“Góc khuất” mà các thế lực thù địch rêu rao, cho rằng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn có những đảng phái chính trị khác cũng lãnh đạo quần chúng giành chính quyền và “thời điểm 1945, ở Việt Nam còn có nhiều đảng phái yêu nước khác, nhưng sau này đã bị cộng sản thủ tiêu”. Mục đích của luận điệu này nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, kích động đòi “đa nguyên, đa đảng”.

Những điều mà các thế lực thù địch cho rằng Đảng ta đã “che giấu”, thực ra đã được công bố công khai trên rất nhiều tài liệu chính thức của Đảng. Trong sách “Lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 1995, ghi rõ: “Ở các tỉnh lỵ, thị xã như Vĩnh Yên, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Móng Cái... do quân Tưởng và bọn phản động chiếm đóng, chống lại khởi nghĩa của ta, nên chính quyền cách mạng chưa được thiết lập trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Cuộc đấu tranh giành chính quyền ở những nơi đó đã diễn ra gay go, phức tạp và phải theo những phương thức khác nhau mới giành được thắng lợi”(1).

Hay như trong sách “Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, tập 1, quyển 1, xuất bản tháng 12-2018, ghi rõ: “Do không xây dựng được lực lượng cách mạng hoặc do lực lượng cách mạng chưa đủ mạnh, cơ quan lãnh đạo địa phương lại không có chỉ đạo sát hợp, nên trong Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, 4 tỉnh là Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Hải Ninh và thị xã tỉnh lỵ Vĩnh Yên không giành được chính quyền”(2).

Vì sao ở các địa phương trên không nổ ra khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, trong khi ở các địa phương khác trên toàn quốc, cuộc tổng khởi nghĩa “long trời lở đất” đã diễn ra và giành được thắng lợi nhanh chóng từ Bắc chí Nam? Lý giải cho câu hỏi này, trong tài liệu trích dẫn ở trên cũng đã chỉ rõ. Tại tỉnh Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay), bọn phản động Việt Quốc, Việt Cách dựa hơi quân Tưởng, câu kết với chính quyền tay sai của Nhật để chống lại khởi nghĩa.

Trong lúc Mặt trận Việt Minh đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng ta tập trung lo chống lũ lụt cứu dân thì bọn Việt Quốc, Việt Cách bắt tỉnh trưởng chính quyền tay sai của Nhật bàn giao chính quyền và vũ khí cho chúng. Ngày 28-8-1945, Tỉnh ủy Vĩnh Yên đã phát động hàng vạn quần chúng tiến vào thị xã Vĩnh Yên biểu tình giành chính quyền, nhưng chính quyền tay sai thân Tưởng đã ra lệnh cho quân lính xả súng vào đoàn biểu tình khiến hàng trăm người dân chết và bị thương.

Ở Hà Giang, do tổ chức đảng và phong trào cách mạng của Đảng ta mới phát triển ở các vùng nông thôn hẻo lánh, chưa chú trọng phát triển ở thị xã nên khởi nghĩa nổ ra và giành chính quyền ở vùng nông thôn, còn chính quyền ở tỉnh lỵ do bọn Việt Quốc từ Trung Quốc được quân đội Tưởng Giới Thạch hỗ trợ chiếm chính quyền. Trải qua một thời gian đấu tranh phức tạp, ngày 24-12-1945, chính quyền cách mạng mới được thành lập ở Hà Giang. Tương tự, chính quyền cách mạng ở các tỉnh, thị xã như Lào Cai, Lai Châu, Móng Cái, Hải Ninh được thành lập rất lâu sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, do các đảng phái phản động người Việt dựa hơi quân Tưởng chiếm giữ.

Về hai đảng phái chính trị là Việt Cách (Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội) và Việt Quốc (Việt Nam Quốc dân đảng), bản chất của hai đảng phái này là những phần tử cơ hội chính trị người Việt do Tưởng Giới Thạch dựng lên nhằm thực hiện mục đích xây dựng chính quyền tay sai khi đưa “Hoa quân nhập Việt”, lấy danh nghĩa vào miền Bắc Việt Nam tước vũ khí quân đội phát xít Nhật, nhưng thực chất muốn “diệt cộng, cầm Hồ” và áp đặt chế độ cai trị mới ở miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, với sách lược ngoại giao khôn khéo “hòa để tiến” của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 6-1946, quân Tưởng phải cuốn gói khỏi Việt Nam, phần lớn đảng viên của Việt Quốc, Việt Cách đều rút chạy theo quan thầy vì hoàn toàn không được quần chúng nhân dân thừa nhận.

