Ông sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo ven biển thuộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Năm 1954, ông nhập ngũ vào Quân chủng Hải quân (QCHQ). Từ năm 1957 đến 1962, ông học sĩ quan chỉ huy tàu mặt nước ở Trung Quốc. Từ năm 1967 đến 1970, ông tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị cùng Đoàn Đặc công nước 126 và trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Năm 1973-1977, ông học tại Học viện Hải quân ở Leningrad (Liên Xô). Sau đó ông làm Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 161 Hải quân. Từ năm 1980 đến 1982, ông học tại Học viện Quân sự cấp cao Bộ Tổng Tham mưu quân đội Liên Xô mang tên Nguyên soái Voroshilov. Khi về nước, ông được bổ nhiệm làm Phó tham mưu trưởng Tác chiến của QCHQ. Năm 1992, ông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Năm 1993, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Khoa học quân sự. Năm 1994, ông được phong chức danh Phó giáo sư, đồng thời được thăng quân hàm Chuẩn đô đốc. Năm 2000, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Ông là người đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến thời điểm này của QCHQ được phong tặng danh hiệu cao quý này.

leftcenterrightdel
Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm vẫn rất quan tâm đến tình hình biển, đảo của Tổ quốc. Ảnh tư liệu

Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với ông là ở Bộ Tham mưu QCHQ đầu năm 1983, khi ông đang chỉ đạo Phòng Tác chiến hoàn chỉnh bản kế hoạch diễn tập “Hữu nghị 83” để thông qua Bộ Tổng Tham mưu. Sau đó, ông vào Đà Nẵng chỉ đạo cuộc diễn tập mà tôi cũng được tham gia từ đầu đến cuối. Đây là cuộc diễn tập chống ngầm lớn nhất từ trước tới nay của Hải quân Việt Nam hiệp đồng với Hải quân Liên Xô tại Vùng 3 Hải quân.

Năm 1984, ông vào Cam Ranh chỉ đạo cuộc diễn tập chỉ huy-tham mưu một bên, hai cấp có một phần thực binh của Vùng 4 Hải quân. Tôi cùng với một giảng viên của Khoa Chiến thuật, Trường Sĩ quan Hải quân được cử vào trực tiếp tham gia chuẩn bị các văn kiện diễn tập của vùng và đã tạo được ấn tượng tốt đẹp với ông cũng như chỉ huy Vùng 4 Hải quân.

Tháng 4-1988, ông về Trường Sĩ quan Hải quân làm Phó hiệu trưởng, trực tiếp chỉ đạo công tác chi viện cho Trường Sa của trường trong Chiến dịch CQ-88. Mỗi lần cán bộ, giảng viên và học viên của nhà trường xuất phát đi Trường Sa hoặc từ Trường Sa trở về, ông đều xuống tận nơi thăm hỏi, động viên anh em và nghe báo cáo tình hình. 

Một kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi với ông là trong một buổi chiều mùa hè năm 1990, tôi đảm nhiệm trực ban trưởng nhà trường, còn ông trực chỉ huy. Sau khi giao ban xong, tôi đến gặp ông và rụt rè nói:

- Báo cáo thủ trưởng, tối nay tôi xin phép vắng hai tiếng từ 19 giờ đến 21 giờ được không ạ? Trực ban phó sẽ trực thay.

- Đồng chí có việc gì cần à?

- Báo cáo thủ trưởng, tôi đang theo học lớp trình độ A tiếng Anh, mỗi tuần 3 buổi vào thứ hai, thứ tư và thứ sáu. Nếu bỏ một buổi là tiếc lắm ạ!

- Ồ! Chịu khó học thế thì tốt quá. Cứ đi đi, bảo trực ban phó thay cho. Đồng chí mà lấy được bằng B tiếng Anh về đây là nhà trường thanh toán cho toàn bộ học phí.

Tôi nghe ông nói vậy thì mừng như mở cờ trong bụng và càng có thêm động lực để theo học các khóa tiếng Anh. Khi tôi học xong bằng A, bằng B, bằng C tiếng Anh đều được ông duyệt cho thanh toán toàn bộ học phí. Sau này, ông còn tổ chức các lớp tiếng Anh tại trường và mời một số giáo viên tiếng Anh giỏi nhất ở Nha Trang vào dạy. 

Trên cương vị Giám đốc Học viện Hải quân, mặc dù rất bận việc, nhưng ông vẫn trực tiếp kiểm tra từng bài mẫu thực hành huấn luyện; dự giờ giảng để nắm bắt nội dung, chương trình giảng dạy và trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên, đồng thời trực tiếp giảng dạy các lớp chỉ huy-tham mưu cấp chiến thuật-chiến dịch môn học Đường lối quốc phòng-an ninh.

Khi Sư đoàn Phòng không 377 (Quân chủng Phòng không-Không quân) tổ chức tập huấn cho cán bộ cấp trung, sư đoàn, ông gọi tôi lên trực tiếp giao nhiệm vụ vào tập huấn cán bộ những kiến thức cơ bản về hải quân cũng như công tác tổ chức hiệp đồng tác chiến giữa hải quân và phòng không-không quân. Sau khi giao nhiệm vụ xong, ông nói:

- Cố gắng nhé! Mang chuông đi đấm nước ngoài đấy!

Lời động viên của ông làm tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì được tin tưởng giao nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng lo làm sao chuẩn bị bài giảng tốt nhất để khỏi phụ lòng tin của Giám đốc học viện. 

Năm 2003, ông nghỉ hưu và làm Chủ tịch Hội Khoa học-Kỹ thuật và Kinh tế biển TP Hồ Chí Minh. Tuy vậy, ông vẫn luôn trăn trở với biển, đảo nói chung và công tác đào tạo của Học viện Hải quân nói riêng. Ông đã có rất nhiều bài báo và tham gia nhiều hội thảo khoa học về biển, đảo. Năm 2007, ông trở về thăm Học viện Hải quân và đề xuất với Giám đốc học viện về việc biên soạn cuốn sách “Lịch sử chiến tranh và xung đột vũ trang trên Thái Bình Dương từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay”. Cuốn sách có thể làm tài liệu tham khảo cho môn học Lịch sử nghệ thuật quân sự hải quân. Năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Hải quân (26-4-1955 / 26-4-2015), ông được mời tham dự hội thảo khoa học của học viện với bài tham luận rất sâu sắc và ý nghĩa.                                                                                                          

PGS, TS ĐẶNG THANH BÌNH