 |
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành (thứ ba, từ trái sang) và đồng đội cũ
|
Với anh em phóng viên Cơ quan Đại diện phía Nam Báo Quân đội nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Tư lệnh Binh đoàn Cửu Long là chỗ thân tình. Chúng tôi có mối quan hệ công tác thường xuyên từ ngày anh còn là Đoàn trưởng Đoàn 9 và thường gọi anh theo cách thân mật của người Nam Bộ là Sáu Thành. Vậy nhưng những câu chuyện về cuộc đời chiến trận của anh thì mãi đến gần đây chúng tôi mới tường tận...
“Kim Đồng” ở Tiên Phước
Chuyện bắt đầu từ chuyến tham quan Bảo tàng LLVT miền Đông Nam Bộ. Khi đến bên chiếc xe tăng phía trước bảo tàng, qua lời giới thiệu của cô hướng dẫn viên và một số cựu chiến binh có mặt hôm đó, chúng tôi được biết về những chiến công vang dội của con “chiến mã sắt” mang số hiệu 960, được Bộ Tư lệnh Tăng-Thiết giáp chọn làm biểu tượng để trưng bày. Đây là chiếc xe tăng từng “khiêu vũ” giữa những trận mưa bom, bão đạn trong Chiến dịch giải phóng Phước Long đầu năm 1975, tạo đà cho Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam. Người sử dụng chiếc xe này để chỉ huy đội hình xe tăng chiến đấu chính là Đại đội trưởng Đại đội Xe tăng 10 Nguyễn Văn Thành, tức Thiếu tướng Sáu Thành – Tư lệnh Binh đoàn Cửu Long hôm nay.
- Một sự kiện vẻ vang như thế mà bao năm nay anh chẳng kể gì với anh em? – Gặp Thiếu tướng Sáu Thành, chúng tôi trách.
Anh Sáu chỉ cười. Tính anh xưa nay vốn thế, chỉ thích làm chứ không hay nói, nhất là anh rất ngại nói về mình. Mỗi dịp anh em phóng viên gặp gỡ để hỏi chuyện, anh toàn nói về đơn vị. Nhưng rồi chúng tôi cũng gặp được những chuyện thú vị. Mới đây, tại cuộc họp mặt truyền thống cựu chiến binh Bộ Tư lệnh Tăng – Thiết giáp Miền, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về Sáu Thành. Đại tá Nguyễn Văn Tính, một đồng đội cũ của anh trong kháng chiến chống Mỹ kể:
- Những năm 1966-1968, tôi và Sáu Thành ở cùng trung đội thuộc Huyện đội Tiên Phước, Quảng Nam. Sáu Thành gia nhập quân đội từ năm 13 tuổi. Người bé tẹo. Khi mang khẩu AK thì nòng súng chạm đất. Đơn vị cấp cho cậu ấy khẩu cạc-bin cho vừa với thân người. Hồi đó tại Tiên Phước có đến hai sư đoàn Mỹ đóng quân. Chúng thường xuyên càn quét, dồn dân lập ấp chiến lược. Chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh du kích, phá vỡ âm mưu lập ấp chiến lược của địch. Sáu Thành bé nhất đơn vị nhưng chiến đấu rất cừ.
Vào quân đội, thời kỳ đầu Sáu Thành được giao nhiệm vụ làm liên lạc cho Huyện đội Tiên Phước. Vốn nhỏ bé, thông minh, nhanh nhẹn nên Sáu Thành luôn mưu trí qua mặt được bọn thám báo, đưa công văn, tài liệu đến các cơ sở của cách mạng an toàn. Sau một lần mưu trí thoát khỏi vòng vây của một tiểu đội địch, anh được thủ trưởng và anh em đơn vị yêu quý gọi là “Kim Đồng” của quê hương Tiên Phước. Ấy là vào cuối mùa mưa năm 1965, Sáu Thành một mình băng trong màn đêm đem công văn khẩn của huyện đến các xã miền núi. Giữa đường đi thì gặp ổ phục kích của địch. Bị lộ, Sáu Thành cắm đầu chạy vào khe núi. Bọn địch vừa hò hét truy đuổi vừa bắn theo như vãi đạn. Sáu Thành như chú sóc lẩn vào các vách đá tránh đạn rồi mất hút vào rừng.
- Ở tuổi mười ba, nhiều người đi ban đêm một mình còn sợ ma. Thế mà anh lại “liều” vượt cả chục cây số đường rừng trong hoàn cảnh nguy hiểm như vậy? - Chúng tôi hỏi.
Thiếu tướng Sáu Thành nói:
- Sau khi ba mình bị giặc Mỹ giết hại, mình căm uất chỉ muốn được đi chiến đấu trả thù cho ba nên chẳng biết sợ nữa. Hồi đi học, mình rất mê anh Kim Đồng nên khi được giao làm liên lạc, mình coi anh Kim Đồng như một tấm gương sáng để noi theo, nhất là đức tính gan dạ, dũng cảm, mưu trí.
