“Cuộc chiến nóng bỏng” trên bàn đàm phán

Mùa đông năm 1972, thủ đô nước Pháp trời rét ngọt. Nhưng những cuộc nói chuyện riêng giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xuân Thủy với Ngoại trưởng Mỹ Kissinger trong khuôn khổ Hội nghị Paris thì nóng bỏng, lúc nào cũng căng như dây đàn. Phía Mỹ tỏ ra hết sức ngoan cố và lật lọng trắng trợn với những điều đã được thỏa thuận trước đó, cho dù đoàn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có thái độ thiện chí ở mức tối đa. Từ ngày 20 đến 25-11, phía Mỹ đòi quân miền Bắc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, bỏ qua Chính phủ Cách mạng lâm thời, đòi xóa “ba thành phần”, đòi ký Hiệp định 4 bên chứ không phải 2 bên và nhiều vấn đề khác thuộc về nguyên tắc. Chúng ta đã kiên quyết bác bỏ và nghiêm khắc phê phán hành động ngang ngược của Mỹ. Trong cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Schumann ngày 27-11-1972, Tổng đại diện Võ Văn Sung đã thẳng thắn: “Hiện đàm phán tạm ngừng đến ngày 4-12. Chúng tôi sẽ trở lại đàm phán với thiện chí, nhưng thiện chí của chúng tôi đã ở mức tối đa. Chúng tôi muốn hòa bình nhưng không phải bằng bất cứ giá nào. Nếu Mỹ ngoan cố không đáp ứng, chúng tôi quyết đánh”.

leftcenterrightdel

Tổng đại diện Võ Văn Sung (bên phải) đón đồng chí Cố vấn Lê Đức Thọ trở lại Paris sau Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không". Ảnh tư liệu

Từ ngày 4 đến 13-12, Cố vấn Lê Đức Thọ, Trưởng đoàn Xuân Thủy tiếp tục có cuộc gặp riêng với Kissinger, nhưng không khí vẫn rất căng thẳng. Thời gian này, Lầu Năm Góc đã chuẩn bị một kế hoạch tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu quan trọng khác ở miền Bắc Việt Nam mang tên “Chiến dịch Linebacker II”. Mỹ coi đây là một đòn độc hạ đo ván, nhằm buộc ta phải khuất phục và chấp nhận những điều kiện mà Mỹ đã đưa ra trong Hội nghị Paris. Chúng ta không bất ngờ trước những âm mưu của Mỹ. Trao đổi với chúng tôi, nguyên Đại sứ Võ Văn Sung nói: “Ta không lúc nào ảo tưởng vì quá hiểu bản chất của đế quốc Mỹ. Chúng ta đã cho công bố văn bản được ký tắt của đại diện hai nước ngày 20-10 để nhân dân thế giới biết. Với sự phán đoán tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây và qua thông tin tình báo, ta biết Mỹ sẽ sử dụng máy bay B-52 đánh vào Hà Nội”.

Paris sẵn sàng “chia lửa” với Hà Nội

Đầu năm 1968, khi làm việc với Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội... Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Thấm nhuần lời tiên đoán của Bác và chỉ đạo chiến lược của Đảng, của Quân ủy Trung ương, quân và dân miền Bắc, đặc biệt là Bộ đội PK-KQ đã khẩn trương lên kế hoạch, chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt để tìm ra cách tiêu diệt “siêu pháo đài bay” B-52 của Mỹ.

Theo lệnh của Tổng thống Mỹ Nixon, Kissinger tuyên bố bỏ đàm phán vô thời hạn ở Hội nghị Paris và về nước. Trước tình hình này, Cố vấn Lê Đức Thọ đã gặp riêng Tổng đại diện Võ Văn Sung để căn dặn: “Mình về đây, chắc nay mai nó sẽ đánh Hà Nội, cậu cần có kế hoạch để phối hợp với ở nhà”. Ngày 18-12-1972, trong một buổi thảo luận riêng với ông Schumann, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, Tổng đại diện Võ Văn Sung nhấn mạnh: “Nếu Mỹ muốn giải quyết hòa bình và nhanh chóng ký hiệp định như đã thỏa thuận thì chúng tôi sẵn sàng. Còn Mỹ vẫn muốn đánh nhau thì chúng tôi quyết đánh. Tôi xin cảnh báo với dư luận là một bi kịch lớn sắp xảy ra. Dư luận không nên bị ru ngủ”. Đại diện ngoại giao của ta đề nghị nước Pháp lên án mạnh mẽ hơn nữa cuộc leo thang đánh phá của Mỹ ra miền Bắc.

