Sau 3 năm phát hành theo giấy phép có định kỳ, từ tháng 1-1997, Đặc san SKNC trở thành nguyệt san phát hành hằng tháng của Báo Quân đội nhân dân. Từ đó đến nay, Nguyệt san SKNC luôn không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức thể hiện. Đội ngũ cán bộ, phóng viên với phẩm chất nhà báo-chiến sĩ luôn tâm huyết với nghề, có trình độ, năng lực, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ và sự đổi mới của ấn phẩm. Đặc biệt, Nguyệt san đã xây dựng và phát triển được đội ngũ cộng tác viên trên khắp các vùng miền, các lĩnh vực, nhất là những cộng tác viên có tên tuổi, các cây bút có uy tín, góp phần quan trọng làm nên thương hiệu, sự đa dạng và đặc sắc của tờ báo. 29 năm trong hành trình thực hiện tôn chỉ, mục đích của một tờ báo tuyên truyền về truyền thống và lịch sử, Nguyệt san thường xuyên nhận được những ý kiến đóng góp, trao đổi tích cực mang tính xây dựng.

leftcenterrightdel
Những lá thư viết tay trao đổi, góp ý của bạn đọc, cộng tác viên hằng ngày vẫn được gửi về Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng. 

Nhà sử học LÊ VĂN LAN: Các bạn đã thành công trong việc thời sự hóa những vấn đề lịch sử 

Là người làm công tác sử học chuyên nghiệp ngót hai phần ba thế kỷ, đọc và tham gia viết cho nhiều báo, tạp chí trong nước và nước ngoài về lịch sử, ấy vậy mà lần nào đọc SKNC tôi cũng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nhiều khi tôi tự hỏi: Tại sao những chuyện như thế này mà mình không biết và không làm được. Đây chính là lịch sử, nhưng là một thứ lịch sử rất gần với cuộc sống bình thường, nếu không phải là chính cuộc sống ấy. Khác với những thứ lịch sử được làm (trước đây gọi là được viết) một cách khi thì khô khan, cứng nhắc, khi lại quá nhiều lý thuyết và công thức, hoặc giả có cả những ồn ào nữa, thứ lịch sử được làm ở SKNC, nói một cách hình tượng thì vừa có diện “phủ sóng” rộng, lại vừa có sóng tốt để phủ rộng.

------

PGS, TS PHẠM THÀNH HƯNG (nguyên Phó giám đốc Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội): Cầu nối bạn đọc với các sự kiện

Tham gia viết bài cho Báo Quân đội nhân dân và Nguyệt san SKNC, điều tôi ấn tượng nhất là sự nhiệt tình, gần gũi, tạo cho tôi nhiều thiện cảm của đội ngũ biên tập viên của Phòng biên tập Nguyệt san SKNC. Mỗi bài viết, mỗi vấn đề, sự việc được đề cập trong bài viết của tôi, nếu bắt gặp sự chưa thống nhất từ tác giả và nguồn sử liệu chính thống đều được các biên tập viên thẳng thắn trao đổi. Là một người viết báo, tôi rất trân trọng sự trao đổi, đóng góp chân thành với cộng tác viên của những người làm SKNC từ cách đặt vấn đề đến việc triển khai vấn đề. Đặc biệt, một điều tôi thấy được ở các bạn đó là sự nghiêm túc, chính xác trong từng câu chữ vì đây là một ấn phẩm về lịch sử, truyền thống. Những bài viết của tôi gửi cho SKNC đều được biên tập rất kỹ, cẩn thận, khi cần thiết đều gửi cho tác giả xem lại. Các bạn trân trọng và tôn trọng bài viết của cộng tác viên như chính đứa con tinh thần của mình. Mỗi bài viết trong các số Nguyệt san SKNC vừa là “sân chơi” của cả những cây bút chuyên và không chuyên, vừa là nơi để phát huy tinh thần sáng tạo của mỗi phóng viên, mỗi biên tập viên trong tòa soạn Báo Quân đội nhân dân, từ đó mới tránh được những lối mòn thông tin về sự kiện mà nhiều khi bạn đọc đã tiếp xúc qua các phương tiện truyền thông khác. Phát huy truyền thống 29 năm gắn bó với bạn đọc, tiếp nối và không ngừng đổi mới, tôi mong rằng Nguyệt san SKNC sẽ tiếp tục là cầu nối bạn đọc với các sự kiện, những con người tiêu biểu của Quân đội và đất nước ta qua các dấu son lịch sử.

------

TRẦN VĂN DỤY (cán bộ hưu trí, hiện trú tại phường Lý Thường Kiệt, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang): Giá tôi biết đến Sự kiện và Nhân chứng sớm hơn!