Với việc Đảng ta công khai toàn bộ sự thật lịch sử về Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nói rõ tình hình các địa phương không nổ ra khởi nghĩa, cho thấy: Đảng ta không che giấu một góc khuất nào cả. Việc khởi nghĩa không nổ ra ở một vài địa phương càng khẳng định, mặc dù điều kiện khách quan rất thuận lợi (thực dân Pháp bị phát xít Nhật lật đổ, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, chính quyền tay sai thân Nhật rệu rã) nhưng nếu không có tổ chức đảng đủ mạnh, lực lượng cách mạng chưa được chuẩn bị đầy đủ, kịp thời thì nhân dân ta không thể chớp thời cơ để giành chính quyền. Điều này cũng đúng như dự đoán tài tình của Đảng ta từ trước đó: “Không phải Nhật bại là nước ta tự nhiên được độc lập. Nhiều sự gay go, trở ngại sẽ diễn ra”(3).

 Thực ra, thủ đoạn gieo rắc thông tin rằng Đảng ta “che giấu” thông tin về những địa phương không diễn ra khởi nghĩa lại càng làm lộ rõ chiêu trò phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của các thế lực thù địch. Bấy lâu nay, chẳng phải chính các “lý luận gia bàn phím” ra sức rêu rao rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam đã “ăn may” khi xuất hiện “khoảng trống lịch sử” do Pháp chạy, Nhật đầu hàng Đồng minh. Có “học giả” còn viết hẳn mấy bài phân tích rằng, chỉ với khoảng 5.000 đảng viên trong thời điểm tháng 8-1945, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ “ăn may” mà còn “quá may” khi các “đảng phái yêu nước” khác đang bận bịu “hỗ trợ quân Đồng minh vào tiếp quản” ở nước ngoài!

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng được Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử từng khẳng định đây là đặc điểm quan trọng nhất, lý giải vì sao ngay sau chiến thắng của quân Đồng minh trước các thế lực phát xít, dân tộc Việt Nam lại “đem sức ta mà giải phóng cho ta” thành công, trở thành niềm cảm hứng lớn lao cổ vũ các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc đứng lên phá bỏ mọi xích xiềng cai trị của thực dân, đế quốc. Ngay từ khi mới ra đời (ngày 3-2-1930), Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (thể hiện trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt) đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng đường lối cứu nước.

Chính cương vắn tắt của Đảng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được hội nghị thành lập Ðảng thảo luận, thông qua rất ngắn gọn, với 282 chữ, xác định các giai đoạn, đối tượng và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam. Trong đó nêu rõ chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Tiến trình cách mạng Việt Nam gồm hai giai đoạn: Tư sản dân quyền cách mạng (trong đó có nhiệm vụ thổ địa cách mạng) và thế giới cách mạng để đi tới xã hội cộng sản.

Chính cương vắn tắt khẳng định: Đế quốc và phong kiến đều là đối tượng phải đánh đổ trong cách mạng dân tộc dân chủ, nhưng hai nhiệm vụ này không thực hiện đồng loạt. Nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc phải đặt lên hàng đầu, còn nhiệm vụ chống phong kiến, đem lại ruộng đất cho dân cày sẽ thực hiện từng bước, nhằm tập trung vào kẻ thù chính là bọn đế quốc xâm lược và bọn phong kiến tay sai. Trong 15 năm kể từ ngày thành lập (1930-1945), mặc dù trải qua rất nhiều cuộc tàn sát, “khủng bố trắng” của thực dân, phát xít, hệ thống tổ chức đảng nhiều lần bị phá vỡ, nhiều tổng bí thư của Đảng bị địch bắt và sát hại nhưng các tổ chức đảng vẫn ăn sâu bám rễ trong phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã quét sạch ách nô lệ và đưa nhân dân Việt Nam lên vị trí của những người làm chủ đất nước. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”(4).

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đưa Đảng Cộng sản Việt Nam, người lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành chính quyền, thành Đảng cầm quyền, thực hiện vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, thực hiện các quyền tự do, dân chủ của nhân dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, chủ động hội nhập quốc tế. Mọi mưu toan của các thế lực thù địch hòng xuyên tạc lịch sử, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng trong lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã, đang và sẽ thất bại hoàn toàn.

HÀ THANH

(1) Sách “Lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.216-221.

(2) Sách “Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2018, tập 1, quyển 1, tr.719.

(3) Văn kiện Đảng 1930-1945, tập 3, tr.556.

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.25.