Trực tiếp thưởng thức những bài hát và nghe lời chia sẻ, tâm tình của NSND Hà Thủy với các học trò thương yêu của mình trên sân khấu Liveshow “Thanh âm của lửa” diễn ra tại Vườn âm nhạc Nhà hát Lớn Hà Nội đầu tháng 11 vừa qua, nhiều khán giả đã không khỏi xúc động. Chương trình được các giọng ca nổi tiếng của làng thanh nhạc Việt Nam như: NSND Phạm Phương Thảo, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, Hoàng Quyên, Chu Thúy Quỳnh... tổ chức để tri ân và tôn vinh cô giáo của mình là Đại tá, NSND Hà Thủy nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và chào mừng 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau khi trình diễn hai ca khúc “Quỳnh” và “Vũ điệu hoang dã”, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương tâm sự: “Hơn 20 năm ca hát, bây giờ tôi đã có nhiều trải nghiệm hơn, chững chạc hơn. Trong thâm tâm của tất cả chúng tôi sẽ không bao giờ quên công ơn của cô Hà Thủy và mái trường nghệ thuật Quân đội (Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội)”.
|
|
Đại tá, NSND Hà Thủy hướng dẫn các học trò trước buổi thi tốt nghiệp thanh nhạc năm 2024. |
Ca sĩ trẻ Chu Thúy Quỳnh lại có kỷ niệm sâu đậm khi nhắc nhớ về những ngày tháng đi học và những điều cô Hà Thủy đã giúp đỡ. Nữ ca sĩ bày tỏ: “Ngày hôm nay, con được đứng ở đây, con xin cảm ơn cô đã đồng hành với con từ suốt thời gian đi học cho đến lúc làm nghề. Cô đã dạy con rất nhiều điều, dạy con tư duy, dạy con cách sống”. Nói lời cảm ơn cô giáo, Chu Thúy Quỳnh không giấu được sự xúc động và những giọt nước mắt. NSND Hà Thủy đã bước lên sân khấu để an ủi cô học trò tài năng của mình cùng những lời chia sẻ: “Chu Thúy Quỳnh là một trường hợp rất đặc biệt, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ là công nhân, bố bị bệnh nặng. Lúc đầu, tôi không biết chuyện gia đình của Quỳnh. Khi dạy Quỳnh trong giai đoạn ấy, tôi rất stress. Lúc đó, còn học văn hóa, cô chủ nhiệm văn hóa cũng gọi tôi đến vì Quỳnh chểnh mảng trong việc học, đi học lúc nào cũng đến muộn. Lúc mình căng thẳng nhất, muốn buông bạn ấy thì Quỳnh nói rằng “bố em mất”, vì chuyện của gia đình nên Quỳnh phải ở nhà. Trước đó, có những hôm tôi chuẩn bị về thì Quỳnh mới đến học, tôi có hỏi tại sao thì Quỳnh nói rằng em chạy bộ đến trường. Nhà chỉ có một chiếc xe máy, mẹ phải bán đi để mua thuốc cho bố, bây giờ không có chiếc xe nào. Tôi đang đi xe của mình, thấy thương em quá, tôi bảo “con đi xe của cô, cô cho con”. Đấy là kỷ niệm của hai cô trò!”.
Cho đến hôm nay, sau hơn 10 năm giảng dạy cô học trò nhỏ, NSND Hà Thủy vẫn luôn đồng hành với Chu Thúy Quỳnh. “Tôi luôn theo sát từng bước chân của Quỳnh. Tôi rất hạnh phúc vì Quỳnh đã vượt lên chính bản thân, vượt qua khó khăn, mua được nhà cho mẹ, giúp đỡ em mình ăn học thành người. Rất cảm ơn con, vì những điều con đã làm được!”, NSND Hà Thủy tâm sự thêm. Nhớ lại câu chuyện, cả hai cô trò đều không kìm được những giọt nước mắt. Với ca sĩ Chu Thúy Quỳnh, đó là những giọt nước mắt biết ơn cô giáo đã đồng hành với mình trong suốt chặng đường học và làm nghề, còn với cô giáo Hà Thủy thì đó là những giọt nước mắt trong niềm tự hào của người thầy khi học trò của mình đã trưởng thành.
Hơn 30 năm làm “người lái đò”, NSND Hà Thủy từng đào tạo và hướng dẫn trực tiếp khoảng 60 học trò, nhiều người trong số đó giờ đã trở thành nghệ sĩ nổi tiếng và đảm nhiệm solist trong những đơn vị nghệ thuật của Quân đội, như: NSND Hồng Hải, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Liên Hương (Đoàn Văn công Quân khu 2); NSND Nhật Thuận (Đoàn Văn công Quân khu 3); NSƯT Phương Anh (Đoàn Văn công Hải quân); ca sĩ Hoàng Nghiệp (Đoàn Văn công Quân khu 9); các ca sĩ Cẩm Tú, Hoàng Hồng Ngọc (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội)... Cùng với đó là những ca sĩ thành danh đang hoạt động sôi nổi và gặt hái nhiều thành công, được công chúng mến mộ như: NSND Phạm Phương Thảo, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, Văn Mai Hương, Hoàng Quyên, Bùi Lê Mận, Hương Tràm... Không chỉ là một nhà giáo tâm huyết dạy hát, dạy làm nghề, NSND Hà Thủy còn được học trò hết mực yêu quý vì luôn là hậu phương vững chắc và thầm lặng, đồng hành giúp học trò thành công.