Tối 18-12-1972, đế quốc Mỹ điều máy bay B-52 đánh phá ác liệt Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận. Biết tin Mỹ tiến hành cuộc tập kích đường không để hủy diệt Hà Nội, hàng chục tổ chức chính trị-xã hội ở Pháp, hàng vạn kiều bào ta và nhân dân Pháp yêu chuộng hòa bình đã đến gặp cơ quan Tổng đại diện của ta để chia sẻ và ủng hộ. Nhiều bà con Việt kiều khóc nức nở, nhiều người dân Pháp nước mắt lưng tròng khi nghe kể về tội ác của đế quốc Mỹ ở Hà Nội. Nén lại những lo âu cho gia đình, người thân ở Hà Nội, Hải Phòng, cán bộ, nhân viên cơ quan Tổng đại diện đã tích cực tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, khiến nước Pháp lên tiếng phản đối Chiến dịch Linebacker II của Mỹ. Nhiều tổ chức chính trị-xã hội đã tổ chức mít tinh, biểu tình rầm rộ trên đường phố Paris và trước cửa Đại sứ quán Mỹ để biểu lộ sự ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và phản đối hành động dã man, tàn bạo của chính quyền Nixon. Hà Nội, Hải Phòng đánh Mỹ bằng quân sự thì ở Paris, ta đánh Mỹ bằng mặt trận ngoại giao. Đó chính là nghệ thuật đấu tranh tuyệt chiêu giữa “đánh và đàm”, tạo sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù trên cả chiến trường và tại bàn đàm phán.

leftcenterrightdel

Tổng đại diện Võ Văn Sung (ngồi ngoài cùng, bên phải) trong Lễ ký kết Hiệp định Paris, ngày 27-1-1973. Ảnh tư liệu 

Suốt 12 ngày đêm khói lửa ở Hà Nội, Tổng đại diện Võ Văn Sung liên tục gặp Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, thậm chí còn gọi điện vào ban đêm để trao đổi, thông báo tình hình. Ông gặp tướng Vernon Walters, một sĩ quan liên lạc của Mỹ chất vấn: “Chúng ta gặp nhau để bàn con đường đi đến hòa bình. Nay B-52 đã đánh ra Hà Nội, anh có ngượng không?”. Viên tướng Mỹ cắn môi cúi đầu...

Những ngày diễn ra Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, ngày nào cơ quan đại diện của nước ta ở Pháp cũng có khách và hàng trăm cuộc điện thoại từ khắp nước Pháp gọi để chia sẻ, hỏi tin tức. Những thành viên ngoại giao của chúng ta ngủ rất ít. Họ muốn thức để cùng chiến đấu với Hà Nội, Hải Phòng. Mỗi khi tin chiến thắng truyền sang, mọi người ôm nhau sung sướng đến nghẹn ngào. Mọi người hiểu rằng, nếu ta chiến thắng máy bay B-52, cũng đồng nghĩa với chiến thắng trong Hội nghị Paris sắp tới. Đúng như vậy, 12 ngày đêm đối đầu không cân sức về vũ khí, trang bị, nhưng với ý chí quyết tâm chiến đấu, nghệ thuật tác chiến tài tình, sáng tạo, quân và dân ta đã chiến thắng. Chiến dịch Linebacker II của Mỹ đã thất bại hoàn toàn. Ngày 30-12-1972, Tổng thống Mỹ R.Nixon phải ra lệnh ngừng ném bom miền Bắc. Nước Mỹ xin nối lại đàm phán với ta.

Sáng 31-12-1972, gặp Tổng đại diện Võ Văn Sung, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Schumann chúc mừng: “Chiến thắng của Việt Nam thật kỳ diệu!”. Khi bước ra trước thềm Bộ Ngoại giao Pháp, hơn 100 nhà báo đã đợi Tổng đại diện Võ Văn Sung từ lâu để phỏng vấn. Và ông đã trả lời các nhà báo về điều kỳ diệu này.

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết.

LÊ PHI HÙNG