Theo tính chất thể loại thì di chúc là một dạng văn bản ghi lại những điều mà người sắp từ giã cõi đời nói với những người đang sống; thường được công bố khi người viết đã ra đi, do vậy, đây là một văn bản mà tự thân nó đã gợi nên những gì là ngậm ngùi, tiếc nhớ, buồn thương. Nhưng trong các bản viết tay, Bác không hề dùng hai chữ “di chúc”. Bản viết năm 1965, Người ghi “Nhân dịp mừng 75 tuổi” ở giữa dòng đầu, bên trái là 4 chữ “Tuyệt đối bí mật”. Trong phần nội dung, Người viết “để lại mấy lời này” (bản năm 1965), “để sẵn mấy lời này” (bản công bố năm 1969) chứ cũng không nói là “di chúc”. Như vậy, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang những nét đặc trưng thể loại thông thường, rất truyền thống nhưng luôn có xu hướng vượt thoát ra ngoài ranh giới thể loại để mang tầm vóc của một văn kiện lịch sử vô giá, hướng về tương lai, tiên đoán và khẳng định tương lai. Với tầm vóc lớn lao, tác phẩm vươn tới một diễn ngôn của thời đại, là tiếng nói của thời đại, của tương lai.

Đây là một văn bản đối thoại văn hóa theo nghĩa đầy đủ nhất của khái niệm này, cực kỳ trí tuệ, sâu sắc, tầm nhìn vượt thời gian, không gian; rất mực yêu thương, nhân ái, khoan dung, vì con người. Văn bản hầu như đối thoại với tất cả mọi người (toàn dân, toàn Đảng, bộ đội, thanh niên, nhi đồng...); đối thoại về nhiều vấn đề thiết yếu của xã hội (đối nội, đối ngoại, chấm dứt chiến tranh, xây dựng đất nước, việc riêng, việc chung...). Có thể coi câu chữ trong Di chúc là sự khái quát cao nhất cho một cương lĩnh phát triển vĩ mô của đất nước sau ngày thống nhất. Đặc biệt, Di chúc như mở ra một tương lai, một chân trời mới cho đất nước bằng sự khẳng định chắc chắn, tất yếu về niềm tin. Không ngẫu nhiên mở đầu tác phẩm là một niềm tin chiến thắng:

“Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn”.

Ở câu trên, mệnh đề “song nhất định thắng lợi hoàn toàn” là một khẳng định nhưng vẫn được nhấn mạnh một lần nữa ở câu “Đó là một điều chắc chắn”. Để tác động mạnh hơn nữa vào thị giác người đọc, tác giả còn cho câu văn khẳng định này tách dòng đứng riêng. Các từ “nhất định”, “hoàn toàn”, “chắc chắn” là không thể thay thế. Giả sử dùng phép giả định tỉnh lược, chỉ còn “song sẽ thắng lợi” thì nội dung câu văn vẫn giữ nguyên nhưng rõ ràng ý nhấn mạnh niềm tin đã bị giảm đi rất nhiều. Ở phần sau, sự khẳng định còn mạnh mẽ hơn: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Bốn câu văn ngắn, cấu trúc giống nhau đều lấy “nhất định” (cùng là thanh trắc) làm động từ chính tạo ra ngữ khí mạnh mẽ, rắn rỏi, chắc chắn, diễn tả cao nhất niềm tin đến tuyệt đối. Từ góc độ cấu trúc hình thức có thể hình dung ngôi nhà hòa bình Việt Nam được Bác Hồ xây dựng trên mảnh đất tự do có 4 cây cột “nhất định” vô cùng vững chãi: Nhất định thắng lợi, nhất định Mỹ cút, nhất định thống nhất, nhất định sum họp!

leftcenterrightdel

Mô phỏng Bác viết Di chúc trong "Không gian Di chúc Hồ Chí Minh" tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: TÚ TRANG

Đặt Di chúc trong bối cảnh viết khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc còn đang ở giai đoạn cực kỳ gian khổ, ác liệt càng thấy niềm tin này chỉ có thể có ở một bản lĩnh lớn, một khí phách lớn, một nhãn quan chiến lược thiên tài, nhìn thấu tương lai. Hơn nữa, đây là niềm tin của một vị Chủ tịch nước nên có tác dụng cổ vũ, động viên rất lớn: Niềm tin của một người gieo niềm tin đến muôn người. Có thể coi đây là một sự kết tinh của văn hóa Việt về niềm tin, niềm lạc quan, dù ở trong tình huống khó khăn nào vẫn luôn hướng về những điều tốt đẹp, “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.

