Làm tròn nghĩa vụ quốc tế

Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, ngày 30-7-1978, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Sư đoàn 307. Sau khi thành lập, đơn vị đã bước ngay vào cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, chống lại cuộc tiến công, lấn chiếm của bọn phản động Pol Pot-Ieng Sary. Với quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, đơn vị đã cùng quân, dân các tỉnh Tây Nguyên liên tục chiến đấu, lập nhiều chiến công oanh liệt, góp phần đập tan âm mưu lấn chiếm biên giới của địch, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, tính mạng, tài sản của nhân dân.

Dẫn chúng tôi tham quan phòng truyền thống của đơn vị, Đại tá Hồ Hữu Hùng, Chính ủy Sư đoàn 307 tự hào giới thiệu: “Tháng 12-1978, đáp ứng lời kêu gọi khẩn thiết của nhân dân Campuchia chống lại họa diệt chủng do bọn Pol Pot-Ieng Sary gây ra, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam, trong đó có Sư đoàn 307 đảm nhiệm hướng tấn công chủ yếu của Quân khu 5. Đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng cách mạng Campuchia tiến công, đánh bại hoàn toàn quân địch ở địa bàn các tỉnh Đông Bắc Campuchia, góp phần giúp người dân nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng, xây dựng lại cuộc sống hòa bình, ổn định, phát triển...”.

leftcenterrightdel

Đại tá Hồ Hữu Hùng, Chính ủy Sư đoàn 307 trao quà tặng các cán bộ có hoàn cảnh khó khăn (tháng 4-2025).

Thượng tá Phạm Văn Phước, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 307 giọng sôi nổi kể về những chiến công của đơn vị: “Trong 10 năm (1979-1989), đơn vị đã tham gia hơn 1.000 trận đánh, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 5.000 tên địch, bắt sống gần 1.700 tên, gọi hàng hơn 1.500 tên; thu, phá hủy hàng nghìn tấn vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh của địch; góp phần giải phóng hoàn toàn 3 tỉnh, 7 huyện, 4 thị xã, 5 thị trấn và hàng vạn người dân Campuchia khỏi họa diệt chủng dưới chế độ Pol Pot-Ieng Sary. Sau khi đất nước Campuchia được giải phóng, đơn vị cùng với các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam ở lại giúp bạn xây dựng chính quyền, tái thiết đất nước. Cùng với các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam, hình ảnh “bộ đội 307” thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó mật thiết đã khắc sâu trong lòng đồng bào, nhân dân Campuchia. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, ngày 29-8-1985, Sư đoàn 307 vinh dự được

Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Sư đoàn có 16 tập thể, 1 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác...”.

Ở đâu gian khó, ở đó có bộ đội

Theo giới thiệu của Đại tá Lê Văn Sỹ, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 307, chúng tôi liên hệ trao đổi với Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hà Minh Thám, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật, nguyên Phó sư đoàn trưởng về Chính trị Sư đoàn 307. Khi chúng tôi nhắc tới hoạt động dân vận, chính sách của đơn vị, Trung tướng Hà Minh Thám vui vẻ kể: “Tôi có mặt ở Sư đoàn 307 ngay những ngày đầu thành lập, phát triển từ trung đội trưởng đến phó sư đoàn trưởng về chính trị (gần 30 năm công tác tại Sư đoàn 307). Từ năm 1995 đến 1999, tôi là Phó sư đoàn trưởng về Chính trị, Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 307.

Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, tôi đã cùng tập thể lãnh đạo, chỉ huy đơn vị xây dựng, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt với cấp ủy, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ngãi nói chung, địa bàn Ba Tơ, Đức Phổ, Mộ Đức nói riêng. Hằng năm, đơn vị đều tổ chức hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, giúp dân làm kênh mương nội đồng, đường giao thông liên thôn, liên xã, khắc phục hậu quả mưa bão... với hàng trăm lượt ngày công. Đơn vị nhận phụng dưỡng 6 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thăm, tặng quà, làm nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm các gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách. Tháng 7 hằng năm, chúng tôi đến thắp hương tri ân anh hùng liệt sĩ là cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn tại các nghĩa trang liệt sĩ ở Quảng Ngãi, Gia Lai... Những năm gần đây, các cựu chiến binh Sư đoàn 307 đã tổ chức nhiều chuyến đi tìm đồng đội, đưa hàng trăm hài cốt cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên đất bạn Campuchia về nước...”.

leftcenterrightdel
Thượng tá Phạm Văn Phước, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 307 tặng hoa chiến sĩ mới bắn giỏi (năm 2025).

