Anh hùng trong chiến đấu

Chúng tôi đến thăm Sư đoàn 390 (Quân đoàn 1) trong những ngày tháng Tư lịch sử. Đưa chúng tôi đi tham quan đơn vị, Đại tá Phạm Quang Hải, Chính ủy sư đoàn giới thiệu: Ra đời giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào thời kỳ cam go, quyết liệt, trải qua các trận chiến đấu anh dũng, đại đoàn đã lập nhiều chiến công oanh liệt. Khi đó, bộ đội đa phần được trang bị vũ khí thô sơ, sức cơ động chủ yếu bằng đôi chân, nhưng đại đoàn đã sớm hình thành lối đánh thọc sâu táo bạo, giành quyền chủ động, chiến đấu đạt hiệu suất cao, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng 8 chữ vàng: “Đoàn kết-Nghiêm túc-Dũng cảm-Chiến thắng”.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trước đòi hỏi cấp bách của chiến trường, năm 1965, Đại đoàn Đồng Bằng được tổ chức thành Sư đoàn 320A và Sư đoàn 320B (nay là Sư đoàn 390). Nếu Sư đoàn 320A có nhiệm vụ trực tiếp cơ động chiến đấu trên các chiến trường thì Sư đoàn 320B thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân tăng cường bổ sung lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ năm 1972, sư đoàn cùng các đơn vị bạn tham gia chiến đấu ở Mặt trận Quảng Trị với các trận đánh ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cam Lộ, Ái Tử, Quán Ngang, Gio Linh, Cửa Việt... đặc biệt là 81 ngày đêm chiến đấu kiên cường bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Trò chuyện với Đại tá Vũ Trung Thướng, nguyên Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 390, chúng tôi hiểu thêm về những tháng ngày khốc liệt ấy. Đại tá Vũ Trung Thướng nhớ lại: “Năm 1972, tôi là Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 48 của sư đoàn. Đơn vị có nhiệm vụ chốt ở Ngã ba Long Hưng, thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, cửa ngõ phía tây nam của thị xã Quảng Trị. Chịu biết bao đợt tấn công của kẻ địch, nhưng chưa khi nào chúng tôi nao núng tinh thần. Điển hình như trận ngày 12-7, từ sáng, địch đưa máy bay đến bắn phá và giội phi pháo từ biển Mỹ Chánh vào, tiếp đó là 1 tiểu đoàn địch tăng cường tấn công vào đội hình đại đội. Chúng điên cuồng mở liên tiếp 4 đợt tấn công, trong khi đó, đại đội chỉ còn 57 tay súng. Chúng tôi tổ chức thành 3 mũi gọng kìm đối phó với địch. Kết quả, dù có thương vong nhưng đơn vị vẫn kiên cường giữ vững đội hình”. Với ý chí quyết đánh, quyết thắng cùng tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, 500 ngày đêm chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị là một sự kiểm nghiệm thực tế vô cùng khắc nghiệt, tôi luyện cán bộ, chiến sĩ sư đoàn trưởng thành, tạo nên niềm tin và sức mạnh chiến đấu cho đơn vị.

leftcenterrightdel
 Huấn luyện lực lượng dự bị động viên tại Sư đoàn 390, năm 2021. Ảnh: ĐỨC THẮNG 

Năm 1973, sư đoàn vinh dự được đứng trong đội hình Quân đoàn 1. Năm 1975, sư đoàn đã hành quân thần tốc, đảm nhiệm mũi tiến công chủ yếu của quân đoàn, thọc sâu đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Trong đội hình Trung đoàn 48 có mặt giải phóng miền Nam, Đại tá Vũ Trung Thướng vẫn không thể quên khí thế thần tốc trong những ngày tháng lịch sử ấy: “Cuối tháng 2, đầu tháng 3, chúng tôi đang đi đắp đê chống lụt ở sông Đáy thì được trên giao nhiệm vụ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Lập tức, chúng tôi bàn giao dụng cụ cho địa phương, không kịp quay lại đơn vị mà lên đường ngay. Vào đến nơi, trước khí thế của quân ta, địch rệu rã, chống cự yếu ớt rồi ra hàng. Đúng 9 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ quyết chiến, quyết thắng đã được cán bộ, chiến sĩ Đại đội 5 của trung đoàn cắm trên nóc nhà Bộ Tổng Tham mưu ngụy”. Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 8-9-1975, sư đoàn vinh dự được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Sáng tạo giữa thời bình

