Ngày ấy, Đại đội 245 chúng tôi đóng quân trong một cánh rừng cách Him Lam vài cây số. Theo yêu cầu của trên, chúng tôi phải làm hầm trú ẩn cho từng tổ chiến sĩ (còn gọi là tổ “ba ba” vì tổ có 3 người), với yêu cầu hầm phải chịu nổi một quả đạn pháo 105mm hoặc một quả đạn súng cối 120mm. Trong Ban chỉ huy Đại đội có anh Muộn, xuất thân là thợ mỏ Hòn Gai nên có kinh nghiệm chống hầm lò than. Anh chỉ dẫn cho anh em cách bố trí các cây chống nắp hầm sao cho có thể chịu lực cao để chống chọi với sức công phá của đạn đại bác. Một số anh em là du kích ở Đồng bằng Bắc Bộ, có kinh nghiệm đào hầm bí mật. Họ chỉ dẫn kinh nghiệm làm sao đào có năng suất mà khỏi bị phồng da tay để còn cầm súng tác chiến.

Khi mỗi tổ 3 người đã có một hầm tương đối vững chắc, đơn vị bắt đầu đào giao thông hào nối liền các hầm ấy thành một hệ thống, nối cả với hầm trú ẩn và hầm bếp của anh em cấp dưỡng trong Đại đội. Hầm trú ẩn, giao thông hào được nối liền thông suốt, chúng tôi lại đào giao thông hào từ địa điểm trú quân của Đại đội thông tới giao thông hào trục của Tiểu đoàn và Trung đoàn. Quy mô giao thông hào, hầm tránh phi pháo của bộ đội ở mặt trận tựa như một trận địa chính quy dưới lòng đất. Mọi việc ăn ở, đi lại, nghỉ ngơi đều “hạ thổ”...

leftcenterrightdel
Đại đội trưởng đại đội chủ công của Đại đoàn 312 nhận cờ Quyết chiến quyết thắng trước khi đánh cứ điểm Him Lam. Ảnh tư liệu 

Tối 11-3-1954, tôi và anh Thiêm, Đại đội trưởng ở nhà nghỉ ngơi lấy sức để tối hôm sau chỉ huy đơn vị chiến đấu. Anh Muộn, Đại đội phó và anh Huân, Chính trị viên phó, chỉ huy thay chúng tôi. Anh Thiêm vốn là cán bộ trung đội ở Tiểu đoàn Phủ Thông, qua mấy chiến dịch được lên Đại đội trưởng. Anh Huân từng tham gia giành chính quyền ở Hà Nội hồi Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Anh là người trung thực, khảng khái. Cả hai đều là cán bộ dũng cảm, có kinh nghiệm đánh giặc giỏi. Về tuổi đời, các anh ấy đều lớn hơn tôi nhiều, nhưng tôi lại là Chính trị viên Đại đội lâu năm, là Bí thư Chi bộ và Đảng ủy viên Tiểu đoàn, trực tiếp chiến đấu nhiều nên tuy nhỏ tuổi hơn nhưng các anh vẫn tín nhiệm, vì nể. Chúng tôi thông cảm, yêu thương nhau trong tình đồng chí, đoàn kết và hết lòng lo cho đơn vị lập công.

Trưa 13-3, chúng tôi chuẩn bị xuất kích thì mấy nhà báo đến thăm đơn vị. Anh Thép Mới lúc ấy còn trẻ, người dong dỏng cao, trắng trẻo, giống chàng thư sinh Hà Nội. Tôi nói chuyện vui vẻ với các phóng viên về quyết tâm chiến đấu, góp sức tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Trong chiến dịch lớn này, chúng tôi được vinh dự nổ súng mở màn. Chưa biết trận đánh sẽ diễn biến như thế nào. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đánh một cụm cứ điểm do một tiểu đoàn thiện chiến phòng ngự trong công sự kiên cố của tập đoàn cứ điểm. Nhiệm vụ của Tiểu đoàn Phủ Thông là phải tiêu diệt sở chỉ huy tiểu đoàn lê dương thiện chiến ở Him Lam. Đại đội chúng tôi là đại đội xung kích thứ 3 của Tiểu đoàn. 17 giờ, toàn mặt trận vẫn yên tĩnh. Theo tài liệu sau này của Pháp, tôi được biết, lúc ấy Trung tá Langlais bỏ vị trí đi tắm mát, De Castries cũng đặt máy xuống, nhấm nháp ngụm cà phê.

