QĐND - LTS: Trung tướng Vương Thừa Vũ là vị tướng tài ba từng chỉ huy nhiều chiến dịch lớn trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Đối với thủ đô Hà Nội, ông cũng là một trong những vị tướng có nhiều công lao và kỷ niệm thăng trầm. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 / 10-10-2014), thông qua cuộc trò chuyện với Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chu Phác, nguyên Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng tham mưu, người có 18 năm liền làm Thư ký và ông Vương Minh Tường, con trai trưởng của Trung tướng Vương Thừa Vũ, kết hợp với một số tài liệu do đích thân ông chấp bút, Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng trân trọng gửi tới bạn đọc những câu chuyện về Trung tướng Vương Thừa Vũ trên hai cương vị gắn liền với Thủ đô: Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội năm 1946 và Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội năm 1954.

Chỉ huy trưởng của 60 ngày đêm khói lửa

Cuối năm 1945, ông rời Hà Nội đi làm công tác huấn luyện quân sự tại Sơn Tây. Gần một năm sau, khi đang dẫn học sinh quân đi tập dã ngoại, ông nhận được điện yêu cầu về gấp và được đồng chí Trường Chinh trực tiếp giao nhiệm vụ ngay trong cuộc họp quan trọngcủa Thường vụ Trung ương Đảng ở dinh Tổng đốc Hà Đông trưa ngày 15-10-1946: “Giặc Pháp đang ráo riết chuẩn bị, trước sau thế nào nó cũng đánh ta. Trung ương giao cho đồng chí làm Khu trưởng khu 11 (Quân khu đặc biệt Hà Nội), tổ chức chuẩn bị sẵn sàng đề phòng chúng trở mặt gây chiến”.

Trung tướng Vương Thừa Vũ (đội mũ đi trước) và đoàn lãnh đạo thành phố bước vào Nhà hát Lớn giữa hàng quân danh dự trong ngày tiếp quản Thủ đô. Ảnh tư liệu

Lúc này, tình hình Hà Nội hết sức căng thẳng. Phía Pháp tìm mọi biện pháp chính trị lẫn thủ đoạn quân sự để tái chiếm, cầm quyền trở lại. Ta cố gắng bình tĩnh, khôn khéo, kéo dài thời gian để xây dựng lực lượng chuẩn bị cho chiến tranh vệ quốc khó tránh khỏi. “Tháng 11-1946, không khí thủ đô Hà Nội đã trở nên vô cùng căng thẳng. Quân Pháp tổ chức ngày càng nhiều những cuộc diễu binh thị uy trên các đường phố và nhiều cuộc tập trận giả chiến thuật tấn công ở các vườn hoa Hà Nội. Chúng vẫn âm mưu dùng áp lực quân sự bắt ta phải nhượng bộ từng bước và cuối cùng phải đầu hàng, nếu không, một màn kịch xâm lăng chớp nhoáng và tàn bạo sẽ xảy ra...”- Trung tướng Vương Thừa Vũ kể tỉ mỉ những ngày căng thẳng trước giờ nổ súng 19-12-1946 trong cuốn Hà Nội 60 ngày khói lửa (viết năm 1964). Tình hình diễn biến phức tạp làm cho không khí Hà Nội thêm căng thẳng, khẩn trương. Các nhà máy xí nghiệp chuyển máy móc, nguyên liệu ra ngoài thành phố, các cơ quan chính phủ chuyển dần lên căn cứ địa Việt Bắc, nhân dân, chủ yếu là người già và trẻ em-những người không trực tiếp tham gia chiến đấu được tản cư về nông thôn với tinh thần “tản cư là yêu nước”. Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội bình tĩnh tranh thủ thời gian chuẩn bị lực lượng trước khi vào cuộc chiến. Những người phải ra đi nhanh chóng rời thành phố, những người ở lại chiến đấu bảo vệ Thủ đô lao vào hoàn thành công việc chuẩn bị, sẵn sàng đánh địch bất cứ lúc nào.

