Hiện thực khách quan và sự lèo lái nguy hiểm

Những cụm từ “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị”... được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến trong bài phát biểu quan trọng tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh lần thứ XI, ngày 11-12-2017: “... Đoàn cần định hướng, giáo dục thanh niên giữ vững bản lĩnh cách mạng, có ý thức nhạy bén chính trị, tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, tăng sức đề kháng cho thanh niên trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội; tránh tình trạng “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị”...

Đến Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII, ngày 15-12-2022, tình trạng “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị” trong một bộ phận thanh niên tiếp tục được đại hội đề cập. Báo cáo chính trị cũng như các ý kiến phát biểu thảo luận tại đại hội đều đánh giá, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đặc biệt là trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi dưỡng đạo đức, lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ. Thông qua hoạt động thực tiễn, tính tích cực chính trị, niềm tin của thanh niên đối với Đảng, với tổ chức đoàn, với công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố vững chắc. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng; có biểu hiện xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Dù chỉ là một bộ phận nhỏ nhưng những biểu hiện “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị” rất cần được quan tâm để khắc phục, nếu không, nó sẽ là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với rất nhiều hệ lụy cho thế hệ tương lai...

Quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của đất nước, dân tộc, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm, tạo môi trường thuận lợi, đặt niềm tin tuyệt đối vào thanh niên. Những biểu hiện “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị”... chỉ xảy ra ở một bộ phận nhỏ, trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Trách nhiệm của chúng ta, trực tiếp là tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, là phải có giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa, quyết không để những biểu hiện tiêu cực này phát triển, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong thanh niên. Bàn về vấn đề này, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh giải pháp: “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ cho thế hệ trẻ”...

Việc xác định vai trò, sứ mệnh của thanh niên đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được Đảng ta nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, xuyên suốt trên tinh thần kế thừa và phát triển. Đảng ta xác định thanh niên là rường cột của nước nhà, là chủ nhân tương lai của đất nước. Trên thực tế, trong thời kỳ đất nước đổi mới, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, sự đóng góp của thanh niên vì mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh là vô cùng to lớn và quan trọng.

Hiện thực khách quan và thực tế đời sống xã hội là như vậy. Tuy nhiên, với mưu đồ chống phá, truyền thông có tư tưởng thù địch với đất nước ta lại cố tình bẻ cong sự thật, lập luận theo kiểu “cắt khúc”, “chặt ngọn”... để lèo lái dư luận hiểu sai lệch bản chất vấn đề. Gần đây, khi cả nước ta đang hướng đến những ngày lễ lớn và thực hiện công tác tuyển quân, giao nhận quân năm 2024, trên một số phương tiện truyền thông phát tiếng Việt ở hải ngoại và nhiều tài khoản của tổ chức, cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội đã đăng tải, chia sẻ một số bài viết, video clip theo lối suy diễn, quy chụp. Họ rêu rao rằng, “nhạt Đảng”, ‘khô Đoàn”, “xa rời chính trị”... là “xu thế thời đại” của thế hệ trẻ Việt Nam. Họ võ đoán rằng, “đại đa số thanh niên Việt Nam hiện nay đã quay lưng với Đảng”. Họ cho rằng thế hệ trẻ Việt Nam cần được “khai phóng”, “tự do”, “vượt mọi giới hạn”... để mở lối đi riêng, tiếp cận văn minh thời đại...

Mặc dù tuyệt đại đa số thanh niên có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng không thể bị lung lay, dao động trước những luận điệu kích động, xuyên tạc ấy; nhưng môi trường văn hóa và trận địa tư tưởng của tuổi trẻ trên không gian mạng không tránh khỏi bị tác động, ảnh hưởng. Đặc biệt là với những thành phần nằm trong “một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin”, có biểu hiện “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị”... sẽ rất dễ bị tác động, lôi kéo, trở thành những “con rối” cho các thế lực thù địch, phản động giật dây. Những phiên tòa xét xử các đối tượng có hành vi hoạt động chống phá Nhà nước, “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và gần đây là nhóm đối tượng khủng bố ở Đắk Lắk... với thành phần phạm tội đa số là người trẻ, đã phần nào chứng minh vấn đề này. Dù chỉ là thiểu số nhưng việc một bộ phận thanh niên vi phạm pháp luật, có hành vi đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc, đã gây hệ lụy đến an ninh chính trị, ảnh hưởng đến nền tảng tư tưởng của Đảng.

leftcenterrightdel
 Minh họa: QUANG CƯỜNG

Thanh niên vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của các phong trào hành động cách mạng

Ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị” trong thanh niên vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là chiến lược lâu dài. Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục và các phong trào hành động cách mạng để tạo tấm lá chắn vững chắc trong tư duy, tư tưởng chính trị của đoàn viên, thanh niên, đấu tranh làm thất bại âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: “... Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...”.

Nhìn lại giai đoạn cao điểm của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 năm 2021 ở vùng tâm dịch phía Nam, chúng ta thấy rõ, khi thanh niên là chủ thể của các chương trình hành động, các phong trào xung kích, họ luôn sẵn sàng xả thân cho đất nước. Hình ảnh hàng vạn thanh niên tình nguyện làm việc với tinh thần tận hiến trên tuyến đầu chống dịch đã để lại những ấn tượng vô cùng sâu đậm trong lòng dân. Trong lễ hội tòng quân đầu Xuân Giáp Thìn 2024 trên mọi miền đất nước, tỷ lệ thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ rất cao. Ở một số địa phương, thanh niên tình nguyện nhập ngũ chiếm tỷ lệ đa số. Đặc biệt, tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, thanh niên là công chức, viên chức, đảng viên, trí thức trẻ... tình nguyện nhập ngũ ngày càng nhiều. Có nhiều sinh viên đang học năm thứ hai, thứ ba cũng tạm gác việc học tập, bảo lưu kết quả, viết đơn tình nguyện nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc.

Thực tế sinh động ấy chính là bằng chứng sát thực và thuyết phục nhất để phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch nhằm vào thế hệ trẻ Việt Nam. Một trong những bài học cốt lõi được rút ra là, các cấp, ngành, địa phương phải quan tâm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để tuổi trẻ bộc lộ tài năng, có động lực xung kích trong học tập, lao động, khởi nghiệp... theo định hướng của Đảng. Các chương trình, phong trào hành động cách mạng trong giai đoạn mới, thanh niên phải vừa là chủ thể cống hiến, sáng tạo, vừa là đối tượng phục vụ, thụ hưởng từ chính những thành quả do mình tạo ra. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với vai trò xung kích của tuổi trẻ, tổ chức đoàn các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh, coi trọng việc giáo dục đoàn viên, thanh niên thông qua những hoạt động thực tiễn và các phong trào thi đua yêu nước. Đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng và thực hiện thật tốt các chuẩn mực đạo đức; định hướng giá trị nhân cách, làm cho thanh niên thật thấm nhuần và có khả năng tự đề kháng, tích cực đấu tranh với những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch...

Để khắc phục, phòng ngừa biểu hiện “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị” trong một bộ phận thanh niên, không để nó có cơ hội tồn tại, phát triển, cần phải thực hiện thật tốt việc “xây” và “chống”, “lấy xây để chống”. Đây là quan điểm xuyên suốt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cần được quán triệt, thấm nhuần, cụ thể hóa trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên, vận dụng và triển khai thực hiện có hiệu quả ngay từ cơ sở.

Phong trào thi đua yêu nước và chuỗi hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước trong hai năm 2024-2025 chính là cơ hội lớn cho thanh niên cả nước bộc lộ phẩm chất, thể hiện tài năng, năng lực và khát vọng cống hiến. Đặc biệt là thanh niên trong Quân đội, có môi trường để tiếp tục “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.

Ở phương diện đối lập, các thế lực thù địch cũng tăng cường các chiến dịch tuyên truyền, xuyên tạc, lấy người trẻ làm mục tiêu, đối tượng để kích động, chống phá. Do đó, đưa thanh niên vào các phong trào, chương trình hành động cách mạng vừa là cách để “xây”, vừa là giải pháp để “chống”, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tuổi trẻ Việt Nam.

NGUYỄN PHAN