Câu chuyện sau đây cũng do những người bạn chiến đấu cùng Sáu Thành kể lại, có thể coi là một dẫn chứng sinh động về cái “chất” của anh “Kim Đồng” - Sáu Thành ngày ấy. Đó là trận chiến đấu tập kích vào một ấp chiến lược ở xã Phước Lâm cuối năm 1966. Sau khi trung đội bí mật áp sát mục tiêu là một ngôi nhà kiên cố có một tiểu đội địch đang trú quân, Sáu Thành xung phong nhận nhiệm vụ mang bộc phá đánh phủ đầu. Cả trung đội căng mắt, nín thở dõi theo từng động tác của “Kim Đồng”. Trong chốc lát, Sáu Thành đã tiến sát căn nhà. Đúng lúc cả trung đội đã đặt tay vào cò súng, chờ tiếng nổ của bộc phá là xông lên thì bỗng thấy Sáu Thành loay hoay ở cửa sổ ngôi nhà rồi... ôm bộc phá quay trở ra. “Sao cậu không cho bộc phá nổ” - Trung đội trưởng hỏi. Sáu Thành thở hổn hển: “Báo cáo anh, cái cửa sổ cao quá, em với tay mãi mà không tới, không thể đưa bộc phá vào được”. “Vòng ra phía cửa chính mà đột nhập” - Trung đội trưởng nhắc. Sáu Thành lại tiếp tục bò, trườn mang bộc phá tiếp cận ngôi nhà. Sau một tiếng nổ lớn, cả trung đội xông lên. Toàn bộ tốp địch trong ngôi nhà biến thành thây ma.
Sốt rét thì đã sao!
Tại cuộc hội ngộ của những người lính xe tăng thời chống Mỹ, có một người đàn ông nhỏ thó, gầy gò, gương mặt đăm chiêu, khắc khổ, ngồi yên lặng trong một góc hội trường. Đó là ông Hoàng Trọng Khăng, nguyên Đại đội phó Đại đội Xe tăng 10. Gặp lại đồng đội cũ, Thiếu tướng Sáu Thành ùa tới ôm chầm lấy ông Khăng. Gương mặt ông Khăng vui hẳn lên:
- Hồi đó nếu vắng anh, chẳng biết tôi phải xoay xở ra sao. Mà anh cũng lạ thật. Đang sốt rét li bì như thế mà vẫn chỉ huy đơn vị chiến đấu giành thắng lợi.
Thiếu tướng Sáu Thành hồ hởi:
- Sốt rét thì đã sao! Một trận chiến đấu mang ý nghĩa quan trọng như vậy mà vắng người chỉ huy sao được.
Trận chiến đấu ấy chính là chiến dịch giải phóng Phước Long đầu năm 1975, trở thành dấu ấn sâu sắc nhất trong đời chỉ huy của Sáu Thành. Những ngày đầu mở chiến dịch, lực lượng tăng-thiết giáp chủ lực được giao cho Tiểu đoàn 21. Qua nhiều ngày tấn công địch ở Đồng Xoài, Bù Đăng, khi tiến gần đến Phước Long thì lực lượng của Tiểu đoàn 21 bị tiêu hao khá nhiều. Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định đưa Tiểu đoàn Xe tăng 20 (thực chất là chỉ có một đại đội đủ xe, do Sáu Thành chỉ huy) thay thế Tiểu đoàn 21 phối hợp với các đơn vị bộ binh đánh vào Phước Long. Hành quân từ Lộc Ninh về vị trí tập kết cách Phước Long 15km thì Sáu Thành bị sốt rét. Trước ngày xung trận, Sáu Thành bị sốt trên 40 độ, người nóng như lò lửa, toàn thân run bần bật. Tình thế gấp rút. Cấp trên tính phương án đưa Đại đội phó Hoàng Trọng Khăng lên chỉ huy Đại đội chiến đấu. Sáu Thành hỏi đồng chí y tá:
- Có cách gì hạ sốt nhanh nhất không?
- Chỉ còn cách duy nhất là tiêm thuốc liều cao, nhưng làm cách này như con dao hai lưỡi, dễ xảy ra biến chứng, rất nguy hiểm.
- Đồng chí tiêm ngay cho tôi.
Suốt buổi chiều và đêm hôm đó, cứ cách 4-5 giờ Sáu Thành lại giục y tá tiêm thuốc. Sáng 4-1-1975, thấy người bớt sốt, Sáu Thành nói với Hoàng Trọng Khăng:
- Tôi sẽ ra trận cùng với anh em!
