Từ sự chỉ dẫn của Bác

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng xuất thân trong một gia đình nghèo có truyền thống yêu nước ở xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Bắt đầu cuộc sống tự lập từ năm 1921, trải qua thời gian vất vả với nhiều nghề khác nhau, đồng chí vừa làm vừa học, vừa xác định con đường đi cho mình. Khi gặp đồng chí Ích (tức Hồ Tùng Mậu), đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã được giác ngộ cách mạng năm 1925 ở Sa Diện (Quảng Đông, Trung Quốc). Trong hồi ký, đồng chí Nguyễn Lương Bằng nhớ lại: “Thấy tôi là một thanh niên hăng hái, yêu nước, có nhiệt tình cách mạng, đồng chí Ích đã kết nạp tôi vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Trong lễ kết nạp, đồng chí Vương (Bác Hồ) cũng có mặt nhưng không nói gì. Sau đó, mỗi tuần hai kỳ, tôi từ Sa Diện sang dự lớp huấn luyện chính trị do đồng chí Vương và đồng chí Ích hướng dẫn. Đấy là những ngày tôi say sưa với các tài liệu quý báu do Bác soạn ra. Ngoài giờ huấn luyện chính trị, đồng chí Vương còn dạy chúng tôi học thêm văn hóa, nhất là học ngoại ngữ. Chúng tôi thường gặp đồng chí Vương ở các trụ sở công hội, hoặc ở nhà chúng tôi thuê làm cơ quan để hội họp. Cũng có khi đồng chí Vương hẹn gặp chúng tôi ở một chỗ rồi cùng đi trên hè phố nói chuyện. Đồng chí không bỏ qua việc gì, dù nhỏ, nhằm uốn nắn, giáo dục chúng tôi”.

Mùa hè năm 1926, trong một cuộc họp, Bác nói cần phải phát triển phong trào xuống phía Nam để mở rộng lực lượng và hỏi ai có thể tình nguyện về nước hoạt động. Đang tuổi thanh niên, rất ham hoạt động, có việc là sẵn sàng đi nên Nguyễn Lương Bằng đã giơ tay xung phong. Trước khi về nước, nhiều lần đồng chí Nguyễn Lương Bằng trực tiếp đến gặp và được Bác gợi ý cách thức về nước hoạt động. Trong hồi ký, đồng chí Nguyễn Lương Bằng kể: “Tôi làm dưới tàu của Pháp, lương tháng không đến nỗi ít ỏi, thế nhưng tôi bỏ phăng. Đồng chí Vương gặp riêng tôi, căn dặn khi về nước, tìm gặp những bạn cũ vẫn có tình thân với mình ở quê nhà hay ở thành phố. Trong bất cứ câu chuyện gì, cũng gợi đến cảnh Pháp áp bức bóc lột. Dần dần đưa bà con vào các phường họ, hội ái hữu, tương tế. Người tích cực thì tổ chức vào hội trước, cứ thế mà mở rộng phong trào. Đồng chí dặn dò tôi cặn kẽ, tỉ mỉ, nhất là vấn đề giữ bí mật. Trước khi chia tay, đồng chí Vương bảo tôi phải chú ý: Mình ở nước ngoài về, thường có mật thám theo. Mới về nước không nên đi lung tung ngay, chưa nên vào nhà ai vội. Không những thế, nếu cần còn phải đóng vai người chơi bời để mật thám không chú ý...”.

leftcenterrightdel

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm bộ đội hải quân

tại Hồng Quảng (nay là Quảng Ninh), tháng 3-1959. Ảnh tư liệu

Lửa thử vàng, thử sức

Cuối năm 1926, từ Trung Quốc, đồng chí Nguyễn Lương Bằng về nước hoạt động, thiết lập hệ thống liên lạc trong nước với nước ngoài để đưa thanh niên trong nước ra nước ngoài và chuyển tài liệu, sách báo từ nước ngoài về nước. Với trọng trách truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong nước và mở rộng phong trào cách mạng xuống phía Nam, đồng chí liên tục hoạt động ở Hải Dương, Hải Phòng, Sài Gòn hoặc di chuyển đến Quảng Đông, Thượng Hải (Trung Quốc). Mặc dù bị bọn mật thám để ý theo dõi nhưng nhờ có sự cảnh báo, hướng dẫn trước đó của Bác Hồ mà đồng chí đã khéo léo tìm cách đối phó, qua mặt chúng. Trong thời gian ngắn, các cơ sở cách mạng được thiết lập. Tháng 10-1929, đồng chí được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng và không ngần ngại xin đi Thượng Hải-nơi chưa có cơ sở cách mạng để “khai sơn phá thạch”, tự mình xây dựng phong trào trong Việt kiều và binh lính là Việt kiều. Chỉ sau chưa đầy một tháng, đồng chí đã xây dựng được cơ sở trong công nhân và binh lính ở đây.

Giữa lúc phong trào đang ngày càng phát triển thì tháng 5-1931, Nguyễn Lương Bằng bị địch bắt. Chúng đã dùng mọi nhục hình tra tấn nhưng không khai thác được gì, cũng không khuất phục được tinh thần quả cảm của đồng chí. Ở trong tù, đồng chí vận động anh em đấu tranh đòi cải thiện chế độ hà khắc, đồng thời tham gia thành lập chi bộ Đảng trong nhà tù. Cũng từ đây, đồng chí được biết đến với bí danh Sao Đỏ.

