Đánh chiếm căn cứ Phú Lợi
Ngày 16-3-1975, Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 lệnh cho các đơn vị chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Ngày 1-4, Quân đoàn 1 (trừ Sư đoàn 308 ở lại bảo vệ miền Bắc) được lệnh hành quân gấp rút vào Đồng Xoài (Đông Nam Bộ) tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Sáng 2-4, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) chúng tôi cùng các đơn vị bạn bắt đầu hành quân cơ giới vào mặt trận.
Kể từ ngày thành lập, trải qua nhiều chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đây là cuộc hành quân thần tốc nhất của Sư đoàn chúng tôi. Để tranh thủ thời gian, Sư đoàn tổ chức hành quân theo từng cung chặng. Khi có lệnh dừng, từng tiểu đội tranh thủ ôn luyện các khoa mục bắn súng B40, B41 và trung liên cho chiến sĩ mới. Bộ tư lệnh Sư đoàn chủ trương bồi dưỡng một số kiến thức cơ bản về quân sự cho bộ đội ngay trên đường hành quân. Khẩu hiệu “Thùng xe là giảng đường, thao trường là mâm pháo” được thực hiện ở tất cả đơn vị.
Ngày 16-4-1975, Sư đoàn 312 đã đến vị trí tập kết đầy đủ, đúng thời gian, bí mật, an toàn. Cuộc hành quân đường dài hơn 1.700km trong hơn 10 ngày đêm là một chiến công xuất sắc trong lịch sử của Quân đoàn 1. Sau khi ổn định tình hình, Bộ tư lệnh Sư đoàn giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị. Trong đó, Trung đoàn 165 (lúc này, anh Trần Văn Măng là Trung đoàn trưởng, anh La Văn Tý là Chính ủy, tôi là Phó chính ủy) có nhiệm vụ bao vây và tiến công cụm căn cứ Phú Lợi, sau đó tiếp tục phát triển phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương giải phóng tỉnh Bình Dương.
Trong hệ thống các cứ điểm phía Bắc Sài Gòn, Phú Lợi là căn cứ vững chắc nhất, rộng khoảng 1km2, có chướng ngại vật dày đặc, phức tạp, gồm hàng chục lớp hàng rào kẽm gai, bãi mìn, hào chống xe tăng và bộ binh. Địch chia căn cứ thành 7 khu vực, giữa các khu vực đều có hàng rào, tường cản và chướng ngại vật. Nơi đây vốn là căn cứ của Sư đoàn số 1 Mỹ, sau này Sư đoàn 5 ngụy tiếp nhận.
Đêm 29, rạng sáng 30-4-1975, Trung đoàn 165 chúng tôi được lệnh tiến công căn cứ Phú Lợi. Mặc dù địch gọi pháo bắn chặn nhưng đến 3 giờ ngày 30-4, quân ta đã triển khai xong trận địa xuất phát tiến công ở các hướng cách địch từ 150m đến 200m. Pháo binh, cao xạ và xe tăng sẵn sàng chi viện cho bộ binh. 4 giờ sáng, pháo binh của ta bắn mãnh liệt vào căn cứ. Sau khi pháo binh chuyển làn vào trung tâm, các loại hỏa lực đi cùng cũng dồn dập đánh vào khu vực tiền duyên, chi viện cho bộ binh mở cửa. Địch dùng súng cối, trọng liên bắn chặn quyết liệt, đồng thời cho xe tăng ra phản kích ở hướng Nam. Các hướng tiến công của ta đều gặp khó khăn chưa mở được cửa mở. Trước tình hình đó, Trung đoàn 165 nhận định: Nếu để chậm, địch có thể rút nên quyết tâm củng cố lại đội hình, đề nghị Sư đoàn cho pháo binh tiếp tục chi viện, đưa xe tăng vào chiến đấu. Hỏa lực của xe tăng, pháo binh ta khiến quân địch phải rút vào boong ke, hầm ngầm. Lợi dụng thời cơ đó, bộ binh ở các hướng tiếp tục mở thông cửa mở. Trên hướng đột phá chủ yếu, trận đánh diễn ra thuận lợi. Bộ binh và xe tăng ta được pháo binh chi viện kịp thời, chính xác đã phát triển tiến công mãnh liệt, đè bẹp sự phản kháng của địch. Đến khoảng 10 giờ 30 phút ngày 30-4, lá cờ chiến thắng đã được Trung đoàn 165 cắm trên nóc sở chỉ huy địch ở căn cứ. Bộ đội ta đã hoàn toàn làm chủ căn cứ Phú Lợi.
