Với mục đích đẩy mạnh việc ứng dụng đồng vị phóng xạ trong chẩn đoán, điều trị bệnh và nghiên cứu khoa học, trải qua hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, Bộ môn-Trung tâm Ung bướu đã không ngừng phát triển. Trong một bài viết, PGS Nguyễn Công Thụy-người có gần 20 năm làm Chủ nhiệm Bộ môn-K71, chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của đơn vị từ năm 1971-1988, kể, cơ sở ban đầu của K71 khá sơ sài, nhân lực khoa học về lĩnh vực này cũng chưa nhiều, nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, chỉ 3 năm sau ngày thành lập, đơn vị đã có thể tổ chức giảng dạy chuyên ngành y học hạt nhân cho các học viên. Từ đó đến nay, bằng sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng, Bộ môn đã tham gia giảng dạy cho hàng trăm lớp đào tạo bác sĩ dài hạn, bác sĩ nội trú và nghiên cứu sinh chuyên ngành ung thư; tham gia đào tạo bác sĩ chuyên khoa, nghiên cứu sinh, cao học y học hạt nhân và nhiều khóa cao học các chuyên ngành liên quan khác. Hằng năm, giảng viên của Bộ môn giảng dạy từ 500 tiết lý thuyết và 2.000-2.500 tiết thực hành cho các học viên, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho các cơ sở y học hạt nhân của cả nước. Các thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, II, tiến sĩ tốt nghiệp tại Bộ môn sau này đều đảm nhận rất tốt công việc tại nhiều cơ sở y tế trong và ngoài Quân đội.

Đặc biệt, Trung tâm Ung bướu đang dần trở thành một địa chỉ tin cậy cho bệnh nhân ung thư. Trung bình mỗi năm, Trung tâm thu dung, điều trị cho hơn 7.000 lượt bệnh nhân ung thư với đa dạng các mặt bệnh. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh y học hạt nhân hiện đại như SPECT, PET/CT đều được triển khai. Bên cạnh đó, nhiều phương pháp điều trị ung thư hiện đại, tiên tiến hiện nay như: Kỹ thuật xạ trị 3D (3 chiều) theo hình thái khối u, XTAS suất liều cao, XT giảm đau, hóa trị-xạ trị kết hợp, hóa trị-xạ trị đồng thời, điều trị bằng đồng vị phóng xạ và điều trị giảm đau-chăm sóc giảm nhẹ... đã được chú trọng và cập nhật kịp thời. Nhiều bệnh nhân nặng, ung thư giai đoạn cuối được điều trị cải thiện chất lượng cuộc sống, thời gian sống được kéo dài.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm, những năm qua, Trung tâm Ung bướu đã triển khai, hoàn thành và đưa vào ứng dụng nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ và cấp cơ sở trong chẩn đoán, điều trị ung thư. Đó là những kết quả nghiên cứu về thuốc chống phóng xạ, thuốc thải xạ; chẩn đoán và điều trị bệnh lý tuyến giáp bằng đồng vị phóng xạ; các phác đồ phối kết hợp (hóa trị-xạ trị, phẫu thuật-xạ trị) trong điều trị các bệnh ung thư...

Thượng tá, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Anh Hải, Chủ nhiệm Khoa Vật lý-Xạ trị, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Để có được các kết quả trên, chúng tôi đã liên tục cập nhật những kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị bằng cách gửi các bác sĩ, điều dưỡng viên đi đào tạo; mời các chuyên gia trong và ngoài nước đến chuyển giao công nghệ tại Bệnh viện. Nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân viên bằng nhiều hình thức như tham dự các hội nghị, hội thảo chuyên ngành trong và ngoài nước, đào tạo tại chỗ, tự học hỏi nâng cao trình độ, năng lực thực hành. Phân công cụ thể, chuyên môn hóa sâu cho từng kíp kỹ thuật. Duy trì tốt chế độ điều dưỡng, chăm sóc bệnh nhân toàn diện, thực hiện y lệnh, xây dựng các quy trình cho từng công việc cụ thể mang tính khoa học, tránh sai sót, nhầm lẫn. Công tác chăm sóc và dinh dưỡng cho bệnh nhân được đặc biệt chú trọng. Với khẩu hiệu “Đến đón tiếp niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo”, lấy người bệnh làm trung tâm, phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên trong đơn vị luôn được bệnh nhân và gia đình người bệnh đánh giá cao”.

leftcenterrightdel
Các thầy thuốc thăm hỏi, động viên bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Quân y 103. Ảnh: NGỌC MAI 

