớn trong việc tổ chức chỉ huy mạng lưới phòng không bảo vệ miền Bắc, lập nên kì tích “Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972.

Võ Văn Tú