Trong các điều kiện cơ sở của đối thoại văn hóa thì hiểu biết được đặt lên hàng đầu. Di chúc thể hiện tầm nhìn của một trí tuệ lớn mang tầm thời đại và đi trước thời đại khi đưa ra những dự báo chiến lược hết sức đúng đắn, mà đến hôm nay, thực tế cho thấy đó là chân lý. Niềm tin toát ra từ Di chúc cũng chính là một biểu hiện của trí tuệ vô song ấy!

Với những lời đầy ân tình, Di chúc thể hiện rất rõ cách ứng xử văn hóa truyền thống, coi mọi người như người trong một gia đình: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam-Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”. Và tấm lòng biết ơn, tri ân, “uống nước nhớ nguồn” của người Việt: “Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”. Nếu có thể gọi là chính sách đối nội, đối ngoại trong Di chúc của Bác thì ta vẫn thấy một nguyên tắc trọng tình, văn hóa trọng tình, đậm đà bản sắc Việt.

Vấn đề đoàn kết được Người dành hẳn một đoạn văn ngắn, ngắn về câu chữ nhưng dài rộng về ý, sâu sắc về tình: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đây cũng là tư tưởng cơ bản của hệ tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng chính là những nét nổi bật trong lịch sử tư tưởng dân tộc Việt, như Bác từng nhận định: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”. Trong một văn bản hơn 1.000 chữ, Bác Hồ 8 lần nhắc đến hai chữ “đoàn kết” cho thấy Người rất quan tâm đến vấn đề này. Điều ấy hoàn toàn thống nhất với một nguyên lý mà Người đã tổng kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”!

Đúng với tính chất của thể văn di chúc, phần cuối rất quan trọng, để dồn tụ những ý tưởng, gói lại những di nguyện. Cấu trúc quy nạp này cũng phù hợp với tâm lý thông thường nhấn mạnh những điều cần trao gửi, nhắn nhủ, tạo ra hiệu ứng nhớ nhung, luyến tiếc ở người đọc. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ tuân theo logic hình thức của thể loại nhưng gợi ra hiệu ứng hoàn toàn khác, mới mẻ, tràn đầy niềm tin tưởng. Đoạn cuối, Di chúc khép lại về câu chữ nhưng mở ra về ý, về tình, về một tương lai, một tiền đồ tươi sáng: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Điều mong muốn này của Bác mang ý nghĩa phổ quát rộng rãi đến mức của chung tất cả, của mọi người dân Việt, của cả đất nước này, dân tộc này. Thế nên mong muốn ấy trở thành một “giải pháp văn hóa” thực sự lớn lao, mở ra một hướng đi cho cả đất nước. Mở ra hướng đi bằng chiếc chìa khóa vàng là sự “đoàn kết”. Hai chữ này được đặt ở vị trí trung tâm, mở đầu: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu”, để làm điểm tựa cho hai mệnh đề sau: “Xây dựng...” và “góp phần...”. Vừa là lời nhắn nhủ vừa là lời kêu gọi bằng sự đồng cảm, đồng tâm, đồng ý, đồng chí đi vào lòng người.

Di chúc nói chung, xét về bản chất cũng là di nguyện, thì mong muốn này chính là di nguyện của một con người vĩ đại bởi đây là một mô hình xã hội lý tưởng mà chỉ ở tầm cao một thiên tài văn hóa kiệt xuất mới có thể kiến tạo được. Có thể coi đây là một mô hình xã hội chủ nghĩa, bao gồm các khái niệm: HÒA BÌNH, THỐNG NHẤT, ĐỘC LẬP, DÂN CHỦ, GIÀU MẠNH. Sự sắp xếp trật tự các khái niệm này là không thể thay đổi bởi được cấu trúc trong một hệ thống logic chặt chẽ cao nhất, khái niệm nọ làm tiền đề, điểm tựa cho khái niệm kia. Mô hình này có tốt mới làm tiền đề cho mệnh đề (mô hình) sau có vai trò, nhiệm vụ, chức năng là “góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”!

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