Bài học cảnh giác trước mọi tình huống
Phát huy thắng lợi, các đơn vị phát triển tiến công, giải phóng thị xã Bình Dương, bắt toàn bộ ngụy quyền, trong đó có Đại tá Nguyễn Văn Của, Tỉnh trưởng tỉnh Bình Dương. Đối với riêng tôi, quá trình tham gia chỉ huy tác chiến của Trung đoàn, nhận thấy có một số tình huống bất ngờ trong và sau chiến đấu.
Đầu tiên là chiến thắng đến quá nhanh, nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Trước chiến dịch, chúng tôi đều nghĩ rằng có thể phải sau khoảng một tháng mới giành được thắng lợi, không ngờ lúc tác chiến lại khá thuận lợi. Ta thắng như chẻ tre, địch đầu hàng hàng loạt. Chiến lợi phẩm thu được quá nhiều. Điều này cũng là bất ngờ, ngoài dự kiến. Không chỉ là vũ khí trang bị, lương thực, thực phẩm mà còn hàng trăm phương tiện cơ giới, nhất là ô tô, xe máy... Tù binh cũng quá đông, đến mức chúng tôi không biết quản lý như thế nào, giao cho ai. Sau khi bàn bạc, đơn vị đã thống nhất giao cho địa phương quản lý. Nhưng không ngờ số lượng quá nhiều nên địa phương cũng kiểm tra nhanh rồi cho phóng thích, theo dõi quản lý.
    |
 |
Trung tướng Nguyễn Đức Sơn (bên trái) thắp hương tri ân đồng đội, ngày 21-9-2023. Ảnh: TUẤN HUY
|
Sau khi chiếm được căn cứ Phú Lợi, nhất là khi nghe tin Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, nhân dân rất phấn chấn, bày tỏ sự quan tâm, chăm sóc chu đáo và tình cảm chân tình với Quân giải phóng. Tiếng “má, con” trong không gian còn vương mùi khói súng, bom đạn sao mà thân thương, xúc cảm đến thế. Lòng dân ngay tại hậu phương, sào huyệt của ngụy quyền vẫn hướng về và gắn bó với cách mạng cũng là điều khiến tôi có chút ngỡ ngàng, nhiều suy tưởng. Chúng tôi nhớ lại trước đây có ít giờ, khi bí mật tiếp cận căn cứ Phú Lợi, đã được đồng bào ở Bến Cát, Bình Dương cưu mang. Khi tác chiến, được các đơn vị địa phương phối hợp chặt chẽ, mũi thọc sâu đều có lực lượng giao liên địa phương dẫn đường.
    |
 |
Trung tướng Nguyễn Đức Sơn (thứ hai, từ trái sang) tri ân đồng đội nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Quân đoàn 1. Ảnh: TUẤN HUY |
Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch lịch sử có giá trị, ý nghĩa to lớn của dân tộc ta và của thời đại. Tuy nhiên, ở góc độ, phạm vi cho phép, tôi thấy rằng, cần hiểu đúng bản chất, tránh xuyên tạc, suy diễn về diễn biến của chiến dịch. Không có thắng lợi nào là dễ dàng, “từ trên trời rơi xuống”. Là cán bộ cấp trung đoàn trực tiếp cầm súng chiến đấu trong chiến dịch, tôi khẳng định thực tế khi tiến công vào căn cứ Phú Lợi, địch vẫn chống trả quyết liệt. Quân ta có mũi tiến công thuận lợi nhưng có mũi cũng có khó khăn, tổn thất. Trong trận chiến này, riêng Trung đoàn 165 chúng tôi có 12 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Tổn thất ấy so với nhiều trận đánh mặc dù không lớn nhưng rất đau xót và đầy tiếc nuối, vì ngay trước ngưỡng cửa hòa bình, thống nhất non sông vẫn có đồng đội của chúng tôi phải hy sinh.
Sáng 30-4-1975, đơn vị tôi đã làm chủ được căn cứ Phú Lợi. Tuy nhiên, ngay cả khi đã giành được thắng lợi, vẫn tiếp tục có thương vong xảy ra. Điều đó cho chúng ta bài học về tinh thần cảnh giác, không được chủ quan trong mọi tình huống. Đồng thời, phải trù liệu nhiều phương án và cách xử trí, tránh bị động, lúng túng trong thực hiện các nhiệm vụ tác chiến.
Trung tướng NGUYỄN ĐỨC SƠN
Nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng Tham mưu-Cơ quan Bộ Quốc phòng; nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó tư lệnh về Chính trị Quân đoàn 1