Mệnh lệnh từ trái tim
Khi dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, đời sống người dân Thành phố mang tên Bác và các tỉnh phía Nam từng bước thích ứng an toàn với dịch Covid-19, Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ tư lệnh (BTL) TP Hồ Chí Minh mới có được những khoảng thời gian rảnh rỗi. Câu chuyện ông chia sẻ với chúng tôi, dù bắt đầu bằng đề tài gì thì cuối cùng vẫn xoay quanh chuyện giúp dân PCD. Cũng dễ hiểu, bởi kể từ khi đất nước thống nhất, đây là lần đầu tiên LLVT thành phố điều động quân số thực hiện nhiệm vụ ở mức cao nhất, toàn diện nhất và dài ngày nhất. Với người chỉ huy cao nhất của LLVT thành phố, đó là áp lực vô cùng nặng nề và khó khăn. Tính chất khó khăn thể hiện ở chỗ, nhiệm vụ PCD Covid-19 chưa từng có tiền lệ; cán bộ, chiến sĩ chưa có bất cứ kinh nghiệm gì, trong lúc nguy cơ lây nhiễm rất cao, đối mặt với hy sinh, tổn thất lực lượng rất lớn...
Trong hoàn cảnh đó, để cán bộ, chiến sĩ tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh, đòi hỏi người chỉ huy phải rất tinh nhạy, có tầm nhìn vừa bao quát, vừa cụ thể, vừa quyết liệt, vừa nhân văn. Và cách mà Trung tướng Nguyễn Văn Nam thể hiện vai trò người chỉ huy cao nhất của mình để tập hợp cán bộ, chiến sĩ LLVT thành phố muôn người như một, thành một khối thống nhất, đó là tận dụng, phát huy sự ủng hộ của cấp ủy, chỉ huy các cấp và cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng sự đồng thuận cao nhất của nhân dân. Chủ trương, giải pháp, kế hoạch chống dịch cùng nội dung tham mưu cho Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh về công tác lãnh đạo, chỉ đạo PCD được xây dựng, ban hành trên cơ sở phát huy trí tuệ tập thể, dân chủ quân sự, được tuyên truyền, phổ biến đến từng cán bộ, chiến sĩ. Chính vì vậy, khi mệnh lệnh của tư lệnh phát ra, điều động quân đi chỗ nào, thực hiện nhiệm vụ gì, yêu cầu đặt ra thế nào... đều là sự cụ thể hóa những chủ trương, giải pháp tổng thể đã được phổ biến, quán triệt. Cán bộ, chiến sĩ, gia đình, hậu phương... đều đã được chuẩn bị tư tưởng, sẵn sàng tinh thần xung kích, tự nguyện, tự giác tham gia thực hiện nhiệm vụ...
Khi chúng tôi hỏi về những dấu ấn sâu sắc trong các mệnh lệnh chỉ huy chống “giặc” Covid-19, Trung tướng Nguyễn Văn Nam tâm sự, đó là những lúc ban hành mệnh lệnh điều động lực lượng thực hiện nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, ở những khu vực, phần việc, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Một trong những dấu ấn đáng nhớ là khi BTL thành phố được lãnh đạo Thành ủy giao thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển thi thể người tử vong do dịch Covid-19 đi hỏa táng, nhận, bảo quản và bàn giao tro cốt người tử vong cho gia đình, người thân... Trung tướng Nguyễn Văn Nam nhớ lại: “Nhận nhiệm vụ do đồng chí Bí thư Thành ủy trực tiếp giao, tôi rất xúc động, liền báo cáo Thường vụ Đảng ủy, triển khai xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện ngay. Chúng tôi quyết định thành lập lực lượng xử lý tử thi, gồm cán bộ, chiến sĩ của hai phân đội Trinh sát đặc nhiệm và Công binh. Điều tôi lo lắng là bộ đội mình chưa có kinh nghiệm, chưa từng thực hiện những nhiệm vụ tương tự, sợ anh em nảy sinh tư tưởng ngại khó, ngại khổ hoặc lúng túng trong các khâu tiếp nhận, bảo quản, xử lý tử thi, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, trước khi ra mệnh lệnh, tôi cử đồng chí Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng BTL TP Hồ Chí Minh xuống đơn vị gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ, nắm tâm tư, nguyện vọng của anh em. Đồng chí Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng xuống đơn vị một lúc thì điện thoại về báo cáo tôi là anh em thể hiện ý chí quyết tâm rất cao, 100% cán bộ, chiến sĩ xung phong thực hiện nhiệm vụ. Một số chiến sĩ trẻ đã phát biểu rằng, vì nhân dân, vì những người đã tử vong do dịch Covid-19, họ sẵn sàng làm tất cả. Tôi nghe xong, ngồi lặng im một lúc, nước mắt trào ra. Đối với người chỉ huy, còn điều gì hạnh phúc hơn khi mệnh lệnh của mình được cán bộ, chiến sĩ thi hành một cách tự giác với tinh thần quyết tâm, quyết liệt như vậy”.
