Khó khăn không chùn bước
Năm 1947, để phục vụ cứu chữa thương binh, bệnh binh, Bộ chỉ huy Chiến khu 8 và Chiến khu 9 quyết định thành lập các quân y viện trên cơ sở các ban, đội quân y của chiến khu. Trung tá, bác sĩ Nguyễn Công Thới, nguyên Phó chủ nhiệm Quân y Quân khu 8, một trong số những y sĩ, bác sĩ có mặt từ ngày đầu thành lập, nhớ lại: “Thời đó khó khăn đủ thứ như trang bị chỉ có một bộ đại phẫu thuật từ Cần Thơ mang về Quân y Viện 1 (Chiến khu 9) đóng ở Kênh Tư (Vĩnh Thuận, Rạch Giá). Phương tiện gây mê không có, dịch truyền cũng không, mỗi khi tiến hành mổ chỉ có gây tê. Bên cạnh đó, đội ngũ y sĩ, bác sĩ thiếu nghiêm trọng, các quân y viện vừa cứu chữa thương binh, bệnh binh, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội vừa tổ chức các lớp đào tạo cấp tốc. Từ năm 1947 đến 1949, hai chiến khu mở được 7 khóa đào tạo y tá, dược tá, kịp thời bổ sung lực lượng cho các mặt trận. Tôi học khóa đầu tiên ở Khu 9, học xong chuyển về Khu 8”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngành quân y tổ chức lực lượng theo đơn vị vũ trang, từ ban quân y quân khu, quân y tỉnh đội, quân y trung đoàn đến quân y tiểu đoàn, quân y huyện đội... Các ban quân y tự tổ chức đào tạo y tá, cứu thương, riêng quân y quân khu đào tạo được y sĩ, dược sĩ và dược tá. Nhờ vậy, đã có hàng trăm thầy thuốc được bổ sung kịp thời cho 15 tỉnh đội và 8 trung đoàn chủ lực. “Tuy nhiên, vẫn còn thiếu bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật ổ bụng, ngay cả kháng sinh cũng thiếu nên những vết thương nhẹ thì cho thương binh uống trái ô rô, dùng mật ong đổ vào vết thương sát khuẩn. Trong muôn vàn khó khăn, những thầy thuốc mặc áo lính miền sông nước Cửu Long luôn phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nghiên cứu và ứng dụng nhiều sáng kiến hiệu quả như: Dùng mật rắn thay thuốc Prostigmin chống liệt ruột; các loại lá cây rừng sản xuất viên điều trị rắn độc cắn; huyết thanh mặn; ngọt đẳng trương; dung dịch Novocain gây tê... Có một sự sáng tạo độc đáo trên chiến trường đồng bằng này mà hiếm có cuộc chiến tranh nào trên thế giới áp dụng là lấy nước dừa thay thế dịch truyền giúp các thương binh qua cơn nguy hiểm”, Thượng tá, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Khả, nguyên Phó chủ nhiệm Quân y Quân khu 9 cho biết.
Có thời điểm địch tăng cường phong tỏa, cắt đứt nhiều đường tiếp tế thuốc điều trị, dịch truyền và kháng sinh cùng các dụng cụ y tế khác, gây cho quân y quân khu nhiều khó khăn. Thượng tá, bác sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Thị Hiếu Tâm, nguyên Trưởng ban Quân y Tỉnh đội Tiền Giang kể: “Trước tình hình đó, các đơn vị quân y huy động vàng của anh em và nhân dân, tìm cách móc nối cơ sở trong thành mua thuốc chuyển vào căn cứ. Tôi nhớ hồi đó có phương châm “đội phẫu trên vai”, “bàn mổ trên xuồng”, đặc biệt, từ các mảnh đuya-ra của máy bay địch do ta bắn rơi đã sáng chế ra bàn mổ cơ động phù hợp với chiến trường đồng bằng sông nước. Trên chiếc “bàn mổ vạn năng” đó, nhiều thương binh được phẫu thuật thành công và trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu. Có thể nói, lực lượng quân y đã theo bước bộ đội, bám sát chiến trường, mùa nắng cũng như mùa mưa, dù cực khổ thế nào cũng không chùn bước để kịp thời cứu chữa đồng đội”.
Phát triển đa dạng
Tháng 12-1975, Quân khu 8 và Quân khu 9 sáp nhập, lấy phiên hiệu là Quân khu 9. Theo đó, hệ thống ngành quân y quân khu cũng sắp xếp từ 4 bệnh viện (đến giữa năm 1976) cơ cấu lại thành Viện quân y 120 và Viện quân y 121; các đơn vị cũng giảm về tổ chức, biên chế. Song, từ quân khu đến đơn vị đều thiếu cán bộ ngoại khoa, gây mê hồi sức, chuyên khoa, trong khi cơ cấu quân y sẵn sàng chiến đấu còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Do vậy, Quân khu đã huy động sức dân và hệ thống y tế dân sự; Phòng Quân y Quân khu phối hợp chặt chẽ với sở y tế và bệnh viện đa khoa các tỉnh, hợp đồng phân công, chia sẻ nhiệm vụ thu nhận điều trị thương binh. Các bệnh viện đa khoa chuẩn bị một số giường bệnh theo yêu cầu của Quân khu, bảo đảm thuốc men, dụng cụ, trang bị, xe cứu thương, thành lập các đội phẫu thuật, đội điều trị kịp thời chi viện cho chiến trường. Tính đến cuối năm 1978, dân y các tỉnh trên địa bàn Quân khu giúp thu nhận điều trị gần 6.000 lượt thương binh và hơn 10.000 lượt bệnh binh.
Đại tá, bác sĩ chuyên khoa 2, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Út (Bảy Đồng Minh), nguyên Trưởng phòng Quân y Quân khu 9 cho biết: “Trong suốt 10 năm giúp bạn, lực lượng quân y luôn theo sát bộ đội trên khắp các chiến trường, kịp thời cấp cứu, điều trị hơn 4,6 vạn lượt thương binh và 22 vạn lượt bệnh binh. Đồng thời, đội ngũ y sĩ, bác sĩ đầu tư nghiên cứu xây dựng phác đồ điều trị sốt rét ác tính-một căn bệnh ác nghiệt lúc bấy giờ. Nổi bật là xử lý thành công nhiều tổn thương đặc biệt, hiếm gặp, từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu như mổ lấy đầu đạn M79 găm vào hố nách, gò má; mổ lấy đầu đạn cối 60mm chưa nổ cắm vào vùng cổ... Bên cạnh đó, Phòng Quân y Mặt trận 979 cùng quân y các sư đoàn và bộ CHQS tỉnh, Quân tình nguyện Việt Nam tập trung xây dựng, giúp đỡ ngành quân y Campuchia phát triển, có thể tự đảm đương nhiệm vụ của mình”.
Nếu mấy năm đầu sau giải phóng, toàn bộ cán bộ chuyên môn cao cấp của ngành quân y Quân khu 9 chỉ có 86 đồng chí và không có trình độ sau đại học như chuyên khoa 1 và chuyên khoa 2 thì đến giai đoạn 1982-1984 đã có lớp cán bộ đầu tiên được đào tạo chuyên khoa 1 với 20 đồng chí. Đến nay, cán bộ, nhân viên ngành quân y Quân khu đa số có trình độ cao đẳng, đại học. Đặc biệt, có 71 bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa 1; 55 bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa 2; 12 thạc sĩ... Trước đây, trang bị máy chụp X-quang, xét nghiệm sinh hóa, huyết học, miễn dịch còn đơn giản, thủ công và độ tin cậy thấp thì hiện nay, những thiết bị hiện đại được đưa vào khám, chẩn đoán và điều trị hiệu quả, chất lượng cao như: Máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy chụp cắt lớp điện toán (CT scanner), máy siêu âm đo độ đàn hồi gan, máy laser tán sỏi, máy xét nghiệm sinh hóa đa thông số tự động... Ngoài ra, nhiều thiết bị chuyên sâu khác cũng được trang bị để phục vụ bệnh nhân.
    |
 |
Truyền dịch bằng nước dừa ngay trên xuồng cứu thương của Viện quân y 121A (nay là Bệnh viện Quân y 121, Cục Hậu cần - Kỹ thuật Quân khu 9). Ảnh tư liệu |
Đại tá, bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Huỳnh Giáp Hổ, Chủ nhiệm Quân y Quân khu 9 khẳng định: “Nhờ sự phát triển đa dạng đó mà ngành quân y ngày nay có nhiều điều kiện thuận lợi về chuyên môn kỹ thuật, sớm bắt kịp với trình độ phát triển của cả nước và khu vực. Dù quy mô chưa lớn nhưng việc cập nhật các trang thiết bị hiện đại và công tác đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho phép ngành quân y Quân khu đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ phục vụ, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân. Đặc biệt, ngành quân y Quân khu luôn thể hiện vai trò tích cực, sáng tạo, khoa học, linh hoạt, đã kế thừa truyền thống tốt đẹp rất thành công trên mọi lĩnh vực; nhất là kết hợp quân dân y trở thành một trong những điểm sáng của toàn quân”.
Trong các cuộc kháng chiến và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ngành quân y Quân khu 9 có hơn 1.000 liệt sĩ; hàng nghìn thương binh, bệnh binh; hàng trăm thầy thuốc bị địch bắt tù đày, tra tấn đến tàn phế.
Đảng, Nhà nước đã phong tặng 10 đơn vị và 23 cá nhân thuộc ngành quân y Quân khu 9 danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 1 đơn vị và 2 cá nhân danh hiệu Anh hùng Lao động, cùng nhiều cán bộ là Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú.
|
HỒ KIÊN GIANG