Nguyễn Thiện Thuật tự là Mạnh Hiếu, sinh ngày 23-3-1844 ở làng Xuân Dục, tổng Bạch Sam, huyện Đường Hào (nay là làng Xuân Đào, xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên). Nguyễn Thiện Thuật xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo nhưng tài văn võ thì nổi tiếng khắp vùng. Năm 1879, ông được triều đình Huế bổ chức Tán tương quân vụ, đến năm 1881, bổ chức Hưng Hóa sơn phòng chánh sứ kiêm Tán tương quân vụ tỉnh Sơn Tây, vì vậy, ông được nhân dân gọi là Tán Thuật. Khi Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai (1882), Nguyễn Thiện Thuật kháng lệnh triều đình nhà Nguyễn, quyết tâm đánh Pháp. Tháng 7-1885, Vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương, Nguyễn Thiện Thuật trở về Hưng Yên đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo nghĩa quân, thay lãnh tụ Đinh Gia Quế bị ốm, sau đó mất.

Với vị thế và uy tín của mình, Nguyễn Thiện Thuật nhanh chóng tập hợp nghĩa quân tiếp tục củng cố căn cứ Bãi Sậy chống Pháp. Xuất phát từ tính chất chiến tranh nhân dân và địa hình vùng đồng bằng nhiều khu ngập trũng, cây lau sậy um tùm, Nguyễn Thiện Thuật chỉ đạo nghĩa quân không xây dựng doanh trại, đồn lũy, công sự kiên cố mà sống tại gia đình, làng, xã của mình. Cũng như các đội nghĩa quân Ba Đình, Hùng Lĩnh, Hương Khê, nghĩa quân Bãi Sậy dựa vào các làng, xã cổ truyền và sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân để xây dựng căn cứ kháng chiến.

Trên cơ sở căn cứ và lực lượng lãnh tụ Đinh Gia Quế đã xây dựng ở làng Thọ Bình và một số làng thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (1883-1885), Nguyễn Thiện Thuật chỉ đạo xây dựng Bãi Sậy trở thành trung tâm căn cứ quy mô lớn nhất ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Nét nổi bật là Nguyễn Thiện Thuật chỉ đạo xây dựng nhiều làng, xã thuộc các huyện: Khoái Châu, Văn Lâm, Văn Giang, Mỹ Hào, Yên Mỹ (Hưng Yên) và một số làng, xã thuộc tỉnh Hải Dương thành những làng chiến đấu khá vững chắc. Trong làng, nghĩa quân đắp thành đất, xây dựng những lỗ châu mai và gạch trên thành đó. Phía ngoài là hào sâu ngập nước và lũy tre dày đặc bao quanh. Dưới hào, nghĩa quân cắm nhiều lớp chông tre ngập nước. Ở mỗi làng có chốt canh phòng tại các cổng làng nhằm phát hiện địch từ xa để triển khai lực lượng đánh địch. Trong một số làng, nhân dân và chánh tổng, lý trưởng còn dành những nơi “công cộng thiêng liêng” như đình, chùa để nghĩa quân sử dụng làm nơi hội họp, đóng quân, luyện tập quân sự. Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Thiện Thuật, căn cứ Bãi Sậy được nhanh chóng xây dựng trải rộng trên địa bàn các huyện: Văn Giang, Văn Lâm, Khoái Châu, Yên Mỹ (Hưng Yên) và Vĩnh Lại (nay là huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương). Ở đó, nghĩa quân được phân ra thành nhiều đội, mỗi đội 300-500 người (có đội đông tới hàng nghìn người), do một đề đốc, đốc binh hay lãnh binh chỉ huy. Dưới đội là nhóm 20-25 người (nhóm đông nhất là 50 người), do một suất đội phụ trách. Vũ khí của nghĩa quân chủ yếu là súng trường và giáo mác.