Trên bầu trời Điện Biên, lần đầu tiên tôi thấy hàng loạt đạn cao xạ của ta nổ thành những cụm khói bám theo sát máy bay địch. Chúng vội vã bay vọt lên cao. 17 giờ 15 phút, các đơn vị pháo binh, súng cối hạng nặng của ta dồn dập giội lửa xuống Him Lam. Cụm cứ điểm chìm ngập trong lửa khói mịt mù. Các quả đồi bị đạn pháo ta bắn phá dữ dội, lửa khói liên tiếp trùm lên. Trong khoảng 45 phút, quân địch trong cứ điểm bị đánh bất ngờ, dồn dập, nên im re chưa bắn trả lại được.

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Nguyễn Trí Việt (đứng thứ năm, từ phải sang) trong một lần gặp mặt đồng đội. Ảnh chụp lại

Bỗng một loạt đạn pháo 105mm của địch từ các trận địa pháo binh ở Mường Thanh ầm ầm trút xuống trung đội phía sau chúng tôi. Lính lê dương được pháo binh yểm trợ đắc lực đã trấn tĩnh lại và bắt đầu bắn xối xả xuống chiến hào của chúng tôi. Trời bắt đầu tối. Chúng tôi nối nhau chạy nhanh trên cầu ngầm vượt qua sông Nậm Rốm. Cũng may, gần như không có quả đại bác nào bắn trúng cầu, chúng tôi vượt qua sông an toàn và nhanh chóng. Chúng tôi vừa tránh đạn pháo của địch, vừa tiến lên. Khi đến bãi đất trống, cả đơn vị phải dừng lại, chịu đựng cơ man đạn pháo địch suốt nhiều giờ liền. Chúng tôi phải chờ các chiến sĩ bộc phá anh dũng vọt lên mặt đất, đánh phá hàng rào kẽm gai dày đặc. Lại có đủ thứ mìn sát thương, mìn pháo sáng trong lúc đạn đại liên, đạn pháo, đạn súng cối của địch nã dữ dội. Tôi phải liên tiếp quan sát hỏa điểm ở phía trước để kịp thời cho đơn vị tiến lên. Dĩ nhiên, đó là nhiệm vụ chính của anh Thiêm, Đại đội trưởng. Nhưng tôi là Chính trị viên cũng phải cùng chung trách nhiệm. Trong giờ phút ác liệt này, tôi phải vĩnh biệt đồng chí Chân-người liên lạc thân yêu, hiền lành, nhân ái, đã cùng tôi trải qua bao chiến dịch, bao trận công đồn, cho đến giờ phút mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đạn đại bác vẫn nổ ầm ầm xung quanh. Tiểu đoàn 428 của Trung đoàn tôi mở cửa đột phá. Đã xuất hiện tấm gương dũng cảm hy sinh của Phan Đình Giót quyết diệt lô cốt đầu tiên, mở đường tấn công cho đơn vị. Mấy cứ điểm bên cạnh đã bị Tiểu đoàn 428 và Tiểu đoàn 130 của Trung đoàn 209 đánh chiếm. Địch đã bị diệt sạch, các hỏa điểm của chúng câm bặt. Pháo binh địch càng tập trung giội bão lửa xuống Tiểu đoàn chúng tôi. Chúng bắn khá chính xác. Trong bản đồ xạ kích của pháo binh địch mà sau này ta lấy được, mũi chủ công của ta rơi đúng vào dự đoán của chúng. Ta chỉ có thể mở mũi chủ công ở hướng Tây để phù hợp với địa hình và đánh thẳng vào sở chỉ huy Him Lam.

Các trung đội bộc phá của Đại đội 241 và 243 đã bị hỏa lực, mìn và pháo địch bắn thương vong gần hết, các lớp rào kẽm gai vẫn chưa phá xong. Đến lượt trung đội bộc phá của chúng tôi phải làm tiếp nhiệm vụ mở “đột phá khẩu” nhưng cũng lần lượt thương vong. Trong tình thế cực kỳ gay go ấy, anh Ty, Trung đội phó bộc phá hô to: Trả thù cho anh em hy sinh. Hãy tiến lên! Ai là người trung thành với Đảng, tiến lên!...

 Hưởng ứng lời kêu gọi đó, Tiểu đội phó Phạm Văn Nhâm tuy chưa là đảng viên, nhưng đã dũng cảm xông lên đánh liền 2 ống bộc phá dài 2m bằng sắt, hoàn thành nhiệm vụ; lại tiếp tục đánh ống bộc phá thứ 3. Và rồi, những chiến sĩ bộc phá đã đánh dứt điểm lớp hàng rào kẽm gai cuối cùng, tiêu diệt hỏa điểm địch. Đại đội 243 như lưỡi gươm sắc nhọn xông lên đánh chiếm cửa mở và thọc sâu vào hướng sở chỉ huy tiểu đoàn địch. Đại đội 241 đánh mạnh bên sườn trái đỉnh đồi chính của cụm cứ điểm, lọt được vào chiều sâu phòng ngự địch. Còn Đại đội 245 chúng tôi lập tức đánh mạnh vào sườn bên phải của địch. Cả 3 đại đội cùng tấn công dũng mãnh theo 3 hướng một cách nhanh chóng, đồng bộ, làm cho địch choáng váng, đội hình liên tiếp bị phá vỡ và rối loạn.

Trong lúc tiến lên theo chiến hào, tôi phải chống hai tay trên hai bờ hào, đu người về phía trước để tránh thi thể của những đồng chí vừa hy sinh. Khi tiến qua các lớp rào kẽm gai vừa bị đánh đứt, tôi thấy nhiều anh em vừa mới hy sinh, tay vẫn ôm những ống bộc phá như lúc diễn tập ở thao trường. Hình ảnh đó càng giục giã chúng tôi xông lên trả thù cho đồng đội.

Nhảy vào lô cốt đầu tiên, tôi rút khẩu súng ngắn vừa được trang bị trước khi đi chiến dịch, sẵn sàng nhả đạn. Tiếng pháo địch vẫn gầm vang ngoài cứ điểm để yểm trợ cho bọn địch đang sắp bị tiêu diệt. Gặp một ổ đề kháng, chiến sĩ ta cho nó một chùm thủ pháo, tiếp đến là hàng loạt đạn K50 cũng vừa được trang bị trước khi đi chiến dịch.

Đánh tung thâm-đánh địch bên trong cứ điểm là sở trường của Tiểu đoàn Phủ Thông. Yếu tố quyết định là tấn công dũng mãnh, chia cắt, thọc sâu, chia làm nhiều mũi, nhanh chóng đập tan đội hình địch, làm cho chúng trở tay không kịp, rối loạn, hoang mang. Ở trận này, dù không tránh khỏi thương vong, nhưng chúng tôi đã phát huy tốt lối đánh sở trường của mình. 3 đại đội, 3 mũi hiệp đồng chặt chẽ. Khoảng 23 giờ 30 phút ngày 13-3-1954, đồng chí Oanh đã phất cao cờ Quyết chiến quyết thắng. Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ trong trận mở màn chiến dịch mà cấp trên tin tưởng giao phó.

NGUYỄN QUÂN (Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Trí Việt, nguyên Ủy viên Ban liên lạc truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TP Hồ Chí Minh)