Sau ngày miền Nam giải phóng, sư đoàn tiếp tục nhận nhiệm vụ vừa huấn luyện bộ đội bổ sung cho các đơn vị chiến đấu, vừa cơ động lực lượng tham gia chiến đấu bảo vệ, giữ vững biên cương phía Bắc Tổ quốc. Nhận nhiệm vụ Sư đoàn trưởng Sư đoàn 390 những năm 80 của thế kỷ 20, Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vẫn nhớ như in những tháng ngày gian khó ấy. Ông cho biết, cán bộ, chiến sĩ đơn vị vừa làm nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, làm điểm cho toàn quân để huấn luyện và xây dựng LLVT ba thứ quân, vừa tổ chức tăng gia sản xuất để bảo đảm đời sống cho cán bộ, chiến sĩ. “Thời điểm ấy, việc bảo đảm đời sống cho cán bộ, chiến sĩ từ ngân sách hết sức khó khăn, chúng tôi đã tổ chức một phong trào rộng khắp với tên gọi “Chiến dịch màu xanh Đồng Bằng” để bảo đảm thực phẩm, hoa trái phục vụ cho toàn sư đoàn với 5 hệ thống “vườn” (rau màu, cây giống, chăn nuôi, trồng hoa, thuốc Nam). Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức đóng gạch, nung vôi, khai thác than cám và làm cả xi măng cho Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn để xây dựng doanh trại. Vừa huấn luyện nghiêm, vừa tăng gia sản xuất giỏi đã trở thành “thương hiệu” của sư đoàn, được lan tỏa và nhân rộng ra toàn quân”-Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể.

Từ năm 1988, sư đoàn được tổ chức rút gọn thành đơn vị khung thường trực, thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm là quản lý, huấn luyện lực lượng dự bị động viên và một số nhiệm vụ khác. Quán triệt và nhận thức sâu sắc nhiệm vụ trong tình hình mới, sư đoàn thường xuyên duy trì nghiêm nền nếp sẵn sàng chiến đấu, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống, tổ chức tốt huấn luyện và hoàn thành nội dung chương trình cho các đối tượng; thực hiện phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát với thực tiễn. Hai năm qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, sư đoàn đã tiếp nhận và tổ chức cách ly cho gần 2.000 công dân bảo đảm an toàn tuyệt đối, được chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận.

“Ngoài những nhiệm vụ thường xuyên, từ năm 2020, sư đoàn được giao nhiệm vụ đào tạo giai đoạn 1 sĩ quan cấp phân đội, trình độ đại học cho học viên của Học viện Phòng không-Không quân. Đây là nhiệm vụ mới nên ngay khi nhận nhiệm vụ, sư đoàn đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức, biên chế, thành lập khung cán bộ huấn luyện, tiến hành tập huấn, bồi dưỡng, làm tốt công tác chuẩn bị. Qua gần hai năm triển khai nhiệm vụ, sư đoàn đều được cấp trên tin tưởng, đánh giá cao”-Đại tá Phạm Quang Hải nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Huấn luyện lực lượng dự bị động viên tại Sư đoàn 390, năm 2021. Ảnh: ĐỨC THẮNG 

Trung đoàn 48 của sư đoàn là đơn vị đảm nhận nhiệm vụ khó này. Thượng tá Nguyễn Quang Hòa, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48 cho biết: “Sau khi nhận nhiệm vụ, cấp ủy, chỉ huy trung đoàn đã quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc để công tác huấn luyện, đào tạo đạt kết quả cao nhất. Ngoài sự chuẩn bị về thao trường, đồ dùng huấn luyện, chúng tôi cho rằng, yếu tố con người-cán bộ cấp phân đội chính là nhân tố then chốt nên chú trọng bồi dưỡng các cán bộ khung thực hiện nhiệm vụ này”. Trò chuyện với Trung úy Trần Văn Nam, Trung đội trưởng Trung đội 13, Đại đội 5, Tiểu đoàn 1 của trung đoàn, chúng tôi hiểu thêm những chia sẻ của Thượng tá Nguyễn Quang Hòa. Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1, tháng 11-2020, Trung úy Trần Văn Nam về nhận công tác tại trung đoàn. Là một cán bộ trẻ, trải qua những bỡ ngỡ ban đầu, vừa làm vừa học, được hướng dẫn, truyền thụ kinh nghiệm từ thế hệ đi trước, Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý bộ đội. Nam thường xuyên quan sát, nắm bắt tư tưởng, hoàn cảnh gia đình cũng như tính cách từng học viên để động viên, quan tâm và có định hướng phù hợp. Nam nhớ mãi kỷ niệm về một học viên quê ở Nam Định, vừa nhập học thì được tin bố mất, mẹ lại không có việc làm nên có dấu hiệu dao động tư tưởng, muốn xin ra quân để về giúp đỡ mẹ. Nam đến chia sẻ, trực tiếp nói chuyện với thân nhân học viên để động viên em yên tâm học tập. Sau khi kết thúc giai đoạn đào tạo, kết quả huấn luyện giỏi của học viên đó đã minh chứng cách làm đúng đắn của Trung đội trưởng Trần Văn Nam. “Phát huy truyền thống, dám nghĩ, dám làm, say mê, nhiệt huyết, luôn năng động, sáng tạo, không rập khuôn máy móc trong huấn luyện là những điều chúng tôi được các thế hệ đi trước trao truyền để làm tốt công việc của một người quản lý, huấn luyện bộ đội. Kết quả huấn luyện của học viên chính là thành quả xứng đáng mà chúng tôi nhận được”-Trung úy Trần Văn Nam tự hào nói. 

PHẠM THU THỦY