22 giờ 45 phút ngày 26-12-1972, máy bay B-52 của Mỹ đã ném bom xuống phố Khâm Thiên làm 287 người chết, 290 người bị thương, phá hủy 534 ngôi nhà, làm hư hỏng 1.200 ngôi nhà khác. Sau một đêm, bom đạn đã san phẳng hầu hết công trình công cộng và nhà ở, con phố nhộn nhịp chỉ còn lại đống đổ nát, gạch vụn. Đặc biệt, 3 ngôi nhà liền kề nhau ở số 47, 49 và 51 trúng bom nhiều lần, bị xóa sổ hoàn toàn. Chính vì vậy, người dân Hà Nội còn gọi phố Khâm Thiên với cái tên “phố vắng 3 số nhà”.
Năm 1973, Khu di tích Khâm Thiên được xây dựng trên khu đất của 3 ngôi nhà bị máy bay B-52 ném bom san bằng. Năm 1979, Khu di tích Khâm Thiên được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa, sau này mọi người quen gọi là Đài tưởng niệm Khâm Thiên. Bên trong đài tưởng niệm sừng sững bức tượng người phụ nữ tay ôm con, chân đạp lên bom Mỹ, đôi mắt lộ rõ sự căm thù như một chứng tích in dấu tội ác của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
|
|
Đài tưởng niệm Khâm Thiên ở phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, TP Hà Nội. |
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường Khâm Thiên, hiện trú tại số nhà 48, ngách 1/32, ngõ 1, phố Khâm Thiên, nhớ lại khoảnh khắc đau thương đêm 26-12-1972: “Khi ấy, tôi là dân quân tự vệ của khu phố Khâm Thiên. Ngày 25-12-1972, sau khi nhận lệnh sơ tán, tôi đã đưa gia đình và một số người dân về huyện Yên Mỹ (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Đến đêm 26-12, tôi ra mô đất cao sau nhà nhìn về Thủ đô thấy từng vùng trời sáng. Nghĩ có điều chẳng lành, tôi lập tức đạp xe về Hà Nội. 5 giờ ngày 27-12, tôi đặt chân đến phố Khâm Thiên. Tiếng trẻ con khóc ngặt trong không khí tang thương bao trùm khắp khu phố. Hôm qua vẫn còn đó những ngôi nhà mà giờ đây lỗ chỗ hố bom và những đống gạch vụn, mùi tanh của máu hòa cùng mùi thuốc nổ xộc lên mũi. Những người chết trong các ngõ được mang ra ngoài phố xếp thành hàng dài.
Tôi cùng các đồng chí dân quân, tự vệ đi tìm xác của những người thân, người hàng xóm trong đống đổ nát. Chúng tôi cẩn thận lấy mảnh vải quấn vào từng xác người, xếp lên xe chở đến Nghĩa trang Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội). Trận ném bom đó khiến hàng trăm gia đình phải chịu cảnh tang thương, hàng chục gia đình cả nhà không còn ai sống sót. Nhiều năm sau, người dân khu phố chúng tôi vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nhắc lại đêm lịch sử đó. Ngày 26-12 hằng năm đã trở thành ngày giỗ tập thể ở khu phố này. Vào ngày đó, không ai bảo ai, các nhà đều làm một mâm cơm cúng giỗ tập thể để tưởng nhớ những người dân vô tội đã ngã xuống trên mảnh đất này”.
Cuộc sống của người dân Khâm Thiên hôm nay đã thay đổi rất nhiều. Hơn 50 năm đã trôi qua, những khu phố sầm uất, những dãy nhà cao tầng và cuộc sống sung túc đã xóa đi cảnh hoang tàn ngày nào. Trong sự náo nhiệt của cuộc sống hiện đại, vẫn còn đó một đài tưởng niệm ghi lại tội ác mà kẻ thù đã gây ra cho người dân vô tội.
|
|
Ông Nguyễn Mạnh Tường kể chuyện. Ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG |
Bà Nguyễn Kim Duyên, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phường Khâm Thiên, phụ trách trông coi đài tưởng niệm, cho biết: “Đài tưởng niệm Khâm Thiên không chỉ là di tích lịch sử mà còn là chỗ dựa tinh thần và tâm linh của người dân phố Khâm Thiên nói riêng, người dân Hà Nội nói chung. Trung bình mỗi ngày, chúng tôi tiếp đón khoảng 20-30 du khách đến tham quan và dâng hương, những ngày 27-7, 26-12, các dịp lễ, tết, lượng khách tăng lên vài trăm người. Hơn 50 năm qua, Đài tưởng niệm Khâm Thiên là nơi để người còn sống nhớ về những người thân đã ngã xuống; là nơi thế hệ trẻ biết đến tội ác của đế quốc Mỹ, biết đến những mất mát, hy sinh mà thế hệ cha ông đã trải qua trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc để có được hòa bình như ngày hôm nay”.
PHƯƠNG NINH