Tại mặt trận Đường số 7, ngã ba Suông Chúp, chúng liên tục nếm đòn thất bại. Không từ bỏ âm mưu, đối phương vẫn liều lĩnh điều thêm quân, phương tiện chiến tranh ném vào canh bạc đỏ đen đầy rủi ro.

Tại khu vực Tà Pao, địch phát hiện kho hậu cần của ta đặt trong rừng cao su. Đây là số vũ khí, đạn dược mới tập kết, chưa kịp chuyển về bên kia biên giới cung cấp cho các mặt trận Tây Ninh, Phước Long được Tiểu đội 2, Đại đội 3, Tiểu đoàn 49 vận tải xe thồ trông giữ. Để nắm chắc phần thắng, đối phương đã điều một đại đội của chiến đoàn 8 từ phía tây Quốc lộ 7 về Tà Pao uy hiếp, hòng cướp đi số hàng nói trên.

Sau những loạt pháo và trận bom dọn đường, một trung đội địch tiến vào khu kho. Sáng hôm ấy, khác với mọi sáng yên lành trước đó, sóc Tà Pao-cái sóc nhỏ chỉ ba chục nóc nhà của người Khmer bị rung lên bởi tiếng gầm đại bác và tiếng trực thăng quần thảo. Những loạt đạn pháo rót thẳng vào rừng cao su. Thân cao su bị cắt đổ ngổn ngang, từng dòng nhựa trắng như nước mắt cây chảy tràn mặt đất.

leftcenterrightdel
Minh họa: MAI MINH

Từ các công sự dựa lưng vào bờ cây hướng về phía sân bay dã chiến, nơi quân địch sẽ xuất hiện, Tiểu đội phó Tiểu đội 2 Lưu Đình Chiến nhắc nhở anh em bình tĩnh chờ lệnh. Nhiệm vụ của tiểu đội anh là đánh bật địch ra khỏi vùng giới hạn và ghìm chân chúng để đơn vị phía sau chuyển số hàng đi cất giấu. Đây là sự tin cậy mà đại đội dành cho Chiến cũng như anh em trong tiểu đội. Hơn ai hết, anh và đồng đội, những người lính vận tải trên chiến trường miền Đông hiểu, một viên đạn, một khẩu súng, cân gạo… từ miền Bắc vào tới đây đã thấm mồ hôi và cả máu bao người. Đó cũng là một phần máu thịt của nhân dân miền Bắc đối với miền Nam, bằng bất cứ giá nào cũng không thể để lọt vào tay quân địch, xứng đáng với sự tin tưởng của cấp trên và danh dự của đơn vị. Cái tên Tiểu đoàn 49 vận tải xe thồ, hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân khắp chiến trường miền Đông Nam Bộ không ai không biết. Là tiểu đội phó gương mẫu, Chiến được anh em yêu quý, cấp trên tin tưởng. Đây không phải lần đầu tiên anh đọ súng với địch, nhưng những lần trước là phối hợp, còn bây giờ thì không có ai khác. Chiến hiểu tầm quan trọng của trận đánh khi đối phương tung ra lực lượng áp đảo, lại được hỗ trợ mạnh mẽ về hỏa lực.

Một tốp địch chừng hơn 10 tên men theo con đường ven lô cao su tiến vào khu kho. Vừa đi chúng vừa xả súng vào những bụi cây, bờ đất hai bên đường. Cách chừng vài chục mét, một tốp khác cũng đang hùng hổ phía sau. Không một tiếng súng bắn trả, tất cả lặng thinh làm cho bọn địch càng thêm chủ quan như đang đi giữa chốn không người. Chúng không hay, trong những căn hầm được ngụy trang kín đáo, các chiến sĩ Tiểu đội 2 vẫn im lặng chờ đợi. Tiểu đội phó Lưu Đình Chiến, người chỉ huy trận đánh cũng đang hồi hộp chờ thời cơ phát lệnh nổ súng. Từ đỉnh rừng phía đông, xuất hiện hai chiếc trực thăng. Chúng bay chậm, gió cánh quạt như muốn thổi tung đám cây lúp xúp trước hầm các chiến sĩ. Chiếc trước chiếc sau cua một vòng xả vài loạt đạn thị uy rồi bay về phía Suông Chúp. Đạn cày tung đất, xé toác thân cây. Tiểu đội phó Lưu Đình Chiến vừa trở về vị trí từ tổ 1. Giây phút chờ đợi thật căng thẳng. Khi những tên địch đi đầu vừa tới điểm xạ kích thuận lợi nhất, Chiến hạ lệnh cho tổ 1 nổ súng. Quả đạn B41 xé gió bay vút đi, tạo thành một tấm lưới lửa trùm lên toán lính. Nhiều tên chết không kịp phản ứng, những tên bị thương la hét hoảng loạn. Tốp đi sau mạnh tên nào tên nấy tìm chỗ ẩn nấp, nổ súng loạn xạ. Bị đòn đánh bất ngờ, bọn địch lui quân về phía sân bay, gọi pháo bắn tới tấp vào trận địa Tiểu đội 2. Đạn nổ phía trước, phía sau. Cây cối nát bươm, đất đá xới lên vùi xuống, những căn hầm như không thể chịu nổi. Khói đạn, bụi đất mù mịt, không nhận ra nhau trong phạm vi mấy mét. Một quả đạn rót trúng hầm, hai chiến sĩ hy sinh.

