Khoảng tháng 9-1954, tôi vừa kết thúc chuyến công tác ở Thái Nguyên, Tuyên Quang trở về cơ quan Cục Quân giới thì nhận được thông báo: Anh Nguyễn Ngọc Xuân, Phó cục trưởng Cục Quân giới gọi tôi lên gặp để nhận nhiệm vụ mới.

Gặp tôi, anh Xuân vào việc ngay: “Liên Xô đang giúp ta xây dựng một bộ phim tài liệu. Đề cương, kịch bản có một số cảnh quay về quân giới trong tổng di chuyển, nghiên cứu khoa học, chế tạo các loại vũ khí, sinh hoạt của cán bộ, công nhân, chiến sĩ quân giới trong rừng sâu... Cục cử anh em tham gia, cộng tác giúp đoàn làm phim Liên Xô. Lần này, đồng chí được giao phụ trách đoàn của Cục Quân giới phục vụ làm phim và vinh dự được tiếp xúc với một nhà điện ảnh Xô viết nổi tiếng. Đó là đạo diễn, nhà quay phim Roman Karmen”.

leftcenterrightdel
 Đạo diễn Roman Karmen (thứ ba, từ trái sang) khi làm phim ở Việt Nam năm 1954. Ảnh tư liệu

Nhận nhiệm vụ, chúng tôi khẩn trương chuẩn bị, sáng hôm sau lên đường ngay. Người đầu tiên tôi gặp trong đoàn làm phim là anh Nguyễn Đình Thi, đại diện Hội Văn nghệ Việt Nam và một số anh em trong ngành điện ảnh non trẻ của nước ta vừa học tập ở nước ngoài về.

Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) dành cho đạo diễn Roman Karmen một chiếc xe Jeep chiến lợi phẩm. Có ý kiến nên chuẩn bị cho ông thêm một con ngựa khỏe mới hợp với đường sá núi rừng Việt Bắc, tuy nhiên, Karmen từ chối, xin được đi bộ cùng đoàn làm phim.

Karmen vừa đi bộ vừa kể chuyện quay phim ở các chiến trường. Với thân hình vạm vỡ, nhìn ông đi lại trên những con đường kháng chiến quanh co, khúc khuỷu, cây cối rậm rạp, lúc lội suối, lúc leo đèo, người ướt đẫm mồ hôi, chúng tôi rất xúc động. Khi đã cầm trên tay chiếc máy quay thì ông không còn biết giờ giấc nữa. Chúng tôi phải cử một người bảo vệ có đồng hồ để nhắc ông giờ giấc, thời gian tạm nghỉ, ăn trưa, ăn tối...

Roman Karmen rất thích cảnh tổng di chuyển, đưa máy móc, vật tư, nguyên liệu vào rừng sâu. Ông quay rất chi tiết các loại xe “dân gian”, như: Xe trâu, xe quệt, xe cút kít, xe thồ... và cảnh các pi-noọng (anh em) đồng bào dân tộc xuống núi “cõng máy” đến vị trí lập công binh xưởng. Ông yêu cầu chúng tôi chuẩn bị một số bó hoa rừng điểm vào. Ông bảo: “Phải văn hóa hóa kháng chiến”!

Thời gian ở ATK Việt Bắc trôi rất nhanh. Roman Karmen còn muốn dành thêm thời gian để quay cận cảnh anh Trần Đại Nghĩa làm việc. Ông nói với chúng tôi: “Ông Nghĩa là “chủ xưởng”, phải khai thác thêm ông ấy!”.

leftcenterrightdel
 Bìa cuốn sách “Ánh sáng trong rừng thẳm” của Roman Karmen, Nhà xuất bản Công an nhân dân, năm 2015.

Chương trình quay phim còn tiếp tục, song thời gian quay dành cho quân giới kết thúc, cơ quan tôi tổ chức buổi liên hoan chia tay Roman Karmen. Trong buổi liên hoan, ông giới thiệu anh Nguyễn Đình Thi hát bài “Diệt phát xít” và “Người Hà Nội”. Còn ông đứng lên hát mấy bài ca của Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Giọng ông cao, vang, có sức lôi cuốn rất mạnh. Kết thúc liên hoan, chúng tôi chia tay Roman Karmen ở Giang Tiên (nay là thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên).

Sau này, tôi được  đọc cuốn sách “Ánh sáng trong rừng thẳm” của Roman Karmen. Đó là cuốn sách ông viết về đất nước, con người Việt Nam trong kháng chiến, về Bác Hồ muôn vàn kính yêu, về Đảng quang vinh của chúng ta. Riêng kỷ niệm với ông trong những ngày phục vụ ông đạo diễn, quay phim ở rừng sâu Việt Bắc thì tôi không thể nào quên.

TRẦN TIỆU