Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng nằm tại cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, bên dòng sông Hậu hiền hòa. Nơi đây có trưng bày chiếc ca nô mà đồng chí Tôn Đức Thắng đã điều khiển để đưa một số cán bộ cách mạng bị địch cầm tù tại Côn Đảo trở về, chấm dứt 15 năm đồng chí Tôn Đức Thắng bị tù đày; chiếc tàu thủy đưa Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ Long Xuyên về thăm quê tháng 10-1975...
Tại nhà trưng bày thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng có nhiều hiện vật gốc gắn với thời niên thiếu và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác Tôn, tiêu biểu như: Đôi hài hàm ếch, đồng hồ đeo tay, quần ka ki... Đặc biệt có tấm ảnh đã trở nên quen thuộc với nhiều gia đình ở Hà Nội, trong đó có gia đình tôi: Tấm ảnh “Bác Hồ và Bác Tôn”. Đây không chỉ là tác phẩm chụp hai vị lãnh tụ kính yêu của đất nước ta mà còn là bức ảnh thể hiện một tình bạn vĩ đại và cảm động của hai người chiến sĩ cộng sản.
Như nhiều người đã biết, ngày 5-6-1911, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Trước đó, năm 1906, anh Hai Thắng (tên thường gọi của đồng chí Tôn Đức Thắng) đã rời quê hương An Giang lên Sài Gòn làm thợ. Năm 1916, đồng chí Tôn Đức Thắng sang Pháp làm lính thợ trên chiến hạm France. Trong thời gian này có một sự kiện gây tiếng vang lớn trong phong trào công nhân quốc tế là cuộc binh biến của lính thủy Pháp phản đối cuộc tấn công của các nước đế quốc chống chính quyền Xô viết mà đồng chí Tôn Đức Thắng là người đã kéo lá cờ đỏ phản chiến. Hành động ấy thể hiện tinh thần quốc tế vô sản của giai cấp công nhân non trẻ Việt Nam. Năm 1920, đồng chí Tôn Đức Thắng thành lập công hội đầu tiên ở Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Công hội đỏ, phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn-Chợ Lớn phát triển một bước mới từ tự phát lên tự giác. Công hội do đồng chí Tôn Đức Thắng là mảnh đất tốt để hạt giống cách mạng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đơm hoa kết trái.
Đầu năm 1946, đồng chí Tôn Đức Thắng được Đảng điều động về Trung ương. Tại đây, đồng chí vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, hai người luôn sát cánh bên nhau lãnh đạo cuộc kháng chiến.
Sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, hòa bình lập lại ở miền Bắc, Bác Hồ, Bác Tôn cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Hà Nội. Sau đó, hai Bác cùng nhân dân cả nước tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở miền Nam. Ngày 15-7-1960, Bác Tôn được Quốc hội bầu làm Phó chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Hai Bác, Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước đã hiến trọn đời mình cho cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ, không ít hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc và nêu một tấm gương trong sáng về mọi mặt cho các thế hệ người Việt Nam noi theo.
Tôi có dịp được gặp bác Lê Hữu Lập, cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, thư ký riêng của Bác Tôn (thân sinh của nhà báo Lê Quốc Trung, nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam) lúc sinh thời, khi thì tại nhà riêng ở phố Cao Bá Quát, lúc thì tại nhà con gái bác ở phố Đội Cấn. Bác Lập kể, năm 72 tuổi, Bác Tôn được Quốc hội nước ta bầu làm Phó chủ tịch nước. Mới đầu, Bác không muốn có thư ký riêng với lý do công việc không nhiều, tự Bác làm cũng được. Bác Hồ không tán thành. Thế là đầu năm 1962, bác Lập được các đồng chí ở Văn phòng giao thêm nhiệm vụ phục vụ Bác Tôn. Được phục vụ cả Bác Hồ và Bác Tôn trong nhiều năm, bác Lập kể, Bác Hồ và Bác Tôn đều hết lòng, hết sức vì cách mạng, vì nhân dân; đều là hiện thân của những đức tính cần, kiệm, giản dị trong sinh hoạt. Hai Bác xưng hô với nhau rất thân mật, đều gọi nhau bằng “cụ”. Bác Tôn luôn coi Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại, còn Bác Hồ trân trọng Bác Tôn như một người đồng chí, một người bạn chiến đấu thân thiết, thủy chung.
Vào những ngày chủ nhật, Bác Hồ thường sang thăm gia đình Bác Tôn (tại nhà số 35 Trần Phú, Hà Nội). Một lần như vậy, thấy Bác Tôn ở tầng hai, phải đi lại cầu thang tốn sức, Bác Hồ nhắc anh em Văn phòng bố trí Bác Tôn xuống tầng dưới để ít phải đi lại, xuống hầm phòng không cũng nhanh hơn (khi ấy không quân Mỹ đang leo thang đánh phá miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội). Cũng có khi Bác Hồ mời Bác Tôn sang nhà sàn của Người dùng cơm. Lần nào cũng thấy Bác Hồ xuống tận chân cầu thang đón bạn với câu chào quen thuộc: “Chào cụ!”. Bác Tôn cũng chắp tay đáp lễ: “Chào cụ!”... Và hai vị lãnh tụ khoác tay nhau đi dạo trên con đường trải sỏi trong vườn...
Ngày 19-8-1958, tại Câu lạc bộ Ba Đình, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Bác Tôn (ngày 20-8), Bác Hồ đã thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng Bác Tôn Huân chương Sao Vàng-huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam. Tại lễ trao tặng, trước khi gắn tấm huân chương lên ngực áo Bác Tôn, Bác Hồ rất vui và xúc động phát biểu: “... Là một chiến sĩ cách mạng dân tộc và chiến sĩ cách mạng thế giới, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những người Việt Nam đầu tiên đã tham gia đấu tranh bảo vệ Cách mạng Tháng Mười vĩ đại... Đồng chí là một người gương mẫu đạo đức cách mạng: Suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân... Thay mặt nhân dân và Chính phủ, tôi trân trọng trao tặng đồng chí Tôn Đức Thắng Huân chương Sao Vàng, là huân chương cao quý nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mà đồng chí Tôn Đức Thắng là người đầu tiên và là người rất xứng đáng được tặng huân chương này”...
Bác Tôn xúc động đáp từ: “Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm nay sẽ mãi mãi khuyến khích tôi trung thành đến phút cuối cùng cho cuộc đấu tranh vì hòa bình và thống nhất của đất nước thân yêu, cho chủ nghĩa xã hội, cho hạnh phúc và yên vui của toàn thể nhân loại”.
Đến năm 1968, Bác Tôn tròn 80 tuổi, Bác Hồ đã đến chúc thọ người bạn già và tặng Bác Tôn hai câu thơ: Càng già, chí khí càng dai/ Chống Mỹ, cứu nước ít ai hơn Già.
Những ngày thường, Bác Hồ cũng rất quan tâm đến sức khỏe của Bác Tôn. Biết Bác Tôn là người năng hoạt động, tập luyện thể thao, rất thích đi xe đạp ra ngoại thành vào buổi sáng sớm, Bác Hồ dặn anh em Văn phòng phải hết sức để ý!
Sau khi Bác Hồ qua đời, trong phiên họp đặc biệt trung tuần tháng 9-1969, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã bầu Bác Tôn làm Chủ tịch nước. Khi nhận trọng trách này, Bác Tôn xúc động phát biểu: “Được kế tiếp chức vụ của Hồ Chủ tịch là điều rất vinh quang đối với tôi, là điều mà tôi chưa từng dám nghĩ tới”.
Thập Tam trại, mùa thu năm 2021
NGÔ VĨNH BÌNH