Bước vào giai đoạn cách mạng mới
Sau khi giải phóng miền Nam, để quản lý và bảo đảm đời sống xã hội ổn định, các ủy ban quân quản được thành lập và điều hành chính quyền. Trong thời gian ngắn, ở hầu hết địa phương miền Nam, cuộc sống đã trở lại ổn định, nhân dân tin tưởng vào Đảng và bộ đội giải phóng, không xảy ra những cuộc “tắm máu” như các thế lực thù địch tuyên truyền. Cả nước trong niềm vui thống nhất và bước vào giai đoạn cách mạng mới.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 24 (khóa III) của Đảng họp vào tháng 9-1975 đã xác định: Hoàn thành thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội... Triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, các hội nghị hiệp thương từ cấp Trung ương đến địa phương đều thống nhất cao. Các phong trào thi đua được tổ chức sôi nổi, lập nhiều thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và bầu cử Quốc hội thống nhất đất nước (1976). Sau lễ mít tinh mừng chiến thắng ở Sài Gòn ngày 15-5-1975 là lễ mít tinh trọng thể kỷ niệm 30 năm Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tổ chức tại Hà Nội ngày 2-9-1975, với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta và 51 đoàn đại biểu, khách nước ngoài tham dự. Một sự kiện đặc biệt ý nghĩa cũng được tổ chức trong khoảng thời gian này là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành và mở cửa để đón nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế vào Lăng viếng Người.
Từ cuối năm 1975, Quốc hội và Chủ tịch nước quyết định bãi bỏ Lệnh tổng động viên cục bộ (đã ban hành ngày 21-4-1965) để thực hiện tuyển quân thời bình; sửa đổi và bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự (đã ban hành ngày 10-4-1965). Toàn quân có sự điều chỉnh về tổ chức lực lượng; giảm số quân thường trực, tập trung xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ và lực lượng dự bị động viên. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định các đơn vị Quân đội, LLVT đặt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc lên hàng đầu, song nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất, tham gia làm kinh tế là nhiệm vụ chiến lược quan trọng, thực hiện tốt việc kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng nhằm tăng cường tiềm lực của đất nước và sức mạnh nền quốc phòng toàn dân...
Trong nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, nhiều đơn vị Quân đội được điều động tham gia lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Đồng chí Đỗ Trình, nguyên Chánh văn phòng Quân ủy Trung ương-Văn phòng Bộ Quốc phòng kể lại: “Tháng 9-1975, Văn phòng tham mưu, giúp Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị bàn về xây dựng kinh tế ở Tây Nguyên và sau đó vào tháng 11-1975, tổ chức hội nghị về Quân đội tham gia xây dựng kinh tế. Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát thực tế và lấy ý kiến của các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, Văn phòng cùng với các cơ quan Bộ Quốc phòng giúp Quân ủy Trung ương xây dựng báo cáo trình Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta, để Bộ Chính trị ra Nghị quyết “Về vấn đề Quân đội làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế” ngày 31-3-1976. Năm 1976, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 59/CP thành lập Tổng cục Xây dựng kinh tế trực thuộc Bộ Quốc phòng. Triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã ra Nghị quyết lãnh đạo về nhiệm vụ Quân đội tham gia xây dựng kinh tế 5 năm (1976-1980). Toàn quân đến thời điểm này đã có 30 đoàn tương đương sư đoàn và 241 đoàn tương đương trung đoàn làm nhiệm vụ chuyên trách xây dựng kinh tế...”.
Bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo Tổ quốc
Thập niên 1970, chính quyền Khmer Đỏ do tập đoàn phản động Pol Pot-Ieng Sary cầm đầu đã rắp tâm phá hoại cách mạng nước ta và tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia. Chúng xây dựng lực lượng quân sự và thực hiện chính sách tàn bạo ở trong nước. Khi miền Nam vừa được giải phóng, nhân dân ta được hưởng không khí hòa bình chưa bao lâu thì Pol Pot-Ieng Sary đưa quân sang khiêu khích, tàn sát cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ta ở biên giới Tây Nam Tổ quốc. Bất chấp những nỗ lực, thiện chí giải quyết vấn đề biên giới hòa bình, hữu nghị của ta, Pol Pot-Ieng Sary vẫn điên cuồng đưa hàng chục lượt sư đoàn tràn qua biên giới, xâm lược nước ta.
