Trải qua 75 ngày đàm phán khéo léo mà cương quyết, cứng rắn và hết sức kiên định với 31 phiên họp (8 phiên họp rộng và 23 phiên họp hẹp) cùng các cuộc tiếp xúc ngoại giao đằng sau các hoạt động công khai của đoàn Việt Nam, ngày 20-7-1954, Hiệp định Geneva về Đông Dương được ký kết. Từ đây đã mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của dân tộc ta.

Hội nghị Geneva bàn về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương khai mạc chỉ một ngày sau khi quân và dân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954). Dự hội nghị có các đoàn đại biểu của 9 bên: Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH), Quốc gia Việt Nam (chính quyền Bảo Đại), Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia. Trong đó, 5 đoàn nước lớn: Anh (do Thủ tướng Anthony Eden dẫn đầu), Mỹ (Trưởng đoàn là tướng Walter Bedell Smith, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao); Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trưởng đoàn: Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chu Ân Lai); Liên Xô (Trưởng đoàn: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Vyacheslav Molotov); Pháp (Trưởng đoàn giai đoạn đầu là Georges Bidault, sau là Pierre Mendes-France).

4 đoàn còn lại gồm: Việt Nam DCCH do Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn; chính quyền Bảo Đại do Nguyễn Quốc Định dẫn đầu; Vương quốc Lào do Phoui Sananikone dẫn đầu và Vương quốc Campuchia do Tep Phan dẫn đầu. Ấn Độ tuy không là thành viên chính thức dự họp nhưng hoạt động rất tích cực bên lề hội nghị.

leftcenterrightdel

Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng đến Thụy Sĩ tham dự Hội nghị Geneva về Đông Dương, năm 1954. Ảnh lưu trữ của Bộ Ngoại giao 

Khi tham dự hội nghị, đồng chí Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam DCCH kiên định lập trường: Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương. Ngay tại phiên họp toàn thể lần thứ hai, ngày 10-5-1954, ông đã trình bày lập trường 8 điểm của Việt Nam về một giải pháp toàn diện cho vấn đề Đông Dương.

Theo đó, giải quyết đồng thời cả hai vấn đề quân sự và chính trị; giải quyết đồng thời 3 vấn đề: Việt Nam, Lào và Campuchia. Pháp phải thừa nhận quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia. Quân đội nước ngoài phải rút khỏi 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia là cơ sở quan trọng nhất cho chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đây là những quan điểm có ảnh hưởng rất lớn đến nhân dân các nước thuộc địa và các nước thực dân, nhất là đối với nhân dân và Chính phủ Pháp. Quan điểm này đã được đoàn Trung Quốc và Liên Xô ủng hộ.

Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Văn phòng Chính phủ năm 2015, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Trần Việt Phương (tên thật là Trần Quang Huy), từng là Thư ký của đồng chí Phạm Văn Đồng hàng chục năm. Ông kể: “Tôi vinh dự được tháp tùng Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng trong phái đoàn ta có mặt tại Geneva từ những ngày đầu tiên. Là trưởng đoàn, đồng chí Phạm Văn Đồng đã có những đóng góp quan trọng, kiên trì tìm biện pháp bảo đảm lợi ích của đất nước, của cách mạng Đông Dương. Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh ông với đôi mắt sáng, vầng trán cao và nhất là những phát biểu đanh thép, những cuộc trả lời phỏng vấn sắc sảo tại Hội nghị Geneva”.

Quá trình tác nghiệp, chúng tôi được tiếp xúc với nhiều tài liệu cũng như trò chuyện với các nhân chứng thời ấy. Tất cả đều có chung khẳng định, mặc dù đến Geneva trong tư thế của người chiến thắng sau Chiến dịch Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, đoàn đại biểu của ta vẫn gặp không ít khó khăn và cả sự chèn ép. Chúng ta vừa chuẩn bị nội dung đấu tranh trong đàm phán, vừa dự kiến các tình huống xấu và lập phương án đặt ra trên bàn hội nghị.

4 phiên họp đầu, nghị trình họp cách ngày và công khai, mỗi bên lên đọc quan điểm của mình, có báo chí tham dự. Từ kỳ họp ngày 17-5, các phiên họp diễn ra không công khai và được thu hẹp lại, mỗi bên chỉ có 3 đại biểu. “Những vấn đề lớn như ngừng bắn, tù binh, tập kết quân đội... được giải quyết tương đối nhanh thì vấn đề giới tuyến và thời hạn tổng tuyển cử lại kéo dài vì liên quan đến vấn đề lãnh thổ, chủ quyền, ý đồ chiến lược và quyền lợi nước lớn”-ông Trần Việt Phương cho biết.

