Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Vi Hợi là một trong những dũng sĩ tiêu biểu trên Đường 7-một trong những con đường huyết mạch ở Tây Nguyên năm 1975. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang trong giai đoạn cam go, ác liệt, tháng 4-1970, ông cùng bạn bè quê hương Vĩnh Phúc xung phong nhập ngũ, ra trận và trở thành những chiến sĩ gan dạ. Ông được huấn luyện tại huyện Phú Bình, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) rồi cùng đơn vị hành quân vào Tây Nguyên. Khi đó, ông được bổ sung về Tiểu đội 7, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320.
Ông được phân công đi nằm vùng, xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng địch kiểm soát và xây dựng lực lượng du kích ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Đầu năm 1973, khi nghe dân làng tố cáo tên Quận phó Yder, người dân tộc Gia Rai, từng được Mỹ đào tạo biệt kích trở về, rất tàn ác, hắn bắn giết những người có người thân đi học và tập kết ở ngoài Bắc, ông cùng hai du kích đi một ngày một đêm mới đến được sào huyệt của hắn. Hơn 5 giờ sáng, ông cùng đồng đội lập mưu, bất ngờ bắt sống tên ác ôn, áp giải về cho đội công tác của tỉnh Gia Lai. Trong quá trình áp giải, ông và hai du kích thay nhau canh chừng, nhưng tên này rất ranh mãnh, đã có một lần hắn cắt gần đứt các đoạn dây trói hòng trốn thoát. Ông Hợi đã kịp thời phát hiện ra và áp giải hắn giao cho lực lượng chức năng an toàn.
Tháng 3-1975, sau khi quân ta tiến công và giải phóng Buôn Ma Thuột, ngày 16-3-1975, hơn 15.000 tàn quân Quân đoàn 2 ngụy dưới sự chỉ huy của Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm cùng gia đình hoảng loạn tháo chạy khỏi Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Pleiku, kéo theo hàng chục nghìn người dân đổ dồn xuống đồng bằng qua Đường 7. Nhận định địch sẽ co cụm ở duyên hải miền Trung để phản kích, Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên lệnh cho Sư đoàn 320 hành quân băng rừng, tiếp cận, chiếm lĩnh các điểm cao tại Cheo Reo-Phú Bổn, chặn đứng đường rút của địch.
Rạng sáng 18-3, nhiều mũi tiến công của Sư đoàn 320 bí mật ém sát Đường 7 chờ lệnh. “Chúng tôi hành quân suốt ngày đêm, đốt đuốc soi đường, quyết bám sát địch. Trong hai ngày 18 và 19-3, những trận đánh dữ dội nổ ra tại trại Ngô Quyền, sân bay Phú Bổn, cầu Sông Bờ, cầu Cây Sung, đèo Tô Na... Tôi được lệnh khai hỏa B40 đánh sập cầu Sông Bờ, khiến hàng nghìn xe quân sự địch ùn ứ từ đèo Tô Na đến cầu Sông Bờ. Trong trận đánh này, tôi sử dụng B40 trực tiếp bắn cháy 5 xe tăng và 2 xe thiết giáp chở quân M-113. Trận phục kích kéo dài nhiều giờ, địch hoảng loạn tháo chạy, bỏ lại nhiều phương tiện chiến đấu cùng vô số vũ khí...”, Đại tá Nguyễn Vi Hợi kể.
Với chiến công xuất sắc này, Nguyễn Vi Hợi được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới và Dũng sĩ quyết thắng. Đến sáng 30-4-1975, ông cùng đơn vị tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm dinh cảnh sát ngụy, góp phần vào ngày toàn thắng của dân tộc. Năm 1976, dũng sĩ Nguyễn Vi Hợi được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Sau giải phóng, ông tiếp tục phục vụ trong Quân đội, đảm nhận những vị trí quan trọng như: Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phú; Phó hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 2. Năm 2002, ông nghỉ hưu và dành trọn tâm huyết cho việc nghiên cứu y học, thể hiện tinh thần học hỏi không ngừng.
BẢO CHÂU