QĐND - Đầu Xuân, chúng tôi về thành phố cảng Hải Phòng thăm Trung tướng Vũ Ba, nguyên Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ (DQTV). Ở tuổi “xế chiều” nhưng ông vẫn còn minh mẫn nói rằng: “Ở cuối con đường, vừa đi vừa ngoảnh lại, tôi càng thấy từng đoạn đường ngoằn ngoèo khúc khuỷu. Mang theo ý chí, quyết tâm và niềm tin mãnh liệt vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, tôi đã đi từ làng lên huyện, rồi đến nơi xa nhất là Tây bán cầu… nhưng rồi đi đâu, tôi cũng lại về với mái nhà DQTV”.

Trung tướng Vũ Ba sinh ra và lớn lên ở làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Ngay từ thời niên thiếu ông đã được giác ngộ cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông từ một đội viên du kích đã phát triển thành bí thư chi bộ, rồi xã đội trưởng, huyện đội trưởng Vĩnh Bảo, cùng lãnh đạo huyện chỉ đạo duy trì phong trào chiến tranh du kích.

Tiêu diệt tên phản động, giữ vững lòng dân

Có một câu chuyện mà Trung tướng Vũ Ba cho là “vụn vặt” nhưng lại ghi dấu ấn trong cuộc đời cách mạng, đó là lần ông cùng du kích xã diệt tên phó tổng phản động tàn ác vào tháng 7-1950. Ông nhớ lại: "Qua hơn 5 tháng dựa vào cơ sở công giáo mật của ta ở thôn Vạn Hoạch, chúng tôi đã nắm được tội ác và quy luật hoạt động của tên phó tổng. Y công khai tuyên truyền chia rẽ tình đoàn kết giữa lương và giáo, hô hào nhân dân chống Việt Minh. Thời gian này, tôi trong ban lãnh đạo bí mật của xã Cao Minh. Được sự nhất trí của huyện, chúng tôi đã tổ chức tiểu đội du kích xã phối hợp với hai đồng chí du kích của huyện phục kích ở đoạn đường phía Tây thôn Tây Am. Đúng 8 giờ  ngày 27-7, tên phó tổng cùng tên lính bảo an đã lọt vào ổ phục kích của ta. Chúng tôi từ các bụi chuối nhà dân bên đường liền nổ súng tiêu diệt tên phản động này, bắn què tên lính, thu một súng trường”.

Trung tướng Vũ Ba (bên trái) kể lại những kỷ niệm khi làm công tác dân quân tự vệ.

Trận đánh phục kích tuy nhỏ nhưng là trận đánh ban ngày, lại ngay cạnh đồn, bốt của giặc đóng dày đặc nên đã làm cho địch trong vùng hoang mang, lo sợ. Nhân dân ta vô cùng phấn khởi. Tiếng súng kháng chiến của ta bắt đầu nổ, dấy lên niềm tin của quần chúng nhân dân vào lực lượng cách mạng.

Những năm tiếp theo, Vũ Ba tiếp tục lãnh đạo, chỉ huy du kích địa phương đấu tranh, tiêu diệt bọn thực dân Pháp và bọn tề phản động. Ông bị bắt nhiều lần nhưng do thông minh, khôn khéo, Vũ Ba đã thuyết phục được chính những người bắt mình, cảm hóa và giác ngộ họ theo cách mạng. Đến năm 1957, ông được trên tín nhiệm đưa về làm Trưởng ban Dân quân tỉnh Thái Bình-Quân khu Tả Ngạn. Tại đây, Vũ Ba đã cùng với lực lượng dân quân địa phương xây dựng được mối đoàn kết lương-giáo và giành danh hiệu Trung đội cờ hồng trong lực lượng dân quân tỉnh.

Làm việc ở nơi “khuôn vàng thước ngọc”

Tiếp tục theo đuổi con đường DQTV nhưng ở tầm cao hơn, Vũ Ba được điều về làm giáo viên khoa Chiến tranh du kích Học viện Trung cao Quân sự-Bộ Quốc phòng (nay là Học viện Quốc phòng). Gần 8 năm làm công tác giảng dạy, bằng tiêu chí phấn đấu “khuôn vàng thước ngọc”, Vũ Ba đã trưởng thành cả về quan điểm lập trường đến trình độ chuyên môn và phương pháp sư phạm quân sự. Đây chính là vốn quý báu tạo cơ sở vững chắc để Vũ Ba thực hiện thắng lợi nhiệm vụ khi giảng dạy hay xông pha nơi trận mạc và tự tin làm chuyên gia cố vấn quân sự cho nước bạn sau này.

Ôn lại những ngày tháng rèn luyện trong môi trường “khuôn vàng thước ngọc” ấy, Trung tướng Vũ Ba không nhắc nhiều đến thành tích của mình mà ông kể một kỷ niệm khó quên về ngày đầu đứng trên bục giảng. Câu chuyện thể hiện sự khiêm tốn và tinh thần cầu thị hiếm thấy được ông kể lại: “Cuối tháng 11-1964, Học viện Trung cao Quân sự tổ chức lớp bổ túc ngắn ngày cho cán bộ quân sự địa phương toàn miền Bắc. Đối tượng học là các đồng chí tỉnh đội trưởng, tỉnh đội phó với tổng số 61 đồng chí, trong đó có một số đồng chí vừa có cấp bậc quân hàm cao lại có bề dày kinh nghiệm công tác quân sự… Tôi được khoa phân công giảng bài: Chống càn phá và tập bài tập kích của tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh. Nhận nhiệm vụ, tôi rất lo lắng nên tranh thủ thời gian nghiên cứu tài liệu lý luận và thực tiễn địch càn, ta chống càn và nghiên cứu kỹ đối tượng người học.

Gần 3 tháng chuẩn bị bài giảng lý luận và làm bài tập, do nhận thức được khó khăn bước đầu nên tôi vừa ra sức đọc tài liệu, vừa tranh thủ lấy ý kiến đóng góp, giúp đỡ của các đồng chí giáo viên. Đến ngày lên lớp, tuy bài được thông qua nhiều lần, thục luyện kỹ lưỡng, giáo án đã thuộc lòng mà giờ đầu tôi vẫn cảm thấy hồi hộp, có lúc hai chân cứ run cầm cập… Tiết thứ hai, thứ ba, tôi thấy tự tin hơn, giọng nói mạch lạc, tác phong chững chạc hơn… không còn các động tác thừa nữa.

Lớp học xong phần lý luận, chuyển sang phần thực hành bài tập. Đây là phần gay go và khó khăn. Vấn đề huấn luyện được đặt ra là: Nổ súng tấn công để phối hợp tác chiến với chủ lực nhằm rèn luyện tính kỷ luật trong hiệp đồng chiến đấu chính quy. Tình huống cho là: Trung đoàn chủ lực tập kích ở hai quả đồi lớn, đã chiếm lĩnh trận địa và cắt xong rào. Tiểu đoàn địa phương tập kích một đại đội địch ở một đồi nhỏ gần đó. Trên hướng thứ yếu cắt xong rào, hướng chủ yếu cắt xong ba hàng rào, còn lại hai hàng rào đang cắt dở, đã đến giờ G nổ súng. Với tình huống này, cả lớp quân sự địa phương 61 đồng chí, chỉ có đồng chí Khuất Duy Tiến, Bí thư chi bộ lớp cho nổ súng. Còn 60 đồng chí không cho nổ súng. Nếu vậy thì đáp án của tôi sai bét? Các đồng chí lập luận: Phương pháp tác chiến là bí mật luồn qua rào. Nay hướng chủ yếu chưa cắt xong rào nổ súng thì thất bại. Có đồng chí còn tuyên bố gay gắt, nổ súng mà tốn xương máu bộ đội, thà bị cách chức tỉnh đội trưởng còn hơn… Cũng may Giáo sư Hoàng Minh Thảo, Giám đốc Học viện, có mặt kịp thời. Đồng chí điềm tĩnh phân tích ý định huấn luyện là rèn luyện tính kỷ luật trong hợp đồng tác chiến chính quy và phương án đánh bao giờ cũng phải có dự kiến tình huống. Đồng chí kết luận: Tình huống này cho nổ súng, dùng bộc phá liên tục là giải quyết được. Ai không nổ súng là sai. Cả lớp hoan hô nhất trí 100%. Lúc này tôi mới thở phào nhẹ nhõm…”.

Gắn bó với mái nhà “dân quân”

Suốt cuộc đời binh nghiệp, Trung tướng Vũ Ba trải qua nhiều cương vị, từ một trung đội trưởng du kích rồi xã đội trưởng, huyện đội trưởng… ông tham gia nhiều trận đánh, giữ các trọng trách khác nhau trong chiến đấu… Tưởng con đường binh nghiệp sẽ “rẽ ngang”, nhưng rồi, giống như một duyên nợ, sau những lần vào sinh ra tử xông pha trận mạc… cuối cùng Vũ Ba lại trở về với mái nhà “dân quân”.

Thấy ông vui, tôi liền hỏi: “Bác ạ! Có phải đã mang cái nghiệp vào thân thì trốn đâu cũng không thoát?”. Ông cười rồi nói rằng: “Đúng là nghiệp thật. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, tôi hoạt động ở nhiều vùng, nhiều địa phương, từ miền Bắc đến Tây Nguyên, Nam Bộ. Từ biên giới Tây Nam của Tổ quốc đến giúp dân miền Đông Bắc Cam-pu-chia giải phóng khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt… Trong hoàn cảnh ác liệt hay trong hòa bình, bản thân tôi luôn được nhân dân đùm bọc, chở che, nuôi dưỡng và nhiều khi dân giúp tôi chiến đấu hoàn thành nhiệm vụ. Có lẽ… “nghiệp của tôi gửi trong dân” thì phải?”.

Những năm công tác tại Cục DQTV, Trung tướng Vũ Ba đã cùng với Đảng ủy, Thủ trưởng Cục tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về đổi mới công tác DQTV, giáo dục quốc phòng và công tác quốc phòng ở Bộ, ngành, ở các địa phương. Đặc biệt, ông đã cùng với 10 tướng lĩnh tiến hành tổng kết kinh nghiệm chỉ đạo chiến tranh nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với 35 tập sách, 4 phụ lục và 10 chuyên đề được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đánh giá cao.

Đóng góp không nhỏ cho lực lượng DQTV nhưng Trung tướng Vũ Ba vẫn khiêm tốn nói rằng: Nhờ bước phát triển mới của Cục, của ngành mà cá nhân ông mới có sự phát triển vượt bậc. Theo ông thì kinh nghiệm chiến tranh nhân dân địa phương Việt Nam rất phong phú, đa dạng. Đây là một loại hình hiếm thấy trên thế giới nhưng chưa được tổng kết đầy đủ… Chính vì vậy mà giờ đây, dù đã bước sang tuổi "cửu thập”, quỹ thời gian tính bằng “giờ” nhưng ông vẫn trăn trở, vẫn tâm huyết với DQTV-một lực lượng mà ông đã cống hiến, hy sinh trọn cuộc đời mình.
Bài và ảnh: THẢO NGUYÊN