Còn câu chuyện của Thượng tá Nguyễn Văn Thiệp, nguyên Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 307 để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc về tinh thần sẵn sàng giúp dân lúc khó khăn. Thượng tá Nguyễn Văn Thiệp nhớ lại: “Đầu tháng 7-2018, tôi được đơn vị cử đi khảo sát địa bàn xã Ba Giang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi để làm công tác dân vận. Sau khi được cấp ủy, chính quyền địa phương trao đổi tình hình, chúng tôi đi thăm, tặng quà một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tôi được anh Trần Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Ba Giang thông tin còn một hộ nằm trong vùng sâu, đường đi lại rất khó khăn, người mẹ nuôi một con bị tật nguyền. Anh Hoài hỏi tôi: Anh có trực tiếp đến gia đình này được không, đường đi nguy hiểm lắm đấy! Tôi không ngần ngại nói ngay, trường hợp này tôi muốn đến tận nơi thăm gia đình họ. Sau khi cuốc bộ, leo dốc, đến suối sâu, tôi quyết định vượt qua để sang ngôi nhà bị cô lập. Anh Hoài vội nói: Không được đâu, nguy hiểm lắm, nhưng tôi đã trả lời anh rằng hãy tin vào kinh nghiệm vượt sông của bộ đội. Nói rồi tôi chặt chuối, đóng bè, nối dây thừng kéo qua sông trước sự ngỡ ngàng của anh Hoài.

Chúng tôi ngồi lên bè chuối để vượt suối, tiếp cận cái chòi che tạm, gọi là “ngôi nhà” của chị Phạm Thị Chư (sinh năm 1984). Bên trong căn chòi có một cái sạp để hai mẹ con nằm, cạnh đó là cái bếp nguội lạnh lâu ngày không nổi lửa. Chúng tôi rất xót xa thấy chị Chư gầy yếu đang ôm con trai Phạm Văn Kiệt (sinh năm 2013) ốm đau, gầy guộc. Sau vài phút im lặng, tôi đưa cho chị hộp mì ăn liền, túi gạo, ít bánh... Trấn tĩnh một lúc, chị Chư kể: “Tôi sinh được một cháu trai nhưng không may bị tật bẩm sinh. Do hoàn cảnh gia đình éo le nên tôi tự mình dựng tạm cái chòi để mẹ con che mưa, che nắng. Có nhiều lúc nghĩ tủi thân quá...”.

Trước khi chia tay, hẹn ngày gặp lại, chúng tôi tặng chị Chư ít tiền. Trên đường về, chúng tôi bàn với nhau tìm cách để giúp đỡ mẹ con chị. Tôi báo cáo lãnh đạo, chỉ huy đơn vị về trường hợp đặc biệt khó khăn này. Đơn vị đã huy động cán bộ, chiến sĩ quyên góp, ủng hộ để mua một con trâu trị giá 20 triệu đồng, một số con giống và nhu yếu phẩm khác. Đồng thời, đơn vị phối hợp với địa phương vận động các doanh nghiệp, nhà tài trợ và dựng căn nhà sàn cho chị Chư. Sau 5 năm, cuộc sống của chị Chư đã thay đổi, con trai chị được nuôi dưỡng tốt nên chóng lớn, mạnh khỏe; các con vật nuôi, cây giống phát triển, trâu giống đẻ con, gia cầm tăng số lượng, rừng cây keo bộ đội trồng giúp xanh tốt... Gia đình chị Chư đã thoát nghèo”.

leftcenterrightdel

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 307 làm đường tại xã Ba Giang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi (năm 2022). Ảnh: NGỌC QUÝ

Trước khi chia tay đơn vị, Sư đoàn trưởng Phạm Văn Phước còn cho biết thêm, cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Sư đoàn 307 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Từ năm 2012 đến nay, đơn vị đã tổ chức lực lượng, phương tiện tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, đơn vị đã huy động gần 5.000 lượt cán bộ, chiến sĩ giúp nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt; di dời hàng trăm hộ với gần 2.000 nhân khẩu về nơi an toàn; sửa chữa hàng chục ngôi nhà bị hư hỏng do thiên tai, bão lụt; dọn vệ sinh, nạo vét bùn, đất trường học, nhà cộng đồng, nhà văn hóa; sửa chữa, làm hàng chục ki-lô-mét đường liên thôn, liên xã...

THÁI KIÊN