Đi chiến đấu vì khắc sâu hình ảnh cha

“Cha mất khi tôi mới 1 tuổi. Ông là liệt sĩ Huỳnh Văn Phát, một trong những người chỉ huy tài ba của Trung đoàn 99 ở tỉnh Bến Tre. Năm 1963, tôi tròn 16 tuổi, đi học thông tin vô tuyến điện Miền (R), từ tháng 7-1963 đến tháng 3-1964, rồi trở thành sĩ quan quân báo”, ông Huỳnh Văn Cẩm (bí danh Nguyễn Cương Trực), nguyên Đại đội trưởng Đại đội 1, Đoàn 21 TSKT (Phòng Quân báo Miền), nhớ lại.

Trong mắt chàng trai 16 tuổi Nguyễn Cương Trực ngày đó, không thể diễn tả được con sông Cửu Long lớn cỡ nào, ông chỉ nhớ, hành trang mang theo là một cây dầm để phụ bơi qua sông cùng một chiếc ba lô cũ. Đoàn đi học cứ âm thầm đi trong đêm tối. Ông bị lọt tõm xuống một hố sâu, nước ngập đến cổ, ba lô ướt sũng, nặng trĩu, từng giọt nước lạnh lẽo thấm vào da thịt. Nhưng: “Cha đã ra đi chiến đấu vì quê hương khi mới hơn tuổi tôi một chút, tôi nhất định cũng phải đi chiến đấu để không phụ hồn cha linh thiêng”. 

Sau hơn nửa tháng, vượt qua bao con sông lớn nhỏ, ông tới được Trường Thông tin Miền ở gần trảng Đồng Rùm (Tây Ninh). Khi ổn định biên chế, ông và đồng đội bắt đầu đi cắt tranh, bẻ lá trung quân, chặt cây làm nhà, vót chông, đào công sự, đào chiến hào, đắp ụ chiến đấu, đi gặt lúa giúp dân, đi tải lúa, gạo, muối... “Đây là những công việc hoàn toàn mới lạ đối với tôi, những thử thách cam go đầu tiên của người chiến sĩ. Tôi nhớ hồi đó vì thiếu cuốc xẻng nên phải đào công sự bằng cây sầm vót nhọn, mà đất miền Đông cứng như đá nên hai bàn tay đều rớm máu. Tải gạo còn đỡ, tải lúa, tải muối thì vừa xót, vừa nặng, mệt bở hơi tai. Đợt tải gạo xong, chúng tôi được nghỉ mấy ngày để chuẩn bị học thì địch đổ quân càn vào căn cứ...”.

leftcenterrightdel

Đại đội trưởng Đại đội 1, Đoàn 21 Trinh sát kỹ thuật Nguyễn Cương Trực, năm 1974. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Sau gần một năm nỗ lực học tập, ngày bế giảng khóa học cũng đã tới, Nguyễn Cương Trực bịn rịn, lưu luyến chia tay đồng đội, từ biệt những người thầy, những cán bộ, nhân viên của trường để lên đường đến nơi Đảng và Quân đội giao phó. Ông được biên chế về Trung đội 29 TSKT, là đơn vị nắm địch mới thành lập; sau đó là Tiểu đoàn 47 TSKT, Tiểu đoàn 63 TSKT và Đoàn 21 TSKT của Phòng Quân báo Miền.

Kể từ ngày rời trường cho đến khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, không ngày nào ông không lắng nghe thông tin, thu điện mật của địch, giải mã. Có những lúc sóng mạnh, đổ cả máu tai, có những trận chiến cam go phải ngồi hàng chục tiếng theo dõi...

Đánh giặc bằng việc “săn tin” qua sóng mạng

TSKT Miền là một đơn vị chuyên “tung hoành ngang dọc” trên bầu trời để theo dõi thông tin địch bằng cách thu sóng qua radio. TSKT Miền đã thu thập hàng triệu bức điện các loại, có nhiều tin tức giá trị cao, từ đó ra hàng nghìn bản tin hằng ngày phục vụ tin tức cho chỉ huy, tác chiến rất hiệu quả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam (trong 12 năm, từ 1963 đến 1975).

Tháng 12-1964, lần đầu tiên trong đời, người chiến sĩ TSKT Nguyễn Cương Trực được đi phục vụ trận đánh lớn: Trận Bình Giã. Ông vừa mừng vừa lo, đã đến lúc “thử lửa” sau gần một năm học tập. Ông được giao nắm mạng liên lạc của Quân đoàn 3 ngụy. Ban đầu, những người lính chiến trường “bán tin, bán nghi”, làm sao ông và các anh em TSKT chỉ ngồi một chỗ mà biết được tình hình địch thế nào chỉ với một chiếc radio Sony nhỏ.

Hôm đó, trực trên máy từ sáng sớm, ông nghe tiếng ma-níp của đài ngụy báo thông tin, rồi liên tục gọi các đài phụ một cách gấp gáp. Khoảng 15 phút sau, đài Quân đoàn 3 ngụy báo điện tối khẩn bắt đầu hành quân, đánh mật mã đổi sóng theo quy ước.

Ông vội báo với đồng đội tình hình mạng và việc đổi sóng của địch, huy động các anh em cùng cắm mạng hỗ trợ tìm kiếm. Ông lặng lẽ dò tìm, vượt qua bức tường âm thanh ken dày tín hiệu “tít tít”, “te te” được phát đi dày đặc trong không gian bao la để tìm ra đối tượng.

