Các đơn vị LLVT đánh vào TP Mỹ Tho đều được trang bị súng AK, B40... Các quận nội thành, mỗi quận đều chuẩn bị một tiểu đội du kích mật. Các xã vùng ven, mỗi xã có một trung đội du kích mật và một trung đội dân công hỏa tuyến. Lực lượng biệt động và du kích mật phối hợp chặt chẽ áp sát các mục tiêu trọng yếu trong TP Mỹ Tho. Lực lượng quần chúng tổ chức thành các đội ngũ với hàng vạn người. Các gia đình ven TP Mỹ Tho, mỗi gia đình đều chuẩn bị 20 giạ gạo phục vụ chiến dịch, phục vụ bộ đội. Bà con ngư dân gần các kênh, rạch chuẩn bị ghe, xuồng sẵn sàng chở bộ đội, du kích. Đơn vị ông Lưỡng được giao nhiệm vụ tiến công vào TP Mỹ Tho. Hành quân tiếp cận thành phố, để ngụy trang an toàn, mỗi người có một tấm vải dù, giống vải dù của địch. Sau những đợt pháo kích vào TP Mỹ Tho, đơn vị nhanh chóng tiêu diệt Đồn Cảnh sát Cầu Quây và tiến vào đường Trưng Trắc. Trên đường chiến đấu, địch xả súng ác liệt từ trên các nhà lầu xuống đường, làm ông Lưỡng bị thương...
    |
 |
Các cựu chiến binh tỉnh Tiền Giang viếng đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ của tỉnh. |
Đại tá Lê Dũng, nguyên Phó chỉ huy trưởng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1 Biệt động TP Mỹ Tho, kể: Đơn vị tôi có hơn 10 cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ tiến công Khám đường TP Mỹ Tho để giải phóng các tù nhân. Trên đường hành quân tiếp cận mục tiêu, đơn vị được bổ sung thêm 4 chiến sĩ. Sau những loạt đạn pháo bắn vào thành phố, chúng tôi vừa cơ động vừa tiêu diệt địch, tiến vào Khám đường Mỹ Tho. Giằng co với địch khoảng 15 phút nhưng vẫn chưa mở được cửa mở, bất ngờ, địch dùng hai xe V100 và một xe Jeep từ nơi khác đến giải cứu. Chúng tôi tiêu diệt xe Jeep và một chiếc V100, sau đó rút ra bằng ghe, thuyền. Trên đường ra, gặp tàu giang cảnh của địch xét hỏi, đồng chí Tòng dùng lựu đạn diệt tại chỗ 2 tên, làm bị thương 3 tên; đồng chí Tòng cũng anh dũng hy sinh…
Tại các vùng ven TP Mỹ Tho, nhân dân tích cực giúp bộ đội vận chuyển pháo, xây dựng công sự trận địa. Kết hợp tiến công của LLVT và các mũi tiến công của lực lượng chính trị quần chúng, tại vùng nông thôn, nhân dân đồng loạt nổi dậy ở nhiều nơi, nhất là huyện vùng sâu, như: Cái Bè, Châu Thành, Cai Lậy… Sau đợt 1 chiến dịch, cùng nhiều mũi tiến công chủ yếu của bộ đội chủ lực, các cấp ủy địa phương đã phát động phong trào “Vùng lõm chiến đấu”. Theo đó, tại các xã, phường, lực lượng du kích bám nắm địch, tổ chức nhiều cách đánh tập kích, phục kích, gài mìn, đặt chất nổ sát thương, tiêu diệt địch... Đêm 5-3-1968, du kích các xã thuộc huyện Cai Lậy dùng mìn phá nổ tại chỗ 6 xe quân sự và phá hủy 72 đoạn lộ… làm địch không thể cơ động lực lượng, phương tiện càn quét, đánh phá. Đoàn kết chiến đấu, anh dũng, sáng tạo, trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân tỉnh Tiền Giang phối hợp với các lực lượng bộ đội chủ lực tiêu diệt hơn 6.000 tên địch, phá hủy 179 xe quân sự, 24 tàu, bắn rơi, bắn cháy 63 máy bay, bức và diệt 94 đồn, bốt…
Lập chiến công xuất sắc, song quân dân tỉnh Tiền Giang cũng chịu nhiều hy sinh, tổn thất. Ngày nay, tỉnh Tiền Giang xây dựng Đài tưởng niệm Chiến dịch Mậu Thân 1968 tại TP Mỹ Tho và tôn tạo nhiều di tích lịch sử, sưu tầm hiện vật, tổ chức nhiều hoạt động phong phú giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN