Thấy gì từ việc cổ xúy, kêu gọi thành lập các tổ chức phạm pháp?

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đúng vào dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường kéo theo những khó khăn, thách thức từ nền kinh tế đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều phân khúc trong chuỗi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX). Đời sống của một bộ phận không nhỏ công nhân, người lao động gặp khó khăn. Thị trường lao động mặc dù có chuyển biến tích cực hơn so với cùng kỳ năm trước, song số người thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn ở mức cao. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2024, cả nước có khoảng 1,06 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động. Bên cạnh đó, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị các cấp có tác động đến đời sống, tâm lý, việc làm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động...

Hiện thực đời sống đã tạo dư luận đa chiều trên không gian mạng. Bên cạnh sự đồng thuận, đồng tình, ủng hộ, tin tưởng vào chủ trương của Đảng của đại đa số nhân dân, dư luận xã hội vẫn còn bộc lộ tâm lý lo lắng, băn khoăn, dao động, kèm theo đó là những khó khăn, vất vả trong cuộc sống sinh hoạt khi việc làm và thu nhập bị ảnh hưởng.

Bám vào những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành ở những phân khúc nhất định trong hệ thống chính trị và mặt trái của xu hướng phát triển, nhiều đối tượng cực đoan mang tư tưởng thù địch đã lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền tư tưởng bất mãn, tiêu cực. Chúng rêu rao rằng công nhân, người lao động ở Việt Nam, nhất là trong các KCN, KCX hiện nay đang bị “bỏ rơi”, “ngó lơ”... Để thực hiện cái gọi là “chăm lo, bảo vệ quyền lợi công nhân”, chúng kêu gọi thành lập những cái gọi là “Công đoàn độc lập”, “Công đoàn độc lập Việt Nam”, “Tổ chức Người lao động Việt Nam độc lập” trái pháp luật tại cơ sở. 

Việc lợi dụng quy định của pháp luật cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để kêu gọi, cổ xúy thành lập các tổ chức phạm pháp đã manh nha xuất hiện từ nhiều năm trước. Tuy nhiên hiện nay, vấn đề này lại rộ lên trên nhiều diễn đàn, hội, nhóm... trên không gian mạng, không ít đối tượng tự xưng là “nhà dân chủ”, “nhà đấu tranh”, “nhà bất đồng chính kiến”... ra rả những luận điệu kích động, xuyên tạc, lôi kéo. Các đối tượng cơ hội chính trị tận dụng các nền tảng mạng xã hội, lập các trang, nhóm, đẩy mạnh tương tác với tài khoản cá nhân của công nhân, người lao động để lôi kéo, dẫn dụ họ tham gia. Thực chất những cái gọi là “Công đoàn độc lập” hay “Công đoàn độc lập Việt Nam”, “Tổ chức Người lao động Việt Nam độc lập”... mà các đối tượng thù địch rêu rao đều là những tấm bình phong mang tư tưởng chính trị đối lập với tổ chức công đoàn thuộc liên đoàn lao động ở các địa phương, nhằm mục tiêu chống phá Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây rối an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Bên cạnh tuyên truyền kích động, lôi kéo công nhân, người lao động quay lưng với tổ chức công đoàn các cấp thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các “nhà lý luận” tự xưng tìm cách lèo lái dư luận, xuyên tạc bản chất giai cấp công nhân Việt Nam trong thời đại mới; xuyên tạc, phủ nhận hệ tư tưởng của Đảng. Chúng không giấu giếm ý định, mục đích sâu xa là từng bước gây chia rẽ, phân hóa giai cấp công nhân, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, tiến tới hình thành lực lượng chính trị đối lập trong tầng lớp công nhân, người lao động...

Bài học về “miếng phô mai” và “cái bẫy chuột”

Trong lúc rêu rao, tô vẽ cho cái gọi là “Công đoàn độc lập” để dẫn dụ những người nhẹ dạ cả tin, các đối tượng cơ hội chính trị, thế lực thù địch cố tình phớt lờ những quy định của pháp luật Việt Nam. Khoản 3 và 4 Điều 3, Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định rõ: “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”.

Điều 172, chương XIII, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký”. “Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tổ chức và hoạt động phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ; tự nguyện, tự quản, dân chủ, minh bạch...”.

Như vậy, việc thành lập tổ chức của người lao động tại cơ sở (doanh nghiệp) phải tuân thủ pháp luật và chỉ được phép hoạt động trong khuôn khổ pháp luật quy định. Mọi tổ chức, hành vi, phương thức hoạt động không tuân thủ pháp luật đều là phạm pháp và phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật.

Những cái gọi là “Công đoàn độc lập” hay “Công đoàn Việt Nam độc lập” do các đối tượng thù địch nhào nặn, tô vẽ để lòe bịp những người nhẹ dạ cả tin là hành vi vi phạm pháp luật. Thứ “bánh vẽ” này hoàn toàn không phải để bảo vệ quyền lợi, chăm lo cho công nhân mà thực chất chỉ là các chiêu trò mượn danh, núp bóng công nhân, người lao động để chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Cách trực tiếp và sáng suốt nhất để tránh rơi vào “cái bẫy chuột” là phải tránh xa “miếng phô mai” sặc màu, dậy mùi do các đối tượng thù địch bày ra để dẫn dụ, lôi kéo. Việc nhiều đối tượng đã bị truy tố, xử lý nghiêm minh trước pháp luật do có hành vi vi phạm pháp luật, kích động, lôi kéo công nhân, người lao động đình công, chống phá doanh nghiệp trong thời gian qua chính là bài học nhãn tiền.

Để giúp công nhân, người lao động trong các KCN, KCX nâng cao nhận thức, tự giác, chủ động tuân thủ pháp luật cần tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức học tập, tuyên truyền; nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn ở cơ sở. Tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp cần gắn kết chặt chẽ với các tổ chức đại diện hợp pháp của người lao động, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đồng hành chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công nhân, người lao động. Việc tận dụng các nền tảng mạng xã hội để tạo những diễn đàn, sân chơi lành mạnh, bổ ích; nhân rộng các mô hình sinh hoạt văn hóa cho công nhân, người lao động cần được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng với tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy hoa thơm lấn át cỏ dại”...

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho giai cấp công nhân. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân. Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn phù hợp với cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế, tập trung làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, tập thể công nhân. Định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn hiện nay...

Cụ thể hóa chủ trương của Đảng trong đời sống công nhân và doanh nghiệp, tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố có nhiều KCN, KCX ở phía Nam hiện nay, liên đoàn lao động các cấp đã phối hợp với các trung tâm chính trị tổ chức cho đại biểu công nhân, đội ngũ cán bộ quản lý ở các doanh nghiệp được học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị. Việc này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chính trị trong đội ngũ cán bộ nòng cốt, công nhân, người lao động tiêu biểu mà còn thiết thực bồi đắp, phát triển bản chất giai cấp công nhân trong thời đại mới. Đây cũng là hình thức góp phần đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp, nhất là ở khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...

Với phương châm lấy xây để chống, việc chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động bằng các mô hình phúc lợi như: Xây dựng nhà ở xã hội, ký túc xá công nhân; xây dựng trường học, cơ sở y tế, trung tâm văn hóa... tại các KCN, KCX đang được quan tâm đẩy mạnh ở nhiều nơi. Đây là những tiền đề, cơ sở vật chất cần thiết để chúng ta đẩy mạnh các phương thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trình độ kiến thức, bản lĩnh chính trị cho công nhân, giữ vững định hướng, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai cấp công nhân thời đại mới; đấu tranh phản bác, đẩy lùi những luận điệu xuyên tạc, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.

ĐỨC GIANG