Tôi là người thích đọc và sưu tầm sách, báo. Vậy mà cho đến khoảng 4 năm trước, qua một người bạn giới thiệu, tôi mới biết đến Nguyệt san SKNC của Báo Quân đội nhân dân. Lý do của sự chậm trễ này khi tìm hiểu tôi được biết là SKNC chưa “ra sạp”. Là cựu chiến binh từng công tác ở Binh chủng Radar thời chống Mỹ, cứu nước, đọc các bài viết trên SKNC, tôi như bắt gặp hình bóng một thời chưa xa của thế hệ chúng tôi. Đó là những câu chuyện có thật trong quá khứ, có ý nghĩa gắn với cuộc sống hôm nay, đồng thời gợi nhiều suy ngẫm cho cuộc sống mai sau. Các bài viết được đăng trên mỗi số báo thường gắn với những sự kiện lớn của dân tộc hay về cuộc đời, nhân cách của những người có công với đất nước, những người mang lại hòa bình, tự do và vinh quang cho Tổ quốc.

Qua lời kể của những con người sống trong thời kỳ ấy, sự kiện đã cũ được “báo chí hóa”, qua đó cung cấp một cách đầy đủ, sinh động bằng những câu chuyện đậm chất văn học mà vẫn bảo đảm tính chân thực. Có lẽ vì thế mà nội dung những bài viết trở nên mềm mại, lôi cuốn, dễ đi vào lòng người đọc hơn. Nhận thấy đây là một tờ báo lý thú bởi cách thể hiện rất riêng, nhằm tạo cho người đọc ấn tượng sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc và bổ ích cho mọi lứa tuổi, tôi đã “yêu” ngay SKNC. Từ đây, tôi quyết định gửi bài viết là những kỷ niệm sâu sắc thời quân ngũ của chính mình tới phòng biên tập. Và tôi đã có một kỷ niệm thật xúc động. Trong số báo phát hành tháng 11-2022, bài viết “Hội nghị đầu bờ về phát hiện máy bay B-52” của tôi được đăng. Chỉ vài ngày sau, tôi đã nhận được đầy đủ báo biếu và nhuận bút. Nhưng điều tôi vui hơn là liên tục sau đó, các đồng đội của tôi ở mọi miền đất nước sau khi đọc bài báo đã liên hệ về tòa soạn để có số điện thoại, địa chỉ của tôi và viết thư, gọi điện cho tôi. Nửa thế kỷ trôi qua rồi, nhiều đồng chí tôi ngỡ đã không còn, nhưng giờ vẫn sống khỏe mạnh. Qua SKNC, tôi đã tìm được họ. Vậy nên tôi tiếc quá, giá mà biết đến SKNC sớm hơn, khi tuổi còn trẻ, sức viết còn dồi dào...

leftcenterrightdel

Chiến sĩ Trường Sa với ấn phẩm Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng. Ảnh: TUẤN TÚ 

NGUYỄN ĐẶNG HÀ MY (học sinh Lớp 11D0, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên, TP Hà Nội): Thêm yêu lịch sử nhờ Sự kiện và Nhân chứng

Cháu thường xuyên đọc Nguyệt san SKNC của Báo Quân đội nhân dân từ những năm còn là học sinh THCS. Đều đặn mỗi tháng, thư viện trường cháu có khoảng 5 cuốn báo để học sinh luân phiên mượn đọc. Do số lượng không nhiều nên chúng cháu không được mang báo về nhà mà phải đọc tại chỗ. Những câu chuyện, nhân vật, sự kiện lịch sử... trong cuốn SKNC đã cung cấp cho chúng cháu nguồn tư liệu vô cùng quý giá theo một cách rất riêng, không giống với sách vở. Qua mỗi bài báo, cháu thấy các tác giả viết rất dung dị, có người thật, địa điểm và ngày tháng rõ ràng; toàn là chuyện chiến đấu ngày xưa mà dễ đọc, dễ nhớ.

Điều quý giá hơn với cháu là những câu chuyện thời chiến tranh chưa một lần đề cập trong sách vở ấy, lại do chính nhân vật kể lại. Cháu nhớ dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-2022 vừa qua, trường cháu có mời một bác cựu chiến binh của Tiểu đoàn Tên lửa 72, Trung đoàn 285 ngày xưa đến kể chuyện bắn rơi máy bay B-52 của đế quốc Mỹ trên hồ Hữu Tiệp. Vì cháu từng đọc một bài viết trên SKNC về Tiểu đoàn Tên lửa 72 của bác ấy nên trong phần đố vui có thưởng, cháu đã trả lời đúng câu hỏi. Dù phần quà không lớn nhưng cháu rất vui. Nhờ có Nguyệt san SKNC mà cháu dần yêu thích môn Lịch sử-môn học mà trước đó là áp lực với không chỉ riêng cháu mà còn với nhiều bạn bè cùng trang lứa.