Tại phiên họp ngày 26-5, Pháp và Việt Nam thỏa thuận về ngừng bắn và rút quân về các khu vực ấn định. Việt Nam đề nghị Pháp rút về phía Nam, ta rút về phía Bắc. Hội nghị cũng lập ra một tiểu ban quân sự để bàn cụ thể về vấn đề này. Phía Việt Nam, tham gia tiểu ban quân sự có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, Đại tá Hà Văn Lâu, chuyên viên quân sự và đồng chí Hoàng Nguyên, thông dịch viên (sau này là Tổng biên tập Báo Tin Việt Nam-Bộ Ngoại giao).

Trong hồi ký, đồng chí Hoàng Nguyên kể: “Ngày 9-7-1954, tại cuộc họp tiểu ban quân sự, ta đề nghị vĩ tuyến 14 nhưng Pháp vẫn chủ trương vĩ tuyến 18. Chủ tịch Hồ Chí Minh điện cho đoàn ta, căn dặn phải kiên trì đấu tranh giữ vững những nguyên tắc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình và dân chủ. Mặt khác, với thái độ thực tế, ta phối hợp chặt chẽ với các đoàn Liên Xô và Trung Quốc, có sách lược mềm dẻo nhằm phân hóa nội bộ đối phương, thúc đẩy hội nghị tiến triển.

Trên thực tế, lập trường giữa các đoàn đại biểu tham dự hội nghị đã có một khoảng cách khá lớn. Các cuộc đàm phán tiến triển rất chậm chạp. 9 đoàn đại biểu đưa ra đề xuất và sau đó tiến hành thảo luận chung. Tuy nhiên, sự nhân nhượng lẫn nhau chỉ xuất hiện trong các cuộc thảo luận riêng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự “xa cách” này là khác biệt về hệ tư tưởng, đặc biệt là giữa đại biểu Mỹ và Trung Quốc. Trưởng đoàn Liên Xô Molotov và Trưởng đoàn Anh Anthony Eden đã phải làm nhiệm vụ của trung gian và thông tín viên cho hai phía”.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị Geneva. Ảnh tư liệu

Giữa bối cảnh ấy, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng cũng đã triệt để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ rộng rãi cả trong và ngoài hội nghị. Nhất là tranh thủ sự chia sẻ của đoàn Liên Xô và đoàn Trung Quốc là kịch liệt lên án thái độ hiếu chiến của đoàn Pháp và Mỹ.

Về vấn đề khó khăn nhất là giới tuyến phân vùng và thời hạn tổng tuyển cử ở Việt Nam, chấp hành chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng đã kiên trì đề xuất lấy vĩ tuyến 16 làm giới tuyến tạm thời và tiến hành tổng tuyển cử sớm. Tuy nhiên, phía Pháp không đồng ý và vẫn đề xuất lấy vĩ tuyến 18 làm giới tuyến. Năm 2014, chúng tôi gặp ông Lê Danh (quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng), từng được giao phụ trách lễ tân cho Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Hội nghị Geneva.

Ở tuổi 88, khỏe mạnh và minh mẫn, ông Danh cho biết: “Là một nhân chứng lịch sử, lúc đó là cán bộ Quân đội công tác tại Cục Địch vận, tôi được đích thân Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam giao nhiệm vụ sang tham gia giúp việc phái đoàn ta tại Geneva. Được chứng kiến cuộc họp chung các phái đoàn cũng như dự các cuộc họp nội bộ của đoàn ta mới thấy những cuộc đấu trí trên bàn đàm phán cũng cam go, nảy lửa và khốc liệt không thua kém nơi chiến trường. Nhiều đêm chúng tôi thức trắng họp bàn, thảo luận chỉ để quyết định thêm hay bớt một từ, một chữ trong các văn bản”.

Cuối cùng, với sự khéo léo và cương quyết, tại cuộc họp đêm 20-7-1954, đồng chí Phạm Văn Đồng và 4 trưởng đoàn: Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc đã thỏa thuận được là lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến phân vùng giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Đồng thời cũng ấn định thời hạn tổng tuyển cử là 2 năm. Đến ngày 21-7, các bên tham gia hội nghị đã công bố bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva. Ta đã có một giải pháp chính trị bên cạnh Hiệp định đình chiến. Đặc biệt, lần đầu tiên các nước lớn đã phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trong một hội nghị quốc tế. Đây là cơ sở pháp lý để Việt Nam tiếp tục hoàn thành sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

BÍCH TRANG - VĂN TÁM 

 * Bài viết có tham khảo tài liệu trong cuốn “Hiệp định Giơnevơ-50 năm nhìn lại”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, H.2008