Trong cuốn sách về Đại tướng Lê Đức Anh (do nhà văn Khuất Biên Hòa thể hiện), đã đề cập 4 việc lớn mà Tư lệnh Quân khu 9 Lê Đức Anh khi đó thực hiện. Một là đã giữ lại cả 3 sư đoàn của Quân khu, song có sự điều chỉnh: Để 1 sư đoàn thường trực (Sư đoàn 330), 2 sư đoàn còn lại (Sư đoàn 4 và Sư đoàn 8) tổ chức đi làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế ở tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Hai là đào tạo nguồn cán bộ cơ sở, tuyển chọn những đồng chí đã trải qua chiến đấu để đào tạo cán bộ, bổ sung cho đội ngũ cán bộ các cấp. Ba là tổ chức khảo sát, kiểm kê toàn bộ tài sản, vũ khí, trang bị, rồi xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, trên cơ sở đó quy hoạch, bảo quản, dự trữ, chuẩn bị cho nhiệm vụ chiến đấu sau này. Bốn là bảo đảm tốt an ninh trật tự trên địa bàn, tăng cường công tác dân vận, xây dựng hệ thống chính trị vững ở cơ sở... Nhờ đó mà địa bàn ổn định, đời sống và các hoạt động của LLVT Quân khu đi vào nền nếp, khi có tình huống quân Pol Pot-Ieng Sary tiến công biên giới, Quân khu 9 không bị động, không bị bỏ trống trận địa.
Từ kinh nghiệm của Quân khu 9, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương nghiên cứu, chủ động vận dụng xây dựng lực lượng, chuẩn bị tốt mọi mặt, tổ chức huấn luyện, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu cho bộ đội, đáp ứng yêu cầu tác chiến bảo vệ biên giới, toàn vẹn lãnh thổ và biển, đảo. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (1979), Bộ Quốc phòng kịp thời điều chỉnh lực lượng, giải thể Tổng cục Xây dựng kinh tế; chuyển giao một số đơn vị chuyên về kinh tế sang các ngành ngoài Quân đội; thành lập các quân đoàn chủ lực: Quân đoàn 14 (Binh đoàn Chi Lăng, 1979), Quân đoàn 26 (Binh đoàn Pác Bó, 1979), Quân đoàn 29 (Binh đoàn Sông Thao, 1979); điều động Quân đoàn 3 từ chiến trường Campuchia ra miền Bắc; thành lập các cục kỹ thuật quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng để bảo đảm kỹ thuật...
Trên hướng biển, cùng với giải phóng quần đảo Trường Sa năm 1975, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân chủng Hải quân và các quân khu có biển nhanh chóng tổ chức lực lượng chiếm giữ và bảo vệ, phòng thủ đảo, nhất là ở vùng biển phía Nam và Tây Nam Tổ quốc; xây dựng lực lượng thường trực và dân quân, tự vệ biển...
Năm 2023, chúng tôi gặp Đại tá Nguyễn Trương, nguyên Chánh văn phòng Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân, người có nhiều năm làm trợ lý của Đô đốc Giáp Văn Cương. Ông kể: “Hai lần làm Tư lệnh Quân chủng Hải quân, lần đầu là giai đoạn 1977-1980, đồng chí Giáp Văn Cương đã chỉ huy lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam tác chiến bảo vệ biển, đảo phía Tây Nam Tổ quốc và làm nhiệm vụ giúp bạn Campuchia. Lần thứ hai là từ năm 1984 đến khi ông qua đời. Đô đốc Giáp Văn Cương là người tâm huyết, luôn nắm chắc tình hình biển, đảo để tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong xây dựng phương hướng, kế sách bảo vệ chủ quyền biển, đảo và xây dựng lực lượng hải quân nhân dân vững mạnh, hiện đại, có sức chiến đấu cao. Ông chỉ đạo xây dựng lực lượng hải quân toàn diện, đồng bộ, có nhiều thành phần lực lượng, như: Tàu mặt nước, hải quân đánh bộ, đặc công nước, pháo binh-tên lửa bờ biển... Sau này, theo quan điểm của ông, ta đã xây dựng được lực lượng tàu ngầm, không quân-hải quân, định hướng xây dựng hải quân tiến thẳng lên hiện đại, bảo đảm sức mạnh tác chiến bảo vệ biển, đảo Tổ quốc.
Năm 1986-1987, Đô đốc Giáp Văn Cương chỉ đạo cơ quan tác chiến của Quân chủng xây dựng kế hoạch, phương án phòng thủ Trường Sa và vùng biển thềm lục địa phía Nam, được Bộ Chính trị, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) thông qua. Đây là một trong những cơ sở để ngày 5-7-1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Chỉ thị về việc xây dựng Cụm Dịch vụ kinh tế-khoa học kỹ thuật (DK1), khẳng định quyền chủ quyền của Việt Nam đối với khu vực thềm lục địa của Tổ quốc”.
Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân
Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986) đã định hướng đường lối đổi mới đất nước, đồng thời với sự điều chỉnh về thế trận quốc phòng, bố trí lực lượng chủ lực phù hợp, hình thành các khu kinh tế, quốc phòng, từng bước rút quân và rút hết bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Campuchia về nước năm 1989.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) cho biết: “Để điều chỉnh thế trận quốc phòng, ta chủ trương giảm số quân thường trực nhưng không để “hở sườn”, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, tháng 2-1985, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định thành lập Binh đoàn 15, làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế gắn với quốc phòng trên địa bàn Tây Nguyên gồm các tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Bộ Quốc phòng tiếp tục củng cố Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế (nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) và các binh đoàn xây dựng kinh tế như Binh đoàn 11, Binh đoàn 12; thành lập Binh đoàn 18... Việc triển khai các đơn vị kinh tế-quốc phòng với mô hình của Binh đoàn 15 đạt được hiệu quả, nhất là trong xây dựng thế trận quốc phòng trên địa bàn biên giới, là một trong những cơ sở để Đảng, Nhà nước, Quân đội tiếp tục có những chỉ đạo, xây dựng chính sách, triển khai sâu rộng các khu kinh tế, quốc phòng, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc”.
Triển khai Nghị quyết Đại hội VI của Đảng và các nghị quyết của Bộ Chính trị, Đảng ủy Quân sự Trung ương về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, trong đó tiếp tục chấn chỉnh tổ chức lực lượng Quân đội, Bộ Quốc phòng điều chuyển Quân đoàn 3 trở lại Tây Nguyên (1987); bàn giao Bộ đội Biên phòng về trực thuộc Bộ Nội vụ (1988); giải thể các quân đoàn chủ lực: 14, 26, 29 (1989); giải thể, điều chỉnh nhiệm vụ, chuyển sang khung thường trực, khung rút gọn đối với hàng chục sư đoàn, lữ đoàn làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế sau khi rút quân về nước; tổ chức lại, thành lập mới một số đơn vị, cơ sở nghiên cứu khoa học-công nghệ, bảo đảm kỹ thuật, sản xuất quốc phòng... Ngày 30-7-1987, Bộ Chính trị (khóa VI) ban hành Nghị quyết số 02/NQ-BCT về nhiệm vụ quốc phòng đến năm 1990 và những năm tiếp theo. Nghị quyết này được Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) cụ thể hóa trong Chỉ thị số 56/CT ngày 11-3-1989, với cơ chế vận hành: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, cơ quan quân sự chủ trì phối hợp với các ban, ngành tham mưu, triển khai nhiệm vụ quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Triển khai thực hiện Nghị quyết 02 đã tạo bước đột phá rất cơ bản về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và đường lối chiến tranh nhân dân trong giai đoạn 1987-2007, làm cơ sở để Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) tổng kết, đánh giá, bổ sung, phát triển, ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008 về tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới...
DƯƠNG NAM HÒA