Năm 1972, chàng sinh viên ngành kỹ thuật cơ điện Khuất Duy Hoan (quê ở huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây, nay là TP Hà Nội) tình nguyện nhập ngũ, huấn luyện chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn 76, Sư đoàn 304B, Quân khu Việt Bắc (nay là Quân khu 1). Tháng 1-1973, chiến sĩ Khuất Duy Hoan cùng đồng đội hành quân vượt Trường Sơn vào chiến trường Tây Nguyên. Đến tháng 4-1973, Khuất Duy Hoan được biên chế về Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 (sau này thuộc Quân đoàn 3-nay là Quân đoàn 34) lúc đó đang đóng quân tại huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.

Ở Đại đội 7, Khuất Duy Hoan biên chế về khẩu đội pháo cối 60mm và tham gia nhiều trận đánh trên chiến trường Tây Nguyên. Tháng 3-1975, sau khi giành thắng lợi ở Tây Nguyên, Sư đoàn 320 tiến công xuống các tỉnh Nam Trung Bộ.

leftcenterrightdel
 Đại tá Khuất Duy Hoan cùng Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Quốc Thước. Ảnh: NHÂN CUNG

Ngày 19-3-1975, Trung đoàn 64 được giao nhiệm vụ phối hợp với bộ đội địa phương tỉnh Phú Yên đánh địch, giải phóng thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa. Thực hiện nhiệm vụ, Đại đội 7 lập trận địa phục kích, sẵn sàng đón đánh một đơn vị xe tăng của Quân đoàn 2 ngụy rút chạy theo Đường 7. Khi đội hình xe tăng địch tiến đến, Đại đội 7 nổ súng tiến công dũng mãnh. Ngay từ quả đạn đầu tiên, quân ta đã bắn cháy chiếc xe tăng M-48 đi đầu. Chiếc xe khựng lại, bốc cháy ngùn ngụt, đạn pháo trong xe nổ tung. Quân ta thừa thắng xông lên, đẩy quân địch xuống sông. Chính trị viên Đại đội Nguyễn Đình Tập vừa cầm súng chiến đấu, vừa chạy đến từng trung đội hô to động viên các chiến sĩ quyết tâm tiêu diệt xe tăng địch.

Trong trận đánh này, Khuất Duy Hoan được giao giữ khẩu súng chống tăng B40. Khi đội hình địch đến trận địa phục kích của ta, Khuất Duy Hoan bình tĩnh lấy đường ngắm, chỉnh hướng cẩn thận trước khi bóp cò. Khi tiếng đạn B40 vang lên và khói trùm kín thân xe tăng, Khuất Duy Hoan cùng đồng đội di chuyển nhanh tới vị trí khác, đề phòng địch bắn trả. Một lúc sau, quan sát thấy xe tăng địch vẫn đứng nguyên tại chỗ nhưng không còn bắn về phía quân ta nữa, Khuất Duy Hoan nhanh chóng tiếp cận mục tiêu thì thấy xe tăng địch đã bị trúng đạn, kíp lái cũng đã bỏ xe chạy thoát thân.

Sau khi phục kích, đánh chặn địch thắng lợi, Khuất Duy Hoan lên cơn sốt rét, nhưng anh vẫn đeo trên vai khẩu B40, kiên cường vượt sông Ba để hành quân cùng đơn vị tham gia chiến đấu, giải phóng thị xã Tuy Hòa (nay là thành phố Tuy Hòa), tỉnh Phú Yên, rồi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

HOÀNG CHUNG