Lần thứ nhất, ông dò rất thận trọng, tiếng tín hiệu nghe đầy tai, nhưng tín hiệu cần tìm chưa thấy. Ông hết sức sốt ruột và căng thẳng, đầu nóng như có lửa đốt, mà không được phép kéo dài thời gian vì nếu chậm trễ là mất một bức điện vô cùng quan trọng, là đổ xương máu của đồng chí, đồng đội. cố gắng dò tìm, dò mãi, dò mãi, bỗng tim ông như ngừng đập, rồi ông thốt lên: “Đây rồi, nó đây rồi!”.

Hôm đó thời tiết xấu, sóng nhiễu lụp bụp trong máy nên nghe tín hiệu rất khó, ông phải vặn âm lượng máy thật nhỏ và hết sức tập trung mới có thể nghe và thu được tín hiệu. Gần một giờ sau, ông đã nhận xong bức thư điện. Đó là lệnh hành quân của Quân đoàn 3 ngụy gửi cho các đơn vị trực thuộc, trong đó có Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến và Liên đoàn 3 Biệt động quân được tăng cường cho Quân đoàn 3 hành quân đánh Bình Giã.

leftcenterrightdel
 Chiếc radio Sony đồng chí Nguyễn Cương Trực sử dụng thu tín hiệu theo dõi địch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Thu được lệnh hành quân của địch, Phòng Quân báo tiền phương đã báo cáo với Ban chỉ huy tiền phương Miền về lực lượng, thời gian hành quân của địch, vị trí các bãi đổ quân, tọa độ oanh kích của máy bay, pháo binh địch xung quanh Bình Giã. Những thông tin này đã phục vụ kịp thời cho Ban chỉ huy tiền phương Miền chỉ huy bộ đội đánh tiêu diệt gọn quân địch. Đội TSKT đã lập thành tích xuất sắc, góp phần tạo nên chiến thắng Bình Giã vang dội.

Kể từ đấy, ông tiếp tục vinh dự được phục vụ trong nhiều chiến dịch lớn, như: Chiến dịch Đồng Xoài, Chiến dịch Phước Bình-Bù Đốp, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch Nguyễn Huệ và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong số những chiến sĩ TSKT tham gia, Nguyễn Cương Trực được đồng đội gọi là “thần hộ mạng” vì tin tức ông thu và giải mã chưa bao giờ sai.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, có thêm 2 đồng chí ở Ban liên lạc truyền thống Phòng Quân báo Miền-Quân khu 7, là đồng đội của ông Trực. Trong nhiều chia sẻ về nghề nghiệp từ họ và lời kể của ông Trực về những cam go vào mùa hè đỏ lửa của Chiến dịch Nguyễn Huệ, tôi ấn tượng 3 điều về ông: “Lặng thầm”, “khó” và “quả cảm”.

Lúc bấy giờ, trinh sát mặt đất của ta báo quân địch đã rút khỏi địa bàn. Nhưng ông lại thu sóng nghe được câu chuyện của Tỉnh trưởng tỉnh Bình Long nói với Trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Quân đoàn 3: “Mặc dù cộng quân đang siết chặt vòng vây, nhờ tôi ở dưới hầm kiên cố nên vẫn khỏe. Trung tướng cứ yên tâm, Trung tướng cứ cho pháo đài bay (B-52) rải thảm thị xã An Lộc này trừ tọa độ có boong-ke (hầm ngầm) của tôi”.

Ngay khi thu và giải mã thông tin, ông Trực báo về cho Phòng Quân báo tiền phương, đồng chí Trưởng phòng gọi ông lên và nói: “Cậu ngồi xuống đi. Tôi vừa nhận tin, nhưng lấy gì để bảo đảm đó là nguồn tin chắc chắn?”.

“Báo cáo thủ trưởng, tôi lấy sinh mạng chính trị của tôi để bảo đảm. Nếu cần, tôi lấy cái đầu của tôi ra bảo đảm”, ông nghẹn ngào kể lại.

Sự xúc động mà tôi nhìn thấy ở ông, người cựu chiến binh đang trú tại phường 15, quận 10, TP Hồ Chí Minh, với ký ức tự hào ùa về. Đó là trách nhiệm, là bản lĩnh và là sự gan dạ của người chiến sĩ TSKT, dẫu âm thầm nhưng là lực lượng không thể thiếu trong cuộc chiến đấu anh dũng của Quân đội ta.

“Trong kháng chiến chống Mỹ, nếu không có TSKT Miền thì xương máu bộ đội, đồng bào có thể tổn thất hơn rất nhiều, cuộc kháng chiến có thể kéo dài thêm nhiều năm nữa. Những đóng góp của chúng tôi đã góp phần để Đoàn 21 TSKT được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân”, ông Trực chậm rãi nói.

Nửa thế kỷ đã trôi qua. Người chiến sĩ TSKT năm xưa nay đã tóc bạc, da mồi, nhưng bầu nhiệt huyết thì vẫn sục sôi như thời trai trẻ. Bản lĩnh chính trị, kỹ năng, kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ TSKT, những thành tích, chiến công vẻ vang của ông và đồng đội mãi mãi là pho sử liệu quý giá, là nguồn cảm hứng cho giới văn nghệ sĩ, là chất liệu của công tác giáo dục, tiếp lửa truyền thống. Nhiều bạn trẻ sẵn sàng gác lại việc học hành, lập nghiệp để làm đơn tình nguyện nhập ngũ; nhiều thanh niên quyết định lựa chọn sự nghiệp cuộc đời bằng điểm xuất phát dưới mái trường sĩ quan, cùng cái duyên được “tiếp lửa” từ ông và đồng đội. Ông quan niệm, được tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ ở Thành phố mang tên Bác, nơi ông đã gắn bó, trở thành quê hương thứ hai, thực sự là niềm hạnh phúc.

KIỀU OANH