Trong những ngày tháng 8 lịch sử này, đón chúng tôi giữa lòng TP Đà Nẵng, mặc dù tuổi cao nhưng ông Trần Thanh Dân còn rất minh mẫn. Ông kể: “Ở quê tôi, từ năm 1944 đã có cơ sở trong thanh niên, nông dân, phụ nữ và đồng bào sinh sống trên ghe thuyền ở dọc sông. Tết Ất Dậu 1945, qua hai anh trai, tôi biết về tình hình chiến tranh thế giới, thắng lợi của Hồng quân Liên Xô, của phe Đồng minh chống phát xít, phong trào Việt Minh trong nước và thời cơ cho nước ta giành độc lập đã đến gần. Tôi đọc chương trình và điều lệ Việt Minh, điều lệ các đoàn thể cứu quốc. Không chần chừ, do dự, tôi quyết định nghỉ học để tham gia cách mạng. Lúc này không thể ngồi yên mà học, phải xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”.

Theo dòng ký ức, ông nhớ lại, sau Khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi, đội du kích rút về cơ Nhất (thời Gia Long chia miền Tây Quảng Ngãi làm 6 cơ để phòng giữ, chống sự nổi dậy của đồng bào các dân tộc thiểu số. Cơ Nhất nằm ở vùng Tây Bắc Ba Tơ, giáp với Sơn Hà và Minh Long), lập chiến khu chống Nhật. Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi (lúc bấy giờ đóng ở Mộ Đức) phân công đồng chí Nguyễn Trí (bí danh Thường) về phụ trách Ba Tơ.

leftcenterrightdel
 Lão thành cách mạng Trần Thanh Dân (bên phải) trò chuyện cùng tác giả. Ảnh: MINH ANH

Công việc cấp bách lúc này là tiếp tục phát triển, xây dựng cơ sở quần chúng, ổn định tư tưởng, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Công tác cụ thể là tổ chức, huấn luyện, trang bị cho tự vệ ở xã, rèn vũ khí, vận động lý hương và lính bảo an đóng trong xã; tổ chức tiếp tế cho Đội du kích Ba Tơ. “Chúng tôi chọn một nơi trên núi Ngang làm điểm huấn luyện tự vệ. Không những mở lớp huấn luyện cho tự vệ xã Ba Động mà cho cả tự vệ từ Ba Tơ xuống dự. Ở trên núi này, lần đầu tiên người dân quê tôi cảm thấy tự do, ý thức được sức mạnh của mình, ra sức luyện tập và mong chờ thời cơ. Chúng tôi còn đưa một lò rèn của thôn Hóc Kè lên núi rèn đao, kiếm. Rèn được bao nhiêu trang bị ngay cho tự vệ bấy nhiêu. Tiếng hô tập quân sự, tiếng búa đập vào đe vang cả một góc rừng. Đêm xuống thì đốt lửa, ca hát, nói chuyện thật là tự do. Kẻ địch không hề hay biết vì chúng không còn tai mắt. Về sau, tự vệ tập ngay trong từng xóm và tập cả ban ngày. Mọi việc diễn ra gần như công khai, được nhân dân bảo vệ”, ông Dân nhớ lại.

Trong khi khí thế của quần chúng lên cao thì bộ máy hương lý, thậm chí cả bộ máy cai trị ở châu lỵ gần như không còn hiệu lực, nhiều người ngả về phía cách mạng, điều kiện chớp thời cơ tổng khởi nghĩa ở xã đã chín muồi. Sáng 15-8-1945, ông Dân đang công tác ở Suối Loa thì được cấp trên gọi về gấp. Đồng chí Nguyễn Trí thông báo: Quân Nhật đã đầu hàng Đồng minh, thời cơ đã đến, đã có lệnh tổng khởi nghĩa. Rồi đồng chí tức tốc lên Ba Tơ trực tiếp lãnh đạo giành chính quyền ở châu lỵ. Việc giành chính quyền ở xã, đồng chí giao cho ông Dân và mọi người tự làm, dặn có gì cần thì hỏi cụ Trần Toại và ông Huỳnh Thanh (cán bộ lão thành). Tất cả đều phải hoàn thành càng sớm càng tốt.

Ông Dân kể: “Chúng tôi phân công một bộ phận tước vũ khí bảo an và lập ngay trung đội tự vệ của xã, lấy súng đó trang bị cho tự vệ để bảo vệ chính quyền cách mạng. Một bộ phận khác thu giấy tờ, sổ sách, con dấu của hương lý và tuyên bố xóa bỏ chính quyền thân Nhật, lập chính quyền nhân dân. Mọi việc diễn ra khá thuận lợi. Tối 16-8-1945, nhân dân các thôn từ Suối Loa đến Hóc Kè, từ Tân Long Thượng đến Bằng Chai hàng ngũ chỉnh tề kéo về đình Nam Lân họp mít tinh mừng thắng lợi. Nhân dân vừa đi vừa hô khẩu hiệu, khí thế ngất trời, vui mừng không thể tả. Thế là một cuộc tổng khởi nghĩa bằng sức mạnh của toàn dân đã thắng lợi”.

PHAN ĐỊNH