- Nhưng anh đang sốt rét thế kia...
- Tôi ra trận được. Với những trận chiến đấu ác liệt như thế này, việc người chỉ huy sát cánh, động viên tinh thần anh em chiến sĩ là rất quan trọng.
Sáng 4-1, Sáu Thành nhận lệnh chỉ huy đội hình xe tăng mở đường cho bộ binh tấn công theo hướng sân bay đánh thẳng vào dinh Tỉnh trưởng. Lúc này địch đã đổ thêm 2 đại đội lính dù xuống Phước Long để tăng cường sức mạnh phòng ngự với quyết tâm tử thủ đến cùng. Liên tục trong 3 ngày (từ 4 đến 6-1), Sáu Thành trực tiếp chỉ huy Đại đội Xe tăng 10 phối hợp với các đơn vị bộ binh chiến đấu ác liệt, giành giật với địch từng ụ súng, lô cốt, giành thắng lợi giòn giã, giải phóng hoàn toàn Phước Long. Ông Hoàng Trọng Khăng kể lại:
- Điều đặc biệt ở anh Sáu là tính quyết đoán, táo bạo trong chỉ huy. Khi xung phong vào dinh Tỉnh trưởng, phát hiện một trận địa pháo của địch, anh Sáu cho xe quay về hướng đó thì cũng là lúc các pháo thủ của địch hạ độ cao nòng pháo nhằm vào xe tăng của ta. Tình thế nguy cấp, Sáu Thành lệnh cho xe tăng mở hết tốc lực lao thẳng vào trận địa pháo. Bọn chúng chưa kịp nhả đạn thì khẩu pháo đã bị húc đổ chỏng chơ.
Thiếu tướng Mai Văn Phúc, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp Miền nói:
- Trong chiến dịch Phước Long, Sáu Thành đã có hành động táo bạo, tiếp nhận đạn chi viện và nạp đạn ngay tại chiến trường. Về nguyên tắc, khi tiếp đạn, xe tăng phải lùi về một vị trí an toàn, sau đó tiếp tục phát triển chiến đấu. Tuy nhiên trong trận đánh vào dinh Tỉnh trưởng Phước Long, tình thế giằng co giữa ta và địch diễn ra rất ác liệt, nếu cho xe lùi về sau sẽ ảnh hưởng đến thế trận của ta. Việc Sáu Thành lợi dụng địa hình địa vật để nạp đạn ngay tại trận địa là một quyết định táo bạo, dũng cảm và rất cần thiết trong hoàn cảnh ấy. Hành động của Sáu Thành là một điển hình về tính sáng tạo, được phổ biến, học tập trong toàn lực lượng.
Thiếu tướng Sáu Thành nhớ lại:
- Tình hình lúc đó rất căng thẳng. Tôi nghĩ, nếu cho đội hình xe tăng lùi lại sẽ gây tâm lý hoang mang cho bộ binh, địch sẽ lợi dụng vào đó để phản kích.
Đến bây giờ Sáu Thành vẫn thường nói vui rằng, anh là người “cao số”, lại được hương hồn đồng đội phù hộ nên ròng rã chiến đấu mấy chục năm trời, hết chống Mỹ lại đến bảo vệ biên giới Tây - Nam và làm nhiệm vụ tình nguyện trên đất bạn Cam-pu-chia, nhiều lần sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, nhưng anh vẫn bình an trở về. Ngay cả chiếc xe tăng anh sử dụng để chỉ huy đội hình chiến đấu trong chiến dịch Phước Long, toàn thân chi chít vết đạn, có lúc bị hỏa lực địch bắn bay cả nòng pháo, nhưng nó vẫn kiên trung cùng với “ông chủ” tả xung hữu đột, luôn dẫn đầu đội hình xốc tới.
13 tuổi đeo khẩu cạc-bin đi đánh giặc, con đường binh nghiệp của Sáu Thành thì cứ tiến từng bước một qua lửa đạn chiến trường, cho đến hôm nay là Tư lệnh của Binh đoàn được mệnh danh “Quả đấm thép của Bộ ở Đông Nam Bộ”. Bởi thế, dù ở vị trí chỉ huy cao, nhưng anh luôn gần gũi, quan tâm, sâu sát đến đơn vị và chiến sĩ. Thiếu tướng Lê Thái Bê, Chính ủy Binh đoàn Cửu Long tâm sự:
- Trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Binh đoàn Cửu Long theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại hôm nay, anh Sáu Thành không chỉ là một vị tướng có tài, nhiệt huyết, hết lòng thương yêu cấp dưới và chiến sĩ, mà còn là nguồn cổ vũ, động viên về tinh thần và ý chí cho cán bộ chiến sĩ toàn Binh đoàn.
Bài và ảnh: PHAN TÙNG SƠN