Chúng tôi, những cựu chiến binh Trung đoàn 174 (nay thuộc Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh, Quân khu 7) trở lại Tây Ninh theo lời mời của vợ chồng anh Hai Ninh, nhân dịp anh Hai Ninh nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Nhà anh chị Hai Ninh-Sáu Sữa nằm trên đường Lê Trọng Tấn, thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Chị Sáu Sữa bảo: “Anh chị về ở với nhau gần 30 năm nay, nhưng chưa lần nào mời bạn bè nhiều đến thế. Nay anh Hai Ninh vào tuổi 85, lại nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, nên tiện đó mời bạn bè và bà con họ hàng”.

Tôi biết chị Sáu Sữa cỡ chừng nửa thế kỷ. Ngày ấy, chị Sáu còn là cán bộ trẻ thuộc Huyện ủy Thủ Thừa (Long An). Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4-1975, đơn vị tôi được giao cắt đứt lộ 4, giải phóng Tân An. Chị Sáu được biệt phái sang đơn vị bộ đội, làm Trung đoàn phó, trực tiếp chỉ huy lực lượng địa phương chiến đấu. Thực ra lúc ấy, tôi chưa gặp mặt chị, chỉ nghe phổ biến thế. Mãi khi chị Sáu là Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa rồi Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, tôi mới gặp chị. Chị Sáu Sữa đưa chúng tôi thăm lại chiến trường xưa. Khi chiếc tắc ráng như mảnh trăng non đưa chúng tôi luồn sâu trong kênh rạch của Đồng Tháp Mười, tôi được chị kể cho nghe về cuộc đời của chị. Sau chuyến đi ấy, tôi viết bài ký “Một thoáng hương tràm”, bài được Tổng biên tập, Thiếu tướng Trần Công Mân duyệt đăng nhiều kỳ trên Báo Quân đội nhân dân...

leftcenterrightdel
 Anh hùng Trần Thị Sữa (bên phải) cùng tác giả. Ảnh: ANH TRANG

Sau này, chị em chúng tôi thường xuyên liên hệ với nhau, nhất là công việc xây đền thờ liệt sĩ ở Long Khốt (Vĩnh Hưng, Long An) tại chiến trường xưa, nơi có hơn 1.000 đồng đội của chúng tôi nằm lại.

Đời tư chị Sáu Sữa chìm nổi. Cha chị Sáu là Phó chủ tịch xã Thạnh Lợi, hy sinh năm 1945 khi cướp chính quyền tại Bến Lức. Sau Tết Mậu Thân 1968, chị Sáu tổ chức đám cưới với anh Kịch, chiến sĩ Quân giải phóng. Chồng một nơi, vợ một nơi, anh Kịch hy sinh trong trận đánh biệt kích Mỹ. Chị Sáu Sữa nuốt nước mắt, tiếp tục hoạt động cách mạng...

Anh Hai Ninh đến với chị Sáu Sữa cách đây gần 30 năm. Đó là cuộc tình không chỉ đón nhận sự ngọt ngào, hạnh phúc như bao lứa đôi trên cõi đời này mà còn là sự sẻ chia, vơi đi nỗi đau. Anh Hai mất vợ, chị Sáu mất chồng, họ đến với nhau sau khi đã nghỉ công tác. 10 năm gần đây, anh Hai Ninh mắc bệnh nan y, đôi mắt không còn nhìn rõ như trước. Chị Sáu luôn ở bên cạnh anh. Họ không chỉ chăm sóc, nương tựa vào nhau mà làm lụng như nông dân thực sự để có trang trại khiến nhiều người mơ ước trên vùng biên giới Tây Nam này.

Trong buổi họp mặt mừng nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, cũng là mừng sinh nhật lần thứ 85 của anh Hai Ninh, như cô dâu chú rể, chị Sáu dắt chồng lên phát biểu. Đôi mắt anh Hai không nhìn rõ mọi người, nhưng “giác quan thứ sáu”-nghe tiếng chân bước và giọng nói của mọi người, anh giới thiệu từng người. Họ là bạn bè, đồng đội, cấp trên, cấp dưới. Đại đa số đã nghỉ hưu. Một số đang tại chức, được giao trọng trách Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh; tướng lĩnh Quân đội...

Anh Hai Ninh phát biểu chừng 30 phút. Đương nhiên nói “vo” mà câu chuyện khúc chiết, có trước có sau. Anh cảm ơn đồng đội, đồng nghiệp, đặc biệt hai người vợ và đàn con cháu của anh. Chính họ là “đôi mắt ngọc” của anh, dẫn dắt anh đi hết cuộc đời.

Anh Hai Ninh nói cuộc đời anh có 3 điều tự hào. Thứ nhất, 85 năm sống trên đời, anh đã sống xứng đáng như “trai thời loạn”, nước có giặc thì đi đánh giặc. Giặc tan tiếp tục học tập cống hiến hết mình cho dân, cho nước. Thứ hai, 65 năm theo Đảng, anh sống xứng đáng với danh hiệu đảng viên cộng sản, tận trung với nước, hiếu với dân, phấn đấu, hy sinh đến hơi thở cuối cùng như lời hứa trước khi vào Đảng. Anh ước mình mạnh khỏe, sống và làm việc để được nhận Huy hiệu 70 năm, 80 năm tuổi Đảng. Thứ ba, như lời trao gửi thế hệ nối tiếp, anh Hai dặn, những người kế tục hãy tu dưỡng, rèn luyện, giữ mình, sống trong sạch, liêm chính. Đặc biệt, những người được giao trọng trách càng phải phấn đấu.

Chị Sáu Sữa không nói lời nào, chỉ nhìn chồng phát biểu mà đôi mắt ngấn lệ. Không biết chị khóc vì thương anh Hai hay tràn dâng hạnh phúc. Nhìn chị Sáu, người phụ nữ sang ngưỡng tuổi bát tuần, tôi hình dung ra cô gái Thủ Thừa ngày nào và nhớ giọng hát chân chất, dạt dào của chị khi đưa chúng tôi thăm lại chiến trường xưa: “Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu/ Có nỗi thương đau, có niềm hy vọng...”.

Nhà văn TRẦN THẾ TUYỂN