Đầu tháng 10-2020, đợt mưa lũ bắt đầu, tôi cùng phóng viên Viết Lam, Báo Biên phòng vừa hoàn thành nhiệm vụ tại khu vực hiện trường cứu hộ tàu Vietship 01 ở Cảng Cửa Việt (Quảng Trị), thì tại Thừa Thiên Huế nước lũ dâng cao. Ngày 11-10-2020, Bộ tư lệnh Quân khu 4 quyết định thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu trực tiếp chỉ huy các llvt thực hiện nhiệm vụ.
Cùng ngày, Ban biên tập Báo Quân đội nhân dân quyết định tăng cường cho Cơ quan thường trú tại Quân khu 4 nhóm phóng viên từ Hà Nội vào. Trên đường hành quân, nhóm phóng viên nhận được tin xảy ra sạt lở tại Tiểu khu 67, đoàn cán bộ của Quân khu 4, Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế bị vùi lấp, 13 đồng chí mất tích. Ngay lập tức, Bộ tư lệnh Quân khu 4 và chính quyền địa phương triển khai lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn, đồng thời di chuyển Sở chỉ huy tiền phương vào trụ sở UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, cách hiện trường sạt lở khoảng 15km. Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4 (nay là Thượng tướng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa) trực tiếp chỉ huy. Tôi báo cáo tình hình và được Ban biên tập giao nhiệm vụ vào Phong Điền trực tiếp phụ trách nhóm phóng viên đang tác nghiệp tại đây.
Chiều tối, nhóm phóng viên Hoàng Khánh Trình, Phan Thanh Hà, Trần Tuấn Sơn mới từ hiện trường sạt lở trở ra Sở chỉ huy tiền phương. Quân phục lấm lem bùn đất và ướt sũng. Chỉ ở đây mới có điện và sóng điện thoại, chúng tôi mới gửi được những bức ảnh, video đầu tiên từ hiện trường về tòa soạn. Các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Quân khu 4 ưu tiên bố trí cho chúng tôi một khu vực làm việc ngay trong Sở chỉ huy tiền phương, cạnh tấm bản đồ địa hình quân sự lớn treo giữa phòng, nhờ đó, quá trình tác nghiệp, chúng tôi có thể cập nhật kịp thời tin tức từ các hướng, mũi báo cáo về Sở chỉ huy.
10 giờ ngày 14-10, Sở chỉ huy tiền phương nhận được thông tin báo về từ vị trí sạt lở: “Đường đã thông!”. Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và Trung tướng Nguyễn Doãn Anh lập tức giao nhiệm vụ cho các bộ phận, trực tiếp ra hiện trường. Ở một hướng khác, lúc 9 giờ 20 phút, Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân (nay là Trung tướng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) trực tiếp chỉ huy tổ bay của Trung đoàn 930 (Sư đoàn 372) thực hiện chuyến bay trinh sát, thả hàng tiếp tế cho các công nhân tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 và A Lin B2.
Hiện trường vụ sạt lở hiện ra trước mắt chúng tôi khung cảnh tan hoang. Không thể nhận ra được vị trí ngôi nhà Trạm kiểm lâm 7, nơi đoàn công tác dừng trú chân tránh mưa lũ vào đêm 12-10. Toàn bộ khu vực bị bùn đất lấp kín, cao ngang người, lực lượng công binh tiếp tục tiến hành dọn dẹp, thông tuyến vào vị trí đoàn công tác gặp nạn. Một lượng lớn lên đến hàng trăm nghìn mét khối đất đá bị kéo trượt về phía quốc lộ...
Trong những cơn mưa tầm tã tiếp nối nhau không dứt và bùn đất lầy lội, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị không quản ngại dầm mình trong bùn đất để đào xới, lật từng lớp đất đá để tìm kiếm các đồng chí gặp nạn. Chúng tôi tổ chức ghi hình tại Tiểu khu 67, nơi các đồng đội vẫn còn nằm đâu đó trong bùn đất mà chưa tìm được. Phóng viên Phan Thanh Hà dẫn hiện trường chỉ nói được vài câu rồi lại khóc. Chúng tôi động viên Phan Thanh Hà cố gắng kìm nén cảm xúc, hoàn thành nhiệm vụ. Ban biên tập Báo Quân đội nhân dân tiếp tục tăng cường hai phóng viên Mai Thu Anh và Đặng Thu Hà vào tiếp sức cho chúng tôi.
11 giờ ngày 15-10-2020, tìm được đồng chí đầu tiên. Khi thi thể đồng đội dần lộ ra, ai cũng quặn thắt xót xa... Cái đêm 12-10 ấy, mưa gió bão bùng, trên công trường Thủy điện Rào Trăng 3, thông tin báo về có gần 20 người bị sạt núi, cần cứu nạn khẩn cấp đã thôi thúc các anh lên đường. Cơ động ô tô không được, đoàn đã quyết định lội bộ trong đêm với quyết tâm sớm nhất có thể đến được nơi các công nhân gặp nạn. Dẫu biết nguy hiểm rình rập, tính mạng bị đe dọa nhưng cứu dân là mệnh lệnh từ trái tim, thôi thúc các anh...
Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân chúng tôi cùng đi sau thi thể đồng đội đầu tiên được đưa ra khỏi hiện trường. Từng bước chân nặng trĩu. Cầm lòng, nén lại nỗi đau nhưng không tránh được những giọt nước mắt rơi!... Anh được đưa vào lán dã chiến dựng ngay trên Đường 71. Mặt đường nhựa tróc lở bởi mưa lũ và vẫn còn ngập bùn đất, cho dù được bộ đội công binh liên tục dọn sạch, nhưng cứ dọn xong thì từ bãi đất đá hàng nghìn mét khối lại tràn ra... Mỗi khi có dấu hiệu của một thi thể, toàn bộ lực lượng đều chết lặng. Những gương mặt sạm đi vì bùn đất, ánh mắt rớm lệ của những người đồng đội còn sống, tất cả đều cùng nhau cúi đầu, bày tỏ lòng tiếc thương trước sự hy sinh của các anh.
Ngày 18-10-2020, lễ tang 13 đồng chí được tổ chức tại Bệnh viện Quân y 268 ở TP Huế. Trước khi diễn ra lễ tang, tại Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (nay là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) đã gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ các lực lượng và báo chí. Thượng tướng Phan Văn Giang nghẹn ngào thông báo: “Rạng sáng hôm nay, tại Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 ở Hướng Hóa (Quảng Trị) xảy ra sạt lở đất, vùi lấp doanh trại và 22 đồng đội của chúng ta đang mất tích”. Đau thương nối tiếp đau thương. Nước mắt của vị tướng và nước mắt của nhiều người có mặt hôm đó đã hòa cùng nỗi đau thương vô hạn của đồng bào, đồng chí cả nước hướng về miền Trung, về những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
Cũng ngày hôm đó, chúng tôi nhận được thư của Tổng biên tập Đoàn Xuân Bộ: “Thân mến gửi tổ phóng viên đang tác nghiệp cứu hộ, cứu nạn tại Huế và Quảng Trị... Tổng biên tập cùng toàn thể anh chị em tòa soạn hằng ngày theo dõi sản phẩm của các đồng chí và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, phương pháp tác nghiệp, hiệu quả xã hội các tác phẩm của các đồng chí mang lại. Đó cũng là một hành động cụ thể, góp phần xây dựng nên truyền thống, thương hiệu Báo Quân đội nhân dân yêu quý của chúng ta. Chúc các đồng chí tiếp tục khắc phục khó khăn (nhất là phóng viên nữ Phan Thanh Hà) để hoàn thành tốt và xuất sắc chuyến công tác đáng nhớ này”.
|
|
Thư của Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân gửi nhóm phóng viên. |
Thư của Tổng biên tập như tiếp thêm sức lực, nhóm phóng viên chúng tôi chia làm hai, một tổ cơ động ra Hướng Hóa, Quảng Trị, một tổ thực hiện tường thuật trực tiếp lễ tang và sau đó cũng cơ động ra Hướng Hóa trong đêm. Phóng viên Lê Anh Tần trong quá trình tác nghiệp bị ốm nặng, phải đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Quân y 268, cũng xin bác sĩ cho ra viện để tiếp tục làm nhiệm vụ.
Chỉ trong vòng 10 ngày, chúng tôi chứng kiến hai lễ tang với hàng chục nghìn người dân địa phương có mặt từ sớm, đứng dọc hai bên đường trong cơn mưa để tiễn đưa các anh. Những giọt nước mắt hòa cùng nước mưa rơi, dòng người xếp hàng dài lặng lẽ cúi đầu. Họ đến không chỉ vì lòng tiếc thương mà còn vì lòng biết ơn đối với những người lính đã ngã xuống trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu dân. Thượng tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc: “Các đồng chí đã hy sinh trong thời bình, sự hy sinh ấy là một phần máu thịt của Quân đội, là niềm tự hào và trách nhiệm mà chúng ta phải ghi nhớ và gìn giữ”.
Chúng tôi đã chụp được bức ảnh Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước) cúi xuống chia sẻ với một em nhỏ nỗi đau mất đi người cha thân yêu của mình. Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần số ra ngày 1-11-2020 đã viết về sự kiện này: “Với một vị tướng từng trải như Đại tướng Lương Cường, ông thấm thía hơn ai hết nỗi đau khi mất đi những người đồng chí, đồng đội của mình; nỗi đau của các gia đình khi mất người thân. Đặc biệt là sự hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ giữa lúc đất nước thanh bình. Cử chỉ ân cần cúi thấp và ánh mắt đầy xót xa của ông là sự sẻ chia sâu sắc với gia đình, thân nhân các liệt sĩ. Hơn thế nữa, đó là việc đại diện cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam bày tỏ lòng trân trọng, biết ơn trước những người đã hy sinh vì dân, vì nước”.
Bài và ảnh: TRẦN HOÀI