Với ý chí kiên cường, bất khuất và niềm tin son sắt, 3 lần bị bắt, 2 lần vượt ngục, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đều vượt qua mọi gian khổ, nguy hiểm, thậm chí đe dọa tới tính mạng để trở về, cùng với Đảng và nhân dân hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Đồng chí đã tham gia và có nhiều đóng góp trong quá trình phát triển của cách mạng nước ta từ khi chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 cho đến khi thành lập nhà nước cách mạng, tiến hành hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

 Gần 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đảm nhận nhiều trọng trách: Bộ trưởng Bộ Tài chính của Tổng bộ Việt Minh, Tổng giám đốc Ngân hàng quốc gia Việt Nam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của nước ta tại Liên Xô, Tổng Thanh tra Chính phủ, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1944, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1945 cho đến khi từ trần, Phó chủ tịch nước (1969-1979).

Trong ký ức người đương thời

Quá trình tìm kiếm tài liệu, gặp gỡ nhân chứng, chúng tôi có điều kiện hiểu hơn về cuộc đời cao đẹp, giản dị và sự nghiệp vinh quang của đồng

chí Nguyễn Lương Bằng. Ở tuổi gần 90, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ-Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khi nhắc đến đồng chí Nguyễn Lương Bằng vẫn không quên ký ức tuổi ấu thơ được nghe về ông Sao Đỏ-người con ưu tú của quê hương Hải Dương với khả năng “xuất quỷ nhập thần”, đánh lừa bọn Tây chạy rối loạn ở cánh đồng thôn Nhiễu, xã Thái Dương (Bình Giang, Hải Dương) mà không thể bắt được ông. Hay kỷ niệm hồi cuối năm 1967, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, lần đầu ông được nói chuyện với đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Bấy giờ, Phạm Thế Duyệt là Trưởng đoàn thực tập sinh Đoàn mỏ than Mạo Khê, vinh dự báo cáo với Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Lương Bằng về tình hình học tập, rèn luyện, tu dưỡng và sinh hoạt của Đoàn. Ông Phạm Thế Duyệt cho biết: “Buổi gặp đầu tiên đó để lại trong tôi những kỷ niệm sâu sắc về người cộng sản lớp tiền bối, một đồng chí lãnh đạo giản dị, hết sức thân thiết, gần gũi, một cán bộ cao cấp của Nhà nước nhưng tiếp xúc với cấp dưới không một lần tỏ ra mình là người lãnh đạo, người có quyền lực. Sau này, qua những buổi tiếp xúc với các đồng chí lão thành cách mạng hoạt động cùng thời với đồng chí Nguyễn Lương Bằng và đặc biệt qua chị Hà Thục Trinh, người bạn đời của đồng chí mà tôi hay đến thăm ở gần khu Trần Bình Trọng, tôi càng có điều kiện để hiểu sâu hơn và thêm kính trọng đồng chí Nguyễn Lương Bằng”.

Ông Nguyễn Túc (89 tuổi, ở Hà Nội), từng là cán bộ giảng dạy của Trường Đại học Bách khoa, được triệu tập để phục vụ Đại hội III của Đảng năm 1960, nhớ mãi lần được nghe Anh Cả-Sao Đỏ báo cáo tại một phiên họp chuẩn bị đại hội. Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, ông Túc kể: “Đồng chí Nguyễn Lương Bằng có dáng người tầm thước, vầng trán rộng, mũi cao, mắt sâu, lông mày rậm, trông “rất Tây”. Với giọng trầm ấm, đồng chí giới thiệu về thành tựu mọi mặt của Liên bang Xô viết vĩ đại, về kinh nghiệm tổ chức các kỳ đại hội đảng của bạn và phong cách tiếp đón, phục vụ khách quốc tế cũng như một số thủ tục, nghi lễ ngoại giao. Giờ giải lao, đồng chí trò chuyện với anh em. Khi biết tôi là người Hải Dương, đồng chí nhận ngay là đồng hương”.

Từ đầu thập niên 1970, ông Nguyễn Túc được điều động lên Trung ương, làm việc bên cạnh nhiều đồng chí lãnh đạo, ban đầu ông có chút thắc mắc về cách xưng hô mà các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng... thường dùng để biểu thị sự kính trọng đối với đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Nhưng rồi khi “mắt thấy tai nghe” những việc làm như: “Anh Cả đi nhờ xe chung của Ban Tuyên huấn Trung ương lên khu sơ tán thăm gia đình”; “Đồng chí Phó chủ tịch nước mang theo khẩu phần ăn của mình khi đi công tác tại các địa phương”; “Anh Cả từ chối quà biếu của các địa phương nhân dịp lễ, tết”... ông đã dần dần hiểu hơn về đồng chí Nguyễn Lương Bằng. “Tôi thấm thía những điều nhận xét về Anh Cả. Đó là con người của hành động. Bằng việc làm cụ thể, anh cuốn hút, giáo dục đồng chí mình. Anh đã nêu một tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để chúng tôi noi theo mà rèn luyện, phấn đấu”, ông Nguyễn Túc bày tỏ.

SONG THANH - VĂN TÁM