leftcenterrightdel
 Minh họa: QUANG CƯỜNG

Để tiến hành cuộc chiến đấu lâu dài trên vùng đồng bằng không có địa thế hiểm yếu và doanh trại, công sự kiên cố, chống lại kẻ địch có trình độ tổ chức cao và trang bị, vũ khí hiện đại hơn nhiều lần, nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Nguyễn Thiện Thuật đã triệt để dựa vào làng, xã, dựa vào sự che giấu, bảo vệ của nhân dân để đánh địch ở khắp tỉnh Hưng Yên và một số phủ, huyện thuộc các tỉnh: Hải Dương, Bắc Ninh và cả Hà Nội. Trên địa bàn rộng lớn đó, nghĩa quân ít khi tập trung toàn bộ lực lượng để đánh địch mà chủ yếu là phân tán thành từng toán nhỏ, tổ chức nhiều trận chiến đấu. Trường hợp cần thiết thì cũng có sự phối hợp tác chiến giữa một số đội nghĩa quân. Tập kích là cách đánh thường được nghĩa quân vận dụng và đã giành nhiều thắng lợi. Thế nhưng, nghĩa quân chỉ đánh khi nào nắm chắc phần thắng, còn khi thế và lực yếu thì rút lui ngay để bảo tồn lực lượng.

Một trong những điểm khác biệt của nghĩa quân Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Thuật chỉ huy so với các đội nghĩa quân Ba Đình, Hùng Lĩnh, Hương Khê, Yên Thế... là trong một số trận đánh, nghĩa quân Bãi Sậy cải trang thành dân phu, thợ gặt, hay phụ nữ, thậm chí cải trang thành binh lính địch để đánh địch. Đó là trận tiến công đồn Quỳnh Côi (nay thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), nằm trên hữu ngạn sông Luộc (23-10-1886). Nhân phiên chợ, 150 nghĩa quân giả làm dân phu, mỗi người vác một bó củi đến đồn Quỳnh Côi, vờ cung cấp củi cho địch. Khi vào được đồn, nghĩa quân vứt củi và nhanh chóng rút gươm giấu trong người đánh địch, diệt hàng chục tên. Tháng 4-1888, nghĩa quân tiến đánh các đồn Yên Lựu, Bình Phú, Lực Điền, Thung Thinh (Hưng Yên). Riêng trận Bình Phú, 20 nghĩa quân cải trang làm dân phu, giấu súng trong người đột nhập vào đồn Bình Phú. Lập tức, nghĩa quân tước khí giới bọn địch và phá hủy đồn này. Thực dân Pháp phải huy động quân ở hai đồn Lực Điền và Thung Thinh tới ứng cứu, chúng lại bị nghĩa quân đánh cho thiệt hại thêm. Sau nhiều lần bị đánh, giặc Pháp phải tăng thêm quân đóng giữ các đồn bốt, mỗi đồn có 50-60 tên.

Trong một số trận đánh, nghĩa quân còn cải trang thành binh lính địch để đánh địch. Ngày 8-7-1888, 600 nghĩa quân trang bị 300 súng mặc giả ngụy binh, do 3 “sĩ quan Pháp” chỉ huy, từ căn cứ Bãi Sậy vượt sông Hồng tiến đánh một đồn địch ở Thanh Trì (ngoại thành Hà Nội). Nghĩa quân đã diệt nhiều địch và thu toàn bộ vũ khí của chúng. Ngày 11-11-1888, 800 nghĩa quân do Nguyễn Thiện Thuật trực tiếp chỉ huy, cải trang làm thợ gặt và lính ngụy, bất ngờ đánh úp một đội quân địch ở Liêu Trung (Mỹ Hào, Hưng yên), tiêu diệt 31 tên, trong đó có tên chỉ huy Pháp. Trong trận này, Tổng đốc Hoàng Cao Khải suýt bị nghĩa quân bắt sống. Tháng 11-1888, một đội nghĩa quân do Đội Văn chỉ huy, giả làm lính cơ, đột nhập vào đồn núi Voi và chiếm đồn này không tốn một viên đạn. Sang đầu năm 1889, cuộc chiến đấu của nghĩa quân Bãi Sậy vẫn tiếp tục phát triển. Ngày 6-4-1889, nhân tên đồn trưởng Bình Phú đi vắng, 50 nghĩa quân giả làm phụ nữ mang khoai đến bán ở một nơi sát đồn. Nghĩa quân lập mưu giết tên gác cổng, rồi xông thẳng vào đồn, gây cho địch nhiều tổn thất. Đêm 2 rạng ngày 3-8-1889, 200 nghĩa quân tiến đánh đồn Mai Động, diệt và làm bị thương 23 tên địch. Ngoài việc đánh vào hệ thống đồn bốt, nghĩa quân còn tiến công cả tỉnh lỵ Hưng Yên và Hải Dương, gây cho địch một số tổn thất, buộc chúng phải lo đối phó và tăng thêm quân để trấn giữ.

