Quá trình tác nghiệp, chúng tôi nhiều lần gặp và trò chuyện với nhà văn Nguyệt Tú, phu nhân cố Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Quang Đạo. Hiện bà đang sống tại nhà riêng ở phố Tôn Thất Thiệp (Hà Nội). Sắp tròn bách niên nhưng bà rất mẫn tuệ và say sưa với nghiệp văn chương. Chúng tôi được bà kể cho nghe về nhiều nhân chứng đặc biệt mà bà từng gặp trong những lần đi công tác. Một trong số đó là đồng chí Huỳnh Văn Tiểng (1920-2009), lão thành cách mạng, nguyên Giám đốc Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Kỷ niệm về buổi lễ ra mắt của Mặt trận Việt Minh ở Sài Gòn-Chợ Lớn chiều 20-8-1945 qua lời kể của đồng chí Huỳnh Văn Tiểng vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của nữ nhà văn.

Đồng chí Huỳnh Văn Tiểng kể: “Sau hai lần tuyên thệ trọng thể của Thanh niên Tiền phong thì lễ ra mắt của Mặt trận Việt Minh là cuộc biểu dương lực lượng cách mạng lớn lần thứ ba ở Sài Gòn-Chợ Lớn. Từ 13 giờ ngày 20-8-1945, các đội Thanh niên Tiền phong đã trang bị đầy đủ cờ đoàn, cờ Việt Minh cùng băng rôn, khẩu hiệu kéo về tập trung tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân) ở đại lộ Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP Hồ Chí Minh-PV). Mặc dù đại biểu đến rất đông, vượt quá sức chứa 1.000 người của rạp, nhưng trật tự buổi lễ vẫn được bảo đảm tốt và hoàn toàn do Thanh niên Tiền phong đảm nhiệm. Tấm băng rôn lớn mang dòng chữ “Lễ ra mắt của Việt Minh-Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh” được treo ngay trên mặt tiền rạp hát. Trên sân khấu cũng được trang trí nghiêm túc, nổi bật là khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”. Trong khi đó, bọn cảnh sát đô thành và lính hiến binh Nhật chỉ đứng nhìn từ xa, có vẻ ngạc nhiên nhưng không can thiệp.

leftcenterrightdel
 

Rạp Nguyễn Văn Hảo xưa. Ảnh tư liệu

Buổi lễ hôm đó mở màn bằng bài đồng ca “Lên đàng”, bài hát chính thức của Thanh niên Tiền phong mà ai cũng thuộc. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Trưởng ban Tổ chức đọc lời khai mạc. Anh nêu rõ mục đích, ý nghĩa của buổi lễ long trọng này và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy tinh thần yêu nước của cha ông, tập hợp dưới lá cờ cứu nước của Mặt trận Việt Minh để nhanh chóng cướp lấy thời cơ giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Theo đề nghị của bác sĩ Thạch, buổi lễ được đặt trong sự tưởng niệm nhà trí thức yêu nước, nhà cách mạng hùng biện Nguyễn An Ninh mà nhân dân Sài Gòn và Nam Bộ đều biết tiếng, ngưỡng mộ, yêu mến. Ông đã bị thực dân Pháp bắt giam 5 lần, bị đày ra Côn Đảo và mất tại “địa ngục trần gian” này trong cảnh bệnh tật hiểm nghèo ngày 14-8-1943.

Giữa những ngày tháng Tám sục sôi tinh thần cách mạng, ôn lại và học tập tấm gương hy sinh của đồng chí Nguyễn An Ninh khiến chúng tôi rất xúc động, ai cũng nghe như có tiếng trống thúc giục đứng lên đấu tranh bên mình. Trong phần nói về Mặt trận Việt Minh hôm đó có tôi, đồng chí Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Chủ nhiệm Báo Thanh niên. Chúng tôi say sưa nói về hoạt động của Việt Minh những năm qua trong niềm tin và tự hào không kể xiết. Đồng chí Trần Văn Giàu công bố tôn chỉ, mục đích cứu nước cao cả của Việt Minh do cụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo. Đồng chí nêu những thành tích quan trọng bước đầu của Việt Minh ở núi rừng Việt Bắc, nói rõ tinh thần đại đoàn kết cứu nước không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo của Việt Minh. Đồng chí kêu gọi các tầng lớp nhân dân ở Nam Bộ, đặc biệt là Sài Gòn trong công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, các tôn giáo, đảng phái, nhân sĩ, trí thức, binh sĩ yêu nước... hãy tạm dẹp những lợi ích riêng tư để tập trung vào lợi ích chung của Tổ quốc là độc lập và tự do. Đồng chí khẳng định: “Chúng ta không thể ngồi chờ ai ban phát tự do cho mình, không thể có thứ tự do ăn xin mà phải đứng lên giành lấy nó, nếu cần thì không ngại hy sinh xương máu của mình. Con đường đúng đắn duy nhất hiện nay là gia nhập Mặt trận Việt Minh để tiến tới tổng khởi nghĩa”.

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát lên diễn đàn phân tích rõ nội dung và ý nghĩa sâu sắc của tinh thần dân chủ trong Chương trình Việt Minh. Cuối cùng là tôi-Huỳnh Văn Tiểng, thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong Sài Gòn-

Chợ Lớn nêu bật những bước tiến to lớn của phong trào và nhấn mạnh: Thanh niên tiền phong không được thỏa mãn với những thành tích đã đạt được và không rời mục tiêu sáng chói như một ngôi sao dẫn đường là giành chính quyền trong tay kẻ thù, phá tan ách thống trị thực dân đế quốc, thành lập chính quyền nhân dân bằng lực lượng của bản thân mình. Muốn vậy, thanh niên phải tiến lên dưới ngọn cờ huy hoàng của Việt Minh nền đỏ sao vàng, bất chấp mọi khó khăn nguy hiểm... Hưởng ứng lời kêu gọi của chúng tôi, cả hội trường đứng lên đồng thanh hát bài ca “Lên đàng” đầy khí thế.

Ngay sáng hôm sau, ngày 21-8-1945, Ban Tuyên truyền Việt Minh do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát lãnh đạo tổ chức 10 xe ô tô gắn cờ Việt Minh chạy khắp thành phố, phát loa kêu gọi đồng bào tham gia Việt Minh. Tối hôm đó, cũng tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo, Liên công chức Cứu quốc đã tổ chức một cuộc mít tinh để nghe nói chuyện về Việt Minh. Đưa tin về hai cuộc mít tinh của Việt Minh dưới nhan đề “Việt Minh là gì?”, Báo Điện tín ở Sài Gòn đã viết: “Lần đầu tiên ở Nam Bộ được nghe tiếng “Vạn tuế Việt Minh”. Tiếng hoan hô ấy chính thính giả tung lên chứ không phải diễn giả. Rồi đêm 21-8, trong cuộc diễn thuyết do Công chức Cứu quốc đoàn tổ chức cũng tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo, chiến sĩ cộng sản Trần Văn Giàu công khai giải thích rõ Việt Minh là gì, thế nào gọi là Việt Minh. Thì ra, Việt Minh không phải là một đảng. Nó là một mặt trận, nó là tên gọi tắt của 6 chữ: Việt Nam độc lập đồng minh. Người cộng sản luôn luôn tranh đấu dưới cờ đỏ búa liềm. Việt Minh không phải là Đảng Cộng sản mà cộng sản là trụ cột của Việt Minh...”.

NGUYỆT TUỆ