Trung tướng Vương Thừa Vũ đích thân đến các khu phố để xem các đơn vị tự vệ Thành chuẩn bị chiến đấu. Một hôm, nhân đi quan sát vị trí đóng quân của địch bảo vệ nhà viên tướng Moóc-li-ê ở phố Hàng Trống (nay là tòa soạn Báo Nhân Dân), hỏi chuyện một anh đội trưởng đội tự vệ, nghe anh trình bày ý định chuẩn bị tác chiến với những hố đứng ngang người đào trong nhà, các lỗ đục dang dở dưới chân các bức tường…, ông chợt nghĩ ra hướng chuẩn bị tích cực cho thành phố đi vào chiến đấu, kìm giữ chân địch trong Hà Nội không cho chúng mở rộng chiến tranh ra ngoài.

Sau khi báo cáo phương án với Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp và được thông qua, thế trận "trong đánh, ngoài vây” (trùng độc chiến) kết hợp nhiều cách đánh thiên biến vạn hóa của chiến tranh nhân dân, tướng Vương Thừa Vũ cùng quân dân Thủ đô lập nên kỳ tích: Bằng một lực lượng vũ trang non trẻ đã chiến đấu thắng lợi, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giam chân đội quân chính quy với khoảng 6.500 binh sĩ của Pháp trong thành phố suốt 60 ngày đêm (gấp đôi thời gian quy định), với cuộc rút lui thần kỳ của Trung đoàn Thủ Đô, đã tạo điều kiện cho cả nước triển khai chiến lược trường kỳ kháng chiến cho đến ngày toàn thắng.

Trong ngày hội chiến thắng

Ông Vương Minh Tường, con trai cả của Trung tướng Vương Thừa Vũ với những ký ức về cha mình. Ảnh: Tuấn Tú

Tám năm sau, trên cương vị Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, Vương Thừa Vũ được cử làm Chủ tịch Ủy ban Quân chính cùng với Phó chủ tịch Trần Duy Hưng đưa đoàn quân chiến thắng vào tiếp quản Thủ đô. Sinh thời, Trung tướng Vương Thừa Vũ đã kể lại không khí của ngày trở về ấy như sau: “Ngày 9-10-1954, tại Sở chỉ huy Đại đoàn 308 đặt ở bên đường Hà Đông-Hà Nội, chúng tôi vui sướng, hồi hộp theo dõi từng bước đi của ba cánh quân tiến về Hà Nội theo kế hoạch đã được Bộ Tổng tư lệnh chuẩn y. Đúng 16 giờ 30 phút, khi toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên cùng với viên Đại tá Đắc-giăng-xơ sang Gia Lâm thì cả Hà Nội bừng lên, tràn ngập cờ hoa, sắc áo, như một vườn hoa gặp tiết xuân nở rộ. Ngày 10-10-1954 - một ngày lịch sử. 5 giờ sáng hết giờ giới nghiêm, cả Hà Nội nhộn nhịp, vừa có cái không khí thiêng liêng của ngày Tết vừa có cái tưng bừng rạo rực của ngày hội lớn – Hội Chiến thắng-Thủ đô hoàn toàn giải phóng. Trong buổi lễ chào cờ, tôi được vinh dự đọc thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Thủ đô. Lời Bác thân mật, thiết tha. Nhiều người không nén được xúc động, nước mắt rưng rưng. Tôi cũng xúc động không cầm được nước mắt, phải dừng lại ít phút vì những tiếng hô chứa chan lòng kính yêu lãnh tụ của nhân dân Thủ đô…”.

Có một chuyện trong những ngày tiếp quản Thủ đô nhưng Trung tướng Vương Thừa Vũ nhớ mãi, thỉnh thoảng lại kể cho Thư ký Nguyễn Chu Phác nghe nên ông cũng nhớ theo. Đó là vào dịp Tết đầu tiên sau Giải phóng Thủ đô, Ủy ban Quân chính tổ chức cuộc họp với các phóng viên báo chí nước ngoài ở Khách sạn Dân Chủ (phố Tràng Tiền) để thông báo thành tích đạt được trong những tháng đầu Thủ đô được giải phóng. Trong cuộc họp, một phóng viên người châu Âu nói với tướng Vũ: “Hồi chiến sự Biên giới tôi theo quân đội Pháp nhảy dù xuống Núi Voi-Thái Nguyên, đột nhập vào hậu cứ của các ông nhưng rất tiếc không gặp ông”. Tướng Vương Thừa Vũ cười: “Lúc đó tôi đang bận chuẩn bị tiếp hai ông Lơ-pa-giơ và Sác-tông ở vùng biên giới Cao Bằng. Không gặp chúng tôi cũng là may cho ông đấy”.

Cũng trong buổi họp này, còn có một sự việc nữa là một anh phiên dịch xin gặp riêng tướng Vũ với thái độ rất thành khẩn trình bày việc anh ta vốn là quân của Đại đoàn 308, vì không chịu được kháng chiến gian khổ đã đảo ngũ. Anh ta làm thông ngôn cho phía Pháp và vẫn nhớ đến đại đoàn, mong được thông cảm. Nghe xong, Trung tướng Vương Thừa Vũ đặt tay lên vai anh lính bảo đừng theo Pháp nữa, giải phóng rồi ở lại cùng đồng bào xây dựng quê hương.

Chỉ là hai chuyện nhỏ nhưng Thư ký Nguyễn Chu Phác rất ấn tượng với cách ứng xử của thủ trưởng. Là một võ tướng, nhưng ông rất khéo léo khi nhắc đến thất bại của đối phương và rộng lượng, bao dung với cấp dưới. Những cán bộ, chiến sĩ từng chiến đấu trong hàng ngũ của Đại đoàn 308 luôn khắc sâu hình ảnh người chỉ huy cương trực, thẳng thắn nhưng rất mực yêu thương cấp dưới. Chẳng thế mà, khi trò chuyện với chúng tôi, ông Vương Minh Tường tự thấy mình thiệt thòi vì tuy là con trai, nhưng điều kiện gần gũi cha mình không nhiều. Ông kể: “Về tiếp quản Thủ đô, việc đầu tiên cha tôi làm đó là đi thắp hương cho các liệt sĩ và thăm những gia đình chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn của Đại đoàn 308. Nhiều tháng sau chúng tôi mới được gặp cha. Lúc này tôi đang chuẩn bị sang Nga để học Trường Thiếu nhi Việt Nam ở Mát-xcơ-va. Ông chỉ nói với tôi là sang đó học nên chọn nghề nào có ích để về phục vụ đất nước rồi lại cuốn vào bộn bề công việc”.

Sau này về nước làm việc ở Nhà máy luyện cán thép Gia Sàng (Thái Nguyên), nơi có nhiều người vốn là lính của Đại đoàn 308 phục viên làm việc, biết ông là con trai của tướng Vương Thừa Vũ họ cư xử với ông rất thân mật, kính trọng. “Tôi cảm nhận đó là tình cảm họ dành cho cha tôi và giờ họ đang chuyển nó sang cho tôi. Từ họ, tôi hiểu hơn về cha mình, một vị tướng vất vả suốt cuộc đời binh nghiệp nhưng luôn được đồng chí, đồng đội tin yêu, kính trọng ”-ông Tường tâm sự.

Trung tướng Vương Thừa Vũ tên thật là Nguyễn Văn Đồi, sinh ngày 24-12-1910 tại làng Vĩnh Ninh, Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội. Ông là Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy đầu tiên của Đại đoàn 308, đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia nhiều chiến dịch lớn… Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông làm Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phụ trách công tác huấn luyện, rèn luyện cho các lực lượng chủ lực bảo vệ miền Bắc và nhận nhiệm vụ vào miền Nam đánh Mỹ-ngụy. Ngoài ra, ông còn kiêm chức Giám đốc Học viện Quân sự (1964), Tư lệnh Quân khu 4 (1971).

SONG THANH