QĐND - Ngày mới vào bộ đội, sau khóa huấn luyện tân binh, được về học và đào tạo hạ sĩ quan tại Trung đoàn 51, chúng tôi được biết tên ông khi thấy các cán bộ phân đội vui sướng chúc mừng nhau: “Thế là anh được ông Nguyễn Quyết biết đến tên rồi nhé”. Người được chúc nét mặt phấn khởi vì vừa nhận tấm bằng khen của Quân khu Tả Ngạn có chữ ký của Chính ủy Quân khu-Đại tá Nguyễn Quyết. Qua nhiều năm rèn luyện, học tập, chiến đấu, trở thành sĩ quan cấp úy, cấp tá, được công tác nhiều năm ở đơn vị và cơ quan Quân khu 3, tôi mới biết người Chính ủy sau là Tư lệnh quân khu ấy hoạt động cách mạng và trưởng thành khi còn rất trẻ. Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông mới 23 tuổi đã là Bí thư Thành ủy Hà Nội, là cán bộ chính trị của Đảng, rồi đảm nhiệm nhiều chức vụ cao cấp của quân đội. Ông đã có mặt ở các chiến trường miền Bắc, miền Nam, trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Nhưng có lẽ đất và người Quân khu 3 mới là tâm huyết máu thịt của ông cả trong chiến tranh và thời bình.

Đại tướng Nguyễn Quyết và tác giả nhớ lại thời kỳ “Làm giàu, đánh thắng” ở Quân khu 3. Ảnh: Vũ Quang Thái.

Với tư duy chiến lược, ông đã phát động Phong trào “Làm giàu, đánh thắng” ở quân khu. Đó là cuộc cách mạng rất sâu sắc, làm chuyển biến về nhận thức của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy ở các cơ quan, đơn vị quân khu và nhiều địa phương mà không phải ai cũng dám nghĩ, dám làm. Ngay sau ngày đất nước thống nhất, ông và Bộ tư lệnh quân khu đã giao cho các cơ quan thành lập một trạm đại học, đặt tại Hà Đông để quân khu lựa chọn những cán bộ, chiến sĩ đủ điều kiện thi và gửi học ở các trường đại học. Những lớp cán bộ có trình độ đại học này là nguồn lực rất quan trọng làm nòng cốt trong xây dựng kinh tế, trong lao động sản xuất và xây dựng các doanh nghiệp… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của quân khu và cả công cuộc công nghiệp hóa của đất nước sau này.

Ông thường nói rằng, Quân khu 3 là địa bàn chiến lược thiêng liêng của Tổ quốc, giàu người, giàu của, giàu truyền thống, giàu chiến công… Muốn thắng lợi phải thực hiện như lời Bác Hồ dạy: Gốc có vững, cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân. Ý chí “Làm giàu, đánh thắng” phải là của toàn Đảng, toàn dân, của LLVT toàn quân khu. Hầu hết các lần họp Đảng ủy quân khu ông đều mời được đầy đủ các bí thư Tỉnh ủy và chủ tịch các tỉnh tham gia với giấy mời vừa trân trọng, vừa tình cảm do ông ký: “Mời anh chị và các cháu đến nghỉ tại Đoàn An dưỡng 295 và dự họp Đảng ủy quân khu”. Từ nghị quyết của Đảng ủy quân khu mà các tỉnh, thành phố, các địa phương đã chuyển biến mạnh mẽ với khẩu hiệu “Thi đua làm giàu, quyết tâm đánh thắng”. Ông thường nhắc nhở: “Trong chiến tranh không để súng ngủ, người ngủ; trong hòa bình không để đất lười, người lười”. Ông chỉ đạo các đơn vị bộ đội chủ lực (cả các đơn vị đứng chân trên địa bàn quân khu) vươn ra Biển Đông “làm giàu, đánh thắng” và đã đắp được đường ra đảo Đình Vũ của Hải Phòng; các dự án quai đê lấn biển Cồn Thoi (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), Bắc Cửa Lục (tỉnh Quảng Ninh), Cồn Vành (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình)… đã tạo thêm hàng trăm nghìn héc-ta đất để canh tác và hàng nghìn hộ dân có đất sinh sống, thêm công ăn việc làm ngay trên quê hương của mình. Sư đoàn 319 tham gia xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, một công trình trọng điểm về phát triển công nghiệp của đất nước. Trung đoàn (nay là Lữ đoàn) Công binh 513 được ông chọn và xây dựng đơn vị điểm của quân khu đã luôn đạt thành tích xuất sắc trong huấn luyện, trong chi viện chiến đấu và lao động sản xuất. Trong đó, trung đoàn tập trung đi đầu trong mặt trận nông nghiệp: Xây dựng cống Quảng Châu (Thanh Hóa); cống An Thổ (Hải Dương); trạm bơm Thống Nhất (Tiền Hải, Thái Bình); cấy hàng trăm héc-ta trồng lúa và các cây lương thực khác… Đơn vị còn cải tạo xây dựng Nhà máy Xi măng Hải Phòng, xây dựng các phòng khám kết hợp quân dân y. Trung đoàn là đơn vị bảo đảm đời sống bộ đội tốt nhất, không có cán bộ thoái thác nhiệm vụ khó khăn, không có chiến sĩ đào ngũ. Ông tổ chức hội nghị cán bộ chủ trì từ cấp trung đoàn trở lên. Tại hội nghị, các đại biểu được đề nghị viết thu hoạch với ba vấn đề là: “Có công nhận Trung đoàn 513 làm tốt cả huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, lao động sản xuất giỏi và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện không? Có học tập Trung đoàn 513 không? Có phấn đấu xây dựng đơn vị mình đuổi kịp và vượt Trung đoàn 513 không?”. Từ hội nghị này đã khích lệ ý chí và quyết tâm của các đơn vị thành cao trào trong Phong trào Thi đua Quyết thắng và Trung đoàn 513 đã xứng đáng với sự tin cậy của ông khi phấn đấu 2 lần được tuyên dương đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân.

Chiến tranh biên giới diễn biến phức tạp và cũng thật gian khổ, ông chỉ đạo “phải xây dựng đơn vị mạnh, địa phương mạnh, chi viện mạnh”. Ông giao nhiệm vụ cho bộ đội đi chi viện cho biên giới phía Bắc: “Các đồng chí phải mang nền văn minh của Đồng bằng sông Hồng đến với đồng bào các dân tộc phía Bắc”. Những năm tháng ấy, đơn vị các tỉnh, thành phố đều có lực lượng (lấy bộ đội công binh làm nòng cốt) chi viện cho Quân khu 1, Quân khu 2 và nước bạn Lào, sát cánh cùng quân dân từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang) xây dựng đường biên giới, xây dựng các đường hầm ẩn sâu trong lòng núi, những công sự vững chắc đúc bê tông nguyên khối thay thế công sự lắp ghép, bảo vệ được bộ đội, vật chất, khí tài chiến đấu, giảm thương vong và tổn thất. Đất nước còn nghèo với muôn vàn khó khăn nhưng nhiều đơn vị và địa phương đã phấn khởi báo cáo với ông: Nhờ có “Làm giàu, đánh thắng” mà từ nghèo đói nay chúng tôi đã có bát ăn, bát để, bát đóng góp… Ông chỉ đạo các đơn vị và địa phương quan tâm thiết thực tới công tác hậu phương quân đội, góp phần xây dựng trường học, phòng khám quân dân y, hỗ trợ làm nhà cho các đối tượng chính sách, cho cán bộ theo khả năng của từng đơn vị.

Những năm đổi mới đất nước, ông được Đảng, Nhà nước điều về làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Bí thư Trung ương Đảng. Những lần chúng tôi được gặp, ông vẫn sáng lên niềm tin về “Làm giàu, đánh thắng” ở Quân khu 3. Ông rơi nước mắt thương các đồng chí, đồng đội đã chịu hy sinh, oan ức, thiệt thòi để bảo vệ cái đúng, phê phán cái tiêu cực bàn lùi. Ông nói rằng: “Những gì ta làm đúng thì phải kiên quyết bảo vệ, có người nay nói là sai nhưng sau này vẫn phải công nhận ta làm đúng”. Là cán bộ lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, của quân đội, ông luôn tâm huyết với xây dựng con người và đánh thắng. Ông rất chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ. Có 4 vị tướng được ông chọn và đề xuất phong quân hàm cấp tướng từ rất trẻ mà ông nói là “phong thí điểm” thì sau này đều trưởng thành lên quân hàm cấp Thượng tướng, Đại tướng và là Thủ trưởng Bộ Quốc phòng.

Vị tướng già đã ở tuổi 95, nhưng còn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông vẫn sống mẫu mực và giản dị ở căn nhà trong ngõ nhỏ. Tuổi cao là vậy nhưng ông vẫn dành thời gian đi thăm các địa phương, các đơn vị quân đội, ông rất phấn khởi với sự phát triển lớn mạnh của quân đội, nhất là thành quả trong lao động sản xuất và bảo đảm đời sống bộ đội. Ông vẫn nghiên cứu rất sâu về Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông chỉ bảo chúng tôi ân cần, ánh mắt ông vẫn sáng lên cháy bỏng niềm tin như ngày là vị tư lệnh giương cao và giữ vững ngọn cờ thi đua “Làm giàu, đánh thắng” ở Quân khu 3.
Thiếu tướng, PGS, TS PHẠM TIẾN LUẬT