Ông là người sáng tác chủ lực của Đoàn văn công Tỉnh đội Hà Tĩnh, Đoàn văn công Quân khu 4 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hơn 40 năm “vừa cầm bút, vừa cầm súng”, nghệ sĩ Nguyễn Viết Hoài sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị và cùng đoàn văn công biểu diễn phục vụ bộ đội.
Chúng tôi đến nhà gia đình nghệ sĩ Nguyễn Viết Hoài khi ông vừa nhận danh hiệu NSƯT vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê núi Hồng, bên dòng sông Minh Giang, Nguyễn Viết Hoài không chỉ hằng ngày được nghe những câu hò, điệu ví của các đôi nam thanh nữ tú vẳng lên từ hai bên bờ sông vào những đêm trăng sáng mà ông còn được tiếp nhận cả một nguồn văn hóa dân gian giàu có của vùng quê núi Hồng.
Năm 1966, đế quốc Mỹ leo thang ném bom phá hoại miền Bắc. Nguyễn Viết Hoài lên đường nhập ngũ vào Tiểu đoàn 48, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh. Thời bấy giờ, đơn vị thường xuyên tổ chức hội diễn văn nghệ. Anh tân binh Nguyễn Viết Hoài bộc lộ năng khiếu văn nghệ nên “lọt vào mắt xanh” của thủ trưởng các cấp. Thế là anh được điều động về làm diễn viên Đoàn Văn công Tỉnh đội Hà Tĩnh. Từ người lính cầm súng, Nguyễn Viết Hoài chuyển sang làm công tác văn hóa, văn nghệ chuyên nghiệp, làm diễn viên. Ông xúc động kể: “Thời kỳ đó, tôi lại vinh dự thân quen với nhà viết kịch Phan Lương Hảo, là người chuyên viết kịch dân ca. Chúng tôi tâm đầu ý hợp vì đều say mê dân ca Nghệ-Tĩnh, đều có ý nguyện viết được nhiều vở kịch dân ca phục vụ phong trào. Các tác phẩm kịch dân ca như: “Tấm khăn hồng”, “Chiếc gậy tre ngà”, “Tuyến đường đất lửa quê em”, “Khúc hát đêm hành quân”, “Lên quê mới”, “Xây hồ nước ngọt”, “Bình minh trên đảo”... của tôi ra đời trong giai đoạn này. Và tôi cũng diễn vai chính trong một số vở kịch đó”.
    |
 |
Nghệ sĩ Nguyễn Viết Hoài (hàng đầu, thứ hai, từ phải sang) chụp ảnh cùng Đoàn Văn công Tỉnh đội Nghệ Tĩnh, năm 1976 (trước năm 1976 là Đoàn Văn công Tỉnh đội Hà Tĩnh). Ảnh chụp lại. |
Chuẩn bị đón Xuân Mậu Thân 1968, Đoàn Văn công Tỉnh đội Hà Tĩnh có buổi biểu diễn tại trận địa pháo binh của bộ ở khu vực gần bãi biển xã Kỳ Phương (Kỳ Anh) động viên cán bộ, chiến sĩ vui xuân, đón Tết, sẵn sàng đánh địch. “Khoảng 2 giờ chiều, đoàn văn công chúng tôi chọn một bãi đất trống giữa rừng cây phi lao gần bờ biển, dùng tăng võng, màn tuyn làm sân khấu biểu diễn. Trong lúc mọi người đang chuẩn bị diễn, bất ngờ đạn pháo của Mỹ bắn vào khu vực trận địa pháo của bộ đội ta. Các chị em vào hầm ẩn nấp, còn anh em diễn viên tăng cường về các khẩu đội pháo bốc đạn, chuyển thương binh, giúp bộ đội ngụy trang công sự… Khi địch ngừng bắn, chúng tôi lùi về phía sau, chọn địa điểm kín đáo tiếp tục biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Buổi biểu diễn kết thúc trong tràng vỗ tay của mọi người, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ pháo binh kiên cường chiến đấu và chiến đấu thắng lợi”- nghệ sĩ Nguyễn Viết Hoài nhớ lại.
Một trong những địa điểm mà Đoàn Văn công Tỉnh đội Hà Tĩnh thường xuyên biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đó là Ngã ba Đồng Lộc. Cảm phục sự hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong năm 1968, ông đã sáng tác bài hát “Tuyến đường đất lửa quê em” ca ngợi lòng quả cảm của những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi. Bài hát được biểu diễn khắp các chiến trường, kịp thời khích lệ tinh thần yêu nước của quân và dân cả nước, quyết tâm đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược.
Đến năm 1970, ông được điều về Đoàn 22B, Quân khu 4 để tăng cường hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ cán bộ, chiến sĩ trên địa bàn Quân khu Trị Thiên. Nhờ tài năng sẵn có cộng với vốn tích lũy qua nhiều năm trải nghiệm trên chiến trường nên các tiết mục Nguyễn Viết Hoài sáng tác đều mang đậm hơi thở thời đại. Bên cạnh đó, ông có lối hát ngọt ngào, tinh tế và cách dàn dựng sáng tạo nên thường đoạt giải cao tại các liên hoan, hội thi, hội diễn. Tiêu biểu như: “Tấm khăn hồng”- Giải A tại hội diễn toàn quân năm 1974; “Lên quê mới”, “Xây hồ nước ngọt”- Giải A hội diễn Quân khu 4 các năm 1978, 1980; “Bình minh trên đảo”- Giải A Liên hoan tiếng hát làng Sen toàn quốc năm 1985… và nhiều giải thưởng khác.
Đến nay, mặc dù đã nghỉ công tác nhiều năm nhưng ông vẫn liên tục cho ra đời nhiều sáng tác mới, đúng như cái tên cha mẹ đặt cho: Viết Hoài.
HOÀNG TRUNG