Là một trong những phóng viên thường xuyên theo sát bước chân của cán bộ, chiến sĩ LLVT thành phố trong cuộc chiến PCD Covid-19, tôi hiểu, đó là những mệnh lệnh được phát ra từ trái tim. Đó là sợi dây trách nhiệm, bổn phận vì nhân dân phục vụ được gắn kết, chuyển tải từ lương tâm của người chỉ huy cao nhất đến với hàng vạn cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền.
Niềm tự hào sau những giọt nước mắt
Đưa cán bộ, chiến sĩ của mình vào làm nhiệm vụ ở những nơi mà theo cách nói của các đồng chí lãnh đạo thành phố là “Nếu không phải Bộ đội Cụ Hồ thì không ai làm được tốt như vậy”, Trung tướng Nguyễn Văn Nam luôn thường trực nỗi trăn trở, băn khoăn. Ông lo lắng các chiến sĩ sẽ gặp nguy hiểm do bị lây nhiễm. Dù đã triển khai cho anh em tiêm vaccine ngừa Covid-19 và thực hiện các biện pháp bảo hộ, nhưng vẫn không thể ngăn được làn sóng lây nhiễm vào LLVT. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Các đơn vị thực hiện lệnh cấm trại, 100% quân số thường trực, cơ động thực hiện nhiệm vụ như thời chiến. Nhiều cán bộ, chiến sĩ có người thân tử vong do dịch Covid-19 nhưng không thể về chịu tang, dù nhà chỉ cách đơn vị vài cây số. Trung tướng Nguyễn Văn Nam nhắc lại câu chuyện cảm động của Đại úy QNCN Lê Minh Sang, lái xe của Phân đội Thiết giáp. Gia nhập lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt, anh đã tham gia vận chuyển gần 1.000 thi thể người tử vong đi hỏa táng và bàn giao tro cốt cho gia đình. Trong những ngày tháng anh bám đơn vị, cơ động liên tục thực hiện nhiệm vụ thì ở nhà, hai bên gia đình nội, ngoại đều bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Nỗi đau chồng chất khi song thân phụ mẫu và nhạc phụ của anh bệnh diễn biến nặng, không qua khỏi. Phận làm con, cha mẹ mất không thể về chịu tang, anh nén nỗi đau cho nước mắt chảy vào trong để tiếp tục nhiệm vụ. Khi thành phố chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn với dịch Covid-19, Lê Minh Sang trở về nhà, bấy giờ nước mắt mới chảy thành dòng, khóc thành tiếng... Những nỗi đau, sự hy sinh thầm lặng ấy, nếu không nói ra, không chia sẻ, mấy ai biết để mà thấu cảm cùng Bộ đội Cụ Hồ...
Theo báo cáo của BTL TP Hồ Chí Minh, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, BTL thành phố đã huy động hơn 36.200 cán bộ, chiến sĩ LLVT tham gia PCD, cấp phát hơn 283.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà, tổ chức hàng trăm chương trình: “Phiên chợ 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”, “Gian hàng lưu động 0 đồng”... vận chuyển hơn 2.000 tấn hàng hóa, trị giá hơn 300 tỷ đồng đến tận tay người dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển, bàn giao tro cốt người tử vong cho gia đình. Đã có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ nhiễm Covid-19...
|
Nỗi lo lắng canh cánh trong lòng Trung tướng Nguyễn Văn Nam, đến một ngày cũng đã xảy ra. Chiến sĩ của ông hy sinh do dịch Covid-19. Dù biết cuộc chiến nào cũng khó tránh khỏi hy sinh, nhất là khi LLVT thành phố bước vào cuộc chiến với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, nhưng khi chiến sĩ của mình ngã xuống, ông không thể cầm được nước mắt. Câu chuyện về chiến sĩ dân quân Nguyễn Thành Đạt (Ban CHQS quận Bình Tân) hy sinh trong thời điểm dịch bệnh diễn biến đặc biệt phức tạp, đã chạm đến trái tim của biết bao người. Đạt còn rất trẻ, năng nổ, xông xáo, nhiệt tình. Khi cấp trên triển khai nhiệm vụ chống dịch, Đạt xung phong vào “vùng đỏ đậm đặc” ở phường Tân Tạo làm nhiệm vụ chốt chặn, kiểm soát dịch bệnh. Đang hăng hái xung kích trên tuyến đầu chống dịch thì một ngày cuối tháng 8-2021, Đạt bị sốt, ho. Kết quả xét nghiệm cho biết, anh bị nhiễm Covid-19. Đạt được đưa vào khu cách ly và sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa quận Bình Tân điều trị, nhưng do bệnh diễn biến quá nặng, anh đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 8 giờ ngày 7-9, khép lại cuộc đời ở mùa thu thứ 22...
Một người ngã xuống tiếp lửa cho muôn người, nuôi dưỡng niềm tự hào trong mỗi trái tim cán bộ, chiến sĩ. Giờ đây, nhịp sống xã hội đã và đang dần trở lại trạng thái bình thường mới với tinh thần thích ứng, chung sống an toàn với dịch Covid-19, nhưng LLVT thành phố thì vẫn luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với các cấp độ dịch. Trung tướng Nguyễn Văn Nam và các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy, BTL thành phố đã chuẩn bị sẵn các phương án, kế hoạch và hàng vạn cán bộ, chiến sĩ vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng nhận và thi hành mệnh lệnh chiến đấu...
THANH KIM TÙNG