Năm 1966-1967, thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” trên chiến trường miền Nam, Mỹ-ngụy tăng cường kiểm soát, phong tỏa gắt gao, nên việc vận chuyển hàng hóa chi viện cho Quân khu 9 bằng đường biển gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, vũ khí và phương tiện theo đường Trường Sơn chỉ đến miền Đông Nam Bộ. Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Quân khu 9 thành lập Liên đội 1 TNXP có nhiệm vụ tiếp nhận hàng từ Tổng trạm 95 ở Campuchia do Đoàn 195 chuyển đến từ Tây Ninh, sau đó vượt biên giới qua xã Vĩnh Điều (nay thuộc huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) đưa về các trạm cất giấu và phân phối khắp vùng. Lực lượng ban đầu từ Đại đội Nguyễn Việt Khái (Cà Mau), Đại đội Tây Đô (Cần Thơ), Đại đội Hòn Đất (Rạch Giá), Đại đội Mai Thanh Thế (Sóc Trăng) và các lực lượng của Vĩnh Long, Trà Vinh, với tổng quân số khoảng 500 người.

Ông Võ Minh Tưa, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Kiên Giang, người có thời gian gắn bó với tuyến đường 1C từ ngày thành lập, nhớ lại: “Hầu hết TNXP là nữ, tuổi đời từ 14 đến 20. Phương thức vận chuyển vào mùa khô thì khiêng vác, mùa mưa thì dùng xuồng ba lá chở hàng. Khi phát hiện tuyến đường 1C là huyết mạch của Quân khu 9, địch tập trung đánh phá ác liệt nhằm cắt đứt đường tiếp tế, hòng bình định miền Tây Nam Bộ.

Mỗi ngày có hàng trăm lượt máy bay đủ loại ném bom bắn phá, kể cả B-52 rải thảm, đổ quân càn quét; đêm thì ra-đa quan sát phát hiện ánh sáng là cho pháo bầy bắn cấp tập. Trên kênh xáng, chúng điều phương tiện thay nhau tuần tiễu ngày đêm. Với phương châm “lừa-đánh-phòng-tránh”, ngoài nhiệm vụ chính là vận chuyển, lực lượng TNXP còn phải chiến đấu quyết liệt với địch để mở đường mà đi, bảo vệ người, bảo vệ hàng, quyết tâm bám trụ, giữ vững đường 1C thông suốt”.

Bà Võ Tuyết Lệ, thương binh hạng 4/4, Phó chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Kiên Giang, tham gia Liên đội 1 từ ngày đầu thành lập khi mới 14 tuổi. Trong những năm bám trụ tuyến đường 1C, bà cùng đồng đội ngày lo đánh địch, sát cánh cùng bộ đội chiến đấu; đêm đến mỗi người một xuồng vận chuyển hàng hóa. Bà Lệ kể: “Một lần, tôi cùng 11 đồng chí đi chuyển hàng vừa vượt qua kênh Vĩnh Tế thì bị địch bao vây. Chúng tôi đánh trả quyết liệt. Các đồng chí đi cùng chiến đấu anh dũng và hy sinh, còn tôi bị thương ở chân nên cố gắng bò vào nấp trong đám cỏ. Tôi mở khóa khẩu tiểu liên AK chờ cho chúng tới gần sẽ nổ súng, chấp nhận hy sinh chứ không đầu hàng. Nhưng chẳng hiểu sao chúng tìm kiếm một lúc rồi quay trở ra. Trong đêm tối, tôi bắt đầu tìm đường về trạm”.

leftcenterrightdel
 Nữ thanh niên xung phong miền Tây Nam Bộ vận chuyển hàng hóa trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu

Cũng như bà Lệ, bà Nguyễn Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Cựu TNXP thành phố Rạch Giá, gia nhập Liên đội 1 năm 1968, cho rằng, trong điều kiện bom đạn ác liệt, các thế hệ TNXP kiên cường bám địa bàn vận chuyển vũ khí, phương tiện phục vụ chiến đấu, đưa đón cán bộ đi và đến nơi an toàn. Những trận bom, đạn pháo của địch năm xưa, những đồng đội mất đi vì bệnh tật vẫn in đậm trong tâm trí bà Minh: “Trên đường chuyển hàng, anh chị em bị bệnh sốt rét rất nhiều nhưng không có thuốc đặc trị. Một lần tôi và các đồng chí: Thắng (nam), Tiến (nữ) đi chuyển hàng thì gặp địch càn quét, phải vòng tránh nhiều lần. Chúng tôi chịu đói khát 3 ngày đêm, đến khi địch rút quân mới chuyển được đồng chí Thắng về trạm thì anh ấy đã mất vì sốt rét. Còn đồng chí Tiến, lúc được đưa về tới Hòn Đất cũng ra đi! Mặc dù bom đạn ác liệt, các thế hệ TNXP vẫn lạc quan, kiên cường chiến đấu, bám địa bàn, chưa một ai rời bỏ nhiệm vụ”.

Trong thời gian hoạt động, Liên đội 1 TNXP đưa đón hơn hai vạn lượt cán bộ, bộ đội, thương binh ngược xuôi từ Trung ương đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ; vận chuyển hơn 13.000 tấn vũ khí, hàng nghìn tấn lương thực, thuốc men; tham gia đánh hơn 200 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu gần 3.000 tên địch, bắn rơi 5 máy bay, bắn cháy 8 xe tăng và 14 tàu chiến... Liên đội 1 TNXP có 399 thành viên anh dũng hy sinh, 327 người khác bị thương hoặc để lại một phần thân thể nơi “cửa ngõ” trên mảnh đất Vĩnh Điều.

Để ghi dấu chiến công và giáo dục truyền thống cho thế hệ sau, tại xã biên giới Vĩnh Điều, Bia tưởng niệm TNXP trên tuyến đường 1C đã được xây dựng, đây cũng là địa chỉ để các cựu TNXP đến thắp hương tưởng nhớ những đồng đội đã khuất và nhắc nhớ một thời máu lửa...

HỒ KIÊN GIANG