Chính vì lẽ ấy, tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh những cán bộ Lào và Việt Nam làm nhiệm vụ tôn tạo, tăng dày cột mốc cùng chụm đầu che gió để nổi lửa nấu cơm, cùng băn khoăn bàn tính bên tấm bản đồ rộng mở và chiếc máy định vị GPRS để tìm cho bằng ra một khe suối nào đó nằm hút tít trong lòng núi... Hay khoảnh khắc chứng kiến cán bộ Việt Nam cõng cán bộ Lào bị ngã trẹo chân, hoặc lúc họ chia nhau điếu thuốc ẩm vì sơn lam chướng khí...
Những hình ảnh ấy theo tôi đến dự Lễ chào mừng hoàn thành công tác cắm mốc biên giới giữa hai nước trên thực địa và khánh thành mốc đại (số 460) tại cặp cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Nghệ An (Việt Nam)-Nam On, tỉnh Bolikhamxay (Lào) ngày 9-7-2013 trong sự bồi hồi. Bởi để có được một đường biên giới phân định rõ ràng, vẹn nguyên tinh thần của một đường biên sâu nặng nghĩa tình anh em, đồng chí kể từ năm 1986 cho tới nay là kết quả biết bao tâm sức, trí tuệ và sự nỗ lực của hai Đảng, hai Chính phủ, trong đó có sự cống hiến, hy sinh của những cán bộ đảm nhận công việc cực kỳ hệ trọng này qua các giai đoạn cách mạng.
Sau khi kháng chiến thành công, giang sơn thu về một mối, hai đất nước Việt-Lào cùng bước vào công cuộc đổi mới. Giữa bộn bề công việc, song lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước đã sớm thống nhất giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ. Ngày 18-7-1977, Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào được ký kết. Một năm sau khi ký hiệp ước, Việt Nam-Lào bắt đầu tiến hành phân giới, cắm mốc trên thực địa. Thời điểm đó, vai trò của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) đã được Chính phủ chỉ rõ tại Chỉ thị số 319/TTg ngày 11-11-1977: “Phải huy động lực lượng Công an nhân dân vũ trang trực tiếp tham gia vào việc phân giới, cắm mốc và có kế hoạch đảm bảo an toàn trong quá trình triển khai công tác này tại thực địa”.
    |
 |
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam-Lào thực hiện tô son cột mốc tại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị), ngày 12-12-2021. Ảnh: PHÚ SƠN |
Sau 6 năm lăn lộn trên những đỉnh cao hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, bằng lòng quyết tâm và tinh thần tương trợ lẫn nhau, lực lượng phân giới, cắm mốc hai nước đã hoàn thành nhiệm vụ, hệ thống mốc quốc giới Việt-Lào được hoàn thành với 202 mốc/2.067km đường biên. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này là biết bao công sức, mồ hôi và cả máu của những người lính quân hàm xanh và đồng bào hai bên biên giới đã đổ. Ngày 1-8-1978, đội khảo sát gồm 5 đồng chí của Đồn Biên phòng Sen Bụt, Công an nhân dân vũ trang Bình Trị Thiên đã hy sinh trên đường đi khảo sát thực địa. Tháng 1-1986, tại Thủ đô Vientiane, hai bên đã ký Nghị định thư về việc phân giới, cắm mốc toàn bộ đường biên giới quốc gia giữa hai nước.
30 năm sau, sự kiện Việt Nam-Lào ký Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới và Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền vào tháng 3-2016 đã kết thúc công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới, đồng thời mở ra một thời kỳ hợp tác và phát triển toàn diện cho hai nước nói chung và khu vực biên giới nói riêng. Dãy Trường Sơn hùng vĩ mang trên mình từng ngọn núi, lạch suối, khoảng rừng đường biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào với chiều dài 2.067km. Dẫu chỉ là công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới, song nhiệm vụ này không vì thế mà bớt gian nan, nguy hiểm.
Đầu năm 2013, khi công tác tôn tạo, tăng dày cột mốc đang vào giai đoạn nước rút, tôi có dịp được đi theo đội phân giới, cắm mốc đoạn biên giới chạy qua tỉnh Quảng Bình và tỉnh Khammuane (Lào). Trên đường tới vị trí cắm mốc, có những đoạn, các thành viên trong đoàn gần như phải vừa bò, vừa bám vào vách đá. Đường đến mốc chủ yếu là đường tự tạo, vừa đi vừa phát quang cây rừng để tìm đường. Bốn bề là núi rừng thăm thẳm, xung quanh toàn núi đá phong hóa, vừa bám tay vào lại tuột ra. Đại tá Somkhen Appason, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Khammuane chia sẻ: “Dù rất vất vả và nguy hiểm song tôi cho rằng, sự phối hợp giữa các lực lượng bảo vệ biên giới Lào-Việt hết sức ăn ý và luôn đồng thuận trong mọi vấn đề”.