Tranh thủ lúc pháo vừa ngừng, Lưu Đình Chiến bò lại vuốt mắt cho hai chiến sĩ, anh không khóc được, cổ nghẹn đắng vì khói đạn, vì xót thương anh em. Pháo dừng cũng là lúc địch tổ chức tấn công. Cối 61mm, M79, tiểu liên… tạo thành một trận mưa đạn. Các chiến sĩ ta vẫn ngoan cường bám vững trận địa, quất những đường đạn chính xác làm đối phương không thể tiến lên được. Phía Tiểu đội 2, hai chiến sĩ nữa bị thương, Tiểu đội phó Lưu Đình Chiến bị quả đạn cối nổ ngay bên cạnh, một chân anh giập nát, máu phun khắp người. Chiến cố đứng dậy tiếp tục chỉ huy chiến đấu. Địch đổ thêm quân tăng cường. Bây giờ không phải chỉ bộ binh mà có cả xe M113. Tương quan lực lượng lúc này chênh lệch quá lớn. Trong tình thế cấp bách, Tiểu đội phó Chiến quyết định cho anh em rút về tuyến sau, còn anh ở lại ghìm chân địch để đơn vị có đủ thời gian sơ tán, cất giấu hàng hóa. Các chiến sĩ không ai muốn để tiểu đội phó ở lại một mình, nhưng trước sự cương quyết của anh, họ đành gạt nước mắt làm theo mệnh lệnh.

Còn lại một mình, có thêm cơ số đạn anh em để lại, Lưu Đình Chiến chiến đấu cho tới lúc bị thêm nhiều vết thương nữa rồi gục xuống chiến hào ngất đi. Quân địch ào lên bắt Chiến, chúng đưa anh lên xe chạy lòng vòng, dụ dỗ anh dẫn đi tìm nơi cất giấu vũ khí. Bị từ chối, chúng ra sức đánh đập, khảo tra rồi đưa Chiến về trói vào gốc me già đầu sóc, xua dân ra chứng kiến. Trước mặt những người dân sóc Tà Pao, Chiến chỉ tay vào nơi có trái tim đang quặn lên nhịp đập, nói với địch: “Chúng mày muốn tìm kho đạn, thì đây, tao cất trong này” rồi quay về phía người dân: “Bà con đừng nghe lời lũ ác nhân này”. Cay cú, tên chỉ huy gầm lên: “Nè, nói cho mấy người biết, nếu ai ủng hộ Việt Cộng, tao bắn bỏ như bắn tên này”. Bà con Tà Pao từ lâu rất có cảm tình với Quân Giải phóng, nhưng trước cảnh tượng này, họ đành nuốt nghẹn vào lòng. Dưới ánh nắng trưa, gương mặt nhuộm máu của Chiến đỏ rực lên. Áo quần anh chi chít dấu đạn. Anh đứng bằng một chân, lưng tựa vào gốc cây me già đang mùa ra quả. Một không khí căng thẳng và tang tóc bao trùm. Thấy không có tiếng trả lời, tên chỉ huy lại dằn giọng đe dọa tiếp: “Tao nói lại, các người phải khai báo với quốc gia khi phát hiện kho tàng, nơi ở của Việt Cộng nếu muốn an toàn nghe chưa”. Mấy tiếng sau hắn như hét lên. Một tốp trực thăng bay qua đầu như muốn tăng thêm sức nặng cho lời đe dọa của tên thiếu tá.

Thất bại. Chúng dồn sự cay cú vào Chiến bằng những phát súng bất lực rồi rút đi. Lưu Đình Chiến, người con ưu tú của xã An Thái, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng đã anh dũng hy sinh vào trưa một ngày mùa khô năm 1971. Nhà nghèo, không có điều kiện học lên, hết lớp 5 cũng là lúc cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ lan rộng ra miền Bắc, nhìn cảnh quê hương bị tàn phá, năm 1965 Chiến xung phong nhập ngũ rồi lên đường vào Nam chiến đấu. Chứng kiến cái chết của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, người dân sóc Tà Pao vô cùng thương xót, kính phục, sau khi đơn vị mai táng anh, bà con lập một trang thờ ngay dưới gốc cây me, hằng ngày thắp nhang cầu khấn. Không ai biết tên, họ gọi anh là “vị thần vô danh”. Hơn 40 năm sau ngày xảy ra trận chiến đấu ấy, ngày 27-4-2012, liệt sĩ Lưu Đình Chiến được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Hồi làm phóng viên một tờ báo chiến trường, tôi có vài lần gặp Lưu Đình Chiến, tính anh điềm đạm, ít nói. Anh thường dành những lời nhận xét tốt cho anh em. Ấn tượng đẹp về anh tôi vẫn giữ, khi nghe tin anh hy sinh, tôi bàng hoàng. Câu chuyện trên tôi được Đại tá Trần Hòa, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 3, người trực tiếp giao nhiệm vụ cho Tiểu đội phó Lưu Đình Chiến trong trận đánh sóc Tà Pao ngày đó kể lại. 

LÊ VĂN VỌNG