Sau khi quân và dân ta giải phóng tỉnh Quảng Trị (ngày 1-5-1972), trước nguy cơ mất Thừa Thiên, ngày 26-6-1972, Mỹ-ngụy vội vã tung lực lượng dự bị chiến lược ra phản kích. Trước tình thế đó, Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9-Bắc Quảng Trị (B5) đã chỉ huy Trung đoàn Pháo binh 164 (nay là Lữ đoàn Pháo binh 164) chi viện hỏa lực cho các đơn vị của ta tham gia chiến đấu, nhằm phá kế hoạch phản công của địch, bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Để hiểu rõ hơn về những chiến công của đơn vị, chúng tôi tới thăm cựu chiến binh, Đại tá Vũ Văn Kiện, nguyên cán bộ chỉ huy của Trung đoàn Pháo binh 164, hiện ở ngõ 119 Hồ Đắc Di, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Đại tá Vũ Văn Kiện kể: “Trong thời gian diễn ra 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, tôi là Đại úy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Pháo binh 164. Ngày 24-8-1972, Đại đội 1 của đơn vị tôi bắn cấp tập hỏa lực vào trận địa pháo ở khu vực Phương Sơn, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, phá hủy 5 khẩu pháo 105mm của địch. Trong đợt thi đua diệt trận địa pháo địch do cấp trên phát động, từ ngày 15-8 đến 4-9-1972, tiểu đoàn đã tiêu diệt 5 trận địa pháo của địch ở khu vực Ngô Xá thuộc xã Triệu Trung. Mặc dù thời điểm đó mưa to, nước ngập công sự, nhưng anh em pháo thủ vẫn hăng hái vừa chiến đấu, vừa tát nước để cùng nhau thi đua diệt trận địa pháo địch.
|
|
Lữ đoàn Pháo binh 164 thực hành bắn đạn thật pháo 130mm M46. Ảnh do đơn vị cung cấp |
Trong chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, Trung đoàn Pháo binh 164 tham gia đánh 544 trận, kết quả tiêu diệt 1.517 tên địch, phá hủy 73 xe quân sự (có 43 xe tăng), 66 khẩu pháo, 17 kho đạn, bắn cháy và bị thương 9 tàu chiến, phá hủy Nhà máy Cửa Việt và đánh sập cầu Quảng Trị... Với thành tích đặc biệt xuất sắc đó, ngày 20-12-1972, Trung đoàn Pháo binh 164 được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Phát huy truyền thống “Kiên cường, tự lực, đánh giỏi, bắn trúng” và những kinh nghiệm trong chiến đấu, những năm qua, Lữ đoàn Pháo binh 164 luôn chọn đúng khâu đột phá, giải quyết dứt điểm khâu yếu, mặt yếu. Lữ đoàn chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu; lấy huấn luyện cán bộ chỉ huy, cơ quan là trọng tâm, phân đội làm then chốt. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với rèn luyện thể lực, huấn luyện theo nhiệm vụ, tình huống. Hằng năm, cấp trên kiểm tra, phúc tra đánh giá kết quả huấn luyện đơn vị đều đạt điểm giỏi; tham gia các hội thi, hội thao đều giành giải cao. “Do chọn đúng khâu đột phá, năm 2020, đơn vị được Bộ Quốc phòng tặng Cờ đơn vị huấn luyện giỏi và Cờ thi đua. Tiếp đó, Hội thi “Doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” toàn quân năm 2021, đơn vị đã giành giải xuất sắc. Cũng trong năm 2021, lữ đoàn vinh dự nhận Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng”, Thượng tá Lê Đình Trường, Phó chính ủy Lữ đoàn Pháo binh 164 tự hào về thành tích của đơn vị.
|
|
Bộ đội Lữ đoàn Pháo binh 164 bảo quản, bão dưỡng xe, pháo (tháng 5-2020). Ảnh do đơn vị cung cấp |
Để chọn đúng khâu đột phá trong thời gian tới, theo Đại tá Nguyễn Văn Thụ, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Pháo binh 164, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ chế quản lý, điều hành huấn luyện “tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo”. Lữ đoàn chú trọng xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu theo phân cấp; thường xuyên thực hiện tốt công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các cơ quan trong chỉ đạo; tổ chức và điều hành huấn luyện, bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả phù hợp tình hình nhiệm vụ. Đồng thời, lữ đoàn bám sát kế hoạch, hướng dẫn và sự chỉ đạo của cấp trên, tổ chức huấn luyện thống nhất, khoa học, phù hợp với từng đối tượng, sát đối tượng tác chiến. Các đơn vị thuộc lữ đoàn tiến hành huấn luyện có trọng tâm, trọng điểm, đi sâu vào huấn luyện vũ khí, khí tài trang bị có trong biên chế, vũ khí, khí tài mới.
NGUYỄN KIÊN THÁI