Trực tiếp cùng Thượng tá Vũ Anh Hải đến các buồng bệnh thăm khám và trò chuyện với bệnh nhân, chúng tôi càng hiểu hơn công việc thầm lặng của các thầy thuốc nơi đây. Anh Hải cho biết, ở những chuyên ngành khác, đa số người bệnh đến điều trị rồi chia tay bác sĩ ngay sau khi ra viện. Còn đối với bệnh nhân ung bướu, khi đến với Trung tâm gần như xác định sẽ gắn bó với Khoa, với bác sĩ đến hết đời. Chính vì lẽ đó, mối quan hệ của họ không đơn thuần là giữa bác sĩ và người bệnh nữa mà theo thời gian đã như người trong gia đình. Bác sĩ ngoài chuyên môn còn như người anh, người chị, người bạn gần gũi, lắng nghe, thấu hiểu hoàn cảnh của từng bệnh nhân để đồng hành với họ vượt qua từng giai đoạn điều trị. Theo cách riêng của mình, những chiến sĩ áo trắng nơi đây đang nỗ lực nối dài sự sống cho những người mắc bệnh nan y.

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Hải khẳng định, tại Trung tâm, việc “cá thể hóa” trong điều trị bệnh nhân ung thư thể hiện rất rõ nét. Các bác sĩ phải nắm rất kỹ thông tin về hoàn cảnh gia đình, quê quán, điều kiện, khả năng kinh tế... của từng bệnh nhân mình đang phụ trách. Có như vậy họ mới đưa ra được phác đồ điều trị cũng như liệu trình chăm sóc phù hợp. Anh tâm sự: “Tôi nhớ mãi trường hợp bệnh nhân ĐTD, sinh năm 1991, bị u tế bào thần kinh đệm lan tỏa độ cao vùng đỉnh thái dương trái. Khi phát hiện bệnh vào tháng 6-2021, bệnh tình của cháu đã ở giai đoạn muộn, gây tình trạng yếu liệt nửa người bên phải. Sau phẫu thuật, do khối u kích thước lớn không thể phẫu thuật lấy u triệt để nên các triệu chứng của cháu không cải thiện được nhiều. Nhà cháu còn có mẹ già neo đơn, kinh tế rất khó khăn mà phương pháp điều trị hiệu quả lại đắt đỏ, tốn kém, gia đình không thể đáp ứng được. Nắm bắt được điều đó, chúng tôi đã gặp gỡ, thông báo cụ thể với gia đình về tình trạng bệnh, việc điều trị cần các loại thuốc mới, tốn kém ra sao và cùng tìm phương án tối ưu. Rất may sau đó cháu đã nhận được sự hỗ trợ của người quen và được tiếp cận phác đồ điều trị hiện đại. Kết quả lâm sàng cải thiện rõ rệt, cháu đi lại được, khối u còn rất nhỏ. Mỗi lần vào hỏi thăm tại buồng bệnh lại thấy cháu cùng mẹ nở nụ cười đầy hạnh phúc. Đó chính là món quà vô giá cho cả người bệnh lẫn thầy thuốc...”.

Trong lúc trò chuyện với Thượng tá Vũ Anh Hải, chúng tôi để ý thấy anh Trịnh Tứ Hoàn, nhân viên điều dưỡng Khoa Vật lý-Xạ trị vừa tỉ mỉ thay thuốc cho chị Nguyễn Thị Huệ, sinh năm 1974, quê ở xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), vừa nhỏ nhẹ động viên chị cố gắng để có thể xuất viện sớm. Gần 20 ngày điều trị tại Khoa, trải qua đợt hóa xạ trị tích cực, cơ thể chị Huệ yếu đi trông thấy nhưng tinh thần lại rất lạc quan. Chị bảo, lúc mới biết mình mắc K vú hai bên, chị rất sốc và bi quan, không thiết ăn uống gì. Do bản thân còn có nhiều bệnh nền khác nên chị xin chuyển tuyến lên điều trị tại Khoa Vật lý-Xạ trị. “Các thầy thuốc ở đây tốt lắm. Nhiều khi đau mệt, tôi có chút cáu gắt, thậm chí là không hợp tác, vậy mà họ vẫn ân cần, nhỏ nhẹ động viên, giải thích những điều tôi sẽ trải qua trong quá trình điều trị, cổ vũ tôi chiến đấu với bệnh tật. Chính họ đã giúp tôi tự tin rằng mình sẽ khỏe lại mỗi ngày. Hai ngày nữa tôi được ra viện rồi đấy!”, chị Huệ vui vẻ nói.

TUẤN TÚ-DŨNG CƯỜNG