Bà Nguyễn Thị Hạt là chị cả trong gia đình gồm 7 chị em, trong đó 4 em trai đều trưởng thành trong Quân đội là: Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Bá Phát (sau gọi là Chuẩn đô đốc); Đại tá Nguyễn Bá Trình; Đại tá Nguyễn Bá Phước; Trung tá Nguyễn Bá Ninh và 2 em gái là Nguyễn Thị Hợi, Nguyễn Thị Liên đều là những cơ sở cách mạng kiên trung.

Bà Quý kể: “Ba tôi từng đi lính lê dương cho Pháp, làm Lý trưởng làng Hà Khê, nay thuộc hai phường Thanh Lộc Đán và Xuân Hà (quận Thanh Khê), rồi làm cơ sở cho cách mạng. Tiết kiệm được một số tiền lớn, ông mua một căn nhà và khu vườn có diện tích khoảng 800m2 ở khu vực số nhà 670 Trần Cao Vân hiện nay”.

Bấy giờ, dân cư ở làng Hà Khê còn thưa thớt. Ông bà cho đốn hết những cây dại ở khoảng đất phía sau khu vườn để dân đến ở. Năm 1945, quân Pháp tái chiếm Đà Nẵng, gia đình tản cư vào vùng tự do ở huyện Quế Sơn (Quảng Nam). Đến năm 1952, ông bà trở lại Đà Nẵng. Thấy khu đất bên kia đường, đối diện với căn nhà đang ở còn bỏ hoang, ông bà tổ chức di dời mồ mả, phát quang cây cỏ được hơn 1.200m2 làm nơi buôn bán, tập kết vật liệu xây dựng. Gia đình nào trong làng gặp khó khăn, bà cho mượn tiền để đóng tàu, ghe, thúng đi đánh cá. Lúc người dân trả nợ, bà không nhận tiền mà chỉ lấy cá khô, mắm, thuốc men để gửi lên căn cứ.

Năm 1962, trước yêu cầu của tổ chức, bà Hạt được giao nhiệm vụ làm hầm bí mật trong nhà để nuôi cán bộ, cất giấu tài liệu và vũ khí, là nơi chuyển truyền đơn cho các cơ sở khác. Ngày 20-6-1963, bà Hạt được kết nạp Đảng. Năm 1964, bà được bầu làm Bí thư Chi bộ làng Hà Khê. Cùng với công tác xây dựng cơ sở trong vùng địch hậu, bà đã đấu tranh vận động nhiều binh lính bỏ hàng ngũ địch về với gia đình, đưa thanh niên lên căn cứ nhập ngũ, bổ sung lực lượng cho Thành đội Đà Nẵng.

leftcenterrightdel

Bà Nguyễn Thị Hạt (ở giữa, hàng đầu) cùng các em đoàn tụ sau ngày đất nước thống nhất. Ảnh do gia đình cung cấp 

Đầu tháng 1-1968, chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, gia đình bà Hạt tham gia nuôi giấu cán bộ. Ngôi nhà của gia đình bà trở thành trung tâm chỉ đạo chiến dịch của quận Nhì (Đà Nẵng). Để phục vụ chiến dịch, bộ đội cần một lượng lớn thuốc nổ, vũ khí chuyển vào nội thành. Không quản ngại hiểm nguy, bà Hạt lên gia đình bà Nguyễn Thị Hợi (em ruột bà Hạt, cũng là một cơ sở cách mạng) ở Nam Ô, Hòa Vang (nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) nhận súng đạn, thuốc nổ đem về cất giấu tại nhà mình. Nhằm che mắt địch, bà chế thùng đựng dầu đậu phộng (dầu lạc) thành hai đáy, bên trên đựng dầu, bên dưới chứa thuốc nổ, súng được giấu trong các bao than củi chất lên xe lam. Trong vai người nhập hàng về bán, bà cùng với cơ sở của mình đã vận chuyển thành công số lượng lớn vũ khí về cất giấu trong vườn nhà. Súng thì đưa vào hầm bí mật, còn thuốc nổ được ông Lê Văn Xoài bọc kỹ rồi chôn dưới đáy các chậu cây cảnh. Sau đó, số vũ khí, chất nổ này được phân tán, chuyển đến các gia đình cơ sở khác như: Mẹ Nhu (Lê Thị Dãnh), mẹ Hiền, bà Xã Nhất.

Sau Tết Mậu Thân 1968, Mỹ-ngụy điên cuồng đàn áp phong trào cách mạng. Các cơ sở của ta vẫn một lòng kiên trung với Đảng. Đội biệt động quận Nhì được đưa về khu phố Thanh Khê hoạt động. Đội có nhiệm vụ tích cực đẩy mạnh chiến tranh du kích trong thành phố, phá thế kìm kẹp của địch, giữ vững lòng tin trong nhân dân. Đêm 23-12-1968, đội biệt động tập kích đồn bảo an ở Phú Lộc, sau đó về trú tại hầm bí mật nhà mẹ Nhu và mẹ Hiền ở phố Thanh Khê. Không ngờ trong lúc tình hình đang rất khó khăn thì Lữ Hùng (Quận đội phó quận Nhì) đầu hàng giặc, chỉ cho địch đánh phá các cơ sở của ta. Mờ sáng 26-12-1968, địch kéo đến nhà mẹ Nhu, mẹ Hiền và đổ quân bao vây khu phố Thanh Khê hòng tiêu diệt lực lượng biệt động của ta. Chúng bắn chết mẹ Nhu, khui hầm bí mật. 7 chiến sĩ biệt động tung nắp hầm, chiến đấu kiên cường, quyết không rơi vào tay giặc. Cùng lúc đó, cảnh sát ngụy ập vào nhà bà Hạt, dùng máy móc phá nhà cửa, đập vỡ các chậu cây cảnh để tìm thuốc nổ, khui hầm bí mật. Chúng bắt ông Xoài-bà Hạt về giam ở Ty cảnh sát Gia Long và kho đạn. Cô con gái Lê Thị Quý đang học trung cấp y cũng bị chúng bắt ngay tại trường. Đất đai của ông bà từng khai hoang, dùng làm kho chứa vật liệu xây dựng bị chính quyền ngụy cắt bán cho dân.

Sống trong cảnh lao tù cộng với những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, ông Xoài bị xuất huyết dạ dày. Tháng 5-1971, chúng cho ông đi nhà thương điều trị một thời gian rồi thả về. Cũng trong năm 1971, bà Hạt và con gái mãn hạn tù, trở về địa phương sinh sống. Chính quyền ngụy chỉ trả lại cho gia đình một phần căn nhà. Sau khoảng hai tháng gia đình đoàn tụ, ông Xoài qua đời, sau này ông được công nhận là liệt sĩ.

Gác lại đau thương, bà Hạt liên lạc với các cơ sở cũ để tiếp tục hoạt động cho đến ngày miền Nam giải phóng. Bà nhiệt tình tham gia công tác đến năm 1980 mới nghỉ hưu. Năm 1997, bà về cõi vĩnh hằng. Cô con gái Lê Thị Quý của ông bà sau ngày đất nước thống nhất tham gia công tác tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cho đến ngày nghỉ hưu. Cuộc sống gia đình không trọn vẹn, bà Quý về nhà cũ sinh sống một mình, ngày ngày nhang khói cho ba mẹ và tiền nhân.

NGUYỄN SỸ LONG