Nhắc đến Hà Thủy, người yêu nhạc nhớ đến cô gái miền sơn cước Lào Cai với khuôn mặt thanh tú, giọng hát trong trẻo, cao vút cùng các đồng đội nghệ sĩ của mình một thời băng rừng vượt suối đến các chốt, điểm tựa nơi biên cương, hải đảo để biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Sinh năm 1960, bước vào tuổi 20, Hà Thủy theo niềm đam mê ca hát đã tạm biệt quê hương về Hà Nội học thanh nhạc tại Trường Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội). Điều đặc biệt ở Hà Thủy là chị không chỉ hát hay ở dòng nhạc nhẹ mà còn tài năng ở dòng nhạc thính phòng, opera và dân gian. Gác lại “thời hoa đỏ” của mình, từ năm 1991, nghệ sĩ Hà Thủy bước vào sự nghiệp giảng dạy và xác định rõ mục tiêu: Phải dạy cái gì Quân đội cần, xã hội cần.
“Khi xác định mục tiêu đào tạo của mình, tôi đã được nhạc sĩ An Thuyên, rồi sau này là nhạc sĩ Đức Trịnh (đều nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) ủng hộ và tạo điều kiện hết sức để có thể soạn giáo trình và giảng dạy học trò. Vậy nên, trong quá trình giảng dạy, tôi đều phải trực tiếp thị phạm tới từng học trò để làm sao phù hợp với từng giọng hát, phong cách và cá tính của các em. Do đó, người thầy cũng rất áp lực. Giờ cô, trò nhắc đến nhau là trò nhớ cô mắng như thế nào, cô thì nhớ trò dỗi ra sao. Thế nhưng kết quả sau những căng thẳng ấy là bước đường nghệ thuật ít nhiều có những thành tựu của các em. Và niềm hạnh phúc nhất của người thầy là hầu hết học trò làm nghề rất chuyên nghiệp, chắc chắn và thành công. “Thanh âm của lửa” là đam mê, là lửa nghề, thanh âm đó sẽ luôn cháy mãi trong cô và trò. Tôi sẽ luôn “thắp lửa”, dõi theo bước đường nghệ thuật và cổ vũ cho các em!”, NSND Hà Thủy trải lòng.
|
|
NSND Hà Thủy (bên trái) cùng các học trò chia sẻ niềm vui trên sân khấu Liveshow “Thanh âm của lửa”. Ảnh: HÀ CHÂU |
NSND Hà Thủy cũng bày tỏ niềm tự hào khi được công tác trong ngôi trường nghệ thuật uy tín của Quân đội, bởi đây chính là nơi đã tạo cơ hội cho cô, trò được thể hiện tài năng và đam mê cống hiến. Từ năm 2014, nghệ sĩ Hà Thủy là Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc và trước khi nghỉ hưu (năm 2022) đảm nhiệm Chỉ huy trưởng cơ sở 2 Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tại TP Hồ Chí Minh. NSND Hà Thủy cho biết: “Từ thập niên 1990, nhà trường đã ứng dụng công nghệ, giáo trình đào tạo âm nhạc của Mỹ vào giảng dạy sáng tác và biểu diễn âm nhạc. Nhà trường cũng là ngôi trường nghệ thuật tại Việt Nam tiên phong trong việc đào tạo nhạc nhẹ, đặc biệt chú trọng thực hành biểu diễn cho ca sĩ cọ xát thực tế bằng việc tổ chức biểu diễn phục vụ công chúng, tham gia các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, toàn quân và quốc tế. Do đó, có nhiều em sau khi ra trường, thậm chí ngay từ khi còn là sinh viên đã trở thành những gương mặt nổi tiếng mà lâu nay công chúng thường gọi là các “ngôi sao”, như: Hồ Quỳnh Hương, Văn Mai Hương, Hương Mơ, Phương Anh, Khánh Linh, Ngọc Khuê, Xuân Hảo, Đỗ Tố Hoa...”.
Hiếm có sân khấu âm nhạc nào lại dâng trào nhiều cảm xúc và những giọt nước mắt như trong Liveshow “Thanh âm của lửa”. Ở đó là những giọng hát cất cao, bay lên trong tình yêu thương, trong sự “truyền lửa” nhiệt huyết cống hiến, đam mê cho nghệ thuật Quân đội nói riêng, đất nước nói chung của cô, trò Đại tá, NSND Hà Thủy.
HÀ ANH