Năm 2015, tôi gặp Đại tá Nguyễn Huy Trung, nguyên Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, Phó trưởng ban Công tác tôn tạo, tăng dày cột mốc của tỉnh Hà Tĩnh và Trung tá Somvang Bunnaphay, Đội trưởng Đội Cắm mốc tỉnh Savannakhet khi công tác tôn tạo, tăng dày cột mốc đang vào giai đoạn nước rút. Chỉ tay lên bản đồ, nơi có mốc số 496 thuộc địa bàn xã Hương Quang (nay là xã Quang Thọ), huyện Vũ Quang, Trung tá Somvang Bunnaphay bảo: Đây là đỉnh cao nhất trên tuyến biên giới Việt-Lào, cao hơn 2.200m so với mực nước biển. Để đến được đây, mỗi chuyến đi khảo sát, hai đội thường phải mất hàng tuần đi bộ với quãng đường hàng chục ki-lô-mét, vượt qua núi đá tai mèo nhọn hoắt và đường lầy trơn trượt. Ở đây, cơm nấu không chín được mà chỉ ăn lương khô, gạo rang hoặc đồ hộp...
Khi đã tới thực địa, hai bên tiến hành khảo sát tuyến đường biên, hướng chạy của đường biên căn cứ vào địa hình, vào dấu mốc cụ thể; đo bằng máy định vị toàn cầu, máy đo vẽ bản đồ điện tử... Sau nhiều lần đo, nếu xác định các điểm trùng khớp sẽ đánh dấu và xác định vị trí cắm mốc. Trên cơ sở tình đoàn kết hữu nghị, gắn bó lâu đời, quá trình hội đàm, làm việc với chính quyền địa phương và các ngành, lực lượng hữu quan của bạn luôn diễn ra thuận lợi, đoàn kết và thống nhất cao.
Đồng thuận vị trí cắm mốc đã khó, để đưa được cột mốc nặng cả tấn lên đây lại càng khó gấp bội. Hàng chục con người đang tuổi tráng niên cùng máy móc, công cụ hỗ trợ đã phải mất gần hai tháng mới đưa được cột mốc lên đây. Đại tá Nguyễn Huy Trung và Trung tá Somvang Bunnaphay đều lưu trong máy điện thoại của mình những tấm ảnh chụp hôm đổ bê tông móng cột mốc 496 và hôm diễn ra lễ khánh thành cột mốc đặc biệt này để luôn mang theo tình cảm đồng chí, đồng đội khó quên, ngọt lành, đầm ấm suốt hơn 5 năm vịn vai, nắm tay băng rừng, lội suối đi cắm mốc.
Rời Hà Tĩnh, chúng tôi quay trở lại Nghệ An theo đường tuần tra biên giới. Được biết, để hoàn thành việc tăng dày và tôn tạo 116 mốc giới trên đoạn biên giới dài hơn 468km giữa tỉnh Nghệ An và 3 tỉnh Huaphanh, Xiengkhuang và Bolikhamsai của nước bạn Lào, tỉnh Nghệ An đã thành lập hai đội cắm mốc. Trong thời gian tiến hành tôn tạo và tăng dày 116 mốc giới, họ phải vượt hàng trăm đỉnh cao từ 1.000 đến 2.700m, trong đó có “nóc nhà Trường Sơn” là đỉnh Puxailaileng. Trung tá Phan Thanh Hồng, Đội trưởng Đội Cắm mốc số 2 cho biết, đội cắm mốc của hai nước thường xuyên đi và sinh hoạt cùng nhau. “Việc thiếu nước sinh hoạt, thiếu rau xanh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là chuyện rất đỗi thường tình. Nhiều nơi, để có nước sinh hoạt, anh em phải đào nhiều hố sâu quanh khu vực dựng trại, lót nilon sạch để hứng nước mưa hoặc sương đêm. Sáng ra, những hố nước ấy được chắt từng bát để rửa mặt, đánh răng và nấu ăn sáng cho cả nhóm. Rồi những ngày đông không thấy ánh mặt trời, ba bề bốn bên chỉ toàn sương mù đặc quánh và tay chân tê buốt. Vất vả, gian nan, thế mà tình đồng chí vẫn sáng đẹp giữa sương mù”, Trung tá Phan Thanh Hồng cho hay.
Giữa xanh trời, xanh biển, xanh biên giới Nghệ An, dõi mắt nơi dãy núi chạy theo những cột mốc bằng đá hoa cương uy nghi mang dáng hình Tổ quốc mà càng thêm thấm thía về cương thổ quốc gia và tình nghĩa anh em, láng giềng thủy chung, sâu nặng.
Bút ký của PHẠM VÂN ANH