leftcenterrightdel
Thủ lĩnh Nguyễn Thiện Thuật. Ảnh tư liệu 

Cùng với việc vận dụng các hình thức tập kích, phục kích, nghĩa quân Bãi Sậy còn chú trọng đến công tác địch vận. Thông qua các gia đình ngụy binh, nghĩa quân vận động con em của họ trở về làm ăn, hoặc lấy vũ khí của địch bán cho nghĩa quân. Nói chung, công tác địch vận đã làm cho nhiều binh lính người Việt trong quân đội Pháp không những bí mật bán vũ khí cho nghĩa quân mà còn mang cả vũ khí rời bỏ hàng ngũ địch trở về với nhân dân. Đối với ngụy binh bắt được sau mỗi trận đánh, nghĩa quân giáo dục và cho phép họ ở lại cùng nghĩa quân chiến đấu. Trong số 800 nghĩa quân do Đốc Tít chỉ huy, có khoảng 1/3 vốn là lính khố đỏ và lính cơ sau khi được nghĩa quân giác ngộ đã tự nguyện tham gia và giúp nghĩa quân chế tạo vũ khí. Công tác địch vận còn lan sang cả binh lính Pháp, như”: Máctanh (Martin), Đờ Clôsagiơ (De Clausage) đến gặp Đốc Tít xin được theo nghĩa quân chống Pháp. Có thể nói, công tác địch vận của nghĩa quân cũng đã góp phần gây cho địch hoang mang và chịu một số tổn thất.

Thời gian sau, lực lượng nghĩa quân Bãi Sậy bắt đầu giảm sút do một số đã hy sinh trong chiến đấu, một số bị bắt, hoặc ra hàng giặc. Tổng đốc Hoàng Cao Khải nhân danh triều đình Đồng Khánh cũng nhiều lần viết thư khuyên Nguyễn Thiện Thuật ra hàng và hứa khôi phục chức tước cho ông. Giữ trọn khí tiết chiến đấu, Nguyễn Thiện Thuật giao quyền chỉ huy cho Nguyễn Thiện Kế, rồi sang Trung Quốc tính kế lâu dài, sau đó ông mất vào cuối tháng 5-1926.

Nguyễn Thiện Thuật đã có đóng góp to lớn trong phong trào chống Pháp cuối thế kỷ 19, trong đó vai trò nổi bật là chỉ đạo xây dựng căn cứ Bãi Sậy, trở thành trung tâm thu hút nhiều đội nghĩa quân ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ và chỉ huy nghĩa quân chiến đấu trên địa bàn rộng lớn nhiều tỉnh, với cách đánh linh hoạt, sáng tạo, gây cho địch lúng túng đối phó và chịu nhiều thiệt hại. Ông xứng đáng là một danh nhân quân sự tiêu biểu cuối thế kỷ 19, được lịch sử ghi nhận và nhân dân tôn vinh.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP