Thợ sửa chữa xe tăng... trở thành ca sĩ

Theo lịch hẹn, một ngày cuối năm 2022, tôi đến nhà NSƯT Ma Thị Bích Việt ở Khu tập thể Quân đội (28B Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội). Trong căn phòng nhỏ ở tầng 1, chị dành đặt chiếc đàn piano, trưng bày những bức ảnh hoạt động biểu diễn và các giải thưởng chị được trao tặng.

Đại tá, NSƯT Ma Thị Bích Việt đã gần 70 tuổi nhưng đầy năng lượng và nhiệt huyết, đặc biệt chất giọng soprano vẫn cao vút và ma lực, lôi cuốn, chinh phục bao thế hệ người yêu âm nhạc Việt Nam. NSƯT Bích Việt kể: “Chị mê nghe hát từ nhỏ qua chiếc đài bán dẫn hiệu Xiongmao mà cha chị được mua theo tiêu chuẩn của cán bộ. Mỗi khi cha về nhà, chị mượn cha đài để nghe hát và học hát. Học kiểu “du kích” như thế có ai ngờ lại là những bước đi đầu tiên đưa chị tới con đường âm nhạc sau này...”.

leftcenterrightdel
Nghệ sĩ Ưu tú Ma Thị Bích Việt (năm 2010). Ảnh do nhân vật cung cấp 

Khi tôi hỏi về cơ duyên đến với ca hát chuyên nghiệp, ánh mắt chị Bích Việt ngời sáng. Chị hồi tưởng: “Một ngày cuối tháng 5-1972, chị trốn mọi người trong gia đình đi bộ gần 10km từ xã Sơn Vi lên trung tâm huyện Lâm Thao, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ) để khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Khi đó chị đã 18 tuổi nhưng người nhỏ thó. Gần trưa, chị được một chú cán bộ tên là Kiên gọi tên. Chú nhẹ nhàng hỏi: “Cháu có biết hát không? Nếu cháu vào bộ đội, có sợ bom, đạn không?”. Chị trả lời, giọng quả quyết: “Dạ, cháu biết hát ạ. Cháu không hề sợ bom, đạn”! Và không ngại ngần, chị cất tiếng hát giữa mọi người. Chú Kiên gật đầu nói: “Cháu hát hay lắm”. Thế là chị được nhập ngũ, biên chế về Đại đội 11 thuộc T600 (nay là Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp). Ở đó, chị vừa học làm thợ sửa chữa điện, điện đài trên xe tăng, vừa tham gia văn nghệ. Đầu năm 1973, chị được cấp trên điều động lên Đội Tuyên văn thuộc Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị (sau này là Đội Tuyên văn, Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Binh chủng Tăng thiết giáp), do đồng chí Lưu Ngọc Ấn phụ trách. Ít lâu sau, chị cùng Đội Tuyên văn của Binh chủng Tăng thiết giáp hành quân vào chiến trường. Hễ ở đâu có bộ đội xe tăng là Đội Tuyên văn của chị có mặt, mang lời ca, tiếng hát biểu diễn phục vụ bộ đội.

leftcenterrightdel
 Đại tá Ma Thị Bích Việt trong buổi gặp mặt Hội đồng đội Cục Chính trị Binh chủng Tăng thiết giáp, tháng 10-2022. Ảnh: THÁI KIÊN 

Đầu năm 1974, Đội Tuyên văn được lệnh hành quân về cơ quan Bộ tư lệnh để luyện tập tham gia Hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quân (các đơn vị phía Bắc) lần thứ nhất. Tại hội diễn này, Bích Việt đăng ký trình diễn hai ca khúc “tủ” chị từng hát nhiều lần cho bộ đội nghe: “Đón anh bên tháp pháo xe tăng” và “Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc”. Giọng ca nội lực đã chinh phục Ban giám khảo và giành Huy chương Vàng.

NSƯT Bích Việt nhớ lại: “Một ngày đầu tháng 11-1974, cán bộ Đại đội gọi lên yêu cầu chuẩn bị quân tư trang để hành quân về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Ngay lúc đó, chị đã thấy một chiếc mô tô Sidecar 3 bánh đỗ sẵn ở sân đơn vị. Vội vàng thu xếp quân tư trang, chị chào cán bộ Đại đội rồi lên xe. Về Hà Nội, chị mới biết là được về công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam). Đầu tháng 5-1975, chị cùng nhiều đồng nghiệp có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất, biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân chào mừng đất nước thống nhất. Cũng trong tháng đó, chị được thông báo bay ra Hà Nội để kịp khai giảng khóa học trung cấp thanh nhạc (1975-1979). Sau này, chị học tiếp hệ đại học (1983-1987) tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam)...”.

Giọng ca vàng bay xa

Năm 1978, Ma Thị Bích Việt là ca sĩ trẻ của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 11 tại thủ đô La Habana, Cuba. “Những ngày ở Cuba, chị may mắn được gặp lãnh tụ Fidel Castro. Lần đầu tiên chị hát bài ca ngợi Chủ tịch Fidel Castro bằng tiếng Cuba và tiếng Việt. Khoảng thời gian dự đại hội, chị được kết nghĩa anh em, chị em với một số bạn Cuba. Ngày ấy và mãi sau này, chị luôn sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì để đóng góp một phần nhỏ bé của mình nhằm thắt chặt mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam-Cuba...”, NSƯT Bích Việt trải lòng.

leftcenterrightdel

Nghệ sĩ Ưu tú Ma Thị Bích Việt cùng các đồng nghiệp. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Thập niên 1980, ca sĩ Ma Thị Bích Việt từng bước khẳng định độ chín về kỹ thuật thanh nhạc. Chị giành nhiều giải thưởng cao trong các hội thi âm nhạc toàn quốc, trong đó có giải Nhất và Nhì “Hát thính phòng-nhạc kịch” và Giải “Người hát hay nhất về các lực lượng vũ trang và an ninh” tại cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc hai năm 1987-1988... Tháng 6-1988, ca sĩ Bích Việt xung phong ra quần đảo Trường Sa, mang tiếng hát phục vụ bộ đội ở các đảo Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn, Sơn Ca...

Với niềm đam mê ca hát cộng thêm tố chất sư phạm, tháng 9-1992, ca sĩ Ma Thị Bích Việt được điều động về làm giảng viên Khoa Thanh nhạc, Trường Nghệ thuật Quân đội, sau đó chị giữ chức Phó chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (tiền thân của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội ngày nay). Là giảng viên, cán bộ quản lý, chị truyền thụ kiến thức âm nhạc cho học trò, trong đó nhiều người đã thành danh và giành các giải thưởng cao, như: NSƯT Đinh Xuân Đề (Đoàn Văn công Quân khu 5); NSƯT Hải Yến (Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La); NSƯT Nhật Thuận (Quân khu 3); Thu Hà (top 5 Vietnam Idol 2008)...

leftcenterrightdel
Nghệ sĩ Ưu tú Ma Thị Bích Việt. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Với những thành tích xuất sắc trong lao động nghệ thuật, đầu năm 1993, ca sĩ Ma Thị Bích Việt được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Đại tá, NSƯT Bích Việt nghỉ hưu tháng 7-2010, sau 38 năm công tác trong Quân đội, nhưng chị không nghỉ việc. Hiện nay, chị vẫn dành thời gian dạy thanh nhạc cho sinh viên. Chị còn sáng tác nhạc, tham gia các hội âm nhạc-văn học-nghệ thuật, biểu diễn ở trong nước và quốc tế.

NGUYỄN KIÊN THÁI